Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Rùng mình “thú” ăn thịt xác ướp thời cổ đại

Người Ai Cập cổ đại tìm ra phương pháp ướp xác nhưng cũng chính họ "ăn" nó như một bài thuốc chữa bách bệnh.

Thời xưa, xác ướp được thầy thuốc sử dụng như là những thảo dược để điều chế thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc các chứng nan y. Những nhà bào chế thuốc đem xác ướp chia thành nhiều phần, dưới dạng cao đèn hoặc đem lấy tro, bột của những xác ướp đã bị hỏa thiêu dùng làm nguyên liệu.

Thậm chí có những thầy thuốc không muốn lặn lội đường xa để truy tìm xác ướp mà lấy luôn những thi thể người chết vô danh, dễ dàng tìm thấy ở bất cứ nơi đâu đem về nhà để chế thuốc chữa bệnh.

Đến cuối thời Trung cổ, phương pháp chữa bệnh bằng thi thể người chết trở nên phổ biến và xuất hiện trong hầu hết các đơn thuốc của bệnh nhân được kê toa. Nó có thể chữa được nhiều căn bệnh như đau đầu, lở loét dạ dày, đau do chấn thương, bệnh động kinh… Người bệnh chỉ cần uống thuốc này trong vòng nửa tháng là có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Vì vậy, loại thuốc kỳ dị này được người dân lan truyền công dụng nhanh chóng và được gọi là “thần dược”.

Một trong những loại thuốc chữa được bách bệnh là bột xác ướp. Nó được điều chế từ xác ướp của các vị vua Ai Cập. Đây được coi là bài thuốc vô cùng quý giá và là hàng thượng phẩm trong giai đoạn từ thế kỉ XII-XVII. Thời bấy giờ, công dụng của loại thuốc này được giới thiệu là có thể chữa đủ các loại bệnh từ nhẹ đến nặng như đau đầu, số mũi… và cả bệnh vô phương cứu chữa. Nếu uống loại “thần dược” này, người bệnh có thể trị tận gốc bệnh tật. Bên cạnh phương pháp pha thuốc uống, nó cũng có thể được rắc trực tiếp lên vết thương để nhanh chóng lên da non.

Chính vì vậy, những kẻ chuyên đào trộm mộ là những người cung cấp nguyên liệu cho các thầy thuốc và nhà điều chế. Tuy nhiên, không hẳn tất cả trong số đó đều là "hàng xịn". Họ không thể tìm được nhiều xác ướp của các vị vua Ai Cập và ăn trộm chúng thành công. Do đó, những kẻ đào mộ đánh tráo bằng xác chết của cả dân thường, của những người vô gia cư rồi đem "sơ chế" cho giống những xác ướp. Sau đó, họ đem bán cho các nhà điều chế thuốc để “hô biến” hàng "dỏm" thành hàng “xịn”.

Một trong số những khu vực sử dụng nhiều “thần dược” kể trên là châu Âu. Đây là nơi mà những bộ phận của xác chết từ xương, máu, chất béo, tóc…. đều được sử dụng triệt để để làm thuốc chữa đau đầu, bệnh động kinh... Trào lưu ấy làm xuất hiện rất nhiều kẻ “hành nghề” đào trộm mộ cổ của người Ai Cập, ăn cắp hộp sọ ở các nghĩa trang của người Ailen.

Do nhu cầu sử dụng "thần dược" bào chế từ xác ướp tăng cao, những kẻ đào trộm mộ cổ của các vị vua Ai Cập và lấy cả thi thể của người chết ở các nghĩa trang...xuất hiện nhiều như "nấm mọc sau mưa".

Công dụng của loại “thần dược” này vào thời đó không được kiểm chứng nhưng với sự nổi tiếng, những lời đồn thổi của phương thuốc độc đáo mà ngay cả những quan chức cấp cao thời xưa cũng sử dụng nó, thậm chí là cả vua chúa. Cụ thể, vua Francis I (Pháp) sống ở thế kỷ XVII cũng đều đặn uống một liều thuốc trộn từ bột xác ướp với cây đại hoàng khô mỗi ngày. Nhân vật tối cao này còn lưu giữ phương thuốc đặc biệt đó sát bên người và đi đâu cũng mang theo một gói nhỏ để tiện sử dụng cũng như đề phòng trường hợp bất trắc bị kẻ gian ám sát. Nếu xảy ra tình huống đó, ông có thể lôi nó ra dùng ngay và không bị chết do trọng thương.

Ngoài ra, vua Charles II cũng sử dụng bột nghiền từ xác ướp như một phương thuốc giúp ông có thể trở thành một Pharaoh. Ông dùng nó theo cách khá khác lạ đó là chà loại bột đó lên khắp người. Ông cũng là người điều chế ra phương thuốc đặc biệt mang tên “Giọt châu của nhà vua”. Nó là hỗn hợp sọ người được ngâm trong rượu dùng để làm thuốc. Ngay cả vua Charles II cũng thường nhâm nhi loại đồ uống “quái dị” do chính mình phát minh ra để tăng cường sức khỏe, sống thọ hơn.

Thomas Willis là một người tiên phong ở thế kỷ XVII trong việc điều chế ra phương thuốc từ xác chết. Bài thuốc của ông là hỗn hợp gồm má, bột sọ người và chocolate. Sau đó, ông đem hỗn hợp trên trộn đều vào nhau và cho người bệnh uống.

Vào thời đó, người ta còn sử dụng cả những sợi tóc còn sót lại trên hộp sọ dùng để làm thuốc chữa bệnh chảy máu cam, động kinh. Chất béo trong các xác chết được dùng để điều trị những vết thương bên ngoài cơ thể, thậm chí là bệnh gút. Những bác sĩ Đức dùng loại thuốc đó chà sát vào vùng da bị thương của người bệnh. Sau đó, họ dùng băng gạc băng bó lại để chúng mau lành hơn.

Nhiều thầy thuốc vào thời đó còn cho biết, mắc bệnh liên quan đến bộ phận cơ thể nào thì nên dùng thuốc được điều chế từ những bộ phận ấy của xác ướp. Phương pháp này còn được gọi là “dùng gì bổ nấy”. Thực tế, không ít người tin và sử dụng chúng một cách “điên cuồng”.

Một phương thuốc chữa “bách bệnh” khác từ xác chết là dùng não người chưng cất để chế biến thuốc chữa động kinh. Nhà vật lý Anh John French và nhà hóa học Đức Johann Schroeder đều ghi lại công thức chế biến để chữa các bệnh về não này. Ông French đưa ra phương pháp điều chế thuốc từ não của người chết trẻ ngâm trong rượu cùng với phân ngựa trong vòng nửa năm. Sau đó, ông đem hỗn hợp đi chưng cất rồi cho ra “sản phẩm" cuối cùng.

Ông Schroeder lại sử dụng khoảng 1,3 kg não người rồi đem trộn với hỗn hợp nước hoa lily, oải hương và rượu nho Hy Lạp tạo thành phương thuốc chữa bách bệnh.

Chưa dừng lại ở đó, nhà vật lý người Anh George Thomson sống ở thế kỷ XVII còn cho rằng, các nhà điều chế thuốc không nên lãng phí bất kỳ thành phần, bộ phận nào của xác ướp, thi thể người chết, trong đó có phần được cho là bẩn thỉu nhất là phân. Ngoài ra, ông Thomson cũng không bỏ sót việc sử dụng mồ hôi của thi thể người chết dùng để chữa bệnh trĩ.

Phương thuốc điều trị bằng xác ướp, thi thể người chết được sử dụng rộng rãi cho đến hết thế kỷ XVII. Sau đó, những thầy thuốc, nhà bào chế kinh doanh mặt hàng quái dị này phải bỏ nghề vì chính quyền đưa ra những mức thuế khóa nặng nề, khiến họ không thể kham nổi.

Kể từ đây, phương thuốc quái dị này dần biến mất và không còn được lưu hành trong xã hội. Mặc dù chẳng ai và không tài liệu nào khẳng định về công dụng của loại thuốc trên có thực sự hiệu nghiệm như các nhà điều chế tung hô hay không, nhưng có thể chắc chắn rằng, những xác ướp và thi thể người quá cố đã bị con cháu mình "ăn thịt" hết sức dã man. Đó là những hành động bất kính đối với người đã khuất núi, khiến cho linh hồn họ không được an nghỉ.

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Vụ án chấn động Nam Kỳ cuối năm 1945

Chánh án cho tử tội mượn súng để tự xử khiến hàng trăm người thót tim là chuyện chỉ có trong phiên tòa chấn động Nam Kỳ cuối năm 1945.

Chân dung kẻ tử tội

Khi Pháp quay lại xâm lược Việt Nam, nhân dân Nam Kỳ đứng lên chiến đấu. Lực lượng chống Pháp hồi đó, ngoài những đoàn quân Nam tiến và quân dân Nam Kỳ còn có một số đáng kể lực lượng bộ đội Bình Xuyên. Đây vốn là những nhóm giang hồ ở Sài Gòn nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc đứng lên đánh Pháp.

Trong số các thủ lĩnh Bình Xuyên, cái tên Ba Nhỏ khá nổi tiếng. Ông có liên quan đến một vụ án gây chấn động Nam Kỳ và cũng là vụ án có một không hai trong lịch sử.
Ba Nhỏ là thủ lĩnh một băng nhóm đâm thuê chém mướn ở khu vực xóm Củi – Sài Gòn từ trước Cách mạng. Trong cuộc biểu tình lịch sử có hàng vạn người tham gia, ngày 25/8/1945 ở Sài Gòn, Ba Nhỏ nổi bật lên vì hành động cưỡi ngựa đeo gươm kiểu hiệp khách đi giữa đường phố.
Khi cuộc chiến chống Pháp trở lại xâm lược nổ ra, Ba Nhỏ lãnh đạo đàn em gia nhập bộ đội chiến đấu trong mặt trận số 1 từ Thị Nghè – Bà Chiểu tới cầu Bông. Mặc dù chiến đấu trong hàng ngũ bộ đội nhưng Ba Nhỏ vẫn giữ cách hàng động kiểu dân anh chị, sẵn sàng giết bất cứ ai tình nghi là Việt gian mà không cần điều tra.

Chân dung Trung tướng Nguyễn Bình tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. 

Một trong những hành động giết người bừa bãi của Ba Nhỏ khiến dư luận công phẫn là vụ giết một người đàn bà ở bến đò Tân Định. Bà Fondean vào cư xá Tân Định mang 1 kg thịt cho hai đứa cháu ngoại vì sợ chúng không có gì ăn trong khi ta phong tỏa nội thành. Không cần nghe giãi bày, Ba Nhỏ tuốt gươm chém chết bà ngay tại đương trường. Tiếng là để làm gương cho những kẻ tiếp tế cho địch nhưng hành động ấy khiến nhân dân rất bất bình, ảnh hưởng đến uy tín của bộ đội.

Không chỉ có thế, ở những nơi quân của Ba Nhỏ đi qua, chính quyền phải nộp tiền nuôi quân. Gặp gia đình nào có con gái đẹp, Ba Nhỏ thô bạo cưỡng hiếp. Bởi thế, mới qua vài tháng kháng chiến, thư tố cáo Ba Nhỏ đã tới tấp bay về chiến khu. Người nhận những lá đơn thư ấy là tướng Nguyễn Bình - ủy viên quân sự Nam Bộ kiêm Khu trưởng khu 7.

Nguyễn Bình liền cử Hai Trọng xuống tận nơi điều tra tìm hiểu. Sự việc còn chưa xong thì ở nơi đóng quân mới của Ba Nhỏ là Bà Rịa, dân chúng lại gửi thư về khu thưa về hành động thổ phỉ của quân Ba Nhỏ. Để giữ thanh danh bộ đội, tướng Nguyễn Bình quyết định nghiêm trị Ba Nhỏ.

Biết dân anh chị không ai nể ai nhưng đều rung động trước cái chết của người cùng giới nên Nguyễn Bình đã cử người đi “dọn đường trước” trong giới chỉ huy Bình Xuyên. Hai Trọng lại lên đường đi thuyết phục các thủ lĩnh Tám Mạnh, Ba Dương, Năm Hà, Mười Lực. Các chỉ huy Bình Xuyên đồng ý nghiêm trị Ba Nhỏ và thuận theo đề nghị của Nguyễn Bình giao cho liên chi đội 2-3 tổ chức tòa án quân sự còn chi đội 7 (thời đầu chống Pháp, biên chế chi đội tương đương với cấp trung đoàn) cho người đi bắt Ba Nhỏ.

Nhưng bắt một tay anh chị cỡ Ba Nhỏ không phải chuyện dễ. Trong người hắn lúc nào cũng thủ cây súng sáu và một cây mi. Theo sát Ba Nhỏ còn có một bảo vệ thiện xạ. Chuyện khó khăn này phải “hùm xám” Hai Vĩnh mới làm nổi.

Nhận nhiệm vụ, Hai Vĩnh cũng suy nghĩ, dùng võ lực chưa chắc đã thành công nên anh quyết định dùng thuật giang hồ. Biết Ba Nhỏ chỉ phục Nguyễn Bình, Hai Vĩnh đi tay không tới gặp Ba Nhỏ trong một ngôi chùa Cao Đài ở thị xã Bà Rịa.

Đúng như Hai Vĩnh dự đoán, gặp mặt, Ba nhỏ tức tối nói: “ Tôi làm gì mà Thanh tra chánh trị miền Đông – Dương Bạch Mai bắt tôi? Tôi chưa bắn nó là may”. Nhắm vào tâm lý Ba Nhỏ, Hai Vĩnh nói: “Đừng nóng anh Ba. Theo tôi thì chuyện ai đúng ai sai cần phải bình tĩnh mà xem xét. Chuyện của anh không phải do Dương Bạch Mai quyết định đâu. Ông ta chỉ ký giấy bắt cho đúng luật pháp. Người quyết định bắt anh là khu trưởng Nguyễn Bình”.

Nghe đến Nguyễn Bình, Ba Nhỏ thất sắc: “Anh Ba ra lịnh bắt tôi à! Có chắc không?" – "Chắc mà! Cho nên tôi mới tới đây gặp anh. Không phải là đi bắt mà là mời anh đến gặp anh Ba để anh giãi bày mọi việc. Nhiệm vụ của tôi có vậy”. Nghe như thế, Ba Nhỏ ưng thuận đi theo Hai Vĩnh về khu để xử án.

Phiên tòa có một không hai

Địa điểm phiên tòa được tổ chức ở khu đình thần xã Phước Lai cách liên tỉnh lộ 19 độ hơn trăm mét về phía đông. Để bảo vệ phiên tòa, liên chi 2-3 đã cho 4 trung đội được trang bị cả súng trọng liên 12,7 mm để bảo vệ vòng ngoài. Bên trong khu vực tòa có một trung đội vệ binh và một số cán bộ chỉ huy Ban trinh sát và quân báo tập trung theo dõi để đối phó các tình huống bất ngờ.

Ngồi ghế chánh án là tướng Nguyễn Bình – Khu trưởng khu 7. Bên cạnh là hai ông Dương Văn Dương và Nguyễn Văn Mạnh (tức Tám Mạnh) là những chỉ huy bộ đội Bình Xuyên.

Trung tướng Nguyễn Bình (đứng thứ 3 từ trái sang) người đã nêu cao kỷ luật quân đội trong vụ xử Ba Nhỏ. Ảnh tư liệu. 

Phiên tòa thời chiến nhưng cũng tổ chức rất đầy đủ thủ tục. Đầu tiên là đọc cáo trạng, công tố viên buộc tội rồi luật sư biện hộ xin giảm án. Sau một hồi nghị án, Khu trưởng Nguyễn Bình nhân danh chánh án tuyên bố xử tử hình Ba Nhỏ.

Trong giờ phút xử án ấy, theo cuốn Nguyễn Bình – Huyền thoại và sự thật, một câu chuyện có một không hai đã diễn ra: “Sau khi nghe khu trưởng hỏi tội và tuyên án tử hình, Ba Nhỏ thành tâm nhận lỗi: Tội tôi làm, tôi xin chịu. Cám ơn anh Ba đã chỉ dạy cho tôi. Xin anh Ba cho tôi một đặc ân: được tự xử lấy mình.

Nguyễn Bình gật: Chiến sĩ cách mạng đã nhận tội, đồng chí sẽ được một cái chết xứng đáng. Tôi cho phép đồng chí dùng khẩu súng đã gây tội ác của đồng chí để tự xử.

Ba Nhỏ được giao trả khẩu súng của mình. Anh cầm khẩu súng quen thuộc rồi ngước mắt nhìn đám đông nói: Các bạn hãy lấy tôi làm gương. Xin đừng đi con đường của tôi.

Nói xong, Ba Nhỏ tay mặt cầm súng tay trái vuốt ve nòng súng. Lúc đó cả trăm người nín thở, trăm mắt nhìn nòng súng lo sợ cho ba vị ngồi trên bục cao. Mục tiêu số một chắc là khu trưởng Nguyễn Bình.

Nhưng anh Ba vẫn điềm nhiên nhìn xuống Ba Nhỏ đứng trước vành móng ngựa. Lúc đó Hai Trọng thấy Hội chống gươm đứng cách anh Ba Bình mấy bước phía dưới bục. Đây là loại gươm Nhật dài và nặng. Mắt Hội ngó lom lom Ba Nhỏ. Nhưng Ba Nhỏ không nhìn ai, từ từ đưa họng súng từ bụng đi lên tới ngực, khẽ nhích qua bên trái một chút, ngay trái tim. Một tiếng tách vang lên. Nhưng đạn không nổ. Ba Nhỏ cười nói to lên: Hồi nào tới giờ mầy theo tao, sao bây giờ mầy lại phản tao.

Ném súng xuống đất Ba Nhỏ nói với chánh án: Anh Ba, anh cho tôi mượn cây súng của anh.

Mọi người quay lại nhìn Nguyễn Bình xem phản ứng. Anh Ba móc súng trao cho Hội đem lại cho Ba Nhỏ. Ba Nhỏ chĩa lên đầu, ngang vành tai, bóp cò. Súng nổ vang. Ba Nhỏ gục xuống tắt thở".

Vụ xét xử Ba Nhỏ là một câu chuyện thời sự lớn ở Nam Kỳ trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Phiên tòa nổi bật lên hai nhân vật: Một là khí phách “giang hồ mã thượng” của Ba Nhỏ và hai là sự dũng cảm hơn người của tướng Nguyễn Bình.

Tác giả Nguyên Hùng đã nhận xét rất chính xác: “Nếu không phải là anh Ba Bình, chánh án không đời nào cho Ba Nhỏ tự xử với cây súng của anh ta. Và nếu không phải là Ba Nhỏ thì khẩu súng kia đã chĩa vào các mục tiêu khác hơn là bắn vô đầu mình. Đúng là anh hùng lại gặp anh hùng”.

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Giải bí ẩn con số 666 của quỷ Sa-tăng

Người phương Tây sợ con số 666 vì họ cho đó là dấu ấn kinh khủng của quỷ Sa-tăng. Vì sao vậy?
Không chỉ các quốc gia phương Tây mà một số quốc gia khác trên thế giới cũng rất sợ con số 666.

Con số đáng sợ trên xuất hiện ở trong quyển cuối cùng của bộ kinh Tân Ước hay còn gọi là sách Khải huyền. Nó được coi là dấu ấn hiện thân của quỷ Sa-tăng. Do đó, con số 666 là biểu tượng của sự không hoàn hảo đối lập với con số 7 – dấu ấn của Chúa Trời. Những con số của Chúa trời được cho là hoàn hảo bởi vì một tuần có 7 ngày, 7 lưỡi lửa, 7 linh hồn...

Ngoài ra, 666 còn được coi là con số tượng trưng cho một cuộc tấn công chống lại Jesus Christ. Trong tiếng Hy Lạp, chữ Christ khi được viết bằng tay sẽ có hình dạng khá giống những vật nhọn hay mũi tên. Nó được coi là một vũ khí nhằm chống lại Chúa trời.

Ngoài ra, con số 666 còn được cho là hiện thân của con rắn thuộc quỷ Sa-tăng – loài vật đã dụ dỗ Adam và Eva ăn trái cấm. Chính vì hai con người trần thế lén ăn vụng trái cấm nên Chúa đã nổi giận đuổi họ khỏi vườn địa đàng rồi đày người đàn ông xuống trần gian. Vì vậy, người ta cho rằng, con số 666 có khả năng là biểu tượng của sự cám dỗ, khiến con người lầm đường lạc lối và phạm phải những sai lầm khủng khiếp khó cứu vãn tình thế.

Theo một truyền thuyết cổ khác, nếu đem cộng 3 con số 6 sẽ tạo ra một kết quả và suy đoán đáng kinh ngạc: 6+6+6 = 18. Và con số 18 tượng trưng cho 18 trinh nữ hay còn được gọi là những thiên thần đồng trinh được dâng lên trong những lễ tế quỷ Sa-tăng. Những người tin theo truyền thuyết này cho rằng, nếu họ tìm được đủ 18 trinh nữ và thực hiện việc tế lễ theo đúng phong tục thì quỷ Sa-tăng sẽ trở về từ địa ngục.

Một số người tin rằng, con số 666 là dấu ấn của quỷ Sa-tăng nên chỉ đem lại điềm gở, tai họa cho con người.

Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, con số 666 không phải là hiện thân của quỷ Sa-tăng mà là số 616. Các nhà khoa học tìm thấy một bộ sưu tập các tài liệu cổ ở Ai Cập trong đó có bản thảo lâu đời nhất của sách Khải huyền chỉ ra rằng, 616 mới đúng là con số của quỷ Sa-tăng. Theo thời gian, không biết vì lý do gì đã dẫn đến sự thay đổi.

Dù vậy, người ta vẫn tin 666 mới là con số của quỷ bởi nó có vẻ huyền bí, hấp dẫn và dễ nhớ hơn con số 616.

Giáo sư khoa nhân chủng học thuộc Đại học Khoa học và Mỹ thuật Phillips Stevens Jr cho biết: “Khải huyền là một cuốn sách phức tạp và khó hiểu. Các học giả đã tìm thấy nhiều “con quỷ” xuất hiện trong chương 13 và nhiều chương khác của cuốn sách cổ đó”.

Vị giáo sư này cũng nhận định rằng, đây chẳng qua là kiểu mê tín dị đoan và hoàn toàn không tồn tại con số của quỷ. Những cụm từ chỉ con quỷ trong sách Khải huyền đề cập đến rất nhiều loại quỷ khác nhau không cứ gì chỉ có mỗi Sa-tăng.

Chính vì vẻ huyền bí của nó mà có người tin, có người lại cho đó chỉ là trò bịp bợm. Những người tin thì thường kiêng khem những ngày rơi đúng vào chu kỳ 666, hoặc không chọn những con số đó làm số nhà, biển số xe… Thậm chí có người còn kiêng không sinh nở vào những ngày đó vì lo sợ sẽ sinh ra một đứa con là hiện thân của quỷ.

Đặc biệt, một công trình nổi tiếng của Ai Cập còn được coi là hiện thân của quỷ Sa-tăng vì nó có những điểm tương đồng với con số 666. Đó là kim tự tháp kính Lourve. Người dân đồn thổi, công trình này được xây dựng cho quỷ bởi nó được tạo thành từ 666 miếng kính.

Câu chuyện ly kỳ trên xuất hiện từ những năm 1980. Tuy nhiên, lãnh đạo bảo tàng Louvre khẳng định rằng, kim tự tháp trên không hề có liên quan gì đến con số 666. Thực ra, nó được tạo thành từ 673 tấm kính trong đó có 603 tấm hình thoi và 70 tấm hình tam giác.

Dù vậy, nhiều người vẫn tin vào giả thuyết con số của quỷ Sa-tăng “hiện hình” ở kim tự tháp kính Lourve. Họ cho rằng, nếu lấy con số chính thức 673 cộng với cánh cửa Kim tự tháp lớn, cộng thêm 112 miếng kính của Kim tự tháp ngược rồi trừ đi 120 miếng kính của hai kim tự tháp con nằm trong đó thì vẫn cho ra kết quả 666 (674 + 112 - 120 = 666).

Chưa dừng lại ở đó, câu chuyện lại “dậy sóng” trở lại vào năm 2003 khi tác giả Dan Brown nổi tiếng đã viết trong cuốn tiếu thuyết Mật mã Da Vinci lừng danh khắp 5 châu 4 biển với nội dung khá “nhạy". Trong đó, nhân vật chính của tác phẩm là Robert Langdon cho rằng: "Kim tự tháp này đã được xây từ chính xác 666 tấm kính, theo yêu cầu kỳ cục của Tổng thống xuất sắc nhất Nền cộng hòa thứ 5 của Pháp là Francois Mitterrand". Chính vì vậy, chủ đề về con số của quỷ lại gây xôn xao dư luận một thời gian.

Đến ngày 6/6/2006, nhiều người tin rằng đó là ngày của quỷ Sa-tăng hiện về và sẽ có tai họa ập đến. Những tin đồn về ngày khủng khiếp đó lan truyền với tốc độ chóng mặt giống như Ngày tận thế. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, ngày hôm đó không hề xảy ra thảm kịch to lớn nào. Và thế giới vẫn bình yên.

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những lần xác xuất không chuẩn tính theo chu kỳ 666 ngày. Thực tế chỉ ra rằng, có một số sự kiện rơi đúng vào chu kỳ đó nhưng có xác xuất cộng trừ trùng khớp với thời điểm xảy ra những thảm họa kinh hoàng trong lịch sử nhân loại.

Cụ thể, nếu tính từ ngày 1/8/1914 – thời điểm bùng nổ thế chiến thứ nhất, thế giới xảy ra những sự kiện đặc biệt xảy ra với xác xuất cộng trừ vài tuần lễ. Nếu lấy 5 x 666 sẽ ra thời điểm là tháng 9/1923. Tại thời điểm đó, trận động đất mạnh 8,9 độ Richter tàn phá một khu vực lớn ở Tokyo, Nhật Bản đã diễn ra. Thảm họa kinh hoàng này xảy ra vào đúng vào ngày 1/9.

Nếu lấy 11 x 666 sẽ ra thời điểm là tháng 12/1941. Theo lịch sử, Nhật tấn công Trân Châu cảng gây thiệt hại nặng nề cho Hải quân Mỹ vào ngày 7/12/1941. Sự kiện này đánh dấu thời điểm Mỹ chính thức tham gia chiến tranh thế giới thứ hai.

Nếu lấy 17 x 666 sẽ ra thời điểm là tháng 8/1945. Vào ngày 6/8, Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản gây ra thảm họa hạt nhân đầu tiên trong lịch sử.

Nếu lấy 34 x 666 sẽ ra thời điểm tháng 8/1976. Mốc thời gian này đánh dấu sự bùng phát của một loạt thảm họa như bệnh Ebola ở châu Phi và xảy ra trận động đất lớn nhất thế kỷ ở Trung Quốc vào ngày 28/7.

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Sự thực về “tòa án” man rợ nhất lịch sử nhân loại

Sainte-Vehme là "tòa án" man rợ được thành lập bí mật ở Đức, chuyên xét xử tội phạm bằng những kiểu nhục hình hãi hùng trong lịch sử nhân loại.

Tòa án bí mật trên thực chất là hội kín Sainte-Vehme, được thành lập tại Westphalia vào thế kỷ thứ XIII. Tên của nó trong tiếng Hà Lan có nghĩa là hợp tác hay hiệp hội. Nó tồn tại từ đó đến cuối thế kỷ XVIII.

Sự ra đời của hội kín Sainte-Vehme có nhiều điểm trùng khớp với thời kỳ hỗn loạn sau cái chết vào năm 1250 của Hoàng đế Đức thời đó là Frederick II. Sau đó là sự ra đi của vua Conrad IV xứ Hohenstaufen năm 1254 khiến cho tình hình chính trị càng trở nên hỗn loạn. Bởi lẽ, vua Conrad IV là người đứng đầu hoàng gia trị vì đất nước cuối cùng trong gia tộc. Cái chết của hai vị quân vương trên đã dẫn đến thời kỳ “vô chính phủ”, không có người đứng đầu cai quản trong suốt 20 năm tiếp theo. Các chuyên gia gọi đó là thập niên “Đại khuyết ngôi”. Hàng loạt những cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu đã xảy ra vào thời điểm này.

Trong số những người tranh giành quyền lực thời đó có hoàng thân Guillaume xứ Holland, Richard xứ Cornwall và Alphonse X vùng Castilla. Họ được cho là những đối thủ mạnh nhất. Mỗi người đều có lực lượng hậu thuẫn cho phe mình là những tầng lớp thuộc giới quý tộc.

Trong bối cảnh hỗn loạn do không có sự cai trị nghiêm minh của bậc đế vương, những quý tộc sở hữu nhiều đất đai thời đó trở nên “rảnh tay rảnh chân” hơn. Họ thực sự độc lập về mặt chính trị.

Tuy nhiên, mỗi thành phố đều đặt ra những luật lệ nhằm đảm bảo tự do và quyền lợi cho tầng lớp quý tộc, tư sản. Đồng thời, họ cũng hủy bỏ những quy định của triều đình đã ban hành trước đó.

Hoàng đế Đức Frederick II qua đời năm 1250 khi chưa thực hiện xong kế hoạch thống nhất các vương quốc. Cũng vào năm này, những vị quận công của các vương quốc và thành phố đã gây ra một trận “mưa máu, gió tanh” khắp thiên hạ. Họ chiến đấu chống lại nhau nhằm mở rộng phạm vi lãnh thổ và sức mạnh quyền lực của mình.

Cùng với đó, quan hệ giữa đế chế hoàng gia và Tòa thánh cũng chuyển biến xấu dần. Đây không phải là sự kiện xảy ra vào thời điểm các vị vua mới qua đời mà đã nhen nhóm từ thời vua Frederick II trị vì. Hai thế lực đó luôn ganh nhau để giành quyền kiểm soát. Roma đã tìm đủ mọi cách để lật đổ nhà nước của hoàng đế Frederick II. Vào năm 1268, Tòa thánh đã ra lệnh cho lực lượng của mình truy sát và chém đầu cháu trai vị hoàng đế trên. Đây được coi là cuộc truy giết “nhổ cỏ tận gốc” những thân thích của hoàng gia Đức, không cho thế lực này có cơ hội gây dựng lại sự nghiệp.

Hội thánh Sainte-Vehme được thành lập và nhân danh Tòa thánh La Mã lẫn Đế quốc La Mã thần thánh. Tuy nhiên, nó lại “đá phăng” cả hai lực lượng trên ra khỏi tòa án bí mật.

Trụ sở chính của hội kín Sainte-Vehme được đặt tại thành phố Dortmund. Tuy nhiên, hội này cũng thành lập các “chi nhánh” của mình tại những địa phương khác. Hội đồng xét xử gồm 14 thẩm phán, trong đó có 7 người thuộc tầng lớp quý tộc, 7 người thuộc tầng lớp thị dân (đều là nam giới).

Tòa án bí mật Sainte-Vehme đã sử dụng những phương pháp tra tấn man rợ, khiến nhiều phạm nhân thiệt mạng trước khi nghe phán quyết.

Mặc dù, tòa án này có những thành viên tham gia hội đồng xét xử rất công tâm và muốn duy trì hòa bình, công lý và hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng không phải tất cả. Một số người tham gia chỉ vì muốn bảo vệ bản thân và gia đình mình không bị hội kín Sainte-Vehme “động thủ”.

Những thành viên trong Sainte-Vehme sẽ thay mặt cho công lý xét xử các loại tội phạm như những kẻ gây thiệt hại cho Cơ đốc giáo (gồm những người ngoại giáo, phù thủy, dị giáo, hay những hành động phá hoại nhà thờ, nghĩa trang..); tội phạm cướp của, hãm hiếp, đánh nhau, ngoại tình, giết người...; gây ảnh hưởng đến lợi ích của hội kín Sainte-Vehme như tiết lộ bí mật của họ. Những phạm nhân bị hội kín bí mật này bắt giữ thường chết trong quá trình tra khảo trước khi được nghe phán quyết.

Phương pháp tra tấn phạm nhân của Sainte-Vehme rất tàn bạo, khiến người dân thời đó khiếp sợ mỗi khi nghe đến tên của nó. Các phiên tòa xét xử và bản án không được công bố ra bên ngoài. Tất cả đều được giữ bí mật tuyệt đối.

Những hình thức tra khảo phạm nhân căn cứ theo mức độ phạm tội của mỗi người. Đối với những người phạm tội vặt như trộm cắp, đánh nhau, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác… thì chỉ cần nộp tiền phạt “kếch xù” là có thể dễ dàng thoát tội.

Tuy nhiên, những người phạm tội nặng như giết người, làm lộ bí mật của tòa án bí mật… có thể sẽ bị xử tử. Hội đồng xét xử sẽ áp dụng những hình thức tra tấn vô cùng dã man, tàn bạo đối với những người phạm tội như trói họ vào bánh xe rồi châm lửa thiêu. Thêm vào đó còn có hình thức dùng những thanh gỗ kẹp kéo căng tứ chi của phạm nhân hay dùng lửa áp sát vào cơ thể họ, dìm vào nước….

Một trong những nhục hình tàn bạo mà Sainte-Vehme sử dụng là đưa những tội phạm đã bị kết án xuống một đường hầm. Ở đó, họ đặt sẵn pho tượng rỗng có hình Đức Mẹ đồng trinh. Họ gọi đó là pho tượng nhưng thực chất lại là quan tài dành cho phạm nhân. Chúng được thiết kế đặc biệt với chi chít đinh sắc nhọn, dài ở bên trong. Những chiếc đinh này sẽ xuyên qua cơ thể phạm nhân khi chiếc quan tài bị đóng lại. Sau khi phạm nhân đã chết trong đau đớn và cơ thể không còn nguyên vẹn, nhân viên tòa án bí mật Sainte-Vehm vứt những thi thể ấy ra dòng sông gần đó.

Hội kín Sainte-Vehme bắt đầu suy yếu quyền lực kể từ thế kỷ XVI do chính quyền của hoàng đế Maximilien I và hoàng đế Charles-Quint đã khôi phục được quyền thế như trước. Họ có những hành động cứng rắn nhằm củng cố sức mạnh của hệ thống chính trị, quân đội và áp chế tòa án bí mật trên. Chính quyền hoàng gia Đức đã xóa xổ hoàn toàn hội kín này vào cuối thế kỷ XVIII, chấm dứt sự tồn tại của hội chuyên dùng nhục hình man rợ để tra khảo tội phạm gần 5 thế kỷ tại quốc gia này.

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Hitler suýt tự vẫn vì một thiếu nữ Do Thái

Không ai nghĩ người gây ra cơn đại thảm sát đối với người Do Thái như Adolf Hitler, thời trẻ lại thẫn thờ mê đắm một mỹ nữ Do Thái hơn mình một tuổi.

Nhưng sự thật đó đã được chính người bạn thân nhất thưở thiếu thời của tên trùm phát xít này, August Kuzibek, tiết lộ trong cuốn sách mang tên "Thời niên thiếu của Hitler trong mắt tôi" xuất bản gần đây.

Thực ra, cuốn sách trên ra mắt bạn đọc từ khi Hitler còn trên đỉnh cao quyền lực. Nhưng để giữ thể diện cho đức Quốc trưởng, những đoạn miêu tả về cuộc tình thầm yêu trộm nhớ của Hitler với người thiếu nữ Do Thái xinh đẹp có tên Stephanie Isaac đã bị cắt bỏ. Hơn 70 năm sau, cuốn sách được tái bản với toàn bộ những gì tác giả đã thể hiện và khi đó người ta mới biết rằng, chính Stephanie chứ không phải Eva Braun (vợ của Hitler) mới là người dạo những nhịp đầu tiên cho bản nhạc yêu đương trong trái tim Hitler.


August Kuzibek, tác giả cuốn "Thời niên thiếu của Hitler trong mắt tôi". 

Một đêm mùa xuân năm 1905, Hitler (khi đó vừa bước sang tuổi 16) và Kuzibek lững thững đi dạo dưới những tán cây trên con đường dẫn tới quảng trường thành phố Linz (Áo). Đột nhiên, Hitler giật tay Kuzibek hỏi: "Cậu thấy cô gái tóc vàng đang tản bộ cùng với mẹ đang đi ngược lại với chúng ta thế nào? Vẻ thướt tha của nàng khiến trái tim tớ run rẩy. Có lẽ tớ đã yêu nàng mất rồi". Quả thật, Stephanie quá đỗi xinh đẹp. Sự kiều diễm của cô không chỉ toát từ những khuôn vàng thước ngọc, vóc cao, dáng điệu, eo thon, mà còn cả ở đôi mắt: đẹp, sáng, long lanh như muốn nhấn chìm cả thế giới đàn ông.


Hitler và Stephanie Isaac.

Qua tìm hiểu, Hitler biết được Stephanie mang họ của người Do Thái, vừa tròn 17 tuổi, đang ở cùng mẹ là một quả phụ giầu có. Từ đó, cứ tới 5 giờ chiều Hitler lại đứng bên con đường lớn chỉ mong được ngắm nhìn người thiếu nữ đã mang tiếng sét ái tình đến cho mình. Tuy nhiên, sự nhút nhát và những mặc cảm về xuất thân nghèo hèn đã khiến Hitler không thể bày tỏ nỗi niềm cùng Stephanie. Do bị nén lại, nên mối tình câm lặng đó đã bật ra trang giấy. Không ai nghĩ, tên bạo chúa tàn ác, vô nhân tính ấy lại là tác giả của vô số bài thơ tình lãng mạn và nguồn cảm hứng của hắn không ai khác chính là Stephanie.

Yêu đơn phương, nhưng Hitler tin rằng giữa mình và Stephanie tồn tại một mối giao cảm đặc biệt, không cần tới sự biểu lộ của ngôn ngữ. Hitler từng khùng lên khi Kuzibek tỏ ý nghi ngờ điều đó. Hitler cũng cảm thấy vô cùng tức tối mỗi khi chứng kiến cảnh viên sỹ quan người Áo (người sau này trở thành chồng của Stephanie) ân cần chiều chuộng Stephanie. Thậm chí, để giành lấy Stephanie, Hitler còn vạch kế hoạch bắt cóc người đẹp khi cô đi dạo cùng mẹ. Theo kế hoạch này, Kuzibek có nhiệm vụ ôm giữ mẹ của Stephanie, còn Hitler sẽ nhân cơ hội đó cướp người trong mộng mang đi. Tuy nhiên, sau khi bàn tính kỹ càng, Hitler đã chấp nhận hủy bỏ kế hoạch bắt cóc Stephanie. Sự non nớt của chàng trai mới lớn đã khiến Hitler không thể giải quyết được bài toán kinh tế trong trường hợp hắn và Stephanie phải bôn tẩu khắp nơi trốn tránh sự truy lùng của cảnh sát.

Hitler cứ như sôi lên khi nghĩ tới cảnh mất Stephanie. Trong cơn phẫn chí, Hitler đã nghĩ tới việc nhảy cầu tự sát. Tuy nhiên, thần may mắn đã mỉm cười với Hitler. Đêm hôm sau Hitler quyết định ra đi mãi mãi thì ngày hôm trước thành phố Linz tổ chức lễ hội hoa. Đó là vào khoảng tháng 6/1906. Vừa đi xem lễ hội, Hitler vừa buồn rầu tâm sự cùng Kuzibek. Một chiếc xe ngựa chở theo một số người đẹp tham dự lễ hội, trong đó có Stephanie chạy qua. Cũng như mọi người trên xe, Stephanie tung hoa xuống hai bên đường. Vô tình một đóa hoa hồng từ tay Stephanie rơi đúng vào Hitler. Không thể tả được sự vui sướng của Hitler, chàng ta nhảy cẫng lên, khoe với Kuzibek: "Cậu xem đây, nàng thích tớ rồi! Nàng thích tớ rồi!" Nhờ đó, Hitler đã quyết định đảo ngược kế hoạch quyên sinh, ở lại với đời và bông hồng cứu rỗi linh hồn đó được Hitler lưu giữ cẩn thận.

Năm 1907, Hitler bước sang tuổi 18, bắt đầu cuộc sống lưu lạc. Ôm ước vọng trở thành một họa sĩ, năm 1909, Hitler ghi tên thi vào Học viện mỹ thuật Viên, nhưng kết quả không như ý muốn. Trở thành một họa sĩ lang thang, xa rời Linz, nhưng Hitler vẫn kiên trì chủ đề sáng tác lấy Stephanie làm nguồn cảm hứng. Tháng 5/1913, Hitler rời thủ đô Viên của Áo sang sống ở thành phố Munich (Đức) để sau đó trượt dài trên con đường phát xít. Ở quê nhà, Stephanie được gả cho một sĩ quan Áo, sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc cùng gia đình chuyển đến sống ở thủ đô Viên. Đối với Stephanie mà nói, việc không trở thành vợ của Hitler là một may mắn nhất trong đời vì nếu không, khi lá cờ Hồng quân Liên Xô tung bay trên tòa nhà Quốc hội Đức, có thể Stephanie chứ không phải Eva Braun đã phải cùng tên trùm phát xít uống thuốc độc tự tử.

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Những sự thật “kinh thiên động địa” về vua Ai Cập

Vua Ai Cập cổ đại Tutankhamun đã để lại lời nguyền chết chóc hay ông chết vì bị ám sát… thực chất chỉ là trò lừa bịp.

Vào buổi sáng 90 năm trước, nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter cùng với huân tước Carnarvon đã mở dấu niêm phong hầm mộ chôn cất xác ướp của vua Tutankhamun cùng với kho báu ở Thung lũng các vị vua. Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ phát hiện được lăng mộ của một vị vua Ai Cập còn khá nguyên vẹn. Bên cạnh xác ướp, họ còn tìm thấy gần 5.000 hiện vật, trong đó có nhiều món đồ bằng vàng ròng quý giá giúp con người tìm hiều kỹ hơn về lịch sử Ai Cập thời cổ đại.

Vua Tutankhamun là vị Pharaoh trẻ nhất và nổi tiếng nhất trong các vị hoàng đế Ai Cập. Ông là người đã trị vì quốc gia trong khoảng thời gian 10 năm và qua đời khi đang độ tuổi thanh xuân (19 tuổi). Loài người đã thêu dệt nên nhiều giai thoại, bí mật thất thiệt về vị vua này. Dưới đây là một số bí mật về vua Tutankhamun mà nhiều người có lẽ không biết:

1. Không hề tồn tại lời nguyền chết chóc

Nhà khảo cổ Carter mở dấu niêm phong lăng mộ của vua Tutankhamun vào tháng 11/1922 dưới sự hỗ trợ tài chính của lãnh chúa giàu có George Herbert - người đam mê về lịch sử Ai Cập cổ đại. Kể từ đây, những tin đồn về lời nguyền và những cái chết kỳ lạ, không rõ nguyên nhân của những người tham gia vào cuộc khai quật nơi an nghỉ của Pharaoh vĩ đại bắt đầu xuất hiện.

Theo một số tài liệu, trong khi khám phá mộ của vua Tutankhamun, huân tước Carnarvon đã nhìn thấy một dòng chữ có nội dung: “Cái chết sẽ nhanh chóng đến với ngươi nếu kẻ nào dám xâm phạm sự thanh bình của hoàng đế...”.

Bốn tháng sau đó, lãnh chúa Herbert chết vì bị muỗi cắn dẫn đến nhiễm trùng máu. Sau đó, huân tước Carnarvon cũng qua đời. Cái chết cũng lần lượt đến với người em cùng cha khác mẹ và cô nữ hộ lý của ông, tiếp đến là một tỷ phú Mỹ đã từng vào thăm hầm mộ, người thợ chụp ản, vị bác sĩ đã chụp hình X-quang xác ướp của Pharaoh, một người đồng nghiệp của ông tên là Arthur Meis (vốn cũng tham gia khai quật hầm mộ) và vợ của Huân tước là bà Almina. Hầu hết những người tham gia quá trình khai quật đều chết một cách bí ẩn. Vì vậy, người ta đồn đoán rằng, lời nguyền của vua Tutankhamun đã ứng nghiệm.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cuối cùng xác định được rằng dòng chữ khắc trong lăng mộ của vị vua này là do các phóng viên “sáng tạo” ra câu chuyện đó. Lời nguyền chết chóc của Tutankhamun cũng không hề tồn tại mà là hành động, âm mưu giết người của một kẻ cuồng tín.

Trong cuốn sách của nhà sử học Mark Benyon, một kẻ tôn thờ quỷ Satăng có tên Aleister Crowley chính là hung thủ gây ra cái chết của 6 trong số 20 người khai quật mộ vua Tutankhamun. Thậm chí, cảnh sát còn phát hiện ra hắn đang lên kế hoạch thực hiện vụ giết người thứ 7 và làm cho mọi người tin rằng, lời nguyền chết chóc của vua Tutankhamun là có thật.

Nhà sử học Benyon cho biết, Crowley dường như bắt chước cách giết người của kẻ cuồng sát Jack Ripper. Thêm vào đó, hắn tin rằng nếu bản thân giết càng nhiều người thì tội ác của mình sẽ càng khó bị bại lộ.

Một nguyên nhân khác khiến tội ác của Crowley không bị phát giác trong nhhiều năm là bởi mọi người đều tin vào lời nguyền của xác ướp vua Ai Cập cổ đại và không hề nghĩ đến khả năng họ bị sát hại.

2. Vua Tut qua đời có thể là do một tai nạn

Trong nhiều năm qua, không ít các học giả suy đoán rằng cái chết đột ngột và đầy bí ẩn của vua Tutankhamun khi đang ở tuổi 19 là do bị ám sát. Người ta cho rằng, ông bị sát thủ đánh một cú chí mạng vào đầu dẫn đến tử vong.

Gần đây, các chuyên gia đã xác định rằng vết nứt trong hộp sọ của vua Tut là một tai nạn trong quá trính ướp xác hoặc do những người trong đoàn khảo cổ của ông Carter đã không cẩn thận làm “hư” thi hài của vị vua trẻ tuổi này.

Vua Tutankhamun là một trong những vị Pharaoh nổi tiếng nhất Ai Cập thời cổ đại.

Năm 2005, một nghiên cứu chỉ ra rằng, trước khi qua đời vua Tutankhamun đã bị gãy chân và nhiễm trùng do vết thương không được xử lý triệt để. Theo một giả thuyết, vua Tut đã gặp chấn thương ở chân do bị ngã ngựa trong một chuyến đi săn. Thêm vào đó, các nhà khoa học đã tiến hành xét nghiệm DNA của xác ướp vào năm 2010 và phát hiện ra vị hoàng đế này mắc bệnh sốt rét. Căn bệnh này có thể là nguyên nhân làm trầm trọng thêm vết thương bị nhiễm trùng ở chân hoặc khiến ông bị ngã ngựa. Người ta còn đưa ra giả thuyết rằng, một con hà mã đã cắn hoàng đế khiến ông qua đời khi còn rất trẻ.

3. Vua Tutankhamun thay đổi lại những trật tự của vua cha

Trong thời gian cai trị, vua Tutankhamun dường như không để xảy ra những biến cố lớn. Tuy nhiên, vị vua trẻ đã tiến hành một cải cách mang ý nghĩa to lớn. Cha của ông là vua Akhenaten được coi là thần Aten - vị thần quan trọng nhất của Ai Cập. Ông cũng là người được dân chúng tôn thờ hơn so với các vị thần khác. Thêm vào đó, vua Akhenaten cũng chuyển thủ đô Ai Cập từ Thebes đến một vùng đất mới ở Aten. Nhưng kể từ khi lên ngai vàng, vua Tutankhamun được cho là người đã làm đảo ngược những trật tự tôn giáo trong dân chúng. Cụ thể, vua trẻ cho khôi phục lại việc thờ thần Amun chứ không thờ vua cha như trước đây. Ông cũng ra lệnh chuyển thủ đô trở lại vùng đất kinh kỳ xưa là Thebes. Ngoài ra, ông cũng thay đổi tên của mình từ Tutankhaten (cái tên gắn liền với vị thần Aten) sang Tutankhamun (ý nghĩa của tên mới gắn với vị thần Amun).

4. Vua Tutankhamun là sản phẩm của mối tình loạn luân?

Năm 2010, các nhà nghiên cứu thực hiện phân tích ADN xác ướp này và cho ra kết quả rất sốc. Họ tin rằng, vị vua trẻ vĩ đại của Ai Cập được sinh ra do mối quan hệ loạn luân (cùng huyết thống) giữa pharaoh Akhenaten với một trong số những người chị em gái của ông. Kết hôn cận huyết là một trong những truyền thống của hoàng gia Ai Cập cổ đại. Vào thời kỳ đó, người ta cho rằng, họ là con cháu của các vị thần và kết hôn với những thành viên trong gia đình là cách để duy trì dòng máu tinh khiết, không bị pha tạp.

Các chuyên gia cho rằng, xu hướng kết hôn cận huyết dẫn đến những đứa trẻ được sinh ra sẽ có nguy cơ cao mắc khuyết tật bẩm sinh giống như bị hở hàm ếch...

Không chỉ được sinh ra trong mối quan hệ cận huyết, vua Tutankhamen cũng đã kết hôn với người chị gái của mình là Ankhesenamun.

5. Vua Tutankhamun được chôn cùng những người con chết yểu
Khi nhà khảo cổ Carter phát hiện ra lăng mộ của vuaTutankhamun, ông nhìn thấy một căn phòng chứa đầy vàng bạc vô giá như những bức tượng làm bằng vàng ròng, đồ trang sức dùng trong các nghi lễ, những chiếc thuyền nhỏ thể hiện ước muốn về cuộc hành trình đến Netherworld và một ngôi đền để chứa nội tạng ướp của Pharaoh. Thêm vào đó, khu hầm mộ còn có hai quan tài nhỏ chứa hai xác chết trẻ con.

Sau khi kiểm tra DNA, các nhà khảo cổ kinh ngạc phát hiện ra một trong hai xác chết đó là con gái chết yểu của vua Tutankhamun. Xác ướp còn lại dường như cũng là con của vị vua này. Các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng, vị vua trẻ và người chị gái sinh ra những đứa con từ mối quan hệ cận huyết nên chúng thường bị dị tật và chết non.

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Vụ đào thoát ngoạn mục của 7.500 người Do Thái

70 năm trước, một cuộc trốn thoát ngoạn mục của người Do Thái đã xảy ra tại Đan Mạch, lúc đó bị đặt dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã.

Lời cảnh báo về việc Đức lên kế hoạch trục xuất người Do Thái đến các trại tập trung khiến gần như toàn bộ dân số Do Thái ở Đan Mạch - lên đến gần chục ngàn người - rời bỏ nhà cửa và trốn khỏi đất nước.

Giờ đây, ngồi trong căn hộ tiện nghi ở trung tâm Copenhagen (Đan Mạch), ông Melchior Bent cùng với vợ - bà Lilian - nhớ lại về cuộc đào thoát mà ông đã thực hiện cách đây 7 thập kỷ nhưng vẫn hiển hiện một cách rõ ràng theo năm tháng.

Ông Bent lúc còn trẻ và hiện tại.

Năm 1943, sau 3 năm bị Đức xâm chiếm, tại Đan Mạch có khoảng 8.000 người Do Thái sinh sống. Tháng 9 năm đó, cảnh sát mật của Đức Quốc xã (Gestapo) đã quyết định trục xuất tất cả người Do Thái tại Đan Mạch đến trại tập trung, giống như họ đã làm với hàng triệu người Do Thái khác trên khắp châu Âu. Các cuộc bố ráp được lên kế hoạch bắt đầu thực hiện vào ngày 1/10, đó là ngày Shabbat mà người Do Thái thường tập trung đông đủ gia đình để ăn tối.

Trước đó vài ngày, Georg Duckwitz, một tùy viên hải quân làm việc trong Đại sứ quán Đức tại Copenhagen, đã tiết lộ thông tin về kế hoạch bố ráp trên cho Hans Hedtoft, lãnh đạo của đảng Lao động Đan Mạch. Hedtoft - người sau này trở thành thủ tướng Đan Mạch - vội vã cảnh báo cộng đồng Do Thái và khuyên họ nên rời đi.

Những người Do Thái Đan Mạch trên thuyền đánh cá trong cuộc đào thoát.

“Khi anh bước lên chiếc thuyền đánh cá thì có nghĩa là anh sẽ thực hiện một chuyến hành trình xuyên biển Baltic đầy nguy hiểm để đến được một nơi an toàn”, Bent, lúc đó mới 14 tuổi, nhớ lại. Bent kể lại anh đã rất lo sợ rằng có thể sẽ không bao giờ nhìn thấy ngôi nhà thân yêu của mình một lần nữa. “Chúng tôi đều rất sợ hãi. Em trai tôi mới 5 tuổi và không biết những gì đang xảy ra. Tôi cũng không biết mẹ mình đang mang thai vào thời điểm đó. Vì vậy, đối với bà, đó là khoảng thời gian khủng khiếp", Bent nói.

Đó là một đêm mùa thu, 2.500 người Do Thái đã phải trốn từ các bãi biển và cảng nhỏ của Đan Mạch sang nước láng giềng Thụy Điển với phương tiện chủ yếu là thuyền, tàu chở hàng và ca nô, thậm chí có người còn dùng phao để bơi.

Sơ đồ hành trình đào thoát. 

"Cha mẹ tôi là một trong số những người biết tin này đầu tiên. Do lo ngại rằng điện thoại có thể bị nghe lén nên mẹ tôi phải đi tới từng gia đình Do Thái để bấm chuông gọi cửa và khuyến khích họ rời đi. Gia đình tôi tập trung trên chiếc thuyền vốn dùng để chở cá, nhưng lúc này nó được dùng để chở người. Thực sự là rất nguy hiểm khi bồng bềnh trên biển vào ban đêm với sóng dữ và rất khó xác định phương hướng; và càng nguy hiểm hơn trong điều kiện ban ngày vì máy bay Đức liên tục quần thảo trên không. Nếu bị phát hiện, chắc chắn sẽ là một thảm họa đối với chúng tôi", Bent kể lại.

Cả gia đình Bent khởi hành vào ban đêm. Có tất cả 19 người trên thuyền, nấp dưới sàn để đề phòng trường hợp máy bay của Đức Quốc xã phát hiện. Thời tiết ban đêm khá lạnh và sóng biển thì rất hung dữ. Mọi người bắt đầu cảm thấy khó chịu khi ở quá lâu trên con thuyền nhỏ bé, chật chội, thời gian dài đằng đẵng, mỗi phút tưởng như kéo dài hàng giờ.

Nhưng thực hiện việc chạy trốn thật không dễ dàng, dù đã phải trả 9.000 USD/người để có một vị trí trong chiếc thuyền đánh cá nhỏ này. Sau 8 giờ lênh đênh trên biển, chiếc thuyền chở gia đình Bent tưởng rằng sắp cập bến đến Thụy Điển. Tuy nhiên, điều khủng khiếp là trên thực tế, con thuyền của Bent đã khởi hành một vòng tròn chứ không phải về phía đông, hướng tới bờ biển Thụy Điển. Do đó, những người trên thuyền đã quay trở lại đúng nơi mà họ đã xuất phát. Nguyên nhân ở đây là do thuyền trưởng, vốn là một ngư dân, chưa bao giờ ra xa khỏi bờ biển và cũng không biết cách xác định phương hướng.

Sau khi phát hiện sự cố, những người chạy chốn quyết định thay nhau chèo thuyền về phía đông theo hướng mặt trời. Thật kỳ diệu, sau 18 giờ tiếp tục lênh đênh trên biển, họ đã đến được Lilla Beddinge, một ngôi làng đánh cá nhỏ trên bờ biển Thụy Điển. Một cậu bé 6 tuổi là Per - Arne Persson đã nhìn thấy và gọi mọi người ra giúp đỡ. Đến tháng 10/1943, tổng cộng có hơn 7.500 người Do Thái Đan Mạch đã vượt biển thành công sang Thụy Điển với cách làm tương tự như gia đình Bent.

Tất nhiên, không phải ai cũng đều may mắn trốn thoát, như trường hợp 80 người Do Thái trốn trong căn gác của một nhà thờ ở thị trấn phía bắc Gilleleje đã bị cơ quan mật vụ Đức Quốc xã bắt giữ vì cô hầu gái người Đan Mạch, vốn đính hôn với một lính Đức, đã tiết lộ vị trí của họ. Tất cả có khoảng 200 người Do Thái Đan Mạch đã bị quân Đức bắt lại trong khi tìm cách trốn và bị trục xuất về trại tập trung Theresienstadt mà ngày nay là Cộng hòa Séc.

Ngày 4/5/1945, Đan Mạch được giải phóng và những người Do Thái tị nạn được tự do trở về nhà. Bent cùng gia đình chuyển về căn hộ cũ của họ ở Copenhagen sau 19 tháng sống tị nạn tại Thụy Điển.

Cuộc sống sau đó trở lại nhịp điệu bình thường và Bent trở thành một thành viên cao cấp của Hội đồng người tị nạn Đan Mạch. Ông đã đi khắp thế giới kể lại câu chuyện của mình để nhắc nhở mọi người rằng, cuộc chiến về sự sinh tồn sẽ không bao giờ bị lãng quên. Per - Arne, cậu bé người Thụy Điển tại bãi biển năm nào, vẫn là một người bạn của ông cho đến hôm nay.

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Những kiểu chiến tranh chỉ có ở Việt Nam

Thật khó tưởng tượng khi những gánh lá han trong tay du kích Việt Nam lại khiến mức độ thương vong của địch ngang với một trận đánh ác liệt.

Dân quân du kích là một bộ phận của QĐND Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh 30 năm giải phóng dân tộc (1945-1975), bên cạnh bộ đội chính quy, dân quân du kích có những đóng góp to lớn. Đặc biệt, trong chiến đấu, họ là “cha đẻ” của những lối đánh chưa từng ghi trong từ điển quân sự. Dưới đây là một vài mẩu chuyện chiến đấu tiêu biểu của du kích. Bài viết có sử dụng tư liệu của sách Mưu và kế của Nxb Quân đội nhân dân.

Gánh lá han diệt địch

Đầu năm 1954, để phối hợp với Điện Biên Phủ, du kích khu vực Kỳ Nha, Nha Xuyên, Xuân Phố (Thái Bình) quyết định vây đồn Cầu Sắt cạnh quốc lộ 39 để ghìm chân và thu hút máy bay địch về khu vực này.
Ban đầu du kích đào công sự vây đồn và bắn tỉa nhưng địch trong đồn có hỏa lực rất mạnh. Chúng lại gọi pháo từ thị xã bắn về rồi xung phong đánh ra giải tỏa nên du kích phải rút đi.
Vây không lợi thì ta tìm cách khác. Nhận thấy đồn nằm cạnh một con sông đào, toàn bộ nguồn nước sinh hoạt của bọn lính đều phụ thuộc hết vào con sông này, du kích quyết định triệt nguồn nước để bức địch phải rút.

Dùng nồi đất giả làm mìn lừa địch. Ảnh tư liệu. 

Đông đảo nhân dân xung quanh đã được huy động để đắp đập chặn 2 đầu khúc sông và tát cạn. Bọn địch vô cùng hoảng hốt khi thấy nước sông cạn sạch cứ như là có con rồng trên trời xuống hút hết vậy. Nhưng khi chúng đi dọc theo bờ sông thì chúng đã phát hiện ra nguyên nhân. Chỉ sau vài loạt pháo bắn, các đập chắn mà nhân dân và du kích khổ công đắp chặn đã tan hoang.

Chính vào lúc này, du kích lại nghĩ ra một mẹo khác. Chỉ trong một đêm họ gánh hơn 600 gánh lá han đến thả xuống khúc sông gần đồn địch. Mấy ngày thiếu nước, nay có nước về, lính trong đồn thi nhau tắm giặt nhưng chúng không biết rằng nước sông đã bị nhiễm nhựa lá han.

Bởi thế, những tên tắm giặt xong bị ngứa rộp hết người. Không những thế, người dân còn vứt nhiều thứ xú uế xuống khúc sông này. Chỉ ít ngày sau, quá nửa bọn địch trong đồn đã bị nhiễm bệnh phù thũng và gần chục tên đã bị chết vì bệnh kiết lỵ.

Mang bưởi nhử địch

Thời kháng chiến chống Pháp, quân Pháp đóng ở Hải Dương rất thích ăn hoa quả trong vườn của dân. Bởi thế, mỗi lần đi càn là chúng xục vào vườn ra sức cướp bóc hoa quả. Du kích huyện Cẩm Giàng biết được thói xấu của chúng liền nghĩ cách để trừng trị bọn địch.

Du kích Nam bộ với súng đại liên thu được của Pháp. Ảnh tư liệu. 

Một sáng có toán lính từ Cẩm Giàng đi về hướng tỉnh lỵ Hải Dương. Đang đi chúng thấy phía trước có một phụ nữ gánh bưởi hấp tấp chạy. Có lẽ chị ta sợ đám lính bắt gặp sẽ lấy hết bưởi. Nhưng không kịp nữa, bọn lính đã nhìn thấy chị và đuổi theo. Chị kia chạy càng nhanh hơn nên bưởi trong gánh bắt đầu rơi ra đường.
Bọn địch theo sau vừa nhặt bưởi vừa cười hô hố. Khi chúng đuổi đến gần, chị kia hốt hoảng vứt cả gánh bưởi rồi chạy vào một xóm ở gần đấy. Chỉ giây lát, đám lính cũng chạy tới nơi và tranh nhau những quả bưởi.
Đang lúc lộn xộn ấy, bỗng có một tiếng nổ dữ dội phát ra ngay chỗ đám lính đang nhặt bưởi. Bốn tên địch bị chết tại chỗ cùng gần 10 tên khác bị thương. Cả đám nháo nhác hoảng loạn. Khi hoàn hồn, chúng bắn mấy loạt đạn vu vơ vào trong xóm rồi thu xác đồng bọn về.

Thì ra biết tính ham ăn của địch, du kích huyện Cẩm Giàng đã bố trí để đánh chúng. Đêm trước, họ bí mật gài mìn trên con đường địch đi qua. Sáng hôm sau, đợi khi đám lính bắt đầu đi thì họ cho một nữ du kích gánh một gánh bưởi đi trước chúng rồi giả vờ chạy dụ địch đến chỗ gài mìn thì quăng gánh bưởi. Thật là một cách đánh mưu trí.

Tài đánh mìn của du kích đường 5

Đường quốc lộ 5 trong thời chống Pháp là con đường nguy hiểm đối với giặc Pháp. Hàng chục hàng trăm vụ dính mìn đã khiến quân Pháp gọi đây là “con đường máu”. Người gây ra nỗi kinh hoàng cho quân Pháp không ai khác là những du kích đường 5 nổi tiếng về tài đánh mìn.

Sau nhiều lần bị phục kích, Pháp bắt đầu đề phòng nên chúng thường cho lính dò mìn đi trước mỗi khi có đoàn xe quan trọng đi qua. Một số mìn của du kích đã bị chúng gỡ được. Không chịu bó tay, nhân dân ta lại nghĩ ra cách tinh vi hơn để lừa chúng.

Họ đào thật nhiều lỗ chôn mìn và đặt vào đấy toàn mìn giả. Để gây chú ý, mỗi chỗ đặt mìn họ cắm một cái biển to như biển chỉ đường và ghi bằng tiếng Pháp “attention aux mines” nghĩa là “có mìn, cần chú ý đề phòng”.

Lần đầu tiên trông thấy biển, bọn địch đi trên xe phải dừng lại tổ chức lực lượng đi dò và gỡ mìn. Nhưng dò mãi mà chỉ lôi lên toàn mìn giả khiến chúng rất bực dọc. Sau vài ba lần như vậy, bọn địch cho đây chỉ là trò lừa của du kích để làm chậm bước bọn chúng nên chẳng ngó ngàng gì đến các tấm biển nữa.
Nhận thấy thời cơ đã đến, nhân dân ta mới đánh thật. Vào một buổi sáng có hơn 40 tên đi trên một chiếc xe “cam-nhông” từ Hải Phòng về Hà Nội. Đi được chừng 20 km thì chúng gặp một chiếc biển báo có mìn cắm sát lề đường.

Tên lái xe bực tức dừng lại rồi hầm hầm đi xuống giật phăng cái biển ném đi. Bất thình lình một tiếng nổ dữ dội phát ra. Chiếc xe bật ngửa về phía sau rồi lăn xuống ruộng. Toàn bộ địch ngồi trên xe bị chết và bị thương. Thì ra du kích đã chôn mìn ngay cạnh cái biển và lấy dây nối kíp nổ với cái biển. Khi tên lái xe nhổ biển ném đi đã kích nổ quả mìn.

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Tiết lộ đáng kinh ngạc về Ai Cập cổ đại

Nữ hoàng Cleopatra là người Hy Lạp chứ không phải Ai Cập, hầu hết Pharaoh đều béo phì… là những sự thật khó tin về Ai Cập cổ đại.

Ai Cập cổ đại được cho là một trong những nền văn minh tiên tiến nhất trên thế giới trong gần 3.000 năm. Thời kỳ này đã tạo ra một nền văn hóa vô cùng phong phú và rực rỡ, để lại nhiều “kho báu” cho loài người khám phá. Trong khi nghệ thuật, kiến trúc và cách ướp xác của người Ai Cập từ lâu đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học, giới khảo cổ thì nhiều người có lẽ vẫn chưa biết đến những sự thật vô cùng kinh ngạc về nên văn minh cổ đại này.

1. Nữ hoàng Cleopatra không phải là người Ai Cập


Cùng với vua Tut, nữ hoàng Cleopatra VII là một trong những Pharaoh nổi tiếng nhất lịch sử Ai Cập cổ đại. Mặc dù sinh ra ở Alexandria nhưng nữ hoàng Cleopatra lại là thành viên trong gia tộc người Macedonia (Hy Lạp). Bà là hậu duệ cuối cùng của triều đại Ptolemy I là một trong những “phụ tá” đáng tin cậy nhất của Alexander Đại đế. Triều đại Ptolemy cai trị Ai Cập từ năm 323-30 trước Công nguyên. Tên đầy đủ của bà là Cleopatra Thea Philopator và trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "Nữ thần Cleopatra, đứa con yêu dấu của vua cha".

Nữ hoàng Cleopatra vô cùng nổi tiếng vì là thành viên đầu tiên trong gia đình hoàng gia Ai Cập đã học tiếng của người dân nơi đây. Bà cũng nổi tiếng vì sở hữu nhan sắc tuyệt trần và trí thông minh xuất chúng. Do đó, nữ Pharaoh có thể nói 9 thứ tiếng một cách trôi chảy và lên ngai vàng từ năm 18 tuổi.

2. Người Ai Cập cổ ký một trong những hiệp ước hòa bình sớm nhất trong lịch sử loài người


Trong hơn hai thế kỷ, người Ai Cập cổ đại đã chiến đấu chống lại Đế chế Hittite để kiểm soát vùng đất này (hiện nay những khu vực đó là lãnh thổ của Syria). Cuộc xung đột đẫm máu đã xảy ra trong trận chiến Kadesh năm 1274 trước Công nguyên. Trong cuộc chiến đó, lực lượng của vua Ramses II không giành được ưu thế hoàn toàn. Thêm vào đó, người Ai Cập và đế chế Hittite đều phải đối mặt với mối đe dọa từ các dân tộc khác muốn "ngư ông đắc lợi" từ sự đụng độ giữa hai bên.

Năm 1259 trước Công nguyên, vua Ramses II và vua Hattusili III của Đế chế Hittite đã tiến hành đàm phán ký kết một hiệp ước hòa bình nổi tiếng. Thông qua thỏa thuận này, hai bên đã kết thúc cuộc xung đột và hỗ trợ nhau trong trường hợp một bên bị quốc gia thứ ba xâm lược. Hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập với Đế chế Hittite được công nhận là một trong những thỏa thuận chung sống hòa bình đầu tiên trên thế giới. Hiện một bản sao của hiệp ước này đang được trưng bày tại lối vào phòng họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ.

3. Người Ai Cập cổ đại “khoái” trò chơi viết trên bảng


Sau mỗi ngày lao động dài và cực nhọc, người Ai Cập thường thư giãn bằng với các trò chơi với bảng. Vào thời đó, người dân chơi một số trò chơi khác nhau gồm: trò “Mehen” và “Chó nhà và chó rừng”. Trong đó, trò chơi phổ biến và nổi tiếng nhất là “Senet”. Vào 3500 năm trước công nguyên, trò chơi trên được vẽ trên một tấm bảng dài có vẽ sẵn 30 ô. Mỗi người chơi sẽ có một bộ các mảnh ghép được di chuyển dọc theo tấm bảng sau khi đã ném các bộ xúc xắc hoặc những cây gậy. Cho đến nay, các nhà sử học vẫn còn tranh luận và có những quan điểm khác nhau về luật chơi chính xác của trò Senet. Tuy nhiên, tất cả giới chuyên gia, học giả đều công nhận đó là trò chơi phổ biến thời đó.

Các nhà khảo cổ, chuyên gia khoa học đã tìm thấy nhiều bức hoạ mô tả nữ hoàng Nefertari đang chơi trò Senet. Không những vậy một số vị vua Ai Cập như Pharaoh Tutankhamun còn chôn theo những bảng trò chơi trong lăng mộ của ông.

4. Phụ nữ Ai Cập được hưởng nhiều quyền lợi, tự do


Xét về mặt tổng thể và địa vị xã hội, phụ nữ Ai Cập được cho là có vị thế thấp hơn người đàn ông. Tuy nhiên, họ vẫn được hưởng những đặc quyền về mặt tài chính và pháp luật. Họ có thể mua bán tài sản, tham gia các công việc xét xử, lập di chúc và thậm chí là đứng tên trên những bản hợp đồng pháp lý.

Thông thường, phụ nữ Ai Cập không ra khỏi nhà và chỉ làm công việc nội trợ. Tuy nhiên, một số người vẫn ra ngoài làm việc và được trả lương tương xứng như nam giới nếu như làm cùng một công việc giống nhau. Không giống như phụ nữ Hy Lạp cổ đại, phụ nữ Ai Cập được pháp luật cho phép có quyền ly dị và tái hôn. Đây là quyền lợi khá tiến bộ vào thời đó. Thậm chí, các chuyên gia còn khám phá ra những cặp vợ chồng Ai Cập còn cùng thương lượng về thoả thuận phân chia tài sản nếu như ly hôn. Những bản hợp đồng trên sẽ liệt kê tất cả các tài sản và đất đai mà người phụ nữ mang về nhà chồng và đảm bảo rằng, họ sẽ được bồi thường xứng đáng và đầy đủ khi đường ai nấy đi.

5. Công nhân Ai Cập cổ đại cũng biết tổ chức đình công


Mặc dù các vị vua Ai Cập cổ đại được tôn sùng như những vị thần sống nhưng không vì thế mà tầng lớp công nhân sợ phải đứng ra phản đối để nhà lãnh đạo đưa ra những quy định, điều kiện làm việc tốt hơn cho họ.

Một trong những cuộc đình công nổi tiếng nhất xảy ra vào thế kỷ 12 trước công nguyên. Trong thời gian vua Ramses III cai trị “Tân Vương Quốc", những người lao động xây dựng nơi an táng của hoàng gia tại Deir el-Medina không được trả công bằng ngũ cốc như thường lệ nên đã tổ chức một trong những cuộc đình công đầu tiên trong lịch sử.

Cuộc biểu tình của tầng lớp công nhân thời đó chỉ đơn giản là đi vào những đền thờ chứa xác ở gần đó và không rời khỏi cho đến khi sự bất bình của họ được quan lại triều đình lắng nghe. Việc làm đó của họ đạt được hiệu quả khi chính quyền trả cho họ lượng ngũ cốc như thường lệ.

6. Hầu hết vua Ai Cập cổ đại thường béo phì


Trong các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại thường mô tả các Pharaoh trong dáng vẻ khá mảnh mai và uy nghiêm. Tuy nhiên, điều này dường như không đúng với tình hình thực tế. Bởi lẽ, chế độ ăn uống của người Ai Cập bao gồm: bia, rượu bánh mì và mật ong chứa lượng đường cao. Thêm vào đó, những nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng, với khẩu phần ăn như vậy, số đo vòng eo của các nhân vật hoàng gia thường to lớn.

Theo kết quả nghiên cứu các xác ướp pharaong, nhiều vị vua có sức khoẻ không tốt và thường bị thừa cân, thậm chí là mắc bệnh tiểu đường. Một ví dụ điển hình là xác ướp của nữ hoàng Hatshepsut sống vào thế kỷ 15 trước Công nguyên cho thấy bà bị béo phì và hói đầu.

7. Nô lệ không phải là lực lượng xây dựng Kim Tự Tháp


Cuộc đời của những người thợ xây dựng Kim Tự Tháp chắc chắn là không sung sướng gì bởi hàng trăm, hàng ngàn bộ xương trắng của họ được tìm thấy có dấu hiệu của bệnh viêm khớp… Tuy nhiên, các nhà khoa học, khảo cổ học đã tìm ra những bằng chứng chứng minh những công trình trên không phải do các nô lệ xây dựng mà do chính quyền thuê lao động và trả công tương xứng. Những công nhân xây dựng thời cổ đại này bao gồm nhiều thành phần như nghệ nhân trạm khắc, người phụ giúp tạm thời...

Con người phát hiện ra những chữ viết cổ trên ở gần các di tích cho thấy tầng lớp xây dựng Kim Tự Tháp thường đặt tên hài hước cho nhóm của mình như “Những kẻ say rượu của Menkaure” hoặc “Những người bạn của Khufu”.

Vào thế kỷ XV trước Công nguyên, nhà sử học người Hy Lạp Herodotus là người đầu tiên đưa ra quan điểm chính nô lệ là lực lượng xây dựng Kim Tự Tháp. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sử học hiện đại đều bác quan điểm đó. Người Ai Cập cổ đại thuộc tầng lớp giàu có thường chiếm hữu rất nhiều nô lệ nhưng chỉ cho đối tượng này làm công việc trong nhà hay đi cày cấy.

8. Vua Tutankhamun bị một con hà mã giết chết


Vua Tutankhamun qua đời đã để lại nhiều nghi vấn về sự ra đi đột ngột của ông. Thông qua những tấm hình chụp cắt lớp xác ướp vị hoàng đế trẻ tuổi, nổi tiếng trên, các nhà khoa học phát hiện thi hài của ông được ướp mà không có tim hoặc lồng ngực. Điểm khác biệt lớn này theo tục ướp xác truyền thống của người Ai Cập cho thấy có thể ông đã phải chịu một chấn thương nặng trước khi chết.

Các nhà Ai Cập học cho biết một trong những nguyên nhân có khả năng nhất gây ra vết thương của vua Tutankhamun là do vết cắn của một con hà mã. Nhiều chuyên gia đưa ra quan điểm đó vì người Ai Cập cổ đại thường đi săn thú dữ như một môn thể thao. Thêm vào đó, những bức tượng được tìm thấy trong ngôi mộ của vua Tutankhamun thậm chí còn vẽ ông trong tư thế ném lao. Nếu như vị Pharaoh này rất mê những cuộc săn nguy hiểm như trên thì cái chết của ông có thể hậu quả của một cuộc phiêu lưu mạo hiểm.

9. Một số thầy lang Ai Cập chuyên về những lĩnh vực nhất định


Mỗi thầy lang thời cổ đại thường phải khám và chữa tất cả các loại bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học tìm ra bằng chứng cho thấy tầng lớp này đôi khi chỉ chuyên chữa trị bệnh trên một bộ phận của cơ thể người. Sử gia Herodotus là người đầu tiên ghi nhận hình thức chuyên môn y khoa sơ khai trên vào năm 450 trước Công nguyên. Trong các tài liệu ghi chép của ông có viết: “Mỗi lang y chữa trị cho một căn bệnh, không hơn… vài người chuyên chẩn đoán, chữa bệnh về mắt. Vài người chuyên chữa răng, một số khác thì điều trị những căn bệnh liên quan đến bụng”.

Những thầy lang chuyên sâu này thậm chí còn có những cái tên đặc trưng. Thời nay, chúng ta gọi người khám, điều trị các bệnh về răng miệng là nha sĩ nhưng thời đó được gọi đơn giản là “thầy thuốc chữa răng”.

10. Người Ai Cập nuôi động vật giống như thú cưng


Người Ai Cập coi động vật như là hiện thân của các vị thần. Họ đặc biệt thích mèo - loài vật được gắn liền với nữ thần Bastet. Thêm vào đó, họ cũng tỏ lòng tôn kính đối với nhiều loài vật khác như diều hâu, cò, chó, sư tử và khỉ đầu chó. Nhiều con vật trong số trên có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh. Vì vậy, người ta còn ướp xác và chôn chúng cùng với chủ nhân.

Ngoài ra, người dân Ai Cập còn huấn luyện những loài vật khác để “trợ giúp” con người làm việc tốt hơn. Ví dụ như những người làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh sử dụng và huấn luyện chó, khỉ…cùng đi tuần tra với họ.

11. Nam giới và phụ nữ Ai Cập đều thích trang điểm


Cả hai giới đều thích đánh những lớp trang điểm dày bởi họ tin rằng làm như vậy sẽ được thần Horus và Ra bảo vệ. Những mỹ phẩm này được tạo ra bằng cách nghiền những loại quặng như Malasít và Galen thành một chất được gọi là phấn Côn. Chúng được bôi xung quanh mắt bằng những dụng cụ bằng gỗ, xương và ngà voi.

Phụ nữ còn tô lên má chất sơn màu đỏ và sử dụng cây lá móng để tô vẽ bàn tay và móng tay, cả đàn ông và phụ nữ đều sử dụng nước hoa làm từ dầu, nhựa thơm và quế. Người Ai Cập tin rằng, lớp trang điểm trên có công dụng chữa lành vết thương hay phòng ngừa bệnh một cách kỳ diệu. Và quả thực, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh điều đó hoàn toàn đúng. Cụ thể, mỹ phẩm làm từ chì ở dọc bờ sông Nile giúp người dân thời đó phòng ngừa bệnh nhiễm trùng mắt.

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Bật mí những kỹ năng bắt B-52 của Việt Nam

Ba kỹ năng quan trọng nhất giúp ta chiến thắng B-52 là nhận diện B-52 trong nhiễu, chống con nhím Sơ-rai và phương pháp điều khiển tên lửa trong nhiễu.

Kỹ năng nhận diện B-52 trong nhiễu

Có thể nói rằng điều khó khăn nhất cho lực lượng phòng không Việt Nam khi đối mặt với máy bay B-52 là màn nhiễu dày đặc. Không quân Mỹ đã tận dụng mọi cách có thể để gây nhiễu khiến radar của đối phương trở nên “mù lòa”. Trong cuộc tập kích Hà Nội 12 ngày đêm cuối năm 1972, Mỹ đã dùng tổng hợp tất cả các loại nhiễu. Từ nhiễu tích cực ngoài đội hình, trong đội hình cho đến nhiễu tiêu cực.

Máy bay EA-6B, một loại máy bay gây nhiễu của Mỹ. Ảnh tư liệu. 

Nhiễu tích cực là dùng máy chuyên dụng phá hoại cánh sóng radar của ta khiến màn hình radar trở nên nhiễu loạn không thể phát hiện ra các tốp máy bay đang xâm nhập. Loại nhiễu này được sử dụng từ trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Ban đầu Mỹ dùng các máy bay EB-66 hoặc E-6A đi gây nhiễu mỗi khi tiến hành không kích. Các máy bay gây nhiễu này bay ngoài đội hình ném bom nên gọi là nhiễu ngoài đội hình. Sau đó, trong mỗi tốp không kích có cả máy bay gây nhiễu gọi là nhiễu trong đội hình.

Cùng với bước leo thang chiến tranh, cho đến khi tiến hành Linerbacker II thì hầu như các máy bay đi oanh kích đều gắn máy gây nhiễu. Riêng 1 chiếc B-52 có đến cả chục máy gây nhiễu.

Ngoài ra Mỹ còn sử dụng nhiễu tiêu cực. Loại này là các sợi kim loại mảnh, nhỏ và rất nhẹ được nhét vào các quả bom rồi thả cho nổ trên không hoặc được thả trực tiếp từ bụng máy bay B-52 để hấp thu và phản xạ sóng radar của đối phương khiến màn hình radar bị nhiễu loạn không nhìn được mục tiêu nữa.

Một ống rocket dùng phóng nhiễu. Ảnh: Quân sử Việt Nam. 

Đối mặt với kẻ thù nhiều thủ đoạn xảo quyệt, các chiến sĩ phòng không Việt Nam mà chủ lực là chiến sĩ radar cũng không ngừng tìm tòi biện pháp để khắc phục. Một phong trào “Vạch nhiễu tìm thù” đã ra đời từ khi xuất hiện thủ đoạn gây nhiễu.

Quá trình “Vạch nhiễu tìm thù” đã rất lâu dài và gian khổ. Để nhận diện được B-52 trong màn nhiễu, từ cuối năm 1966, Quân chủng PKKQ đã cử 1 trung đoàn tên lửa cùng nhiều đoàn cán bộ radar, thông tin, không quân vào tuyến lửa Khu 4 để tìm hiểu cách đánh B-52.

Theo hồi ký Bảo vệ bầu trời của Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên phó chính ủy Quân chủng PKKQ cho biết: Tại đây, đoàn đã âm thầm theo dõi hoạt động của B-52. Các dạng nhiễu của B-52 qua các giai đoạn từ xa đến gần, từ nặng đến nhẹ, đều được chụp ảnh lại, phóng to ra, đóng thành 1 tập album với nhan đề: “B-52 trên màn hiện sóng”.

Cũng trong thời gian đó, trắc thủ Đỗ Công Hoa của đại đội 12, binh chủng radar đã lần đầu tiên “bắt” được B-52. Lập tức kinh nghiệm của Đỗ Công Hoa được phổ biến trong toàn binh chủng radar. Đến ngày 18/3/1971, nhờ những kinh nghiệm tổng hợp được, tên lửa ta đã hạ một chiếc B-52 trong chiến dịch đường 9 Nam Lào.

Cho đến trước chiến dịch 12 ngày đêm, binh chủng radar nói riêng, quân chủng PK nói chung còn liên tục rút kinh nghiệm và cập nhật những thay đổi trong thủ đoạn của địch. Bởi thế, trong chiến dịch Linerbacker II, B-52 của Mỹ đã bị ta bắn hạ hơn 30 chiếc.

Vô hiệu hóa "lông nhím" shrike

Radar là con mắt của những bệ phóng tên lửa đối không. Biết rõ điều đó, không quân Mỹ liên tục dùng các thủ đoạn để che mắt ta. Nguy hiểm hơn, không quân Mỹ còn chế tạo loại tên lửa để chuyên đánh các đài radar.

Loại vũ khí đó là tên lửa không đối đất Shrike (ta gọi là Sơ – rai). Trong đội hình của B-52 đi đánh phá thì các máy bay F4 và F-105 sẽ mang tên lửa Shrike để chế áp trận địa tên lửa của ta.

Sơ-rai có đầu tự dẫn, hoạt động theo nguyên tắc "tự động điều khiển theo bức xạ sóng điện từ". Nói một cách đơn giản là: khi nó phát hiện được cánh sóng ra-đa của ta, phi công Mỹ liền phóng hỏa tiễn Sơ-rai vào cánh sóng đó. Quả Sơ-rai cứ theo trục cánh sóng của ta mà lao xuống. Nếu ta không có biện pháp đối phó hữu hiệu thì nó sẽ rơi trúng đài ra-đa của ta, hoàn toàn chính xác.

Tên lửa Shrike đã gây nhiều thiệt hại cho bộ đội radar. Theo thống kê của các chuyên gia Liên Xô: Chỉ tính riêng năm 1972, không quân Mỹ đã 104 lần dùng tên lửa Shrike đánh vào trận địa tên lửa của ta. Trong đó 21 lần gây thiệt hại khiến các đơn vị tên lửa phải rời khỏi trận địa.

Sau nhiều thiệt hại, các chiến sĩ radar thông minh của chúng ta đã dần dần tìm ra nhược điểm của tên lửa Shrike để hạn chế nó. Cứ mỗi khi phát hiện địch phóng tên lửa Shrike, các chiến sĩ của ta lại xoay ăng ten và tắt nguồn phát sóng cao tần làm tên lửa Shrike của địch mất nguồn điều khiển nên lệch ra khỏi trận địa hàng trăm mét.

Nhờ những kinh nghiệm chống Shrike đó, trong những ngày cuối năm 1972, mặc dù không quân Mỹ đã phóng rất nhiều tên lửa Shrike nhưng radar ta vẫn trụ vững và phát sóng bắt B-52 để dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt.

Bàn tay vàng điều khiển tên lửa trong nhiễu

Không chỉ mạnh về tiềm lực công nghệ, trong đánh nhau, người Mỹ cũng là những kẻ lắm mưu kế xảo quyệt. Trước cuộc tiến công Linerbacker II, không quân Mỹ lại thay đổi một thủ đoạn mới. Đó là dùng các máy bay F4 giả làm B-52 để đánh lừa ta. Với thủ đoạn này, Mỹ đã thành công trong cuộc tập kích vào Hà Nội và Hải Phòng ngày 16/4/1972.

Đối phó lại, các chiến sĩ thông minh của ta cũng tìm ra cách. Mỗi khi nghi ngờ là máy bay chiến thuật giả B-52, các trắc thủ tên lửa làm giả động tác phóng tên lửa. Bọn F-4, F-105 thấy vậy liền cơ động loạn xạ để tránh đòn. Như vậy lập tức cái mặt nạ của chúng bị lộ.

Cũng phải nói thêm rằng trong môi trường nhiễu nghiêm trọng như vậy, tên lửa phòng không của ta không thể bắn bình thường được mà phải dùng các biện pháp sáng tạo. Hai trong số nhiều biện pháp sáng tạo đã mang lại thắng lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ trên không là phương pháp 3 điểm và phương pháp bắn trước nửa góc.

Cho đến hiện tại phía ta chưa công bố cụ thể các phương pháp này. Tuy nhiên, một số phi công Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam có mô tả rằng thời đó họ có gặp tình huống là tên lửa của ta phóng lên theo các độ cao khác nhau. Ban đầu một quả trên cao, khi máy bay tránh quả trên cao sẽ gặp tiếp quả thứ hai dưới thấp và ngược lại. Có lẽ điều mô tả của phi công Mỹ chính là phương pháp 3 điểm?

Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972, như nhiều chiến dịch khác trong kháng chiến chống Mỹ, không phải là một cuộc đụng độ ngẫu nhiên. Đối với Mỹ, đó là thủ đoạn cuối cùng trước khi cam tâm chịu thất bại. Đối với ta, đó là trận chiến đã được dự đoán và chuẩn bị trong gần 6 năm trời. Ta thắng Mỹ cũng vì ta đã từng giờ từng phút tích lũy kinh nghiệm và liên tục sáng tạo các chiến thuật cùng với quá trình cải tiến kỹ thuật để chiến thắng các thủ đoạn tinh vi của chúng.

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Tiết lộ mới về con thuyền cứu cả nhân loại

Tiến sĩ Finkel đã làm sáng tỏ nhiều điều về việc làm vĩ đại của Noah khi cứu mọi sinh vật trên Trái đất thoát khỏi cơn đại hồng thủy của Chúa.

Tàu của Noah vẫn được mô tả như một con tàu thông thường nhiều tầng, nhiều phòng nhỏ nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy nó hoàn toàn khác. Thực sự nó có cấu trúc hình tròn khổng lồ làm bằng lau sậy.

Tiến sĩ Irving Finkel đã nói về phát hiện đột phá của mình trong cuốn sách mới của ông có tên là "The Ark Before Noah: Decoding TheStory Of The Flood" - Con thuyền Noah: Giải mã câu chuyện của trận đại hồng thủy.

Mô tả mới về con thuyền Noah cao 6 mét, đường kính 67 mét. 

Là một chuyên gia giải mã, dịch văn bản cổ, tiến sĩ Finkel đã có được những thông tin quý giá trên mảnh đất sét đã 3.700 tuổi. Ông đã làm sáng tỏ nhiều điều về việc làm vĩ đại của Noah khi cứu mọi sinh vật trên Trái đất thoát khỏi cơn đại hồng thủy của Chúa.

Đoạn ghi chép mô tả cuộc nói chuyện của vị thần biển Enki với Atram Hasis người anh hùng của nhân loại được nhiều lần hiến kế chống lại sự thanh tẩy nhân loại của Đức Chúa Trời.

Vị tiến sĩ Irving Finkel đã dịch đoạn văn bản 3.700 tuổi về thuyền Noah.

Vị thần cho biết: "Bức tường lau sậy! Cây lau sậy! Hãy nhớ lấy lời khuyên của ta và người có thể sống sót mãi mãi! Hãy tháo dỡ căn nhà của người, xây dựng một chiếc thuyền thật lớn và chắc chắn.

Hãy dùng nhựa cây mà trét thật kín chẳng bao lâu nữa loài người sẽ bị hủy diệt. Các vị thần sẽ nhấn chìm trái đất trong biển nước. Không một sinh vật nào có thể sống sót hay tồn tại. Con thuyền phải có kết cấu hình tròn, đảm bảo chiều dài và chiều rộng của nó bằng nhau".

Hình ảnh con thuyền cứu sinh Noah truyền thống. 

Các văn bản Babylon cổ mô tả con thuyền có đường kính 67 mét với bức tường cao 6 mét. Con thuyền có 2 tầng và một mái che bên trên. Các vách ngăn phân chia để chứa các loài động vật tạo thành nhiều căn phòng nhỏ. Về 60 văn bản tìm thấy, tiến sĩ Finkel khẳng định là cách hướng dẫn chi tiết xây dựng một con thuyền sử dụng nhiều dây thừng và cây lau sậy, sau đó được quét lớp nhựa đường ngăn nước thấm vào trong.
Có hàng chục văn bản cổ đại được tìm thấy nhưng theo Viện Bảo Tàng Anh thì tiến sĩ Finkel là người đầu tiên mô tả hình dạng con thuyền Noah như vậy.

Dạng thuyền thúng mà người Iran vẫn sử dụng đến ngày nay. 

"Trong tất cả hình ảnh trước đây, con thuyền Noah là một con thuyền đi biển thân nhọn lướt đi trên những con sóng", Finkel nói.

"Nhưng con thuyền không cần đi bất cứ đâu mà chỉ cần nổi lên mà thôi. Ngày nay, những con thuyền này vẫn được sử dụng ở Iran và Irag, một loại thuyền hình tròn nhưng họ vẫn biết cách đưa gia súc qua sông, qua những trận lũ".

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Lời nguyền chết chóc khiến hoàng gia Nga diệt vong

Gia tộc hoàng gia Romanov (Nga) cuối thế kỷ XIX đã bị diệt vong bởi một thế lực vô hình được cho là "lời nguyền độc ác" của Grigori Rasputin.

Rasputin xuất thân từ nông dân, ông sinh ra tại một ngôi làng nhỏ bé tại Siberia năm 1869. Từ nhỏ, ông đã có tài năng phi thường là chữa lành bệnh cho người khác. Sau này chính nhờ tài năng ấy mà ông đã giúp đỡ cho Aleksey, người thừa kế ngôi vị Sa hoàng Nga, đồng thời được Sa hoàng Nicholas trọng dụng.

Toàn bộ gia đình Sa hoàng Nicholas II bị diệt vong có thể vì lời nguyền ác độc của Rasputin.

Truyền thuyết kể rằng, vào một ngày, Rasputin đang nằm trên giường bệnh thì bất ngờ xuất hiện một nhóm nông dân lẻn vào nhà ăn trộm ngựa. Nhờ khả năng linh cảm đặc biệt của mình, Rasputin tìm ra được kẻ trộm và mang được ngựa về nhà. Rasputin cũng tin rằng, bản thân thuộc đấng siêu nhiên và có sức mạnh thần thánh. Ông cũng được cho là kẻ say rượu, hay đánh nhau và quấy rối phụ nữ. Ông kết hôn khi tầm 20 tuổi và có 4 người con. Trong số đó có một người con là “sản phẩm” của mối quan hệ ngoài luồng.

Chuyến thăm một tu viện ở Verhoturye đã thay đổi cuộc đời của Rasputin. Sau khi ở đó vài tháng, ông học hỏi về tôn giáo rồi rời đi và trở thành người hành hương. Năm 1901, Rasputin rời Siberia và bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên trong cuộc đời mình là tới Hy Lạp và Jerusalem. Đôi khi ông đi bộ nhiều ngày liền mà không ăn uống gì, thậm chí không tắm rửa trong nhiều tháng. Lạ lùng hơn, ông còn đeo xiềng xích vào người để tăng mức độ khổ hạnh, tu luyện.

Người ta tin rằng, trong chuyến hành hương đó, Rasputin đã tiếp xúc và đi theo một nhánh Thiên chúa giáo bị cấm đó là tà đạo Khlysty. Giáo phái này không có thầy tế mà chỉ hát, cầu nguyện và luôn ở trong trạng thái say rượu. Ngoài ra, họ còn có tập tục tự quất roi vào cơ thể và thường xuyên tổ chức các buổi tiệc sex tập thể điên cuồng. Họ tin rằng, điều đó sẽ giúp con người đến gần Thiên Chúa hơn.

Rasputin (ở giữa) từng là một thầy tu được Sa hoàng Nicholas và các thành viên hoàng gia sùng bái bởi khả năng tiên tri và tài chữa bệnh bằng phương pháp thôi miên.

Đến năm 1903, Rasputin đến Saint Petersburg. Giới quý tộc đã tôn sùng ông như tôn sùng một vị thánh. Tại đây, ông đã gặp Giám mục Theophan. Người này lúc đầu bị sốc bởi cơ thể bẩn thỉu, bốc mùi hôi hám của ông, nhưng rồi nhanh chóng bị thuyết phục bởi khả năng "siêu phàm" của ông.

Thời gian ngắn sau đó, vị giám mục giới thiệu Rasputin với các công chúa Montenegro, Militsa và Anastasia. Những thành viên hoàng gia này cũng hoàn toàn tin tưởng khả năng tiên tri và chữa lành bệnh của Rasputin. Kể từ đó, ông dần tạo dựng được uy tín về sức mạnh của mình. Lời đồn về khả năng chữa bệnh thần thánh và óc tiên tri của Rasputin không bao lâu đã truyền đến tai gia đình Nga hoàng. Những chị em của Sa hoàng giới thiệu ông với vua Nicholas II và hoàng hậu Aleksandra. Hoàng hậu rất ấn tượng với Rasputin và cho phép ông ra vào thường xuyên hoàng cung.

Hoàng tử Alexei bị mắc căn bệnh hoàng gia – máu khó đông do di truyền từ mẹ và nữ hoàng Anh Victoria. Khi đó, toàn ngộ ngự y của Sa hoàng đều bó tay, không tìm ra phương pháp chữa tận gốc căn bệnh đó cho người thừa kế ngai vàng. Vì vậy, họ chẩn đoán hoàng thái tử Alexei sẽ chết sớm vì căn bệnh quái ác. Hoàng hậu Aleksandra và Sa hoàng rất lo sợ sẽ mất con trai nên đã mời “thần y” Rasputin đến chữa bệnh.

Rasputin được thiên hạ hồi đó đồn đại rằng, ông có khả năng chữa bệnh chỉ bằng những lời cầu nguyện. Mỗi khi hoàng thái tử Alexei bị chảy máu, ông lại vào cung và cầu nguyện để sức khỏe của người thừa kế ngai vàng chuyển biến tốt lên. Kể từ đó, gia đình Sa hoàng Nicholas II ngày càng tin tưởng và trọng dụng Rasputin.

Cụ thể, ông trở thành cố vấn quan trọng của Sa hoàng. Nhưng đôi khi, Sa hoàng cũng không nghe theo những lời đề nghị, khuyến cáo của “thần y” này. Cụ thể, Rasputin từng khuyên can Sa hoàng Nicholas làm hòa với Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Tuy nhiên, Sa hoàng đã bỏ ngoài tai lời khuyên này và hậu quả là thảm họa thương vong lớn về người và của. Hơn 4 triệu người dân Nga đã chết trong cuộc chiến tranh khốc liệt trên.

Kể từ khi được nhà vua và hoàng gia Nga tôn thờ như vị thánh sống, Rasputin ngày càng lộng quyền và có những hành động “chướng tai gai mắt” như bị buộc tội hiếp dâm một nữ tu sĩ, tham gia tà đạo Khlysty, dùng tôn giáo để thông dâm với nhiều phụ nữ trong giới thượng lưu Nga, tổ chức các buổi cầu nguyện chung để rửa tội bằng cách quan hệ tình dục với mình…

Sau đó, ông bị trục xuất khỏi Nga và đã viết cho Sa hoàng Nicholas một lá thư vào tháng 12/1916. Trong đó, Rasputin đã tiên liệu trước được việc mình sẽ bị ám sát.

Ông nói với Sa hoàng rằng, nếu những người quý tộc ám sát ông thì hoàng gia Nga chắc chắn sẽ diệt vong, chế độ quân chủ sẽ bị tiêu diệt trong một năm tới. Trong thư có đoạn viết: “Anh em sẽ giết anh em. Nước Nga sẽ chìm trong khủng hoảng suốt 25 năm”.

Quả thật, lời nguyền độc ác của Rasputin đã ứng nghiệm sau khi ông bị sát hại. Chế độ quân chủ của Nga bị diệt vong sau cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại năm 1917. Gia tộc Romanov bị sát hại một năm sau đó ngay cả Sa hoàng Nicholas II, hoàng hậu, hoàng tử, 4 công chúa, ngự y hoàng gia, đầy tớ, nữ tỳ và thậm chí cả đầu bếp đều không toàn mạng.

Với những bê bối đã gây ra, Rasputin bị trục xuất khỏi Nga và bị ám sát.

Hậu thế còn biết đến nhiều giai thoại ly kỳ về những vụ ám sát Rasputin. TheoNgười giết Rasputin của Greg King, "thần y" kỳ bí từng bị ám hại nhiều lần. Một trong số đó là vào ngày 29/6/1914, Rasputin về quê thăm vợ con tại Pokrovskoye. Ông ta đã suýt bị giết chết. Chuyện kể rằng, khi vừa từ nhà thờ bước ra, một gái mại dâm có tên Khionia Guseva đã dùng dao đâm vào bụng ông. Người phụ nữ này là tín đồ của tu sĩ Iliodor và trước kia là bạn của Rasputin. Iliodor rất căm ghét những gì Rasputin gây ra và khuyên những phụ nữ từng bị ông ta giở trò đồi bại lên kế hoạch phục thù.

Guseva chắc mẩm rằng, bà đã giết được thầy lang băm nhưng Rasputin được đưa vào bệnh viện kịp thời và giữ được tính mạng. Trong hồi ký của con gái ông là Maria Rasputin, có nhắc đến vụ việc này: Tuy sống sót nhưng bố của cô đã rất đau buồn và yếu đi nhiều. Ông phải dùng thuốc giảm đau và cả thuốc phiện kể từ đó.

Ngày 16/12/1916, Felix Yusupov và Dmitri Pavlovich dùng kế dụ Rasputin vào hầm của cung điện Moika. Trong lúc chờ đợi, họ sai người hầu mang rượu và bánh ngọt có tẩm thuộc độc cyanide cho ông dùng. Rasputin ăn hết những thứ đó nhưng không gặp nguy hiểm về tính mạng. Điều này khiến Yusupov và Pavlovich vô cùng kinh ngạc bởi lượng thuốc độc mà họ cho vào đủ sức giết 5 người. Thấy vậy, Yusupov bèn lén nhóm họp với phe cánh của mình bàn kế hoạch giết Rasputin. Sau đó, Yusupov cầm súng và xuống hầm bắn vào lưng Rasputin. “Thần y” lập tức ngã xuống nền đất, còn Yusupov bỏ lên phía trên hầm. Nhưng thật kinh ngạc, lúc sau Yusupov quay lại xem thi thể, bất ngờ Rasputin đứng dậy ôm chầm lấy ông thì thào bên tai nói: "Quân khốn nạn!" và toan bóp cổ kẻ dùng súng bắn mình. Đúng lúc đó những kẻ thuộc phe cánh của Yusupov dùng súng bắn tiếp 3 phát vào người Rasputin. Lúc này, Rasputin ngã xuống đất nhưng vẫn chưa chết. Thế là chúng dùng gậy đánh liên tục vào Rasputin rồi dùng vải bọc quấn lại vứt xuống sông Neva khiến ông chết đuối.

Ngày 19/12/1916, người ta phát hiện ra thi thể Rasputin nổi trên dòng sông lạnh giá Neva. Sau đó, Hoàng hậu Aleksandra sai người đem thi thể Rasputin chôn cất tại nghĩa địa hoàng gia. Tuy nhiên, sau cách mạng tháng 2/1917, thi hài của Rasputin bị người ta khai quật lên và đem hỏa thiêu tại khu rừng cạnh đó. Khi lửa cháy, các khớp xương co quắp, giật nảy lên. Những người đứng ở đó rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao lại xảy ra điều kỳ quái này. Họ rỉ tai nhau rằng, Rasputin đã trở thành quỷ dữ và sống lại báo thù.

Rasputin trở thành chủ đề nóng hổi trong giới văn học, điện ảnh và thậm chí cả âm nhạc từ đó đến nay. Trong khi một số người vẫn còn khiếp sợ vì tin vào lời nguyền của ông ta thì số khác lại tôn kính hay thậm chí oán hận người đàn ông bí ẩn này.

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Tội ác thời trung cổ ở trại giam tù binh Phú Quốc

Nhà báo Robin Moore Mỹ cho rằng, "chuồng cọp kẽm gai" là phát minh của Lực lượng đặc biệt Mũ nồi xanh Mỹ.

Nhiều chiến sĩ cách mạng đã từng trải qua nhiều nhà tù nên sau ngày hòa bình, được sống sót trở về, với những trải nghiệm "lửa thử vàng" trong ngục tù đế quốc, khi so sánh, các cựu tù đều nói: Không có nhà tù nào tàn khốc hơn Phú Quốc.

Ông Võ Văn Hiền - nguyên Trưởng ban Liên lạc Cựu tù binh Việt Nam thời chống Mỹ, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng, với tư cách là người đã từng bị giam giữ tại trại giam tù binh Phú Quốc, trong hội thảo do Sở Văn hóa - Thông tin Thể thao Kiên Giang tổ chức năm 1995 đã phân tích và so sánh đưa ra nhận định:

“Dưới thời Mỹ - ngụy, chế độ nhà tù rất thâm độc, xảo quyệt, vô cùng tàn bạo đối với tù chính trị cũng như đối với tù binh. Kẻ thù tấn công đánh phá liên tục, từ khi bị bắt đến khi rời khỏi nhà giam, đặc biệt trong thời giam cầm lưu đày, không để người tù yên thân, nhằm "vô hiệu hóa người tù".

Chúng chủ trương tiêu diệt tinh thần cách mạng, thể xác người tù bằng mọi thủ đoạn xảo quyệt: lừa mị, dụ dỗ, tra tấn dã man, buộc người tù cung khai, đầu hàng, phản bội lại cách mạng, sống trở về cách mạng không tin dùng, bè bạn nhân dân chê trách, oán ghét. Còn người nào giữ được khí tiết thì với chính sách cai trị tù tàn bạo của địch, nếu không chết mòn trong tù, mà còn sống thì cũng tàn phế, khi về không những không còn đủ sức để tiếp tục nhiệm vụ cách mạng, mà còn là gánh nặng của gia đình, của cách mạng”.

Sự tàn khốc của nhà tù khiến trại giam tù binh Phú Quốc tồn tại không đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến 3/1973) mà đã có hơn 4.000 người chết, hàng chục ngàn người bị thương tật. Để trả lời cho câu hỏi vì sao trại giam tù binh Phú Quốc là nhà tù bị đối xử tàn bạo nhất, ta chỉ cần tìm hiểu thành phần tù binh được đưa đến đây.

Trong số khoảng 40.000 tù binh, có khoảng 12.000 bộ đội chủ lực, địa phương quân (riêng miền Bắc đã có 9.000 người), trên 20.000 là dân quân du kích xã, ấp và cán bộ chính trị. Trong số tù binh này có hơn 2.000 sĩ quan, hạ sĩ quan và trên 100 là cán bộ chính trị có trình độ trung cấp, sơ cấp (trong đó có 10 tỉnh ủy viên, trên 40 huyện ủy viên) và trên 200 chi ủy viên. Phú Quốc là nơi hội tụ tù binh nhiều miền đất nước, gồm học sinh, trí thức, giáo viên, nhà văn, nhà báo, công nhân, nông dân, dân tộc ít người ở Tây Nguyên, người Khơ-me, người Hoa và các tôn giáo, có cả nhà sư, ông lão trên 60 tuổi, có cả các em bé 13, 16 tuổi.

Ông Hồ Thành Phương - Nguyên Ủy viên Ban chấp hành đoàn thanh niên phân khu 3, cựu tù binh Phú Quốc ở Long An kể chuyện.

Đặc biệt, trong đó có các chiến sĩ biệt động Sài Gòn từng tham gia đánh vào các mục tiêu đầu não của kẻ thù, như ông Ngô Thanh Vân (Ba Đen) - người duy nhất sống sót trong Đội biệt động 11 gồm 15 chiến sĩ tấn công vào tòa Đại sứ Mỹ đêm mùng 1 tết Mậu Thân 1968. Ông bị thương và bị đày ra Phú Quốc...

Với thành phần ấy, địch xem đó là lực lượng ưu tú, trọng yếu của cách mạng đã tóm được và quyết bằng mọi cách, bằng mọi thủ đọan tra tấn làm tê liệt, vô hiệu, triệt tiêu lực lượng này. Vì chủ trương ấy, nhiều tội ác thời Trung cổ đã diễn ra ở Phú Quốc...

Ở trại giam tù binh Phú Quốc, các nhục hình treo cổ, đổ nước xà bông, tra điện, đóng đinh vào bàn tay, bàn chân vào đầu là chuyện thường ngày. Ông Hồ Thành Phương - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Phân khu 3, cựu tù binh Phú Quốc ở Long An kể: "Tất cả bọn quân cảnh và giám thị đều có quyền phạt vạ, đánh đập tù binh. Bọn quân cảnh gặp tù binh ở đâu là đánh đó, chủ yếu bằng dùi cui, báng súng, đá bằng giày. Riêng bọn giám thị được sự tiếp tay đắc lực của đám trật tự và ban an ninh, điều hành đã bày ra nhiều hình thức kỷ luật, có những hình thức chẳng khác gì thời Trung cổ.

Ông Phan Văn Nhẫn (giữa) - cựu tù binh Phú Quốc là điển hình "chứng minh" tài đục răng có một không hai của tên Nhu. Hai lần bị đục răng, Ông Chín Nhẫn mất đến 9 chiếc. Ông đã vẽ lại hình chiếc búa và cái đục - dụng cụ tự chế của tên Nhu dùng để đục răng tù binh.

Tôi không bao giờ quên được hình phạt đóng kim. Chúng dùng những cây kim chích đã cũ, đóng từ từ vào 10 đầu ngón tay. Loại kim này gây đau đớn nhiều lần so với khi dùng kim mới". Lòng căm thù khiến ông quên hết đau đớn, dùng 10 ngón tay đang bị găm kim ấy chọc vào mắt tên chiêu hồi. Địch hoảng hốt trói ông lại, quậy ớt vào vôi bột, đổ vào mặt vào mũi tù nhân, cho đến khi ông bất tỉnh. Sau đó, chúng gắp kim ra khỏi 10 ngón tay, máu tuôn thành vòi. Kế đó, chúng ném ông vào "chuồng cọp"...

Nhà báo Mỹ Robin Moore trong quyển "Chế độ Sài Gòn - một chế độ trại giam" do Nhà xuất bản Đông Nam Á ở Paris ấn hành cho rằng "chuồng cọp kẽm gai" là phát minh của Lực lượng đặc biệt Mũ nồi xanh của Mỹ. Từ năm 1960, Lực lượng đặc biệt Mũ nồi xanh đã được huấn luyện cách sử dụng "chuồng cọp kẽm gai" trong chương trình đào tạo các chuyên viên Mỹ chống chiến tranh du kích tại Trường huấn luyện Fort Bragg của Hoa Kỳ.

Và loại "chuồng cọp kẽm gai" này đã xuất hiện ở trại giam tù binh Phú Quốc. Đó là loại chuồng cọp làm toàn bằng dây kẽm gai, được đan chằng chịt xung quanh và trên nóc. Chuồng cọp này đặt ở ngoài trời trong phân khu. Mỗi phân khu có đến hai, ba chuồng cọp - loại nhốt 1 người và loại nhốt 3-5 người. Kích thước chuồng cọp rất đa dạng, có loại cho tù binh nằm trên đất cát, có loại buộc tù nhân phải nằm trên dây kẽm gai, mặc cho da thịt bị đâm thủng, có loại chỉ nằm hoặc đứng; có loại chỉ ngồi lom khom; khủng khiếp nhất là loại phải đứng lom khom, không đứng được mà ngồi cũng chẳng được, bởi ngồi xuống phải ngồi trên dây kẽm gai.

Thường khi phạt vào chuồng cọp, tù nhân phải cởi áo, quần dài, chỉ được mặc quần cụt để phơi nắng, phơi sương, dầm mưa suốt ngày đêm, mặc cho muỗi mòng cắn, hút máu người. Bị đưa vào đây, tù nhân chỉ được ăn một phần cơm với ít muối và mỗi ngày vài ba ca nước uống. Mỗi khi tiêu, tiểu, tù nhân phải lấy tay moi cát tại chỗ lấp lại.

Đêm lạnh, địch dội lên người trong chuồng cọp xô nước lạnh, gọi là "giải khát cho cọp hoặc để rửa chuồng". Ngày nóng, chúng dội nước muối lên người nạn nhân, gọi là "ướp cho mau lên cân". Có khi chúng cho đốt lửa sát chuồng cọp để "gợi cho cọp nhớ những trận cháy rừng ở Phú Quốc". Chỉ vài ngày ngồi chuồng cọp, da nạn nhân bị lột. Ngồi dài ngày, lớp da non bị cháy rồi lại bị lột tiếp. Hậu quả là nạn nhân chỉ còn da bọc xương. Ở chuồng cọp dài ngày, tóc nạn nhân dài ra.

Tên thượng sĩ Nhu - một tên tay sai đắc lực, tàn ác nhất nhì ở bộ máy trại giam tù binh Phú Quốc mỉm cười nham hiểm nói: "Để tao cắt tóc cho mày nghen". Rồi hắn đổ dầu hắc lên đầu nạn nhân, châm lửa đốt. Lửa cháy trên đầu, chảy xuống cùng dầu hắc làm phỏng mặt, cổ của người tù.

Một hình thức kỷ luật ngỡ êm dịu mà vô cùng khủng khiếp, đó là hình thức cho người tù ăn cơm lạt. Ông Phan Văn Nhẫn - nguyên Trưởng ban Nông thôn của Đài Phát thanh Giải phóng, một tù binh từng nếm mùi ăn cơm lạt ở Phú Quốc nói: "Nạn nhân bị khép hình thức kỷ luật ăn cơm lạt vô cùng khổ sở, khi cơ thể thiếu chất, biến chứng thành nhiều căn bệnh quái lạ. Nạn nhân thèm đủ thứ, kiệt sức nhanh chóng. Chỉ cần 2 tháng ăn cơm lạt, mắt người tù không thấy gì. Lúc ấy, có muốn vượt ngục cũng chẳng thấy đường mà đi.

Có đồng chí bị phạt ăn cơm lạt đến 5-6 tháng trời, hai mắt bị hư mù tự lúc nào. Cho đến một hôm, chỉ cần di chuyển nhẹ, hai tròng mắt của đồng chí ấy rơi xuống, bốc mùi tanh khủng khiếp!". Ở trại biệt giam ăn cơm lạt, đứng từ xa đã thấy bốc mùi tanh. Không bao giờ phái đoàn Hội Thập tự đỏ được chúng cho tham quan khu biệt giam, bởi mùi tanh rất đặc biệt ấy!

Tên thượng sĩ nhất Nhu bày ra nhiều hình thức đánh đập, hành hạ tù nhân như trò tiêu khiển. Tên đồ tể khét tiếng ấy kỳ lạ thay lại ăn chay, đêm đêm tụng kinh, lần tràng hạt. Việc tra tấn tù binh với hắn là một thói quen, một thú vui, thỉnh thoảng pha chút khôi hài. Một trong những "thú vui" của hắn là bắt tù binh lộn vỉ sắt. Hắn cho lật ngửa tấm vỉ sắt loại có lỗ tròn và đầy mấu để mắc vào nhau làm "đường băng sân bay" rồi bắt tù binh cởi áo, cởi quần ngoài, chỉ còn chiếc quần đùi. Cứ như vậy, nạn nhân bị bắt cắm đầu xuống vỉ sắt lộn ra sau. Mỗi lần bị phạt, nạn nhân phải lộn vài chục cái.

Có lúc cao hứng, hắn gọi 2-3 tù binh ra xếp vỉ sắt trước nhà hắn, bắt lộn cho hắn coi. Hắn thản nhiên nhìn những tấm lưng trần của tù binh quật xuống những mấu vỉ sắt làm rướm máu. Chỉ cần lộn vài lần là lưng người tù tóe máu, đầu bị bứt tóc, tróc da tơi tả.

Những tên đồ tể ở Phú Quốc đặc biệt có nhiều sáng kiến tạo ra những dụng cụ tra tấn kỳ lạ. Bọn giám thị và quân cảnh cho thợ mộc làm những chiếc chày vồ bằng gỗ có cán bên hông như chày giã gạo. Chúng dùng chày vồ đánh vào các khớp xương như mắt cá, cùi chỏ, đầu gối, bả vai của tù nhân. Bị đánh bằng chày vồ, người tù lê lết cả buổi cũng chưa gượng dậy nổi.

Tên Nhu thường tra tấn tù nhân bằng những dụng cụ chuyên dùng. Một trong các dụng cụ đó là những cây gậy được hắn gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như "gậy bỏ cháo", nghĩa là tù nhân bị đánh gậy này không ăn cơm nổi, mà cháo cũng không nuốt nổi; "gậy đầu sanh đầu tử" là nếu đánh bằng đầu sanh thì còn hy vọng sống, nếu đánh bằng đầu tử có thể chết hoặc phải què quặt, tàn phế. Những cây gậy này dài khoảng 1 đến 1,2m, tròn, đường kính độ 3cm. Đánh bằng gậy cũng là trò giải trí của tên đồ tể này. Hắn thường nói: "Ngày nào không đánh tụi bây là tao ăn cơm không ngon”.

Có một kiểu tra tấn mới nghe qua ngỡ nhẹ nhàng nhất nhưng vô cùng thâm độc, tàn khốc. Đó là kiểu tra tấn bằng cách gõ thùng. Bọn giám thị bắt tù binh ngồi chồm hổm, lấy thùng phuy úp lên rồi gõ vào thùng. Kiểu tra tấn này khiến tù nhân sẽ bị đau đầu khủng khiếp, sẽ bị điếc vì tiếng gõ của thùng và sức ép không khí. Cũng bằng cách gõ thùng, chúng bắt tù binh cởi áo quần ngoài, cho ngồi vào thùng phuy đổ đầy nước rồi lấy cây đánh vào hông thùng. Kiểu tra tấn này khiến tù nhân bị hộc máu vì sức ép của nước.

Nhắc đến hình phạt đục răng và bẻ răng ai cũng phải lạnh người. Ông Phan Văn Nhẫn - cựu tù binh Phú Quốc ở Long An là một trong những người bị tên Nhu bẻ răng. Ông kể:

"Trên đảo Phú Quốc có loại "danh mộc" mình đồng, cứng, chắc và nặng như căm xe, trắc... Người địa phương gọi là gỗ "sơn trà". Các giám thị khác và Nhu chọn sơn trà làm gậy đầu sanh đầu tử, búa gỗ và đục gỗ để đục răng anh em. Vũ khí của Nhu đục răng anh em gồm hai thứ: chiếc búa gỗ có dáng dấp như búa đóng đinh, cán búa và đầu búa đều bằng gỗ. Thứ hai, là cây đục - cũng bằng gỗ - được chuốt tròn, một đầu to cỡ ngón chân cái, một đầu nhỏ (để cắm vào chân răng). Hắn cho chuốt nhỏ đầu này vừa với cái răng.

Hắn gài mũi đục vào sát chân răng, dùng búa đóng "cạch" một cái, một tiếng động khô khốc vang lên. Cái răng nạn nhân bị văng ngược ra ngoài, máu me đầy miệng. Người tù binh bị Nhu đục răng ê ẩm hết cả đầu cổ, bị choáng. Hai ngày sau khi bị đục răng, nạn nhân cứ sốt hâm hấp và ớn lạnh, không ăn cơm nổi, chỉ nuốt nước cháo...

Lần đầu, tôi bị Nhu đục một cái răng, vì tội phạm vào cái việc mà hắn cấm ngặt: vào nhà bếp lấy một miếng cơm cháy (chỗ khét đen ăn không được) đem về phòng giam, bỏ vào nước uống cho đỡ tanh. Lần sau, có lẽ nghe thông tin từ bọn mật báo, Nhu đục tôi thêm 2 cái răng nữa. Hắn buộc tôi cái tội gọi là tuyên truyền. Về kỹ thuật, Nhu đục răng thuần thục lắm.

Tôi trực tiếp biết và hỏi thăm một số bạn tù khác cũng là nạn nhân của Nhu bị đục răng, thì chưa có trường hợp nào cái răng bị đục văng ngược vào cổ họng, toàn là văng ra ngoài! Nhu không đục hai cái răng liền kề nhau mà đục cách khoảng mấy cái răng. Về sau, hai cái răng liền kề hai bên cái răng bị đục đều thâm đen và rụng luôn. Tôi bị đục 3 cái răng nhưng đã mất đi 9 cái răng!

Sau ngày trao trả tù binh năm 1973, khi được đưa đi nghỉ dưỡng, một bác sĩ cho tôi biết: Nếu địch đục liên tiếp trong 3 ngày 3 cái răng của một người thì sẽ gây chấn thương nặng vùng đầu và tim. Người bị đục răng thì bị tổn thương, vĩnh viễn đến hết đời!"

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Ngô Đình Nhu và kế hoạch xây địa đạo bất thành

Sau vụ đảo chính hụt, Ngô Đình Nhu lên kế hoạch xây dựng địa đạo trong khu vực dinh Gia Long để phòng khi nguy biến.

Sau cuộc đảo chính hụt ngày 11/11/1960 của nhóm sỹ quan nhảy dù Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, dinh Độc Lập đã bị hư hỏng nặng cần phải sửa chữa lại. Anh em nhà họ Ngô chuyển từ dinh Độc Lập về dinh Gia Long. Cũng như dinh Độc Lập, dinh Gia Long có hầm trú ẩn khá kiên cố, tuy nhiên, Ngô Đình Nhu nhận thức rằng trong cuộc đảo chính ngày 11/11/1960, nếu quân nổi loạn đánh thốc vào dinh, nã đại bác hạng nặng hoặc dội bom tấn thì hầm cố thủ kiên cố đến đâu cũng bị san phẳng. Chính vì thế, Nhu quyết định xây dựng địa đạo trong dinh Gia Long để thoát ra ngoài, phòng khi nguy biến.

Dinh Gia Long ở thời điểm của cuộc đảo chính 8/11/1963.

Lên kế hoạch xây địa đạo

Theo hồi ký của tướng lưu vong Đỗ Mậu (khi đó là đại tá giám đốc Nha An ninh quân đội của chế độ Diệm), thì ngay tối hôm sau cuộc đảo chánh bất thành, Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông bỏ chạy sang Campuchia, bắt theo cả trung tướng Thái Quang Hoàng làm con tin, Ngô Đình Nhu đã gọi đại tá Lê Quang Tung, chỉ huy lực lượng đặc biệt, vào dinh Gia Long. Ông cố vấn nói qua kế hoạch đào và xây dựng đường hầm bí mật dưới lòng đất dinh Gia Long, Lê Quang Tung thưa là có thể thực hiện được, nhưng về phần thiết kế cần phải có một kiến trúc sư thật giỏi. Cuối cùng, Tung tiến cử kiến trúc sư Võ Đức Diên, người từng lo việc trang trí trong dinh Độc Lập và trông nom xây cất lầu Lâm Ngọc ở Đà Lạt cho Trần Lệ Xuân. Nhu đồng ý và dặn Tung phải tuyệt đối giữ bí mật.

Tối hôm sau, đại tá Tung đưa kiến trúc sư Võ Đức Diên vào gặp Nhu. Được Nhu tin tưởng, Diên mừng khấp khởi. Trước đây kiến trúc sư họ Hoàng nhờ xây lăng cho tổng đốc Ngô Đình Khôi mà được ban chức bộ trưởng, Võ Đức Diên cũng hy vọng sẽ kiếm chác một chút bổng lộc qua những con đường bí mật này.

Sau khi xem xét khá tỉ mỉ, Võ Đức Diên tự tin trình bày sẽ hoàn thành bản thiết kế trong thời gian sớm nhất, nhưng xin ý kiến của Ngô Đình Nhu cho biết chi tiết về số địa đạo, số cửa hầm, chiều dài địa đạo. Nhu tham khảo ý kiến Tung rồi chỉ đạo Diên cho đào ở những nơi trọng yếu như: Con đường thứ nhất, từ dinh Gia Long dẫn ra sông Sài Gòn trở lên Tổng hành dinh hải quân rồi đi thẳng đến sở thú. Đường thứ hai từ dinh Gia Long đến nhà thờ Đức Bà. Đường thứ ba từ dinh chạy thẳng đến nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn. Bên trong, ngay đầu những đường hầm này, sẽ cho gài lựu đạn, mìn, địa lôi.

Ngô Đình Nhu bảo hãy làm đường hầm dẫn vào Chợ Lớn trước đã, rồi chỉ thị Diên làm bản thiết kế rồi đưa cho ông ta xem.

Hai hôm sau, đại tá Tung vào dinh với bản thiết kế hầm trú ẩn và địa đạo bí mật. Nhu ngắm một hồi lâu, gật gù tỏ vẻ hài lòng và ra lệnh nhanh chóng triển khai.

Trong khi kiến trúc sư Diên và đại tá Tung trò chuyện vui vẻ, Tung đã thành công khi đưa cốc cà phê có độc cho Diên uống thì Nhu bước đến tủ sắt ở góc phòng, lấy ra chiếc phong bì lớn đựng hai trăm ngàn đồng đưa cho Diên gọi là đền ơn khó nhọc. Võ Đức Diên cảm ơn rối rít. Trò chuyện một lúc, Võ Đức Diên xin phép ra về.

Về đến nhà, Diên cất chiếc phong bì vào tủ sắt rồi vui vẻ chơi đùa cùng mấy đứa con, một lúc sau Diên bỗng kêu mệt lên giường nằm. Qua một đêm vật vã vì những cơn sốt, Diên cứ đinh ninh mình bị cảm bèn mời bác sĩ quen đến khám. Thấy bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, sốt, toát mồ hôi, bác sĩ ngỡ Diên bị cảm nên tiêm một mũi và cho thuốc uống qua loa. Không ngờ đến chiều, sau một hồi vật vã và xuất hạn mồ hôi đầm đìa, Diên quằn quại trút hơi thở sau cùng.

Ngô Đình Nhu. 

200 người thoát chết trong gang tấc

Việc đào địa đạo phải được tiến hành ngay. Nhu giao cho đại tá Tung tìm người tín cẩn để giao phó công việc. Tung bảo đã tìm được một thiếu tá công binh, cũng là đảng viên đảng Cần lao Nhân, một người có năng lực và rất mực trung thành và Tung xin đứng ra bảo đảm về người này.

Việc đào hầm cần khoảng 200 công nhân luân phiên đào mỗi đêm vì công việc này không thể làm ban ngày được. Số công nhân này được lấy trong đám tù binh khỏe mạnh không có tông tích. Về quy trình làm việc sẽ được tiến hành như thế này: việc đào địa đạo sẽ được bắt đầu từ lúc 12h đêm, đến 4h sáng, 10 toán luân phiên nhau làm việc và mỗi toán có 20 người. Tất cả đều được đưa đến bằng xe bít bùng, mỗi người đều bị bịt mắt, khi vào bên trong mới được mở ra. Đất đào được cho vào túi nylon chuyển ra, chất lên xe và mang đi đổ. Tất cả những ai không phận sự tuyệt đối không được vào.

Công việc đào địa đạo được tiến hành ngay đêm hôm sau. Một thiếu tá công binh chỉ đạo từng toán 20 người lực lưỡng, quần áo ngắn, bị bịt mắt đưa vào phía sau phòng ngủ của cố vấn Nhu. Năm tên cận vệ của đại tá Tung mang súng ngắn canh chừng ở miệng hầm, có phận sự đưa từng toán nhân công từ xe vào phòng rồi tháo băng đen bịt mắt họ ra.

Những người tù binh khỏe mạnh, câm lặng và ngơ ngác biến hút dần xuống con đường hầm, chỉ nghe những tiếng thở mệt nhọc, tiếng cuốc chim nện lên nền đất cứng. Những túi bao tải đựng đầy đất, gạch vụn được chuyền tay đi. Đám cận vệ vũ trang chờ sẵn ở cửa hầm, lặng lẽ đặt lên vai mỗi tù binh một bao tải đất rồi bịt mắt từng người, thứ tự từng người bám vào lưng nhau tiến ra cửa. Đến gần bốn giờ sáng, thiếu tá công binh ra lệnh cho mọi người ngừng tay. Toán tù binh mồ hôi nhễ nhại, lại bị bịt mắt nối đuôi nhau hướng ra chiếc ô tô đã nổ máy chờ sẵn phóng ra khỏi dinh Gia Long khi trời còn mờ tối. Người cận vệ còn lại lo việc quét dọn lau chùi nền gạch từ cửa hầm đã được đậy kín ra tới tầng cấp sân sau, không để lại dấu vết nào của toán người đào địa đạo trong đêm.

Cứ thế mỗi đêm, đúng 12h, cổng sau dinh Gia Long mở ra khi ánh đèn pha chớp tắt ba lần, mấy chiếc xe bít bùng lầm lũi tiến vào sân, viên thiếu tá công binh cùng năm cận vệ với súng ống trong tay dẫn 20 tù binh vào hầm và tiếp tục công việc bí mật. Việc đào địa đạo trong 3 đêm đầu diễn ra thuận lợi nhưng đến đêm thứ tư thì xảy ra sự cố, đất bỗng cứng lại như đá tảng, xà beng nhá lửa bật trở lại, cuốc xẻng bị cong vênh, đám tù binh mồ hôi nhễ nhại, lắc đầu nhìn nhau bất lực. Viên thiếu tá công binh liên tục hò hét đốc thúc nhưng công việc vẫn không tiến triển chút nào.

Đêm hôm sau, việc đào địa đạo vẫn giậm chân tại chỗ, viên thiếu tá công binh đành cho tù binh nghỉ tay và báo việc này cho đại tá Tung.

Sáng hôm sau,Tung vào dinh rất sớm, lúc Nhu đang uống cà phê và hút thuốc lá tẩm á phiện, báo cáo việc đào địa đạo chắc không thực hiện được do móng nền dinh Gia Long được đổ bằng bê tông cốt thép theo ô vuông xuống sâu cả chục thước bởi khu vực này xưa kia là đất sình lầy nên phải đổ như thế để chống sụt lún. Tung cũng báo với Nhu là đã xem lại bản thiết kế cũ và nhận thấy không thể đào địa đạo ăn thông ra ngoài được.

Ngô Đình Nhu rất bực bội nhưng đành phải chấp nhận thất bại và việc đào địa đạo bị dừng lại vô thời hạn. Đây là điều may mắn cho 200 tù binh và cả những người lính canh bởi vì nếu việc đào địa đạo thành công thì có lẽ họ sẽ cùng chung số phận như Võ Đức Diên mà thôi.

Giết người diệt khẩu KTS thiết kế

Số phận Võ Đức Diên đã được đại tá Tung tính toán kỹ và báo cáo kế hoạch với Nhu là làm cho Diên im lặng vĩnh viễn để bảo toàn bí mật. Nhu đồng ý nhưng dặn Tung phải giải quyết thế nào cho gọn, đừng để xảy ra tai tiếng.

Tối hôm sau, Tung bảo Võ Đức Diên vào dinh gặp ông cố vấn. Vị kiến trúc sư tài hoa nhưng bất hạnh không biết tai họa đang chờ sẵn trên đầu, vui vẻ đến gặp Nhu tại dinh Gia Long. Đúng như kịch bản đã soạn sẵn: Cốc cà phê của Diên đã được đại tá Tung kín đáo bỏ thuốc độc từ trước, loại thuốc độc không màu, không mùi sẽ thấm vào tim, chết trong vòng 24 giờ mà bác sỹ có khám bệnh cũng không tìm ra nguyên nhân. Thương thay cho Võ Đức Diên, chết mà không hiểu tại sao mình chết. Và trước lúc chết hãy còn cám ơn Ngô Đình Nhu đã chiếu cố đến mình.

Mỗi sáng, Ngô Đình Nhu thức dậy, chưa kịp rửa mặt, dùng điểm tâm đã xuống địa đạo xem xét, rồi từ cửa hầm đi qua phòng khách vòng ra sân sau nơi mấy chiếc xe bít bùng đậu trong đêm. Nhu đưa mắt nhìn xung quanh khắp lượt, thấy không có dấu vết gì thì tỏ vẻ hài lòng