Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Những bí ẩn khiến cả thế giới ‘sửng sốt’

Tiếp theo những câu chuyện kỳ lạ về chiếc đầu lâu pha lê nguyên chất, chiếc búa từ 140 triệu năm trước, bức điêu khắc lớn nhất nặng 2000 tấn, chiếc đĩa ngoài trái đất… đặt ra những hoài nghi về những phát minh tuyệt vời và bí ẩn từ người cổ đại.

Chiếc nêm kỳ lạ

Một chiếc nêm bằng nhôm được tìm thấy ở Romania vào năm 1974, trên bờ con sông Mures, gần Ayud, Tây Âu. Người ta tìm thấy nó ở độ sâu 11 mét, gần bộ xương của con voi khổng lồ Mastodon, loài động vật đã tuyệt chủng. Vật này giống như đầu chiếc búa khổng lồ. Viện khảo cổ học Cluj-Napoca cho biết chất tạo nên chiếc nêm này gồm một hợp kim nhôm phủ một lớp dày oxit. Hợp kim nhôm này chứa 12 thành phần khác nhau. Kỳ lạ là cho đến năm 1808 nhôm mới được phát hiện trong khi độ tuổi của cổ vật này xuất hiện cùng với hài cốt của con vật đã tuyệt chủng được xác định là từ 11.000 năm trước.

Chiếc đĩa UFO


Chiếc đĩa Loladoffa có niên đại 12.000 năm tuổi được tìm thấy ở Nepal. Điều đó chứng tỏ dường như Ai Cập không phải là nơi duy nhất chứng kiến sự ghé thăm của người ngoài hành tinh thời cổ đại. Đây rõ ràng là một UFO trong hình dạng một chiếc đĩa. Trên đó cũng có những bức tranh và các ký hiệu điển hình tương tự với các vật thể lạ ngoài trái đất.

Chiếc búa bằng hợp kim sắt nguyên chất


Chiếc búa trông có vẻ bình thường này lại làm khó các nhà Khoa học. Phần kim loại của chiếc búa có chiều dài 15 cm và đường kính khoảng 3 inches. Nó đã bị chìm trong đá vôi có niên đại 140 triệu năm, cùng với những mảnh đá khác.

Bà Emma Hahn đã phát hiện ra điều kỳ diệu này vào tháng 6/1934 trong mỏ đá gần thị trấn Mỹ, bang Texas. Các chuyên gia đã giám định, và đi đến một kết luận: đó là một trò chơi khăm. Tuy nhiên, những nghiên cứu sau này với các cuộc điều tra hàn lâm khác nhau đã chỉ ra nó phức tạp hơn ta tưởng.

Đầu tiên, tay cầm bằng gỗ đã hóa đá, và bên trong biến thành than qua hàng triệu năm. Thứ 2, các chuyên gia ở Học viện Metallurgical, Columbus (Ohio) rất kinh ngạc với hợp chất hóa học bị chìm trong đất gồm: 96.6% sắt, 2.6% Clo và 0.74% sulfur, và không có một tạp chất nào. Trong khi, sắt nguyên chất chưa từng được phát hiện trong lịch sử các kim loại trên trái đất. Trong phần kim loại không tìm thấy các kim loại sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất thép (như mangan, coban, niken, vonfram, vanadi hay molypden). Không có tạp chất, và tỷ lệ % của clo lớn bất thường. Đáng ngạc nhiên là không thấy dấu vết của carbon, trong khi quặng sắt từ từ trường Trái đất luôn luôn chứa carbon và các tạp chất khác. Nhìn chung, theo những quan sát hiện đại, phần sắt của chiếc búa không phải là loại chất lượng cao. Nhưng phần đặc sắc là: sắt của chiếc búa này không bị rỉ sét! Không có dấu hiệu của sự ăn mòn.

Tiến sĩ K.E.Bafa, giám đốc Bảo tàng Cổ vật khoáng sản, nắm giữ chiếc búa này ước tính nó được tìm thấy từ đầu thời kỳ kỷ Phấn trắng, tức là từ 140 đến 65 triệu năm trước. Trong khi đó, trình độ khoa học của con người có thể làm công cụ này chỉ có thể từ 10.000 năm trước. Tiến sĩ Hans-Joachim Tsilmer từ Đức kết luận cho khám phá bí ẩn này: chiếc búa được làm từ một công nghệ chưa từng thấy.

Chiếc đầu lâu pha lê làm từ đá thạch anh nguyên chất


Một chiếc đầu lâu pha lê đã được khai quật vào năm 1927 ở Belize City Maya Lubaantuma. Chiếc đầu lâu được tạo từ một mảnh thạch anh nguyên chất với kích thước 12h18h12 centimet. Năm 1970, nó đã được phân tích trong phòng thí nghiệm và đem đến một kết quả tuyệt vời. Hộp sọ được tạo ra không bằng sử dụng các công cụ kim loại. Nó được hoàn thành trong khoảng 300 năm, là một ví dụ tuyệt vời về sự kiên nhẫn và một công nghệ cao chưa lý giải được.

Chiếc pin cổ

Vào năm 1936, nhà khoa học người Đức Wilhelm Koenig làm việc tại Bảo tàng cổ vật ở Baghdad đã mang tới một vật thể lạ được tìm thấy trong quá trình khai quật ở khu Parthian cổ đại gần thủ đô Iraq. Đó là một chiếc bát bằng đất sét nhỏ cao khoảng 15 centimet. Bên trong chưa một chiếc xi lanh của tấm đồng, được bao phủ bởi một chiếc nắp đậy kín, đầu phủ nhựa, giữ cho thanh sắt ở trung tâm chiếc xi lanh hình trụ. Từ đó, tiến sĩ Koenig kết luận rằng, nó là một chiếc pin điện, được tạo ra từ 2.000 năm trước cả phát minh ra pin của Galvani và Volta. Nhà Ai Cập học Arne Eggebreht đã tạo ra bản sao của chiếc pin cổ này trong một chiếc bình đầy giấm rượu và nối với hệ thống đo lường cho thấy có điện áp 0.5 V. Có thể người tiền sử đã sử dụng điện năng để tạo nên những lá vàng mỏng.

Bức điêu khắc lớn nhất

Bức tượng điêu khắc lớn nhất là ở Lebanon nặng 2000 tấn. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng sau 2 giờ lái xe từ Beirut về Baalbek. Thềm Baalbek kéo dài khoảng 20 mét là những khối đá cao 4.5 mét, và dài 4 mét. Kỳ lạ là làm sao tổ tiên của ta lại có thể chạm khắc, vận chuyển và dựng nên những khối đá khổng lồ như vậy? Cho đến nay cũng không có phương tiện kỹ thuật nào có thể di chuyển được.

Những phi hành gia từ Ecuador


Những bức tượng phi hành gia cổ đại có niên đại hơn 2000 năm được tìm thấy ở Ecuador. Đọc cuốn sách của Erich Von Denikin bạn sẽ thấy rất nhiều bằng chứng về việc này. Ông có rất nhiều cuốn sách, trong đó nổi tiếng nhất là “Chariots of the Gods”, với những bằng chứng vật lý và giải mã những chữ tượng hình và những công cụ khác khá thú vị.

Bánh răng kỹ thuật Antikythera


Cơ cấu Antikythera là một thiết bị cơ khí được tìm thấy vào năm 1902 trên một chiếc tàu bị chìm cổ xưa gần các đảo của Hy lạp ở Antikythera. Có từ 100 năm trước công nguyên, nó hiện được lưu giữ tại Bảo tàng khảo cổ quốc gia ở Athens.

Thiết bị chứa 37 bánh răng bằng đồng trong một chiếc hòm gỗ để quay số và mũi tên, sau đó đã được thiết lập lại để tính toán chuyển động của các thiên thể. Các thiết bị khác của phức hợp này chưa từng được biết đến theo văn hóa Hy Lạp.

Nó có kích thước 33x18x10 cm, sử dụng một bánh răng khác tương đương với chiếc đồng hồ cơ học như ta biết là được phát minh vào thế kỷ 18.

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

10 kho báu bí ẩn gây xôn xao ở VN (3)

Bất chấp những nỗ lực chinh phục không ngừng nghỉ của con người, những kho báu khổng lồ vẫn chỉ là những ẩn số chưa bao giờ được khai mở.

Kho báu 4.000 tấn vàng ở Bình Thuận

Sau khi thất bại với kho báu Ioshida ở Vũng Tàu, ông Trần Văn Tiệp vẫn không nản chí. Ông tiếp tục dồn tâm sức vào việc chinh phục một kho báu khác, đó là kho báu ở Núi Tàu (thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), nơi được cho là đang chôn giấu một kho báu lên đến 4000 tấn vàng.
Số vàng này là tài sản mà tướng Nhật Tomoyuki Yamashita đã vận chuyển từ các nước châu Á mà Nhật chiếm đóng đem về Núi Tàu chôn giấu trước khi đầu hàng quân đội Đồng minh trong Thế chiến thứ hai. Ông Tiệp đã có những thông tin đầu tiên về kho báu này vào năm 1963, thông qua tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy là Lê Văn Bường, người giữ tấm bản đồ chỉ nơi chôn kho báu.

Cuộc khai quật kho báu ở Núi Tàu được dư luận quan tâm đặc biệt. 

Năm 1987, ông Tiệp được ông Lê Văn Hiền, lúc đó là bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải (tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay), cung cấp thêm thông tin về kho báu. Đến năm 1992, ông Tiệp cùng ông Hiền xin UBND tỉnh Bình Thuận thăm dò kho báu và được chấp thuận. Từ đó đến năm 2003, họ tiếp tục dồn tiền của, thăm dò nhiều đợt, tìm được một số cổ vật và dấu vết kho báu.
Tháng 10/2011, UBND tỉnh Bình Thuận tái cấp phép thăm dò kho báu. Tháng 6/2012, tiếp tục gia hạn thời gian thăm dò thêm 3 tháng; thời hạn chấm dứt thăm dò là ngày 10/10/2012. Sau đó, ông Tiệp tiếp tục có đơn xin gia hạn và được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận thời gian thăm dò đến ngày 30/6/2013.
Sau ngày 30/6/2013, kho báu vẫn chưa phát lộ, ông Trần Văn Tiệp tiếp tục gửi đơn đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận gia hạn thêm việc khai đào kho báu vì có nhiều phát hiện mới về dấu vết các kho báu này. Vào thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ bao giờ việc khai quật kho báu ở Núi Tàu được nối lại.
Hầm vàng bí ẩn ở Hà Nam

Người dân ở Thanh Liêm, Hà Nam vẫn kể cho nhau nghe một truyền thuyết rằng, vào những đêm trăng sáng có nhiều người đã chứng kiến đàn lợn vàng hàng chục con đùa giỡn trên đường làng. Có tin đồn rằng đàn lợn này là lộc trời cho và có liên hệ tới “hầm thần của”.

Các bậc trưởng lão của làng cho rằng, "hầm thần của" này là nơi chôn giấu vàng của người Tàu. Chủ của kho báu đã yểm bùa rất kỹ để không ai có thể xâm nhập được.

Theo lời kể, hầm vàng rất thiêng. Nhiều người đã lên đây đào bới, thử tìm kiếm cơ may của mình. Song, chỉ cần đào vào đến độ sâu chừng 3m, họ chợt cảm thấy ớn lạnh và khó thở. Càng vào sâu bên trong thì cảm giác này càng gia tăng, vì thế mà chưa một ai dám đào đến tận cùng hầm ngầm.

Sau những đổi thay của xã hội và thiên nhiên, những dấu vết của hầm thần của ngày xưa đã bị xóa nhòa, và có lẽ kho báu này mãi mãi sẽ là một ẩn số lịch sử.

Kho báu khổng lồ của vua Mèo Bắc Hà
Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã phong cho Thổ ty Hoàng Yến TChao chức quan Châu của Bắc Hà (Lào Cai), thông qua đó gián tiếp cai trị cộng đồng dân tộc thiểu số ở khu vực hẻo lánh này.

Được thực dân Pháp hậu thuẫn, Hoàng Yến TChao và con trai là Hoàng A Tưởng đã bóc lột đồng bào không thương tiếc, chiếm đoạt cho mình không biết bao nhiêu tài sản của nhân dân. Ước tính, một mình Hoàng Yến TChao đã chiếm giữ 1/2 số đất đai cả vùng miền núi Bắc Hà. Để thể hiện sự giàu có và uy quyền của mình, cha con Hoàng Yến TChao cũng đã cho xây dựng một dinh thự uy nghi và bề thế giữa lòng cao nguyên.

Sự giàu có tột bậc của Hoàng Yến TChao đã để lại nhiều lời xầm xì bàn tán về kho vàng bạc, châu báu chất đầy trong một căn hầm của ông nằm sâu dưới lòng đất.

Dinh Hoàng A Tưởng ở Bắc Hà. 

Chuỗi ngày sống trên xương máu người của Hoàng Yến TChao chỉ kết thúc khi tỉnh Lào Cai được giải phóng vào năm 1950. Chạy theo thực dân Pháp, toàn bộ gia quyến Hoàng Yến TChao đã tháo chạy vào Đà Lạt, bỏ lại dinh thự nguy nga cùng vô vàn đất đai, tài sản tại Bắc Hà.

Các bậc cao niên tại đây kể lại, trước khi đi, Hoàng Yến TChao còn ép mỗi người con mang theo một gùi vàng, bạc. Nhưng mãi đến tận sau này, người ta vẫn thắc mắc, không hiểu với cả kho của cải cướp được qua nhiều năm, Hoàng Yến TChao đã giấu đi đâu. Bởi những người con của Hoàng Yến TChao, với mỗi người một gùi vàng bạc cũng chỉ tẩu tán được một phần rất nhỏ.

Cho đến ngày nay, vẫn có lời đồn đại rằng đâu đó trong lòng đất phía dưới dinh thự của nhà họ Hoàng còn một kho của cải khổng lồ. Nhiều người đã thử vận may bằng cách đào bới những khu vực quanh đó, nhưng kết quả cho đến giờ vẫn chỉ là con số không…

Kho báu của nghĩa quân chống Pháp ở Hà Giang
Thập niên 1860, hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình nhà Nguyễn, các ông Nguyễn Đình Thái, ông Hoàng Đình Cắm và ông Tăng Văn Dần, thường được gọi là Dần Phụng đã tham gia quân đội, đi trấn áp giặc phỉ, quân phiến loạn ở các tỉnh biên giới phía Bắc và lập được nhiều chiến công lớn.
Khi thực dân Pháp kéo vào xâm lược nước ta, bởi triều đình nhu nhược, ba ông đã tự đứng lên để đánh đuổi quân thù. Sự dũng mãnh, xuất quỷ nhập thần của nghĩa quân do ba ông lãnh đạo đã khiến thực dân Pháp đã nhiều phen khốn đốn, bạt vía kinh hồn khi đưa quân lên Bảo Lạc.
Sau một thời gian đánh Pháp kiên cường, căn cứ ở Bảo Lạc của ba ông đã bị lộ. Thấy không thể cầm cự lâu được ở đây, ba ông đã quyết định kéo quân về Hà Giang để lập căn cứ mới. Nơi ba ông dừng chân là thôn Chùng, xã Phúc Tuy, tổng Yên Long cũ, nay là thôn Vĩnh Chà, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang.
Vào những năm 1885 đến 1888, phong trào đấu tranh của ba ông Cắm, Thái, Dần lớn mạnh không ngừng. Quân Pháp kiên quyết tiêu diệt căn cứ, nên tổ chức quân đội, tay sai đánh rầm rộ từ nhiều phía nhưng mạnh nhất là từ mạn Lục Yên (Yên Bái).
Vào năm 1888, trong suốt hơn chục ngày liên tiếp, nghĩa quân Quảng Mã đã kiên cường chống trả cuộc bao vây của thực dân Pháp, khiến chúng thương vong không biết đâu mà kể. Đến khi kiệt quệ, biết không thể cầm cự thêm, ba ông đã quyết định nghị hòa, giải tán nghĩa quân theo yêu cầu của quân giặc để tránh những thương vong, mất mát không cần thiết.
Khi nghĩa quân giải tán, một phần kim ngân, tiền bạc của phong trào đã được phát cho binh lính để họ về quê ổn định cuộc sống. Phần lớn còn lại, do sợ cướp bóc không thể mang đi nơi khác, nghĩa quân đã quyết định chôn giấu ở ngay căn cứ. Nơi cất giấu kho báu, theo lời kể là khoảnh đất dưới chân một ngọn núi thấp ở thôn Vĩnh Chà, bây giờ người ta quen gọi là núi Bạc.
Từ câu chuyện lịch sử này mà từ nhiều thập niên qua, nhiều người dân địa phương đã tiến hành tìm kiếm kho báu. Có người đã đầu tư cả cơ nghiệp cho cuộc tìm kiếm, khai quật quy mô lớn, nhưng kho báu vẫn chưa một lần lộ diện.

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

10 kho báu bí ẩn gây xôn xao ở VN (2)

Không ít người đã dốc cả sản nghiệp vào việc chinh phục các kho báu ở Việt Nam, nhưng kết quả đạt được chỉ là con số 0...

Kho báu khổng lồ của vua Chăm
Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, nơi vốn là lãnh thổ của đế chế Chăm Pa ngày xưa, giờ đây vẫn còn lưu truyền những lời đồn đại về kho báu khổng lồ được chôn giấu trong lòng đất của các bậc vua chúa Chăm.

Dân gian đã thêu dệt nên những huyền thoại kì bí về kho báu này, như việc nó gồm những chiếc rương bằng gỗ quý trĩu nặng vô số vật dụng, đồ trang sức, triều phục, biểu tượng quyền lực (kiếm và ấn triện) bằng vàng, bạc, ngọc ngà... được trấn giữ bởi những trinh nữ bị táng sống để làm thần giữ của.

Theo những biến thiên lịch sử, những báu vật ấy đã bị mất mát rất nhiều. Nhưng rất có thể một phần của nó vẫn còn nằm trong lòng đất. Điều này được minh chứng bằng việc đôi khi lại rộ thông tin có người tìm thấy nải chuối bằng vàng, con ngựa bằng vàng, pho tượng bằng vàng... tại ngôi cổ mộ, cánh đồng hay khu rẫy nào đó.

Vương quốc Chăm Pa từng trải qua nhiều thế kỷ phát triển rực rỡ.

Quay ngược lại lịch sử, hơn 170 năm trước, các bảo vật Chăm vẫn do các thế hệ con cháu vua Chăm giữ. Số phận lưu lạc của chúng bắt đầu năm 1831, khi Lê Văn Khôi nổi loạn chống lại triều đình nhà Nguyễn, chiếm 3 tỉnh Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết.

Sau khi dẹp được Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng đã thẳng tay đàn áp con cháu vua Chăm vì tội hợp tác với quân nổi loạn. Một bộ phận người Chăm phải di cư sang Campuchia lánh nạn, số khác mang theo các bảo vật của tổ tiên lên núi sống với người Churu và Raglai. Đến đời Vua Thiệu Trị, lệnh đàn áp mới được hủy bỏ. Dù vậy con cháu của vua Chăm không mang báu vật cha ông xuống núi mà gửi lại cho những bộ tộc đã chở che cho mình lúc hoạn nạn.

Số báu vật này lúc đầu rất nhiều, nhưng do chiến tranh, loạn lạc, cướp bóc mà không còn lưu giữ được bao nhiêu bảo vật. Tấn bi kịch của kho báu này đã xảy ra cuối thập niên 1970, khi 3 ngôi đền Sóp, Krayo và Sópmadronhay do người Churu xây dựng để thờ các vua chúa Chăm và lưu giữ kho báu đã bị máy bay Mỹ ném sập và các toán quân Mỹ tràn vào chiếm đóng.

Đến nay người Raglai vẫn cất công lưu giữ các báu vật còn lại mà vua chúa Chăm ngày trước gửi lại, và người Chăm cũng không có ý định thu hồi là vì giữa hai tộc người có mối quan hệ mật thiết, gần gũi như anh với em.

Kho báu của người Tàu ở Hoài Đức, Hà Nội
Theo giai thoại được truyền từ đời trước của người dân xã Vân Côn (huyện Hoài Đức, Hà Nội), khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh thua chạy về nước, tướng giặc không thể đem theo số vàng bạc khổng lồ vơ vét được về nước nên đã nghĩ ra cách chôn và trấn yểm tại núi Vân Côn và chôn sống một cô gái đồng trinh để làm thần giữ của.

Kể từ đó, không ít người tìm cách xâm nhập kho báu này, nhưng thuật trấn yểm của người Tàu quá cao tay, không những không đạt được mục đích mà những kẻ săn lùng kho báu còn liên tiếp gặp chuyện bất hạnh, khuynh gia bại sản.

Một giai thoại khác thì cho rằng, 700 năm trước người Tàu đã qua đây làm ăn, buôn bán rồi trở nên giàu có. Sau đó, người ở quê nhà có việc lớn, họ buộc phải để lại cơ nghiệp và một đống châu báu để về nước. Không đành lòng để mất của cải, những người Tàu này đã chọn ra cái hang có bốn tảng đá tạo thành kéo dài vào núi Vân Côn để chôn giấu của cải. Để bảo vệ kho báu, họ bắt một thiếu nữ đem chôn sống để trấn yểm.

Những lời đồn đại về kho báu ở núi Vân Côn khiến không biết bao người dân đã bỏ công sức, tiền bạc mong một ngày khám phá ra kho báu ở nơi đây. Trong số đó có ông Nguyễn Tài Hận, một người giàu có ở địa phương.
Ông Hận đã bỏ tiền của thuê hàng chục trai tráng trong làng làm nhân công khai quật kho báu và mua các các loại máy móc hạng nặng như máy xúc, máy khoan. Bản thân ông luôn hăng hái dẫn đầu nhóm người tìm kho báu luồn sâu vào trong hang núi. Dù vậy, sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm không có kết quả, họ đã phải chấp nhận bỏ cuộc.
Từ ấy, chẳng biết là sự trùng hợp hay sự trừng phạt của “hồn ma trinh nữ”, mà chuyện làm ăn của ông Hận liên tiếp gặp vận rủi. Từ một người giàu có nhất làng, ông gần như phá sản.

Kho báu Ioshida ở Vũng Tàu

Năm 1971, nhà săn lùng kho báu Trần Văn Tiệp tình cờ quen một trung úy thông ngôn cho quân đội Nhật tại Việt Nam trước 1945 là ông Năm Thuận. Theo ông Thuận, tại Bình Giã, Bà Rịa-Vũng Tàu có một kho báu khá lớn do đại tá Ioshida, thuộc cấp của tướng Yamashita, chỉ huy chôn giấu.
Hai năm sau, khi khánh thành ngôi chùa trên Núi Lớn ở Vũng Tàu, ông Tiệp thấy khoảng 50 người Nhật, trong đó có một nhà sư tên Ioshida xuất hiện. Sau khi tham gia lễ khánh thành chùa, những người Nhật này đến một nhà nguyện của Giáo hội Tin Lành ở số 60 Bình Giã, phường 8, TP Vũng Tàu ở gần đó đo đạc, quay phim và ghi chép.
Tìm hiểu thêm ông Tiệp biết ngôi nhà nguyện xây vào năm 1971 và khi san ủi mặt bằng đã bật lên một nắp hầm bê tông lớn. Sau đó mục sư cai quản cho lấp lại và xây dựng ngôi nhà nguyện lên trên.
Đặc biệt, trong thời gian bám đuổi kho báu này, ông Tiệp còn được một người giấu tên đưa cho một cuốn kinh thánh mà chỉ cần nhúng nó vào nước thì toàn bộ sơ đồ chỉ những vị trí của kho báu trong khuôn viên nhà nguyện Bình Giã sẽ hiện lên. Vì chưa đủ điều kiện nên ông Tiệp xếp mật đồ vào vali chờ cơ hội.
Tháng 12/1989, ông Tiệp có đơn xin thăm dò, khai thác tài sản nghi chôn giấu dưới nhà nguyện Bình Giã. Sau khi ông Tiệp làm cam kết, Hội thánh Tin Lành không phản đối và tháng 2/1990, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép ông Tiệp khảo sát, tìm kiếm kho báu.
Ròng rã gần bốn năm tìm kiếm, “kho báu” Bình Giã vẫn không được khai mở. Do việc truy tìm kho báu ngay trong khuôn viên nhà nguyện gây nhiều phiền phức cho các giáo dân, năm 1994 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định đình chỉ việc tìm kiếm.

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

10 vũ khí siêu kỳ quái của Đức quốc xã

Chính quyền Hitler từng nuôi hy vọng tấm gương khổng lồ "Sun Gun" rộng 1,5 km có thể đun sôi nước biển và thiêu rụi những thành phố dưới mặt đất.

1. Máy bay Heinkel He 162

Chỉ trong 3 tháng, máy bay Heinkel He 162 (còn có tên gọi khác là Volksjäger, trong tiếng Đức có nghĩa là "Chiến binh của nhân dân") được thiết kế và đưa vào sử dụng ngay trong năm 1944. Nó được thiết kế để những lính mới hoặc chưa trải qua khóa đào tạo phi công cũng có thể lái. Máy bay này "ra lò" được xem là giải pháp tình thế hữu hiệu trong bối cảnh số lượng át chủ bài của lực lượng không quân Đức quốc xã tử trận ngày càng nhiều và thời gian để đào tạo phi công mới mất rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, chiếc máy bay này có cấu tạo vô cùng phức tạp với những lính mới chưa qua đào tạo bài bản. Thêm vào đó, cánh máy bay hầu như được làm từ gỗ, chỉ có thân máy bay làm từ kim loại. Mặc dù chiếc máy bay nguyên mẫu đầu tiên đã gãy cánh trong một chuyến bay thử nghiệm nhưng chính quyền Hitler vẫn cho sản xuất 116 chiếc máy bay Heinkel He 162. Tuy nhiên, có rất ít chiếc có thể thực hiện nhiệm vụ bay thành công.

2. Xe tăng Panzer VIII Maus

Panzer VIII Maus là một mẫu xe tăng siêu nặng và là xe chiến đấu bọc thép lớn nhất từng được con người chế tạo. Tiến sĩ Ferdinand Porsche đã thiết kế Panzer VIII Maus dài hơn 50% so với xe tăng lớn nhất của Đức sau đó và nặng gấp 3 lần phương tiện đó.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất đường xá, cầu cống dường như không thể chịu đựng sức nặng của một chiếc xe tăng Panzer VIII Maus. Thêm vào đó, nó được thiết kế có khả năng lội nước ở độ sâu trên 13m. Với những thiết kế cồng kềnh và không mấy khả thi nên Đức quốc xã chưa bao giờ cho chúng thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, mẫu xe tăng này được cho là vũ khí mang tính hình tượng hơn là có tính khả dụng. Quân đội Liên Xô và Anh đã bắt được một chiếc xe tăng Panzer VIII Maus chưa hoàn thiện của Đức quốc xã.

3. Tàu lượn Ju 322 Mammut


Trong khi tìm kiếm một loại vật liệu thích hợp để thay thế cho máy bay chở hàng, Đức quốc xã đã ký hợp đồng với công ty máy bay Junkers để sản xuất cho họ một nguyên mẫu. Với thiết kế như một chiếc tàu lượn, Ju 322 Mammut (hay còn gọi Mammoth ) giống như một chiếc máy bay với cánh bay khổng lồ. Nó có độ sải cánh hơn 60m.
Tháng 4/1941, Ju 322 Mammut có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Trong lần bay ấy, nó bay không ổn định và người ta phải mất gần hai tuần mới có thể kéo Ju 322 Mammut trở lại sân bay sau khi gặp tai nạn. Thêm vào đó, chiếc tàu lượn này không thể chở nhiều hàng hóa như dự định ban đầu. Cụ thể, trong một bài kiểm tra, một chiếc Panzer III bị đổ nghiêng về phía bên phải. Một tháng sau đó, chương trình sản xuất loại tàu lượn trên bị hủy bỏ. Nguyên mẫu đã được sản xuất trước đó bị phá nhỏ và đem dùng làm nhiên liệu.
4. Rocket U-Boat

Để tấn công lãnh thổ trên đất liền của Mỹ, Đức quốc xã đã lập ra một số dự án khá điên rồ và không có kế hoạch nào trong đó được thực hiện. Một trong những đề án đầy táo bạo mà Hitler dự định cho triển khai là Rocket U-boat. Loại tên lửa trên được thiết kế sẽ phóng từ một tầm ngầm. U-511 là chiếc đầu tiên được trang bị Rocket U-Boat. Tuy nhiên, loại rocket trên rất kém trong khả năng dẫn đường và gặp khó khăn lớn trong việc di chuyển ở dưới nước.
Năm 1943, kế hoạch trên đã bị dừng lại sau khi các chuyên gia của Đức quốc xã phát triển thành công tên lửa V-2. Tuy nhiên, loại tên lửa này lại quá lớn để có thể trang bị cho các tàu ngầm. Để khắc phục tình hình trên, người ta thiết kế 3 tên lửa V-2 do tàu ngầm U-boat Type XXI chở đến địa điểm dự định tấn công và sau đó sẽ phóng từ bên trong tàu ngầm. Tuy nhiên, không có chiếc tàu ngầm U-boat Type XXI nào phóng thành công tên lửa trên trước khi Chiến tranh thế giới II kết thúc.

5. Máy bay Fieseler Fi 103R
Fieseler Fi 103R (Reichenberg) là phiên bản của bom bay V-1 (còn gọi là Fieseler Fi 103) có người điều khiển của Đức quốc xã vào cuối Chiến tranh thế giới II. Nó được sản xuất để phục vụ cho các nhiệm vụ của "Phi đoàn Leonidas", Không đoàn V thuộc Kampfgeschwader 200.

Loại máy bay này cho phép phi công nhảy dù ra khỏi máy bay ở những thời khắc cuối cùng khi máy bay gặp nạn. Tuy nhiên, trong một số cuộc thử nghiệm, vì sức gió quá lớn, phi công đã gặp rắc rối khi điều khiển dù. Một số phi công đã tử nạn trong các lần bay thử nghiệm. Tuy nhiên, vẫn có gần 100 người tình nguyện tham gia chương trình được gọi là lái máy bay cảm tử. Hitler đã cho sản xuất khoảng 70 chiếc Fieseler Fi 103R nhưng không hề xuất hiện trong bất cứ chiến dịch hành động nào suốt thời chiến.

6. Súng phóng rocket đất đối không không điều khiển Fliegerfaust

Fliegerfaust còn được gọi Luftfaust là súng phóng rocket đất đối không không điều khiển. Nó được thiết kế để một người lính sử dụng. Do tầm bắn thấp chỉ khoảng 460m nên nó chỉ có tác dụng sát thương những loại máy bay bay khá sát mặt đất.
Hitler đã ra lệnh cho sản xuất hơn 10.000 chiếc Fliegerfaust nhưng không biên chế rộng rãi. Người ta chỉ nhìn thấy 80 chiếc vào cuối tháng 4/1945. Trong bức ảnh chụp tại thủ đô Berlin sau khi quân Đồng minh tiến vào đây, một số vũ khí loại trên đã nằm trong đống đổ nát.

7. Máy bay Zeppelin Rammer

Vào tháng 11/1944 , Đức quốc xã cho thiết kế máy bay Zeppelin Rammer. Nó sẽ nằm trong một chiếc máy bay khác và được chở vào khu vực máy bay ném bom của quân Đồng minh rồi mới phóng đi thực hiện nhiệm vụ.

Một khi máy bay được phóng đi, các phi công sẽ khởi động động cơ tên lửa và điều khiển máy bay bay về phía chiến đấu cơ của quân địch rồi phóng tên lửa trong chuyến bay đầu tiên. Trong lần phóng thứ hai, nó sẽ tấn công trực diện máy bay kẻ thù. Sau khi sử dụng hết nhiên liệu, Zeppelin Rammer sẽ hạ cánh ở một địa điểm thích hợp để tiếp nhiên liệu và lại được đưa lên bầu trời tác chiến lần nữa. Tuy nhiên, quân Đồng minh đã ném bom phá hủy nhà máy sản xuất loại máy bay này, vì vậy, đã không có chiếc nào được sản xuất ngoài vài chiếc nguyên mẫu.

8. Tên lửa Taifun

Tên lửa Taifun hay còn gọi “typhoon” là một tên lửa do Klaus Heinrich Scheufelen thiết kế năm 1944. Nó được xem là một giải pháp nhằm tiêu diệt máy bay ném bom của quân Đồng minh.
Loại tên lửa này sẽ do một nhóm binh sĩ điều khiển phóng đi khi máy bay của họ đi ngang qua phương tiện chiến đấu của kẻ thù. Giá thành sản xuất loại vũ khí này tương đối rẻ và có hiệu quả. Taifun được thiết kế có một bộ phận phát nổ trong đó có đồng hồ đếm ngược tự phát nổ để đề phòng trường hợp máy bay bị rơi. Hitler đã cho ra lệnh sản xuất hơn 2 triệu tên lửa Taifun nhưng trên thực tế, chỉ có 600 chiếc được sản xuất. Tuy nhiên, người ta chưa bao giờ nhìn thấy quân đội Hitler sử dụng chúng.

9. Súng trường Krummlauf
Đức quốc xã đã phát triển hai phiên bản súng trường Krummlauf dành cho lính bộ binh và lính tăng. Nó được thiết kế cho phép người sử dụng bắn ở nhiều hướng khác nhau như các góc nghiêng 30 độ, 45 độ hoặc 90 độ.
Vào năm 1944, Hitler cho ra lệnh sản xuất 10.000 khẩu súng loại này. Tuy nhiên, phải đến năm 1945, phiên bản súng trường Krummlauf dành cho xe tăng mới được hoàn thành và được xuất xưởng với số lượng rất ít.

10. Sun Gun

Năm 1923, nhà khoa học Hermann Oberth đã đưa ra ý tưởng phát triển "Sun Gun". Nó là một tấm gương khổng lồ rộng hơn 1,5 km và sẽ được đưa vào quỹ đạo địa tĩnh trên Trái Đất. Đức quốc xã đã rất nghiêm túc khi phác thảo kế hoạch này. Khi đó, chính quyền Hitler hy vọng sẽ có thể đun sôi nước biển và thiêu rụi những thành phố dưới mặt đất bằng tấm gương khổng lồ Sun Gun.

Đức quốc xã không công bố bất cứ chi tiết nào về kế hoạch phát triển loại vũ khí này. Kế hoạch đó được cho là sẽ mất khoảng 15 năm để hoàn thành. Tuy nhiên, người ta không chắc rằng loại vũ khí này có khả năng hoạt động vĩnh viễn bởi ánh sáng không thể chỉ tập trung mạnh tại một nơi.

Oberth cho hay, khi còn là giáo viên, ông đã nảy ra ý tưởng táo bạo này. Vào thời điểm đó, những học sinh đã làm phiền ông bằng chiêu dùng gương cầm tay nhỏ phản chiếu ánh sáng.

10 kho báu bí ẩn gây xôn xao ở VN (1)

Có rất nhiều câu chuyện khác nhau lưu truyền trong dân gian về những khó báu khổng lồ bí mật ở Việt Nam.
Kho báu dưới giếng thiêng bị yểm bùa ở Bắc Giang
Lâu nay, người dân xã Vô Tranh (huyện Lục Nam, Bắc Giang) vẫn đồn đại với nhau về một kho báu bí mật được chôn gần cái giếng Chợ ở thôn Tranh. Theo các bậc lão làng kể lại, trước đây người Tàu đã chôn rất nhiều vàng bạc của cải kèm theo một trinh nữ để yểm không cho người ngoài xâm nhập.

Xung quanh kho báu này đã xuất hiện nhiều câu chuyện nhuốm màu sắc hoang đường như những đàn lợn vàng, chó vàng chạy ra từ hướng cái giếng rồi mất tích một cách bí ẩn…

Trong một lần nạo vét giếng, người dân đã phát hiện dưới sâu lớp bùn trong lòng giếng có một con chó đá ở cổ có đeo vòng Tràng Hạt và một cái chuông. Điều này khiến người dân nơi đây càng tin vào những câu chuyện lạ lùng quanh chiếc giếng.


Chiếc giếng ở xã Vô Tranh.

Cách đây hơn chục năm có vài người trên huyện Lục Ngạn xuống đo đạc và tìm kiếm kho báu. Họ lắp máy bơm với ý định bơm cạn cái giếng nhưng bơm mãi nước trong giếng cũng chỉ cạn có chừng mực mà không cạn hết được. Trong đoàn có người xuống lòng giếng và thọc tay sâu xuống lớp bùn lấy lên một nắm cát, sau khi quan sát kĩ họ công nhận có vàng sa khoáng.

Công việc đang được tiến hành suôn sẻ thì bỗng dưng có mấy người tự xưng là dân làng bên sang tranh và giở luật giang hồ, cuộc xô xát xảy ra và những người ở Lục Ngạn bỏ lại đồ đạc máy móc chạy thoát thân.

Sau khi chiếm được giếng, những người chủ mới tiến hành tìm kiếm nhưng tìm mãi cũng không thấy kho báu ở đâu. Một biểu hiện khá lạ là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh đang làm, tự dưng bị ốm mệt mỏi, uống thuốc cũng không khỏi nhưng khi làm lễ cúng lại đứng dậy đi làm bình thường.

Rốt cục, sau khoảng nửa tháng tìm kiếm, dù đã sử dụng cả các loại máy móc hiện đại, họ không tìm được gì mà còn phải tiêu tốn khoản chi phí khá cao cho thuê người, thuê máy.

Theo cán bộ xã Vô Tranh, có rất nhiều người dùng máy dò đến tìm kho báu nhưng chỉ tìm được những đồng tiền cổ, còn vàng thì chưa ai tìm thấy cả.

Theo lời người làng, những người đụng chạm đến cái giếng với ý đồ tìm kho báu đều có chung một kết cục về sau này là làm ăn thất bát, con cái đau ốm, gia đình lục đục dẫn đến ly hôn.

Kho báu của giặc khăn vàng ở Lạng Sơn
Theo khẳng định của người dân làng Khỏn Sình, phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn thì miếu Thổ Công của làng là nơi chôn giấu một kho báu rất lớn. Vì thế mà từ hàng trăm năm nay, dân làng Khỏn Sình canh giữ miếu rất nghiêm ngặt không cho ai xâm phạm.

Theo các lời kể, có nhiều lần dân làng nhặt được tượng đồng đen gần miếu. Nhưng mọi người đều đem vứt xuống sông vì nơi đây có quan niệm rằng đồng đen là thứ mang đến rủi ro, có thể ám cả nhà ốm đau, bệnh tật mà chết...


Miếu Thổ Công của làng Khỏn Sình.

Vào đầu những năm 1990, có vài người lạ mặt đến miếu Thổ Công đào bới. Địa điểm đào nằm ngay dưới gốc cây si và cây gạo cạnh miếu để tìm cổ vật. Không rõ những người lạ mặt đó có đào được thứ gì hay không, nhưng chỉ sau hai đêm đào bới, nhóm người này bỏ đi. Kể từ đó đến nay, xung quanh miếu Thổ Công đã diễn ra một số đợt đào bới lẻ tẻ do dân làng tự tổ chức để tìm kiếm đồ cổ nhưng không được.

Theo dân làng Khỏn Sình, kho báu là của quân khăn vàng thời Thái Bình Thiên Quốc chạy loạn xuống phương Nam để lại. Thông tin này có được do trong làng có một gia đình giữ được cuốn gia phả của dòng họ. Trong cuốn gia phả đó có nói đến các địa điểm ở các tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn và Quảng Ninh chôn giấu vàng. Tuy nhiên, khối lượng vàng, bạc được chôn giấu nhiều hay ít thì cuốn gia phả không nói đến. Hiện nay, cuồn gia phả đã bị thất lạc.

Cũng theo dân làng, khoảng năm 1952 - 1953, có một người bộ đội đào được một chum vàng trong lúc đào hầm trú ẩn ở bờ sông Kỳ Cùng, ngay trước miếu Thổ Công. Khi đào được, anh bộ đội này đã đem cả chum vàng chôn lại gần một bụi tre để đánh dấu cho dễ nhớ. Sau đó ít lâu, đơn vị của người bộ đội được điều động vào miền Nam đánh Mỹ.

Trước lúc hi sinh, người bộ đội này đã viết một bức thư về cho gia đình, trong thư anh đã vẽ sơ đồ nơi anh chôn chum vàng, dấu hiệu nhận biết... Khi hòa bình lập lại, gia đình của người chiến binh này đã tìm đến miếu Thổ Công và đào được chum vàng mà anh bộ đội chôn giấu.

Hiện tại, người dân vẫn hàng ngày canh giữ miếu để “kho báu” không lọt vào tay của những cánh thợ chuyên đào bới, săn lùng đồ cổ.

Kho vàng Hời ở Khánh Hòa
Chùa Hoa Tiên ở thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa bấy lâu nay vẫn được cho là nơi chôn giấu “kho vàng Hời”, một kho báu cực lớn mà người xưa để lại. Theo lời đồn, kho báu này nằm dưới một gốc cây đại thụ có đường kính thân bằng vòng ôm của hơn chục người, được gọi là cây cốc.

Lời kể từ xa xưa truyền lại rằng, đó là một kho báu của quý tộc Chăm gồm vô số tượng vàng, ngọc ngà. Kho báu được canh giữ bởi những trinh nữ bị chôn sống làm ma nhằm trấn giữ kho vàng.

Vào ban đêm, dân trong vùng thường thấy ánh vàng sáng rực di chuyển quanh gốc cây thần và khuôn viên chùa. Hiện tượng này được gọi là "vàng đi ăn". Có người cho rằng, những luồng sáng đó là hồn của những trinh nữ bị chôn sống hóa thân thành…

Một câu chuyện khác kì dị không kém là khoảng hơn nửa thế kỷ trước, dưới gốc cây cốc đại thụ kia bỗng lồi lên pho tượng. Vì nghĩ đó là vật thiêng nên thầy trụ trì kính cẩn mang vào chùa thờ. Ai ngờ nửa đêm thì tượng bỗng dưng rơi xuống đất, đầu lìa khỏi thân. Lời đồn rằng pho tượng không muốn rời khỏi cây cốc nên thầy trụ trì đã mang tượng ra đặt trở lại vị trí cũ.

Vì những câu chuyện nhuốm màu ma quái mà không có người nào cả gan xâm phạm đến gốc cây thiêng cùng kho báu của chùa Hoa Tiên.
(Còn nữa)

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

“Phật sống” chết bí ẩn trong đại cung Tây Tạng

4 đời Đạt Lai Lạt Ma từ vị thứ 9 đến vị thứ 12, tất cả đều qua đời trong những hoàn cảnh hết sức khó hiểu.
Đại cung Potala cho đến ngày nay vẫn còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, ông được cho là sự hóa thân của một vị lãnh tụ tôn giáo sống vào cuối thế kỉ 14. Vào nửa đầu thế kỷ 19, Potala là nơi chứng kiến những trận chiến giành quyền ảnh hưởng giữa các hòa thượng, tầng lớp quý tộc Tây Tạng và các nhà lãnh đạo người Trung Quốc.

Các sử gia Tây Tạng cũng như nhiều người Tây Tạng tin rằng, nạn nhân của các cuộc đấu tranh này là 4 đời Đạt Lai Lạt Ma từ vị thứ 9 đến vị thứ 12, tất cả đều qua đời trong những hoàn cảnh hết sức khó hiểu, và không ai trong số 4 vị này sống sót qua tuổi 21.

Trần tục trong cõi thiên đường
Những gì được xem là cái ngày đen tối nhất trong lịch sử Tây Tạng đã bắt đầu bằng cái chết của vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 8 vào năm 1804. Theo đó, ngài Jamphel Gyatso đã lên ngôi vào năm 1762 và giống như 3 vị Đạt Lai Lạt Ma khác, ngài đã cống hiến vào sự ổn định của đất nước mình.

Nhưng trước khi ngài qua đời, nhiều sự kiện liên quan đến tương lai của Tây Tạng đã dậy lên. Hoàng đế Càn Long của triều đại Thanh đã thoái vị vào năm 1796, để lại cho những người kế vị mối bận tâm về vùng đất mà người Trung Quốc đã nhăm nhe thống trị trong nửa thế kỷ. Sự suy thoái của nhà Thanh đã để lại 2 hệ quả: những quan lại được phái từ Bắc Kinh đến Lhasa để củng cố quyền lực của người Trung Quốc tại xứ sở này, trong khi đó giới quý tộc Tây Tạng đã phối hợp với nhà Thanh để tái giành quyền ảnh hưởng chính trị mà họ đã mất kể từ năm 1750.

Đối với người Trung Quốc, khoảng trống quyền lực nằm trong tay một thiểu số các đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị lãnh tụ Phật giáo Tây Tạng đã sớm cảnh giác mối đe dọa từ ông láng giềng Trung Quốc. Và ngay trong lòng đại cung Potala cũng không hẳn là chốn thanh bình của cửa Phật mà thực sự từng tồn tại những âm mưu sát hại, tranh giành quyền lực ghê tởm từ một nhóm lãnh đạo dưới quyền Lạt Ma ngang bướng.

Thực vậy, những câu chuyện mưu sát của thời kỳ này là một seri trinh thám hấp dẫn của nữ hoàng truyện trinh thám lừng danh Agatha Christie. Tất cả các âm mưu trong Potala đều xoáy vào một mục tiêu duy nhất: triệt hạ Đạt Lai Lạt Ma. Bản thân tòa cung điện đồ sộ này đã ẩn tàng một cái bẫy giết người khổng lồ.

Tòa cung điện được xây dựng vào đầu năm 647 bởi chính Tùng Tán Can Bố, vị quốc vương vĩ đại nhất của Tây Tạng. Cấu trúc của Potala như chúng ta đang thấy là được xây dựng trong vòng 1.000 năm sau đó, phức hợp được mở rộng vào thập niên 1930. Nó thực sự là 2 cung điện gộp lại: Bạch Cung, là nơi cai trị của chính quyền Tây Tạng cho mãi đến năm 1950, và Hồng Cung, nơi đặt các stupa – lăng mộ các Đạt Lai Lạt Ma.

Nằm giữ Hồng Cung và Bạch Cung là 2 tòa kiến trúc, nơi tồn tại đến hàng ngàn gian phòng, gồm 200.000 pho tượng và một mê cung hằng hà sa số các hành lang liên miên bất tuyệt, khiến người ta có cảm giác như lạc vào mê trận đồ nào đó không có lối ra. Các hành lang mênh mông này đủ để che giấu một đội quân khổng lồ những tên thích khách.


Đại cung Potala.

Chỉ có một số ít trong hệ thống phòng ốc của đại cung Potala là nơi người thế giới bên ngoài có thể thâm nhập để tham quan, học tập. Ông Perceval Landon, một phóng viên của tờ Times tại London đã đến Lhasa vào năm 1904 cùng với sự xâm lược của quân Anh được dẫn đầu bởi Francis Younghusband, đã cay đắng thất vọng khi nhìn thấy nội thất của đại cung Potala. Landon viết: “Buồng ngủ của các vị tu sĩ lạnh lẽo, trần trụi và bẩn thỉu… tương phản hoàn toàn với sự đồ sộ, sơn son thếp vàng của mặt tiền đại cung”.

Những cái chết đáng ngờ của 4 đời Đạt Lai Lạt Ma
Trường hợp tử vong đáng ngờ đầu tiên đã diễn ra vào năm 1815 khi đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 9, mới 9 tuổi, Lungtok Gyatso, đã bị ốm nguy kịch mà người ta ngờ là chứng viêm phổi trong lúc ngài đang tham dự một lễ hội mùa đông Tây Tạng. Theo ông Thomas Manning, người Anh đầu tiên đặt chân đến Tây Tạng, ông đã 2 lần gặp Lungtok Gyasto ở Lhasa, khi đó ngài là một chú bé đáng yên, lịch thiệp, tinh tế, thông minh và hoàn toàn độc lập ngay từ khi mới lên 6.
Một sự trùng hợp khác được nghi là nguyên nhân gây nên cái chết của Lungtok Gyasto tại Potala là căn bệnh bí hiểm chợt phát sinh sau khi ngài viếng thăm hồ Lhamoi Latso. Những lời đồn đại lan truyền ở Lhasa, sử gia Gunther Schulemann cho rằng, chắc chắn đã có “một số người cố gắng tìm cách thoát khỏi cái bóng của Lungtok Gyatso”.

Người kế nhiệm là đức Đạt Lai Lạt Ma Tsultrim Gyatso. Ngài qua đời lúc gần tròn 21 tuổi sau khi đổ bệnh và tạ thế vào năm 1837. Khi còn sống, ngài khuyến khích phát triển kinh tế của Tây Tạng cũng như tăng thuế đánh vào tầng lớp quý tộc giàu có. Theo các nguồn tin chính thức, thuốc uống được quản lý nghiêm ngặt và giới chức sắc tìm cách can thiệp nhằm cứu mạng cho ngài, nhưng bệnh tình của ngài vẫn ngày một thêm trầm trọng và không lâu sau thì qua đời.

Một nguồn tin từ phía Trung Quốc cho rằng, cái chết của vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 10 ít nhiều có liên quan đến bàn tay của nhà Thanh khi bỗng dưng trần nhà ở một trong các phòng của đại cung Potala sập xuống đã khiến ngài bị thiệt mạng trong lúc đang say ngủ. Và 40 năm sau đó, ông W.W. Rockhill, một học giả Mỹ tại Tây Tạng, đã tiết lộ rằng trong lúc dọn dẹp căn phòng đổ nát, người ta nhìn thấy một vết thương lớn ngay trên cổ của vị Đạt Lai Lạt Ma trẻ.



Các sử gia trong thời kỳ đó đều đoán chắc về giả thuyết cái chết của đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 10: Nhiếp chính Ngawang (theo cách gọi của các nhà văn phương Tây) tự xưng mình là Lạt Ma tái thế và đã nắm quyền vào năm 1822. Học giả người Italy Luciano Petech nhận xét: "Nhiếp chính Ngawang là nhân vật gian ngoan, lươn lẹo và là “nhân vật quyền lực nhất của Tây Tạng trong suốt thế kỷ 19”.

Các học giả đều thống nhất quan điểm cho rằng ông ta muốn tìm cách loại trừ đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 10 sau khi cảm thấy quyền lực của mình đã đủ lớn mạnh để tạo thành một âm mưu lật đổ.

Vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 11 đã không sống thọ. Đức Khedup Gyatso cũng qua đời tại Potala. Đạt Lai Lạt Ma Khedup Gyatso qua đời trong một trận chiến thảm khốc giữa Tây Tạng và Gurkhas thuộc vương quốc Nepal. Rất có thể một cuộc tranh giành quyền lực do nhà Thanh đứng phía sau giật dây đã nổ ra ở Lhasa. Quyền lực của Khedup Gyatso chi phối mạnh mẽ ở Lhasa, và nó chính là lý do khiến cho ngài trở thành mục tiêu của những kẻ ám sát.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 12 Trinle Gyatso lên ngôi ngay sau cái chết của đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 11. Thời thơ ấu của Ngài gắn liền với học thuật và viếng thăm các thiền viện hẻo lánh. Lên ngôi vào năm 1873 ở tuổi 18, ngài chỉ nắm quyền được 2 năm ngắn ngủi thì qua đời, và chịu ảnh hưởng chi phối của Chamberlain, tức Ban thiền Lạt Ma Dhondrup.

Dhondrup tự tử chết vào năm 1871 sau một phán quyết của tòa án. Xác của ông bị chặt đầu và chiếc đầu của ông được treo để thị chúng như một lời cảnh báo. Nhà văn Hà Lan Ardy Verhaegen cho rằng cái chết của Dhondrup khiến cho đức Trinle Gyasto bị sốc, ngài đã đi lang thang khắp Potala trong suốt 4 năm, sau cùng đã ngã bệnh và qua đời chỉ 2 tuần sau đó.

Nhưng khó hiểu nhất là chứng bệnh kỳ quái của Ngài, khi chết Ngài không nằm trên giường bệnh mà thay vào đó là chết trong tư thế thiền định và xoay về hướng Nam.

Cái chết của ngài khiến người ta không ít ngờ vực. Sử gia Trung Quốc Yan Hanzhang từng viết: “Di hài và tất cả các món đồ trong buồng của đức Đạt Lai Lạt Ma đều giữ nguyên hiện trạng khi xác chết được phát hiện”. Khám nghiệm pháp y không chứng minh được điều gì, nhưng theo sử gia Yan Hanzhang thì cái chết của ngài là hệ quả của cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhiếp chính và chủ nông nô ở Tây Tạng.

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Bí ẩn 10 nền văn minh bị “xóa sổ”

Bên cạnh những nền văn minh nổi tiếng như Hy Lạp, La Mã, còn có những đế chế hùng mạnh khác trong lịch sử đã bị xóa sổ đầy bí ẩn.

10. Aksum
Aksum (hay còn gọi Axum) là vương quốc của Nữ hoàng Sheba đã biến mất khỏi trái đất từ lâu. Vương quốc này từng trở thành hình mẫu đi đầu trong trí tưởng tượng của các nước phương Tây.

Vương quốc của người Ethiopia không phải huyền thoại. Nó là một cường quốc thương mại quốc tế. Nhờ mạng lưới giao thông của sông Nile và Red nên thương mại Aksum phát triển mạnh. Vào thời gian đầu công nguyên, hầu hết người Ethiopia nằm dưới sự cai trị của đế chế Aksumite. Với sức mạnh và sự thịnh vượng của mình, đế chế này mở rộng ảnh hưởng sang cả Arabia. Vào thế kỷ III, một nhà triết học Ba Tư đã viết rằng, Aksum là một trong 4 vương quốc lớn nhất thế giới thời đó (3 vương quốc còn lại là Roma, Trung Quốc và Ba Tư).

Nếu không có sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của đạo Hồi thì nền văn minh Aksum có thể tiếp tục thống trị khu vực Đông Phi. Sau cuộc chinh phục ở biển Đỏ, Aksum mất lợi thế thương mại của mình vào tay các nước láng giềng.
9. Kush

Nền văn minh này từng nằm dưới sự cai trị của người Ai Cập cổ đại. Vùng đất này dồi dào tài nguyên vàng và kim loại quý hiếm khác. Kush bị các nước láng giềng chinh phục và cai trị trong gần nửa thiên niên kỷ (vào khoảng năm 1500 - 1000 trước công nguyên).
Trong thế kỷ IX trước công nguyên, sự bất ổn tại Ai Cập khiến người Kush vùng lên giành độc lập dân tộc. Chính dân tộc này đã chinh phục Ai Cập vào năm 750 trước công nguyên. Vào thế kỷ tiếp theo, một loạt các vị Pharaoh cai trị Kush đã mở rộng lãnh thổ và vượt xa so với người tiền nhiệm Ai Cập trước đó. Tuy nhiên, trong cuộc xâm lược Assyria của người Ai Cập, nền văn minh Kush lại bị lật đổ.
Sau đó, người Kush di chuyển về phía Nam và xây dựng thành trì ở Meroe trên bờ phía Đông Nam của sông Nile. Tại đây, họ thoát khỏi ảnh hưởng của Ai Cập và phát triển nền văn minh riêng mà bây giờ gọi là Meroitic. Vị vua cuối cùng của người Kush qua đời vào năm 300.
8. Yam

Dựa trên những chữ khắc của nhà thám hiểm Ai Cập Harkhuf thì nền văn minh Yam là một vùng đất của "hương, gỗ mun, da báo, ngà voi và vũ khí boomerang".

Những nhà Ai Cập học từ lâu cho rằng vùng đất này nằm cách sông Nile khoảng vài trăm km. Có quan điểm cho rằng, với trí tuệ không quá nổi trội, người Ai Cập cổ đại sẽ không thể vượt qua sự khắc nghiệt của sa mạc Sahara.
Nhưng có vẻ nhiều người đã đánh giá thấp thương nhân Ai Cập cổ đại bởi vì các nhà khảo cổ tìm được chữ tượng hình cách phía Tây Nam của sông Nile khoảng 700 km. Nó là bằng chứng xác nhận sự thông thương giữa Yam và Ai Cập. Từ đó suy luận rằng, nền văn minh Yam nằm ở vùng cao nguyên phía Bắc Chad.

7. Đế chế Hung Nô

Đế chế Hung Nô hùng mạnh là một liên minh giữa các dân tộc du mục đã thống trị khu vực phía Bắc Trung Quốc từ thế kỷ III trước công nguyên cho đến thế kỷ I trước công nguyên. Nó giúp chúng ta liên tưởng đến quân đội Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn.

Người Hung Nô đã có cuộc tấn công vào quân đội nhà Tần trong một thời gian dài. Nhà Tần đã phải xây dựng Vạn lý Trường thành để ngăn chặn sự tấn công từ phương Bắc của người Hung Nô. Đây là một cuộc nội chiến ở Trung Quốc nhằm tranh chấp lãnh thổ. Nhưng do liên tiếp xảy ra các cuộc xung đột với nhà Hán và các bộ tộc du mục khác nên người Hung Nô dần dần bị suy yếu sức mạnh. Cuối cùng, họ bị đánh bại và nằm dưới sự cai trị của nhà Minh. Tuy nhiên, họ được đánh giá là nền văn minh đầu tiên và tồn tại lâu đời nhất trong số những đế quốc thảo nguyên du mục ở châu Á.
6. Greco - Bactria


Khi Alexander đột ngột qua đời, người Macedonia đã không quay trở về quê hương của mình. Trong số đó có Seleucus I Nicator đã chiếm được khá nhiều thứ từ đế chế Mediterrraean ở phía Tây mà ngày nay là lãnh thổ của Pakistan ở khu phía Đông. Tuy nhiên, ngay cả đế chế Seleucid khá nổi tiếng sau đó cũng tách ra khỏi Greco - Bactria.

Trong thế kỷ III trước công nguyên, Bactria (bây giờ là Afghanistan và Tajikistan) vô cùng hùng mạnh nên đã tuyên bố độc lập. Nhiều tài liệu mô tả đó là một vùng đất giàu có và có số lượng lớn tiền đúc còn sót lại cho đến ngày nay.
Greco - Bactria là trung tâm giao thoa giữa các nền văn hóa: Ba Tư, Ấn Độ, người Scythia và một số nhóm du mục hợp thành. Tất nhiên, vị trí và sự giàu có của Greco - Bactria khiến kẻ thù luôn dòm ngó nên thỉnh thoảng xảy ra xung đột.

5. Yuezhi
Nền văn minh Yuezhi là một liên minh của nhiều bộ tộc du mục sống trên thảo nguyên phía Bắc Trung Quốc. Những thương nhân Yuezhi thường đi những quãng đường xa để trao đổi buôn bán ngọc, lụa và ngựa. Do việc thông thương khá phồn thịnh nên họ trở thành đối tượng tấn công của người Hung Nô. Cuối cùng, Hung Nô đã đánh bật nền văn minh này ra cuộc chiến thông thương ở Trung Quốc.

Sau đó, người Yuezhi chuyển đến khu vực phía Tây. Tại đây, họ đã gặp và đánh bại Greco - Bactria rồi thành lập cộng đồng dân cư mới ở Ấn Độ. Những người dân Yuezhi di cư đến Bactria cũng đổi tên và gọi là Saka. Vào thế kỷ I, II sau công nguyên, nền văn minh Yuezhi đã chiến đấu chống lại người Scythia trong các cuộc chiến tranh ở Pakistan. Trong thời gian này, các bộ lạc Yuezhi cũng củng cố và thiết lập một nền kinh tế nông nghiệp định cạnh định cư.
4. Đế quốc Mitanni


Mitanni tồn tại từ khoảng năm 1500 trước công nguyên cho đến những năm 1200 trước công nguyên. Hiện nó là lãnh thổ của Syria và miền bắc Iraq. Có thể chúng ta đã nghe ít nhất về một người Mitanni nổi tiếng, đó chính là nữ hoàng Nefertiti của Ai Cập. Trước khi trở thành nữ hoàng Ai Cập, bà là công chúa của Mitanni. Khi trưởng thành, Nefertiti kết hôn với pharaoh Ai Cập nhằm củng cố mối quan hệ giữa hai đế chế.

Người dân Mitanni bị ảnh hưởng khá sâu sắc từ nền văn hóa Ấn Độ. Do đó, họ có niềm tin mãnh liệt vào Ấn Độ giáo như quả báo, luân hồi, hỏa táng và niềm tin. Nefertiti và chồng là pharaoh Amenhotep IV đã trở thành những nhân vật trung tâm trong một cuộc cách mạng tôn giáo ở Ai Cập. Nó được cho là có liên quan đến tôn giáo mà nữ hoàng Nefertiti thờ phụng.
3. Tuwana
Khi đế chế Hittite sụp đổ, Tuwana là một trong một số ít các thành bang đã lấp đầy khoảng trống quyền lực của đế chế trên. Hiện nó là lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ .

Trong suốt thế kỷ IX và VIII trước công nguyên, Tuwana là quốc gia nằm giữa Phrygia và Assyrian nên vô cùng thuận lợi trong thương mại hàng hóa khắp Anatolia. Nền văn minh này vô cùng phát triển, có lượng lớn tài sản, cuộc sống của người dân cũng vô cùng giàu có.
Bên cạnh nền kinh tế thương mại phát triển, Tuwana cũng có nền văn hóa phong phú. Quốc gia này sử dụng chữ tượng hình Luwian nhưng sau đó đã sử dụng bảng chữ cái Phoenician.
Cho đến ngày nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm hiểu được nhiều về nền văn minh này. Cho đến năm 2012, tất cả những gì họ biết chỉ là một số ít các chữ viết và tài liệu đề cập đến Tuwana trong một số ghi chép lịch sử của người Assyria.
2. Đế chế Mauryan
Vương triều Maurya trở thành một thế lực hùng mạnh trên hầu hết toàn lãnh thổ Ấn Độ cổ đại, cai trị từ năm 321 đến 185 TCN. Bắt nguồn từ vương quốc Magadha tại đồng bằng hạ du sông Hằng (nay là Bihar, phía đông Uttar Pradesh và Bengal) kinh đô đặt tại Pataliputra (nay là Patna).
Chandragupta Maurya là vị vua đầu tiên thành lập vương triều Maurya vào năm 322 trước công nguyên. Khi đó, ông đã lật đổ vương triều Nanda và nhanh chóng mở rộng thế lực của mình về phía Tây đến vùng Trung và Tây Ấn Độ. Khi đó, ông đã tận dụng các lợi thế là thế lực địa phương ở các vùng này đang xâu xé lẫn nhau sau khi các đội quân Hy Lạp và Ba Tư của Alexandros Đại đế rút lui về phía tây. Năm 320 trước công nguyên, đế chế Mauryan đã hoàn toàn kiểm soát được vùng Tây Bắc Bắc Ấn Độ, đánh bại và chinh phục các vùng đất mà hoàng đế Alexandros để lại.

Đế chế này có thể đã tồn tại lâu hơn nếu không xảy ra một cuộc đảo chính năm 185 trước công nguyên khiến Ấn Độ suy yếu và bị người Hy Lạp xâm chiếm.
1. Nền văn minh Ấn - Hy Lạp
Nền văn minh Ấn - Hy Lạp đã thổi bùng làn sóng văn hóa sang các đế chế khác trong hai thế kỷ tại miền Tây Bắc Ấn Độ .

Một trong những vị vua nổi tiếng nhất của nền văn minh này là vua Menander. Vị vua này đã chuyển sang Phật giáo sau một cuộc tranh luận dài với nhà triết học Nagasena. Một số bằng chứng cho thấy tu sĩ Phật giáo và tín đồ điêu khắc mang đậm phong cách của người Hy Lạp. Đặc biệt, họ ăn mặc hoàn toàn giống người Hy Lạp.

Dựa trên một số tiền đúc của nền văn minh Ấn - Hy Lạp dùng trong quá trình luyện kim rồi gửi đến Trung Quốc, người ta tin rằng hai quốc gia này có sự giao thương với nhau. Theo tài liệu của nhà thám hiểm Trung Quốc Zhang Qian, việc giao thương này có từ rất sớm, vào cuối thế kỷ II trước công nguyên. Nền văn minh này dường như bị sụp đổ sau khi người Yuezhi xâm chiếm mở rộng lãnh thổ về phía Bắc và Ấn Độ tiến đánh khu vực phía Nam nền văn minh Ấn - Hy Lạp.

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Bí ẩn những người có tài “hô phong, hoán vũ”

Nếu xét từ thời xa xưa, những người có khả năng bí ẩn thu hút các hiện tượng thiên nhiên khác nhau là chuyện không phải quá hiếm.

Trong một số trường hợp, khả năng này được giải thích bằng việc áp dụng phép thuật, còn trong rất nhiều trường hợp khác chỉ đơn giản là… không thể giải thích. Điển hình như công dân Anh Donald Decker có thể… gọi mưa trong căn nhà của mình trước sự kinh hoàng của những người thân.

Từ lâu nay, những người có khả năng dự đoán thời tiết, hay thậm chí gọi mưa, gây hạn hán hay mưa đá; trong dân gian Nga được gọi là "Gradovnik". Những khả năng trên có thể xuất hiện ngay từ khi sinh ra, hoặc có thể được giải thích nhờ việc học được loại phép thuật nào đó. Biệt tài “hô phong, hoán vũ” của họ phần nhiều chỉ xuất hiện trong những truyền thuyết, hay qua lời kể lại của các bậc tiền bối.

Nhưng điều đó không có nghĩa là thời nay không thể có những "dị nhân" như vậy. Năm 1983, đồn cảnh sát tại Pennsyvalnia nhận được một loạt cú điện thoại từ gia đình Decker. Khi tới nơi, hai viên cảnh sát John Baujan và Richard Wolbert phát hiện tay chủ nhà dường như đang trong trạng thái bị thôi miên, còn bên trong ngôi nhà lại đang có… một trận mưa lớn. Những người chứng kiến cho biết, những tia nước xuất hiện từ mọi phía trong ngôi nhà.

Donald Decker và những giọt nước trên tường nhà anh ta sau cơn mưa tự tạo.

Do mưa vẫn không ngừng rơi nên ngày hôm sau Decker được đưa tới nhà tù địa phương để tránh cho người nhà phải khốn đốn vì tai họa trên. Tuy nhiên, mưa giờ đây lại tiếp tục rơi, lần này ngay tại buồng giam Decker. Các nhân viên trại giam thậm chí đã phải tính đến cách gọi một vị linh mục tới để làm phép đuổi tà ma. Người ngoài hiện vẫn chưa biết vụ việc trên đã kết thúc như thế nào.

Còn Alexander Mendon từ thành phố Sampues (Colombia) lại có khả năng thu hút sét. Chỉ trong một thời gian ngắn, chuyện lạ này xảy ra với anh ta đến 4 lần. Vụ đầu tiên diễn ra vào tháng 9/2012, nhưng khi tỉnh dậy sau cơn choáng váng, thân thể anh ta không hề hấn gì sau khi "thần sét" hỏi thăm. Sau đó ít lâu, "điều thần kỳ" trên lại tiếp tục lặp lại.

Mendon chẳng bao lâu lại gia nhập quân đội. Trong một buổi huấn luyện, anh ta một lần nữa lại bị sét đánh. Mendon được cho xuất ngũ vì lý do đơn giản: giới chỉ huy sau khi biết được những chuyện kỳ lạ trong quá khứ của Mendon đã lo ngại anh ta có thể gây nguy hiểm cho những người lính khác. Trở về nhà, Mendon bắt đầu với một chế độ sinh hoạt đặc biệt thận trọng: tránh tối đa việc phải ra ngoài trời cũng như không mở cửa sổ. Dù vậy, "Thiên lôi" vẫn ghé thăm Mendon lần thứ tư.

Lần này, Mendon quyết định nhờ đến sự tư vấn của các bác sĩ. Anh ta còn tin mình là nạn nhân của một lời nguyền nào đó. Một trong các thầy lang địa phương cho rằng trong cơ thể của Mandon có quá nhiều điện và đề xuất nên chôn kẻ bất hạnh này xuống đất để… xả điện! Có điều không phải chôn nằm mà chôn theo chiều thẳng đứng. Thế là vào một ngày đã định, hai người đàn ông đặt Mendon vào một cái hố đã chuẩn bị trước, còn hàng xóm và người thân lấp đất xung quanh.

Hiện vẫn chưa rõ "liệu pháp chôn sống" trên có giúp được cho Mendon thoát khỏi "sự ưu ái" của “Thiên lôi” hay không?

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Thảm sát Ba Chúc: Kỹ nghệ giết người tàn ác

Tội ác như thế này, loài người trên thế gian, có thể tin được không?
Kỳ 1: Kỹ nghệ giết người tàn ác
Lịch sử nước Việt thời kỳ nào cũng nhiều nước mắt, đau thương, với rất nhiều vụ mà kẻ thù thảm sát người dân. Trong đó, vụ thảm sát Ba Chúc của “tập đoàn ác thú” Pol Pot, gây rúng động cả thế giới loài người. Phóng viên đã dành nhiều ngày cùng sống với những người còn sót lại của vụ thảm sát ở vùng đất này, để ghi lại tội ác tày trời mà bọn ác thú Pol Pot đã gây ra cho người dân vô tội.

Mảnh đất lạnh
Đến vùng đất Ba Chúc, quả thực, không còn nhận ra nơi đây từng có vụ thảm sát kinh hoàng. Nhà cửa san sát, phố xá đông người. Trong hình dung của tôi, vùng đất Ba Chúc xác xơ, u tịch, nơi từng là một biển lửa, biển máu, biển xác người.

35 năm trôi qua, giờ chứng tích tội ác của bọn “ác thú”, và sự đau thương mất mát chỉ còn hiện diện ở khu nhà mồ, với chồng chất xương người.

Nhưng, bước chân vào mảnh đất này, vẫn có một cảm giác lành lạnh, u ám, khiến đôi chân như ríu lại. Dường như, mỗi tấc đất nơi đây, đều có xương thịt người vô tội và những oan hồn ẩn khuất chưa thể siêu thoát.

Có lẽ, ở Việt Nam, đây là thị trấn duy nhất, vùng đất duy nhất chẳng có rượu, bia, chẳng có nơi hát hò, giải trí. Vài quán ăn lèo tèo, chủ yếu là cơm chay.

Xác người dân vô tội do Pol Pot giết hại ở cánh đồng Ba Chúc. 


Bóng đêm buông, ít người đi lại. Đây đó, từ ngôi nhà sang trọng đến những túp lều gianh, phát ra tiếng tụng kinh, tiếng mõ. Nhà nào ở vùng đất này cũng có người chết thảm, thậm chí chết cả nhà, cả họ, nên bao nhiêu năm nay, người còn sống tụng kinh để những oan hồn được siêu sinh tịnh độ.

Nhà mồ Ba Chúc mới bị phá, để xây dựng lại khang trang hơn. Nơi nhà mồ ấy, xương cốt sẽ được trưng bày từng bộ, rồi nhiều vật chứng cũng được bày biện để thế hệ sau thấy được sự mất mát, đau thương của thế hệ trước, là cái giá cho những ngày yên bình này.

Những hộp sọ u buồn
Một ngôi nhà nhỏ, cỡ 30 mét vuông, tường kính được dựng tạm trước chùa Phi Lai. Trong ngôi nhà ấy, chất chồng xương cốt.

Ông Nguyễn Văn Tiệm, dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt u buồn, dẫn tôi đi một vòng quanh ngôi nhà tạm chứa xương. 1.159 bộ hài cốt, trong tổng số 3.157 mạng người Ba Chúc bị Pol Pot sát hại, xếp chồng chất trong nhà mồ.

Ông Nguyễn Văn Tiệm trở thành người kể chuyện ở khu di tích Ba Chúc.

Đủ 1.159 hộp sọ được phân loại theo độ tuổi, bày biện trên giá thép. Trên hộp sọ in một dãy số ký hiệu. Những hộp sọ to nhỏ, với 2 hốc mắt nhìn ra ngoài u uẩn.

Ông Tiệm kể, nhiều người yếu tim, đến khu nhà mồ, nhìn những hình ảnh sọ người, đã ngất xỉu, thậm chí mất kiểm soát tâm trí như thể bị ma nhập, nên phải khênh đi nơi khác.

Ông Tiệm là cựu chiến binh, là nhân chứng sống của vụ thảm sát năm xưa. Gia đình ông ở mãi huyện Tân Châu, nằm sâu trong nội địa.

Ông lấy vợ ở Ba Chúc, rồi ở rể, tham gia dân quân chiến đấu chống Pol Pot ở vùng biên giới. Ngày đó, gia cảnh nhà ông khá giả, nên ông sắm được xe Honda 67 và cũng chính nhờ chiếc xe đó, mà gia đình ông thoát chết.

Khi quân Pol Pot quấy nhiễu dọc biên giới, bộ đội đã sơ tán dân. Đã có cả ngàn cư dân Ba Chúc được sơ tán vào trong, nhưng đi được thời gian, thấy tình hình yên ổn, người dân lại tìm về.

Những hộp sọ trong nhà mồ. 


Quê ông ở Tân Châu, bố mẹ vẫn ở đó, nên ông dùng xe máy chở vợ con về quê nội, rồi tiếp tục cầm súng quay lại Ba Chúc. Đó chính là lý do gia đình ông được vẹn toàn.

Nhưng, phía nhà vợ ông thì thực sự thảm khốc. Gần như đại gia đình bên vợ đều bị bọn “ác thú” Pol Pot giết sạch. Cả họ bên vợ chỉ còn lại vài mống người.

Là người chứng kiến toàn bộ cuộc thảm sát của bọn Pol Pot, nên ông được hội cựu chiến binh và chính quyền chọn làm “người kể chuyện” ở khu vực nhà mồ cho khách tham quan.

Kỹ nghệ giết người
Ông Tiệm từng tham gia gom xác, đốt xác để lấy xương, rồi cuốc đất tìm xương, lặn ngụp dưới sông vớt cốt, nên ông hiểu rất rõ về những bộ cốt trong nhà mồ. Nhìn vào mỗi hộp sọ, dù không biết đó là của ai, nhưng ông có thể thấy rõ hành động của bọn “ác thú” với những nạn nhân.

Trong số những hộp sọ trong nhà mồ, có rất nhiều hộp sọ có 3 đường nứt đều nhau, giao nhau ở đỉnh sọ, ngay dưới trán lên. Tôi thắc mắc, thì ông Tiệm giải thích rằng, những hộp sọ vỡ kiểu này là do bọn Pol Pot dùng chiếc vồ, hoặc gậy gỗ mun nhắm thẳng vào đỉnh đầu người vô tội rồi đập một cú trời giáng.




Hộp sọ với những vết nứt đều nhau của những nạn nhân bị sát hại bởi gậy gỗ mun. 


Ngày đó, mỗi nhóm Pol Pot có vài tên được trang bị gậy hoặc vồ bằng gỗ mun, thứ gỗ cứng như thép, nặng như thép, dai như thép. Bọn khốn nạn đó luôn kè kè cây gậy bên mình. Cây gậy đó lấy được càng nhiều mạng người, thì chủ nhân của nó càng được tôn trọng và trong con mắt của chúng, cây gậy đó mới đáng quý.

Những cây gậy gỗ mun là thứ ám ảnh kinh hoàng với 2 triệu đồng bào Campuchia vô tội, bị bọn Pol Pot hành hình. Chủ nhân của những cây gậy này chỉ cần vung lên một lần, là một mạng người bị cướp đi một cách oan khốc.

Những chiếc sọ người với 3 đường nứt đều chằn chặn như thế, thể hiện “trình độ” giết người của bọn Pol Pot đã đạt đến mức độ nhuần nhuyễn.

Ông Nguyễn Văn Tiệm lọ mọ mở cánh cửa căn nhà cấp 4, gọi là Nhà trưng bày chứng tích tội ác của bọn Pol Pot. Bước vào ngôi nhà, dường như, đôi chân tôi muốn khụy xuống. Trên 4 bức tường là những hình ảnh không dành cho người yếu tim. Những xác người chất chồng chết theo tư thế thảm khốc nhất.

Gậy gỗ mun dùng để giết người vô tội của bọn Pol Pot. 

Cây gậy gỗ mun được tiện cầu kỳ nằm im lìm trong tủ kính với dòng chữ: “Dùi: bọn Pol Pot dùng đập đầu tàn sát nhân dân Ba Chúc năm 1978”. Cây gậy gỗ mun nặng trịch này giải mã cho cái chết của hàng ngàn nạn nhân Ba Chúc, hàng triệu người dân vô tội Campuchia, mà chứng tích để lại là những hộp sọ với 3 vết nứt chạy đều gặp nhau ở đỉnh sọ.

Trong chiếc tủ kính ấy, còn nhiều gậy nữa. Khúc tầm vông chỉ bằng cổ tay người lớn, dài cỡ 1m, nhưng nó đã giết hại vô số trẻ em vô tội. Bọn ác thú dùng khúc tầm vông vụt vào gáy, khiến những em nhỏ chết ngay tức khắc. Cú vụt của chúng mạnh đến nỗi, những hộp sọ trẻ em đều nứt một đường ngang, làm vỡ đôi hộp sọ, tách nửa trên với nửa dưới.

Nhưng, đau xót và căm phẫn nhất, là cây gậy tầm vông nhọn hoắt một đầu. Bất cứ một con người lương tri nào trên thế giới này, khi nhìn cây gậy, nhìn những tấm hình treo trên tường, và nghe lời thuyết minh của ông Tiệm, đều không khỏi phẫn uất, rùng mình. Những kẻ lạc loài ở bên kia biên giới đã dùng những cây gậy nhọn này thọc vào chỗ kín của phụ nữ, xuyên tận lên đến cổ.

Tội ác như thế này, loài người trên thế gian, có thể tin được không? Một cảm giác uất hận cứ nghèn nghẹn nơi cổ họng.
Còn tiếp…

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Giải mã thành phố “quỷ khóc ma gào” ở TQ

Tại Tân Cương, Trung Quốc có một nơi được mệnh danh là thành phố ma quỷ, bởi tiếng ma kêu quỷ khóc thường vang lên tại đây những hôm xấu trời.

Xứ sở của những âm thanh rùng rợn

Đó chính là "thành phố cổ" Moguicheng, một khu vực bị lãng quên, mang một vẻ đẹp bí ẩn và hoang dã, với vô số gò đồi cao thấp khác nhau, trông giống như những tòa lâu đài ở phương Tây thời Trung cổ.

Moguicheng theo tiếng địa phương có nghĩa là thành phố của quỷ, cũng bởi tuy không một bóng người nhưng nơi đây luôn náo nhiệt bởi vô số âm thanh kỳ lạ.

Vào những ngày đẹp trời, nếu thả bước ở Moguicheng, bạn sẽ nghe vẳng bên tai những giai điệu tuyệt vời như có hàng vạn chiếc chuông gió đang cùng lúc phát ra âm thanh trong làn gió nhẹ, hay như hàng vạn cây đàn đang cùng tấu khúc nhạc đồng quê, nghe thật thư thái và yên bình.

Moguicheng trông như một thành phố cổ với những tòa lâu đài hoang phế.

Thế nhưng sẽ thật đáng sợ nếu bạn tới Moguicheng đúng vào những hôm thiên nhiên “khó ở”, trời đất tối sầm, gió lốc nổi lên, cát bay tung tóe… Giữa khung cảnh giống như cơn thịnh nộ của quỷ thần ấy là những âm thanh ghê rợn: tiếng khóc thét của trẻ sơ sinh, tiếng cười như xé vải của người đàn bà, tiếng hổ gầm, ngựa hú, tiếng chửi mắng nhau, tiếng rao hàng, tiếng ma kêu quỷ khóc…

Tất cả những âm thanh náo động như thể có cả một thành phố lắm người nhiều ma đó lại ngập tràn ở một chốn không người, âm u, lạnh lẽo, vì thế càng trở nên ghê rợn.




Sự huyền bí, đáng sợ của Moguicheng còn nằm ở mật độ xuất hiện dày đặc của những phiến đá với vô số hình thù kỳ dị, nhiều màu sắc như đỏ, cam, xanh, trắng…, trong đó nhiều phiến đá có hình ác quỷ nhe răng như đang dọa người.

Giải mã tiếng quỷ khóc, ma gào

Để tìm hiểu tại sao lại có những âm thanh sởn gai ốc kia, các nhà khoa học đã đến khảo sát, nghiên cứu và rút ra kết luận: không có ma quỷ nào hết. Tất cả đều có thể giải thích bằng các kiến thức địa chất: Những cơn gió cực mạnh của vùng sa mạc Tân Cương chính là nguồn cơn của những ấn tượng quỷ khốc thần sầu kia.

Địa tầng của Moguicheng được tạo thành bởi những lớp đá trầm tích từ đại Cổ sinh, với độ dày mỏng, rắn lỏng khác nhau. Khí hậu sa mạc khắc nghiệt ngày nóng như thiêu như đốt, đêm rét dưới nhiệt độ nước đóng băng khiến nền đá ở đây liên tục chịu đựng sự thay đổi lớn và đột ngột về nhiệt, cứ phải nở ra và co lại thường xuyên, dẫn đến đứt vỡ, tạo ra trong lòng nó vô số lỗ thủng, kẽ nứt, những đường thông như ống thông gió len lỏi trong địa tầng.
Tân Cương là nơi nổi tiếng với những cơn gió cực mạnh. Moguicheng lại là điểm gặp nhau của rất nhiều nguồn gió: gió sa mạc, gió bồn địa Dzungaria, cùng với gió từ vùng sa mạc Trung Á thổi đến. Sức gió rất dễ đạt đến cấp 10 – 12, thổi tung không chỉ cát mà cả đất đá, sỏi, mà khi đập vào bề mặt nham thạch, cộng với tác động của nước khi có mưa, qua một thời gian dài đã tạo nên những vách đá hình thù kỳ dị, độc đáo.



Nhờ đó, Moguicheng trông như một thành phố cổ hoang phế, với trùng trùng điệp điệp những “tòa kiến trúc” đứng san sát nhau trông như đền đài vọng các, kim tự tháp, những cột đá nguy nga, những thành lũy đồ sộ bên các lối mòn, những mê cung quanh co gấp khúc sâu hun hút… Chính vì vậy mà Moguicheng được gọi là “thành phố” dù nó thực sự là chốn hoang dã, hoàn toàn không phải nơi dân cư.

Và những âm thanh quỷ khốc thần sầu mà người ta nghe được ở Moguicheng vào những hôm gió lớn cũng được các nhà khoa học giải thích là do tác động của những cơn gió, lốc, cuốn theo cát đá, khi xuyên qua khoảng trống giữa những phiến nham thạch, cũng như trong lòng nham thạch. Và vào những hôm đẹp trời, gió vi vu thổi, âm thanh mà khách qua đường nghe được sẽ nhẹ nhõm, du dương…



Chính gió khiến cho Moguicheng như quỷ thần muôn mặt, biến ảo khôn lường, khi thì tạo nên cảnh thiên đường với khúc nhạc thiên thai, chẳng những âm thanh tuyệt vời mà cảnh trí cũng vô cùng quyến rũ, để rồi tất cả bỗng biến mất, khi cảnh sắc ghê rợn thì âm thanh ngập tràn “thành phố” cũng ghê rợn theo, tất cả mang sắc màu ma quỷ, cứ như cảnh đẹp trước đó chỉ là do quỷ vương hóa phép tạo ra để lừa người….

Nói Moguicheng là sản phẩm của quỷ vương cũng đúng, nếu ta hiểu quỷ thần như là lực lượng thiên nhiên, bởi chính các lực lượng thiên nhiên khi tác động với nhau đã tạo nên đặc điểm lạ lùng mà kỳ thú của “thành phố”. Nét độc đáo đó không chỉ gây sợ hãi mà còn rất quyến rũ, thu hút sự tò mò. Chính vì vậy, thành phố ma quỷ này được dân ghiền du lịch đánh giá là một trong những điểm đến huyền bí và hấp dẫn nhất.

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Vì sao người bị đứt đầu vẫn… “nói chuyện” được?

Những giai thoại của về đầu người bị cắt đứt vẫn có biểu hiện cố gắng nói chuyện chỉ là mô tả các hành động phản xạ của cơ thể…

Một câu chuyện kinh dị nhưng có thực đã được lưu truyền từ nhiều thế kỷ qua về hiện tượng những chiếc đầu người bị chặt đứt vẫn có những biểu hiện y như người sống trong vòng vài giây như: cử động, khuôn mặt vẫn biểu cảm, thậm chí còn có thể nói chuyện được.

Nổi tiếng trong số các câu chuyện này là vào thời kỳ Cách mạng Pháp, khi một tên đao phủ chặt đầu Charlotte Corday, người ám sát chính trị gia Jean-Paul Marat, chứng kiến mắt của Corday vẫn nhìn được và khuôn mặt cô biểu thị sự ghê tởm đối với toàn bộ cảnh hành quyết.

Đầu bị cắt đứt vẫn cố nói chuyện được?
Gần đây hơn, vào năm 1989, một cựu chiến binh quân đội kể lại rằng, anh đã tận mắt nhìn thấy một người bạn của mình bị đứt đầu trong một tai nạn xe hơi. Nhưng chiếc đầu của anh ta vẫn cho thấy những cảm xúc bị sốc, rồi đau buồn và đôi mắt còn liếc nhìn lại cơ thể đã bị tác lìa khỏi đầu.

Theo nhiều bác sĩ thì hiện tượng này rất khó xảy ra. Tại thời điểm chém đầu, não sẽ bị giảm huyết áp rất mạnh. Khi bị mất máu và oxy một cách đột ngột, não bộ có khả năng sẽ đi vào hôn mê, thậm chí tử vong chỉ trong vòng vài giây. Nhưng nhiều người dựa vào những câu chuyện trên đã tuyên truyền những điều hết sức rùng rợn về hiện tượng người chặt đầu vẫn nói được.

Trong năm 2011, các nhà khoa học Hà Lan nối máy EEG (điện não) đến não của của đầu một con chuột đã bị cắt đứt lìa khỏi thân. Kết quả cho thấy, hoạt động điện não tiếp tục diễn ra trong não bị cắt đứt, trong đó hoạt động có ý thức tồn tại trong gần 4 giây. Các nghiên cứu ở động vật có vú nhỏ khác còn cho thấy hiện tượng này diễn ra ở thời gian dài hơn.

Nếu điều này thực sự đúng đối với con người, thì chỉ vài giây nó cũng sẽ cung cấp đủ thời gian cho một trải nghiệm kỳ lạ và đáng sợ. Nạn nhân có thể quan sát và cảm nhận về môi trường khủng khiếp xung quanh mình khi bị cắt đứt đầu.

Nhưng những giai thoại của về đầu người bị cắt đứt vẫn có biểu hiện cố gắng nói chuyện chỉ là mô tả các hành động phản xạ của cơ thể. Trên thực tế, cắt đứt chân tay có thể co giật từ phản xạ cơ, và tiềm thức, phần phản xạ của não gọi là hệ thống ngoại tháp sản xuất một số biểu thức. Hiện tượng này cũng giống như hiện tượng các trẻ sơ sinh biểu thị sự sợ hãi, ghê tởm qua các từ ngữ một cách vô thức.

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Chuyện thực đến khó tin về thôi miên lùi kiếp

Khi được bác sĩ thôi miên, Catherin thấy mình là một cô gái 18 tuổi sống trong ngôi nhà bụi bặm, nóng bức, không có nước…

Chữa bệnh bằng liệu pháp thôi miên lùi kiếp có liên quan đến tên tuổi của một chuyên gia liệu pháp tâm lý nổi tiếng người Mỹ là ông Brian Vass. Sau một số buổi chữa bệnh bằng thôi miên, lần đầu tiên hoàn toàn tình cờ, ông đã để một nữ bệnh nhân của mình trải nghiệm một cuộc hành trình khác thường về các kiếp trước của cô. Kết quả là bệnh nhân này đã hoàn toàn khỏi bệnh.

Câu chuyện xảy ra vào năm 1980. Một cô gái xinh đẹp tên là Catherin đã tìm đến bác sỹ Vass để khám bệnh. Catherin đã than phiền về tính cáu bẳn, những cơn sợ hãi cũng như những nỗi ám ảnh vô tận của mình. Cô sợ nước, sợ bóng tối, sợ không gian kín, sợ đi máy bay và sợ uống thuốc viên, nhưng hành hạ cô nhiều nhất là nỗi sợ cái chết. Sau khi áp dụng những biện pháp chữa bệnh thông dụng, suốt một năm rưỡi việc điều trị của bác sỹ không tiến triển. Thậm chí, tình trạng của bệnh nhân ngày càng xấu đi, các cơn sợ hãi và bất an tăng lên theo tần số và thời lượng.



Ảnh minh họa.

Đang ở thế bí, bác sỹ Vass liền quyết định chữa trị bằng liệu pháp thôi miên vì ông cho rằng, nguồn gốc những nỗi sợ hãi và ám ảnh hiện thời ở bệnh nhân này có thể được tìm ra khi quay lại thời thơ ấu của cô ấy. Nhưng lúc đó Catherin đã cương quyết khước từ ý tưởng này. Thế rồi một sự tình cờ kỳ lạ đã giúp cho Vass thực hiện ý định của mình. Một lần Catherin có mặt tại buổi triển lãm về đất nước Ai Cập cổ đại. Tại đây có một số mô hình trưng bày mà cô có cảm giác như đã quen thuộc từ lâu. Sau đó cô đã sửa một số lỗi về kiến thức Ai Cập cho các hướng dẫn viên. Băn khoăn về những điều đã trải qua nên khi gặp Vass, cô đã kể cho ông nghe về hành động kỳ lạ của mình. Ông bác sỹ lại đề nghị cô trải qua hình thức thôi miên để thức tỉnh và tìm kiếm nguồn gốc của thông tin, lần này thì Catherin đã miễn cưỡng đồng ý.

Trong buổi đầu tiên cô đã dễ dàng đi vào trạng thái bị thôi miên. Theo lệnh phát ra, cô đã trở lại thời 2-3 tuổi, nhưng quãng thời gian này không có gì đặc biệt. Bác sỹ Vass liền quyết định thay đổi tiến trình và lúc đó bên tai Catherin vang lên câu nói: “Hãy quay lại quãng thời gian đã làm xuất hiện các triệu chứng của cô”. Vài giây sau thì Catherin nhìn thấy mình là một cô gái 18 tuổi với mái tóc vàng đuôi sam và sống trong một ngôi nhà nhỏ bụi bặm, nóng bức và không có nước. Cô đã miêu tả tỉ mỉ mọi thứ xung quanh và nhớ lại tên mình khi đó là Eronda. Sự hiện diện này được ghi nhận vào năm 1869 trước công nguyên.

Trong cảnh “liên lạc” tiếp theo đã cho thấy thời gian còn lùi xa hơn nữa. Có một thác nước rất mạnh từ trên núi hoặc sóng thủy triều ào tới ngôi làng, nơi mà cô đã sống cùng đứa con gái nhỏ của mình. Nước mặn đã phủ lên cô và đứa trẻ nhưng họ vẫn còn sống. Tiếp theo đó lại là sự chuyển dịch về thời gian. Catherin thấy mình là một phụ nữ Tây Ban Nha 56 tuổi, mặc chiếc váy thêu đăng-ten màu đen đang nhảy múa trong một ngày hội của năm 1756. Sau đó là cảm giác nóng, vã mồ hôi lạnh, có nhiều người đã chết vì nước bị nhiễm độc và cô may mắn sống sót. Đến đây thì buổi thôi miên đầu tiên kết thúc. Trong mỗi bối cảnh của từng thời kỳ đều thấy xuất hiện các vấn đề bệnh tật có liên quan đến nước, hạn hán, lũ lụt, bệnh dịch….Liệu có phải những điều này đã dẫn đến chứng sợ nước dai dẳng hiện nay của Catherin?

Trong buổi thôi miên lần thứ hai, Catherin lại có những trải nghiệm thú vị khác về tiền kiếp của mình. Hoá ra, cô đã từng là nô tỳ của vị Pha-ra-ông ở đất nước Ai Cập cổ đại. Nhiệm vụ của cô khi đó là thực hịên nghi lễ dìm các thi thể vào nước biển trong 30 ngày rồi sau đó lấy các nội tạng ra. Catherin đã miêu tả điều gì đó dường như là quan niệm về cái chết và cuộc sống sau khi chết của người Ai Cập. Nó khác với sự hình dung của chúng ta ngày nay. Phải chăng chính tại nơi đây mà cô đã có được những kiến thức khác thường về đất nước Ai Cập cổ đại và đã làm kinh ngạc khách tham quan triển lãm cuối thế kỷ XX ?

Các buổi thôi miên vẫn được tiếp tục. Bác sỹ Vass sửng sốt và cảm thấy hoàn toàn bối rối về những điều đã diễn ra. Sau đó, liệu pháp thoái lùi (thôi miên lùi về kiếp trước) đã xuất hiện trong nỗi ngờ vực và lo ngại. Ông sợ rằng các đồng nghiệp và bạn bè không hiểu. Mãi 4 năm sau, bác sỹ Vass mới quyết định công bố quá trình theo dõi của mình. Trong thời gian đó, ngoài trường hợp Catherin đã hoàn toàn khỏi bệnh sau quá trình điều trị của ông, còn có nhiều bệnh nhân khác cũng được phát hiện các căn bệnh có nguồn gốc từ những kiếp trước. Hiện nay, bác sỹ Brian Vass đang điều hành một số khoa lâm sàng ở Mỹ, trong đó biện pháp thoái lùi đã chính thức được sử dụng cùng với các liệu pháp chữa bệnh truyền thống khác. Ông coi đó là liệu pháp rất hiệu quả khi điều trị sự bất an, những nỗi ám ảnh, các thói quen có hại và hậu quả của nó ở người bệnh.

Trên cơ sở của liệu pháp chữa bệnh không theo truyền thống này, có giả thiết cho rằng, có thể nguyên nhân gây nên những nỗi sợ hãi của con người đương thời là do cảnh tượng về cái chết từ một trong các “kiếp trước” của chính họ. Nhiều người cho rằng, sự tái tạo ký ức cho phép người ta hoàn toàn tránh được những cơn ác mộng hành hạ. Liệu pháp chữa bệnh kiểu này sau khi được khẳng định ở Mỹ đã xuất hiện ở Nga. Lẽ dĩ nhiên, sự phản ứng trước liệu pháp khác thường này không hề đồng nhất. Nền khoa học chính thống và Thiên chúa giáo không thừa nhận hiện tượng đầu thai. Bên ủng hộ lại là những người đã trở lại với cuộc sống lành mạnh, vui vẻ sau một thời gian bệnh tật. Bên nào đúng, thời gian rồi sẽ trả lời.