Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Ẩn số trăm năm của tàu ma Mary Celeste

Tàu ma là một trong những hiện tượng bí ẩn nhất mọi thời đại. Qua hàng thế kỷ, những con tàu lạ kỳ này vẫn đang kích thích con người tìm hiểu, suy đoán và đưa ra những lý giải thú vị.

Ngày 4/11/1872, hai vị thuyền trưởng David Reed Morehouse (thuyền trưởng tàu chở hàng Dei gratia của Anh) và Benjamin Briggs (thuyền trưởng tàu Mary Celeste của Mỹ) ngồi ăn tối cùng nhau ở New York.

Họ là những người bạn cũ và cùng dừng chân ở New York trước khi Morehouse ra khơi vào ngày 15, còn Briggs đi vào hôm sau với vợ và con gái, cả hai cùng hướng tới châu Âu.

Thủy thủ đoàn biến mất không dấu vết
Không lâu sau, ngày 5/12, thuyền trưởng Morehouse vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy con tàu Mary Celeste của Briggs lênh đênh ở khu vực giữa Bồ Đào Nha với quần đảo Azores, dường như đang nằm ngoài tầm kiểm soát và di chuyển một cách vô định theo hướng gió. Tiếp cận con tàu, họ nhận thấy Mary Celeste tuy có bị nước tràn vào một chút nhưng nhìn chung trong tình trạng rất tốt. Hàng hóa gồm 1701 thùng cồn, lương thực thực phẩm và nước ngọt đủ cho 6 tháng vẫn còn, không bị xáo trộn, chỉ duy nhất một thùng cồn bị hư hỏng, vật dụng cá nhân của cả đoàn đều ở nguyên vị trí, một chiếc bơm đang hoạt động với 2 cánh buồm được giương lên.

Hầu hết giấy tờ và thiết bị định vị trên tàu đã biến mất, không hề có bất kỳ dấu hiệu nào của con người. Tuy nhiên, cuốn nhật ký hàng hải thì vẫn còn, trong đó ngày cuối cùng được đặt bút có đề 25/11/1872, khi con tàu gần tới đảo St Mary, cách nơi người ta tìm thấy nó khoảng 700 dặm.

Điều kỳ lạ là tất cả đột nhiên mất tích không dấu vết mặc dù thời tiết lúc đó tốt và thuỷ thủ đoàn là những người đi biển rất có kinh nghiệm.

Bức họa tàu Mary Celeste năm 1861. (Ảnh: Toptenz).

Các giả thuyết giàu… trí tưởng tượng
Người đầu tiên đưa ra giả thuyết về số phận của thủy thủ đoàn trên con tàu là Frederick Solly Flood, luật sư tại tòa án Hải quân Anh.

Flood suy đoán toàn bộ thủy thủ đã đột nhập vào khoang hàng hóa, uống những thùng cồn và sau đó giết chết thuyền trưởng Briggs, vợ và con gái ông, cùng vị phó thuyền trưởng Richardson. Sau đó, chính Flood lên tiếng loại bỏ giả thuyết này và chuyển sang “sống chết” với quan điểm rằng cồn đã bị biến chất và nhiều khả năng là nguyên nhân dẫn đến cái chết cho ai chẳng may uống phải.

Chưa dừng lại, ông tiếp tục đưa ra giả thuyết Briggs và Morehouse, trong cuộc gặp ở New York, đã âm mưu lừa gạt thủy thủ trên tàu Mary Celeste. Theo kế hoạch, Briggs là người ra tay giết chết nhóm thủy thủ đoàn của mình, Morehouse sau đó sẽ yêu cầu bồi thường cho việc cứu hộ tàu Celeste và chia tiền với Briggs. Tuy nhiên, cả Briggs và Morehouse được biết đến là những con người đáng kính, có lý lịch tốt, không thể là hung thủ giết người.

Mặc dù vậy, Flood vẫn không từ bỏ suy nghĩ của mình. Nếu Briggs không làm điều đó thì nhất định là Morehouse. Flood tố cáo các thủy thủ của Dei Gratia đã tấn công tàu Mary Celeste vì lợi ích có thể nhận được với tư cách là người cứu hộ. Sau nhiều tháng đưa ra lời vu khống chống lại Morehouse, tòa án Admiralty cuối cùng đã minh oan và thanh toán mọi chi phí cho đoàn của Morehouse.
Mary Celeste là "tàu ma" bí ẩn nhất mọi thời đại của ngành hàng hải thế giới.

Thời điểm đó, thế giới rất quan tâm đến những cáo buộc của Flood, thậm chí trong một bài viết trên tờ New York Times, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ William Richard cũng đưa ra nhận định của riêng mình với vụ án này và đồng ý với giả thuyết của Flood khi cho rằng đây là một cuộc nổi loạn.

Sau đó, vào tháng 1/1884, tạp chí Cornhill Magazine đăng tải một truyện ngắn với tiêu đề “J. Habakuk Jephson's Statement”, tác giả là bác sĩ trẻ Arthur Conan Doyle (người sau này viết bộ tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes nổi tiếng). Truyện xây dựng từ sự cố tàu Mary Celeste, trong đó, tác giả nói đã tìm thấy những giấy tờ của Abel Fosdyk, một người được cho là hành khách trên tàu. Theo Fosdyk, vị thuyền trưởng đã cùng tranh luận với 2 thủy thủ của mình về tốc độ bơi. Và để chứng tỏ mình đúng, cả 3 cùng nhảy xuống nước bơi mà không biết sắp làm mồi cho cá mập. Những người còn lại chạy đến xem chuyện gì đang xảy ra. Bất ngờ phần mũi tàu họ đứng gãy tan, tất cả cùng chịu chung số phận với vị thuyền trưởng. Fosdyk là người duy nhất sống sót vì đã bám được một mảnh ván và trôi dạt vào bờ biển ở châu Phi. Theo nhiều chuyên gia, đây chỉ là một giả thuyết mơ hồ, không có cơ sở khi mà nhân chứng Fosdyk đã chết và chẳng ai có thể kiểm chứng được.

Câu chuyện tiếp theo xuất hiện vào cuối những năm 20, khi Lee Kaye của tạp chíChamber's Journal viết về một “Người duy nhất còn sống sót” khác là John Pemberton, về những chi tiết đã xảy ra trên tàu. Câu chuyện Pemberton sau đó đã được Laurence Keating xuất bản thành cuốn sách có tên “Mary Celeste Hoax” vào năm 1929 và trở thành cuốn sách bán chạy nhất toàn khu vực Đại Tây Dương cho đến khi Kaye bị tố cáo là dàn dựng trò lừa bịp này.

Suy đoán của chuyên gia
Tất cả các giả thuyết đều bị bác bỏ, vậy thực sự điều gì đã xảy ra với toàn bộ thủy thủ trên con tàu?

Ở thời điểm chuyển giao thế kỷ, một số ý kiến tin rằng Mary Celeste đã bị tấn công bởi một con mực khổng lồ hoặc một con quái vật biển. Nhưng cứ cho đó là Kraken (con quái vật xúc tu chuyên đánh chìm tàu bè trên biển) thì tại sao nó lại lấy đi các loại giấy tờ trên tàu, và tại sao con tàu bị tấn công nhưng không có ai rút thanh gươm trên tàu ra chiến đấu, nó vẫn nằm nguyên trong vỏ? Khi tìm thấy nhiều vết đỏ trên tàu, người ta kết luận đó là máu nhưng thực chất chúng đơn giản chỉ là gỉ.

Về chiếc xuồng cứu sinh, có một sự đồng thuận giữa những người nghiên cứu vấn đề này, bao gồm cả tòa án, rằng con tàu đã bị bỏ lại. Các dấu hiệu lộn xộn trên chiếc giường của thuyền trưởng, quần áo của thủy thủ đoàn thì vương vãi xung quanh cho thấy một cuộc tháo chạy trong vội vã. Ngoài ra, vài sợi dây thừng cũng biến mất dẫn đến kết luận thủy thủ đoàn đã rời hết xuống con xuồng, dùng dây thừng buộc nó vào sau tàu Celeste.

Về lý do di chuyển, có ba giả thuyết được ủng hộ nhiều nhất
Thứ nhất, có thể thực phẩm trên tàu đã bị nhiễm độc, gây ảo giác và khiến các thủy thủ bỏ tàu. Người ta tìm thấy một chất trong bánh mì lúa mạch đen trên tàu có thể tạo ảo giác. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn từ tàu Dei Gratia cũng đã sử dụng chính đồ ăn trên tàu Celeste trong hơn một tuần mà không thấy hiện tượng gì bất thường. Vì vậy, giả thuyết thứ nhất có thể loại bỏ.

Thứ hai, vấn đề có thể nằm ở số hàng hóa trên tàu. Khi thùng cồn cuối cùng được mở ra, 9 thùng hoàn toàn trống rỗng, rõ ràng đã bị rò rỉ trong chuyến đi. Thuyền trưởng cho rằng lượng hơi bốc ra lại bị giới hạn trong một không gian nhỏ rất dễ phát nổ. Vì vậy, khoang tàu đã được mở toang để hơi thoát đi và trong khi đó, thủy thủ đoàn sơ tán lên chiếc xuồng cứu sinh, giữ một khoảng cách an toàn.

Thứ ba, giả thuyết của Tiến sĩ James H. Kimble: tàu Celeste đã gặp phải cơn lốc xoáy trên biển, thường xuất hiện và tiêu tan một cách nhanh chóng. Nó không gây thiệt hại gì đáng kể và là lời giải thích hợp lý cho lượng nước trong tàu lúc được tìm thấy. Nhưng Briggs thì không nghĩ thế. Ông cho rằng con tàu sắp chìm.

Trong cả hai trường hợp 2 và 3, các thuyền viên và gia đình Briggs nhanh chóng nhận lệnh rời tàu. Tuy nhiên, khu vực Bắc Đại Tây Dương vào mùa đông được coi là nơi khá nguy hiểm cho nên hành động này có thể là nguyên nhân dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Hàng thế kỷ qua, đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra phân tích, mổ xẻ nhưng không có lời giải thích nào thoả đáng. Kết quả là cứ nhắc đến những “con tàu ma” thì cái tên Mary Celeste bao giờ cũng đứng ở vị trí đầu tiên và trở thành bí ẩn lớn nhất mọi thời đại của ngành hàng hải thế giới.

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Vì sao tàu buồm lớn nhất TG mất tích đầy bí ẩn?

Con tàu Đan Mạch dài 130m, cột buồm cao gần bằng tòa nhà 20 tầng được sử dụng với mục đích huấn luyện hải quân cho đến khi nó biến mất sau ngày 22/12/1928. Đây là tàu buồm lớn nhất thế giới thời đó.
Lần cuối cùng người ta nghe nói về Kobenhavn là ngày 21/12/1928 khi nó trên đường từ Buenos Aires (Argentina) đến Australia. Ngay sau khi phát hiện ra sự mất tích của nó, người ta đã tìm kiếm trong khoảng thời gian khá dài nhưng đều không mang lại kết quả. Điều này đã trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của kỷ nguyên hiện đại, dẫn đến nhiều đồn đoán về số phận cuối cùng của con tàu.

Kobenhavn được chế tạo tại Scotland từ năm 1913 nhưng mãi đến ngày 24/3/1921 mới hoàn thành. Còn biết đến với cái tên “Dane Big”, con tàu buồm lớn nhất thế giới khi đó dài 130m, sức chứa lên tới gần 4.000 tấn, 5 cột buồm cao gần bằng tòa nhà 20 tầng. Kobenhavn có một động cơ diesel phụ trợ, hoạt động giống như chiếc máy phát không dây.

Chủ yếu dùng vào việc đào tạo học viên trẻ nhưng con tàu cũng phải tìm phương án bù đắp phần nào chi phí bằng cách nhận chở hàng hóa trong những cuộc hành trình của nó. Baron Nils Juel-Brockdorff là người giám sát việc đóng tàu và trở thành vị thuyền trưởng đầu tiên. Từ năm 1921 đến 1928, Kobenhavn thực hiện thành công 9 chuyến đi, đến gần như tất cả các lục địa và đã hoàn thành hai chuyến vòng quanh thế giới qua đường biển.

Tàu Kobenhavn chống chọi với sóng dữ (Tranh: Wikipedia).

Ngày 21/9/1928, Kobenhavn nhổ neo từ Norresundby, vùng Bắc Jutland (bắc Đan Mạch). Có 75 người trên tàu, trong đó thuyền trưởng là Hans Anderson, 26 thuyền viên và 45 học viên. Hàng hóa mà Kobenhavn mang theo là đá phấn và xi măng, dự kiến sẽ cập cảng tại Buenos Aires, lấy thêm hàng hóa rồi đi đến Melbourne (Australia) và cuối cùng chở lúa mì về châu Âu.

Kobenhavn đến Buenos Aires ngày 17/11/1928, gây ấn tượng với người dân địa phương bởi độ lớn của nó. Hàng hóa ngay lập tức được bốc dỡ, tuy nhiên cuộc khởi hành bị trì hoãn vì họ không nhận được khoản hoa hồng vận chuyển đến Australia. Cuối cùng, ngày 14/12, thuyền trưởng Anderson ra lệnh cho tất cả lên đường mà không có hàng hóa. Chuyến đi dự kiến kéo dài 45 ngày.

Ngày 22/12, Kobenhavn vẫn giữ liên lạc với một con tàu của Na Uy là William Blumer khi cách đảo Tristan da Cunha 900 km và thông báo rằng “tất cả đều tốt đẹp”. Tuy nhiên kể từ đó, William Blumer hoàn toàn mất tín hiệu của Kobenhavn và thủy thủ đoàn chưa một lần xuất hiện trở lại.

Do hành trình đến Australia kéo dài trong nhiều ngày cộng với việc Anderson thường rất ít khi gửi tín hiệu trong các chuyến đi của mình, nên ban đầu không một ai lo lắng khi Kobenhavn biến mất cho đến khi tình trạng này kéo dài trong nhiều tháng. Tháng 4/1929, Công ty East Asiatic cử con tàu chạy bằng động cơ, Mexico, đến khu vực Tristan da Cunha.

Người dân cho biết đã nhìn thấy con tàu rất lớn có 5 cột buồm trong đó một đã bị gãy vào ngày 21/1/1929. Kết hợp với Hải quân Hoàng gia Anh, họ đã tìm kiếm Kobenhavn trong vài tháng nhưng không hề có bất kỳ manh mối nào. Cuối cùng, Chính phủ Đan Mạch đành phải tuyên bố một cách chung chung rằng Kobenhavn và toàn bộ thủy thủ đã mất tích trên biển.

Những năm về sau, không ít giả thuyết đã được đưa ra, trong đó được chấp nhận nhiều nhất là ý kiến cho rằng con tàu đã va phải một tảng băng trôi trong bóng tối hay sương mù. Nếu vậy, con tàu có thể đã chìm quá nhanh khiến thủy thủ đoàn không kịp phản ứng. Một nhóm khác thì nhận định việc không có hàng hóa trên tàu có thể khiến nó bị lật úp bởi những cơn gió lớn, vô hiệu hóa xuồng cứu sinh. Tuy nhiên, người ta đã không thể tìm được xác con tàu.

Tàu Kobenhavn nhìn ngang (Tranh: Wikimedia). 

Hai năm kể từ khi Kobenhavn mất tích, việc một số người nhìn thấy con tàu bí ẩn phù hợp với những mô tả về Kobenhavn đang lênh đênh ở vùng biển Thái Bình Dương lại làm dấy lên các cuộc tranh luận. Theo nhóm ngư dân Chile, tháng 7/1930, thuyền viên của tàu chở hàng Argentina đã nhìn thấy “con tàu ma” 5 cột buồm trong một cơn gió mạnh. Sau vài tuần, họ lại gặp nó khi đi từ khu vực Đảo Phục Sinh đến bờ biển Peru. Trên đường đi, họ nhặt được 1 mảnh phần thân sau tàu khắc tên “Kobenhavn”.

Bằng chứng về con tàu tiếp tục được khơi dậy vào năm 1934, khi tờ The New York Times cho biết cuốn nhật ký của một học viên trên tàu Kobenhavn được tìm thấy trong cái chai trên đảo Bouvet ở Nam Đại Tây Dương. Cuốn nhật ký cho biết con tàu đã bị phá hủy bởi những tảng băng trôi và bị bỏ rơi, tất cả phải rời xuống chiếc xuồng cứu sinh.

Năm 1935, một số bộ hài cốt người và phần còn lại của một xuồng cứu sinh được tìm thấy trong tình trạng bị chôn vùi dưới cát dọc bờ biển phía tây nam châu Phi được cho là dấu vết của Kobenhavn. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả vẫn chỉ nằm ở mức giả định, chờ đợi câu trả lời từ phía các chuyên gia.

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Bí ẩn bản nhạc “Chủ Nhật u sầu” khiến 100 người chết

Ca khúc “Ngày Chủ Nhật u sầu” đã liên quan trực tiếp đến cái chết của hơn 100 người, trong đó có chính tác giả và người yêu cũ của ông.

Nỗi u sầu của nhạc sĩ Rezso Seress

Vào một buổi chiều cuối năm 1932 tại thủ đô Pari (Pháp) trong không khí nặng nề, u ám, lạnh lẽo của một chiều mưa, nhạc sĩ dương cầm gốc Hunggari, Rezso Seress ngồi chơi đàn bên cửa sổ. Chính ngoại cảnh u buồn ấy đã gợi cảm hứng cho những giai điệu đầu tiên trong một bản nhạc mới của anh. Đó chính là tác phẩm “Szomorú Vasárnap”.

Chàng nhạc sĩ đã dành trọn tình yêu cho một người phụ nữ nhưng lại bị cô cự tuyệt. Trong nỗi thất vọng, anh đã đặt bút viết nên bản nhạc sầu thảm nhất trong cuộc đời mình. Nhưng anh đâu ngờ, chính “đứa con tinh thần” ấy lại reo giắc tai họa trong những năm sau đó.

“Szomorú Vasárnap” đã không gây ấn tượng gì nhiều lúc ra mắt. Bản nhạc này đủ hay để các hãng thu âm thời bấy giờ có thể nhận lời phát hành đĩa nhưng không một hãng nào đồng ý vì “nhạc và lời quá buồn thảm, rợn người”. Phải đến năm 1935, phiên bản có lời đầu tiên bằng tiếng Hungary của “Szomorú Vasárnap”, do một người bạn của Reszo là Jávor viết lời và Pál Kalmár thể hiện, mới được ghi âm.

Bản nhạc đã nhanh chóng được các nhà sản xuất nước ngoài quan tâm. Nhạc sĩ Sam M. Lewis (người Mỹ) và Desmond Cater (người Anh) đều đã viết ca từ tiếng Anh cho “Szomorú Vasárnap” với tựa là “Gloomy Sunday”.


Phần đầu của bài hát "tử thần"

Phiên bản của Lewis, được Hal Kemp ghi âm vào năm 1936, có ca từ như sau:“Ngày chủ nhật u sầu, tôi chìm trong bóng tối. Trái tim tôi và tôi quyết định chấm dứt tất cả. Tôi biết, tiếp theo rất nhanh sẽ là nến và những người cầu nguyện. Đừng để họ phải khóc, hãy để họ biết rằng tôi vui sướng được ra đi. Cái chết không phải là giấc mộng, vì trong cái chết, tôi được âu yếm em. Còn lại hơi thở cuối cùng của linh hồn mình, tôi sẽ ban phước lành cho em”.

Ngay trong tuần “Gloomy Sunday” trở thành best-seller và tác giả Seress cũng đã gửi thư tới người yêu cũ với mong muốn nối lại tình xưa. Nhưng ngay ngày hôm sau, cô gái đó tự vẫn bằng thuốc độc, bên giường là một mẩu giấy có hai chữ: “Gloomy Sunday”.

Những cái chết lạ lùng

Phiên bản của Pál Kalmár ngay lập tức trở nên nổi tiếng tại Hungary, nhưng đó cũng là lúc nhiều sự việc lạ lùng bắt đầu xảy ra.

Tại Budapest, một người đàn ông ngồi trong quán cà phê đông đúc, yêu cầu nhạc công chơi bản “Szomorú Vasárnap”. Ông vừa nhấm nháp sâm panh, vừa thưởng thức bản nhạc. Bản nhạc chấm dứt, vị khách trả tiền, rời khỏi quán, vẫy một chiếc taxi, nhưng khi vừa bước lên xe, ông ta liền lôi ra một khẩu súng và tự kết liễu cuộc đời bằng một viên đạn.

Tại Berlin, một nữ nhân viên bán hàng đã treo cổ tự tử. Bên trong giày của cô là một tờ giấy ghi bản “Gloomy Sunday”. Tại New York, một cô thư ký xinh đẹp tự tử bằng khí gas trong căn hộ chung cư của mình. Tại hiện trường, người ta tìm thấy mẩu giấy nhỏ ghi lại tâm nguyện cuối đời của cô: Mong muốn được chơi bản nhạc “Gloomy Sunday” trong lễ tang

Nhiều người cho rằng, bản nhạc thất tình buồn thảm là nguyên nhân của các vụ tự tử. Nhưng vấn đề này cũng gây tranh cãi, bởi sau đó, nó đã gây ra những cái chết lạ lùng cho những người nghe, không phân biệt tuổi tác, tầng lớp.

Một người đàn ông 80 tuổi tự kết liễu cuộc đời bằng cú nhảy từ cửa sổ tầng 7 xuống đất trong khi đang nghe bản nhạc này. Một cô bé 14 tuổi nhảy xuống sông tự tử khi trong tay còn đang cầm một bản copy của “Gloomy Sunday”. Kỳ lạ hơn, tại Italy, một cậu bé đang đi trên đường bỗng gặp một người đàn ông đang chơi bản nhạc “Gloomy Sunday”. Cậu dừng lại, dốc sạch tiền trong túi ra cho người ăn xin đó, rồi chẳng nói chẳng rằng đi tới một cây cầu, nhảy xuống sông …tự tử. Tại nhiều buổi biểu diễn, các ca sĩ chết trong lúc hát, khán giả đột tử trong lúc nghe “Gloomy Sunday”. Có tới 15 quốc gia có người đâm đơn kiện, buộc tội Rezso liên quan đến những cái chết này.

Dù đã được chỉnh sửa lại, “lời nguyền” chết chóc vô hình trong bản nhạc vẫn tiếp tục gây tai họa. Cái chết của một người phụ nữ khi đang nghe phiên bản hợp tấu của “Gloomy Sunday” tại căn hộ của mình ở Luân Đôn đã mở đầu cho chuỗi dài những cái chết tiếp nối sau đó, buộc cơ quan quản lý truyền thông Anh lại phải tái ban hành lệnh cấm đặc biệt đối với “Gloomy Sunday”. Đến tận ngày nay, lệnh cấm này vẫn chưa được dỡ bỏ.

“Buồn thảm nhất mọi thời đại”

Mặc dù mang tiếng xấu, nhưng “Gloomy Sunday” đã không ngừng được các ca sĩ khắp thế giới thể hiện lại, trong đó có những ngôi sao như Elvis Costello, Sinead O’Connor, Sarah McLachlan hay Heather Nova…. Danh ca Bjork cũng đã biểu diễn bài hát này tại đám tang của nhà thiết kế thời trang Alexander McQueen tại Nhà thờ St Paul (Luân Đôn) vào tháng 9/2010.

Bài hát “tử thần” cũng là nguồn cảm hứng cho bộ phim “The Kovak Box”

Bài hát “tử thần” cũng là nguồn cảm hứng cho bộ phim “The Kovak Box” (năm 2006), viết về một nhà văn bị mắc kẹt trên đảo Mallorca (Tây Ban Nha) cùng với những người bị gắn một loại vi chip khiến họ tự tử khi nghe “Gloomy Sunday”. “Ngày Chủ nhật u sầu” cũng bị liệt vào vị trí số 2 trong danh sách những ca khúc buồn thảm nhất mọi thời đại do trang âm nhạc Spinner bình chọn.

Từ góc độ khoa học, các nhà nghiên cứu đã tìm cách giải thích nguyên do của những cái chết khó hiểu liên quan đến bản nhạc “tử thần”. Họ cho rằng vào thời điểm bản nhạc ra đời, Mỹ và châu Âu đang trải qua một thời kì khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng sau Chiến tranh Thế giới thứ I. Một xã hội công nghiệp hóa đang khiến cuộc sống quay cuồng hơn, nạn thất nghiệp gia tăng, cảnh chết chóc, thương vong do di chứng từ chiến tranh…Tất cả đã tác động mạnh đến tâm lý con người và đưa họ rơi vào trạng thái mất phương hướng, trầm cảm, bi quan về cuộc sống. Bản nhạc “Gloomy Sunday” với giai điệu sầu thảm, ma mị có thể chính là “giọt nước tràn ly”. Hơn nữa, những câu chuyện thêu dệt của dư luận, khiến bài hát càng trở nên “ma quái” hơn cũng đã góp phần tạo nên xu hướng “tự tử dây chuyền” vào thời điểm đó.

Chính tác giả Rezso cũng treo cổ tự tử

Với Rezso, khi được hỏi ông đã suy nghĩ gì khi viết ca khúc, người nhạc sĩ bất hạnh nói: “Sự nổi tiếng kiểu này khiến cho tôi bị tổn thương. Tôi đã trút mọi nỗi niềm thất vọng, đổ vỡ của trái tim mình vào bài hát, và dường như những người khác, có cảm xúc giống tôi, cũng tìm thấy sự tổn thương của họ trong đó”.

Khi báo chí thống kê số lượng khổng lồ những vụ tự tử bắt nguồn từ bản nhạc này, người nhạc sĩ thất tình thực sự hoảng loạn. Anh chẳng hiểu vì sao “đứa con tinh thần” ra đời trong giây phút tâm trạng u ám, sầu thảm ấy lại gây ra nhiều tai họa đến như vậy. Rezso tìm cách thu hồi lại bản nhạc, nhưng mọi nỗ lực của anh đều vô nghĩa.

Không biết có phải do “lời nguyền” bí ẩn từ “Gloomy Sunday”, chính tác giả của nó Rezső Seress cũng đã tìm đến cái chết. Trong Thế chiến thứ II, do mang dòng máu Do thái, Rezso bị bắt vào trại tập trung của Đức quốc xã. Sống sót sau địa ngục trần gian này, ông trở thành một nghệ sĩ nhào lộn cho một nhà hát và rạp xiếc. Sau đó, Rezso quay trở lại với sáng tác nhạc nhưng không bao giờ có một tác phẩm nào gây tiếng vang như “Gloomy Sunday”.

Tháng 1/1968, Rezso nhảy khỏi cửa sổ căn hộ của mình ngay sau sinh nhật lần thứ 69 nhưng không chết. Sau đó, tại bệnh viện, người nhạc sĩ bất hạnh đã treo cổ để tìm đến sự giải thoát cuối cùng.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Ẩn số con tàu ma “vĩnh viễn không chìm“

Sự biến mất dị thường của tàu Joyita cùng 25 người trên đó khiến nó trở thành một con tàu ma nổi tiếng, được nhắc đến trong rất nhiều cuốn sách với vô số giả thuyết đưa ra tranh luận.

Năm 1955, tàu chở hàng MV Joyita cùng với 25 hành khách và thủy thủ đoàn đã biến mất một cách khó hiểu tại khu vực Nam Thái Bình Dương. 5 tuần sau, nó được tìm thấy trong tình trạng rất xấu nhưng không bị chìm hẳn. Số phận của toàn bộ thủy thủ đoàn và hành khách ra sao là câu hỏi cho đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải đáp hợp lý.

Sự cố trên biển

MV Joyita là một con tàu bằng gỗ dài 21m, được hãng Wilmington Boat Works (Los Angeles, Mỹ) đóng vào năm 1931 với mô hình ban đầu là du thuyền sang trọng, có kết cấu giúp chống chìm.

Khoảng 5 giờ sáng ngày 3/10/1955, Joyita khởi hành từ bến cảng Apia của Samoa đến quần đảo Tokelau, quãng đường dài khoảng 430 km. Theo kế hoạch, lẽ ra nó dời đi từ trưa hôm trước nhưng bị hoãn lại vì động cơ mạn trái gặp sự cố.

Mang theo 16 thủy thủ và 9 hành khách, hàng hóa trên tàu bao gồm vật tư y tế, gỗ, thực phẩm và dầu, chuyến đi của Joyita dự kiến chỉ mất từ 41 đến 48 tiếng và sẽ tới Tokelau vào ngày 5/10 sau đó chở cùi dừa khô quay về.

Ngày 6/10, thông báo từ cảng Fakaofo cho biết đã quá hạn nhưng bóng dáng con tàu vẫn chưa thấy đâu, họ cũng không nhận thấy tín hiệu báo nguy nào. Ngay lập tức, các biện pháp cứu nạn được triển khai. Từ ngày 6 đến 12/10, lực lượng Không quân Hoàng gia New Zealand đã tìm kiếm trên phạm vi khá rộng lớn, nhưng không đạt kết quả.

Một phần con tàu MV Joyita bị chìm khi được tìm thấy. (Ảnh: Weburbanist.com).

5 tuần sau, vào ngày 10/11, Gerald Douglas, thuyền trưởng của tàu buôn Tuvalu phát hiện con tàu tại nơi cách điểm đến dự kiến khoảng 1.000 km. Con tàu đã bị chìm một phần và không có một ai trên tàu, 4 tấn hàng hóa cũng không còn tăm tích.

Những manh mối đáng chú ý

Khi được tìm thấy, MV Joyita đang ở trong tình trạng rất xấu. Cuộc điều tra nhanh chóng tiến hành, trong đó các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến những tình tiết sau:

- Những con hàu bám vào phía mạn tàu trái cho thấy Joyita đã bị nghiêng về bên trái trong một khoảng thời gian nhất định.

- Bên trên boong chính, buồng chỉ huy của thuyền trưởng bị phá hủy, cửa sổ bị vỡ tung…

- Một chiếc xuồng và 3 cái phao có thể bơm phồng lên (dùng trong trường hợp khẩn cấp) đã biến mất.

- Động cơ mạn phải của tàu được tìm thấy trong tình trạng vẫn đang “đắp chăn” trong khi động cơ mạn trái bị tháo rời cho thấy Joyita vận hành chỉ với một động cơ.

- Hệ thống radio trên tàu đã được điều chỉnh sang tần số 2182 kHz - kênh cấp cứu hàng hải quốc tế, nhưng khi kiểm tra thiết bị, phần dây cáp giữa máy thu và dây ăng-ten bị hư hại là nguyên nhân hạn chế phạm vi phát sóng của radio, chỉ còn khoảng 3,2 km.

- Những chiếc đồng hồ điện tử kết nối với máy phát điện trên tàu đã ngừng hoạt động khi chỉ đến con số 10 giờ 25 phút và các công-tắc đèn đang ở chiều bật sáng ngụ ý rằng có điều gì đó đã xảy ra vào ban đêm.

- Nhật ký hàng hải, kính lục phân và các thiết bị định vị khác đều biến mất.

- Trên boong tàu, người ta cũng tìm thấy chiếc túi y tế có chứa một ống nghe, một con dao mổ và bốn miếng băng dính đầy máu.

Toàn bộ 25 thành viên trên tàu đã biến mất một cách bí ẩn. (Ảnh: Hauntedamericatours.com).

Chuyện gì đã xảy ra?

Với sự kỳ bí của mình, người ta còn gọi Joyita là “tàu ma Mary Celeste của khu vực Nam Thái Bình Dương”. Nó đã được nhắc đến trong rất nhiều cuốn sách với vô số giả thuyết đưa ra tranh luận.

Cái chết của vị thuyền trưởng
Thuyền trưởng của con tàu là Thomas H. Miller, một thủy thủ người Anh sống tại Samoa (Mỹ). Miller hiểu rõ rằng Joyita là con tàu không thể chìm, cộng với sự xuất hiện của những miếng bông băng có vết máu, 2 điều này dẫn đến suy đoán Miller bị thương hoặc thậm chí đã thiệt mạng.

Một người bạn của Miller, thuyền trưởng S. B. Brown, tin rằng Miller sẽ không bao giờ rời khỏi Joyita, trừ khi có điều gì đó nghiêm trọng xảy ra. Ông lưu ý về mối quan hệ khá căng thẳng giữa Miller với vị thuyền phó người Mỹ - Chuck Simpson và đưa ra nhận định có thể cả 2 đã rơi xuống biển hay bị thương nặng sau khi giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Vì không còn người lãnh đạo đồng thời cũng chẳng ai nói cho những thành viên khác biết về khả năng nổi trên mặt nước của Joyita nên khi nước bắt đầu tràn vào, tất cả đều vô cùng hoảng sợ và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ con tàu. Tuy nhiên, việc 4 tấn hàng hóa biến mất thì vẫn chưa thể giải thích được.

Sự xuất hiện của nhóm người Nhật và giả thuyết về những tên cướp biển
Cũng nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình là một giả thuyết khác có liên quan đến cướp biển. Theo đó, những tên cướp biển đã tấn công con tàu, giết chết 25 người của thủy thủ đoàn và hành khách rồi ném xác họ xuống biển, lấy đi toàn bộ 4 tấn hàng hóa.

Gần giống như vậy, tờ The Daily Telegraph từng cho đăng tải một bài viết phân tích rằng nơi đây vốn là căn cứ hoạt động của lực lượng quân Nhật từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai và đó chính là nguyên nhân sự biến mất của 25 người trên tàu Joyita. Giả thuyết này xuất hiện khi người ta tìm thấy những con dao mang dòng chữ “Made in Japan”. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy chúng đã ở trên tàu từ cuối những năm 1940, khi mà Joyita vẫn là con tàu đánh bắt cá.

Giả thuyết về hành vi gian lận bảo hiểm
Hàng loạt chuyến đi không thành công đã mang lại cho Miller một món nợ khổng lồ và người ta nghĩ rằng đây có thể là cơ hội để Miller “gỡ gạc”. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy dấu hiệu gian lận nhằm kiếm tiền bảo hiểm. Những chiếc van ở thân tàu vẫn đóng đã bác bỏ nghi án ai đó cố tình làm đắm tàu bằng cách mở van.

Mặt trước con tàu. (Ảnh: Referenced.co.uk).

Giả thuyết về một cuộc nổi loạn
Năm 1962, sau nhiều năm tìm hiểu, điều tra về con tàu, tác giả Robin Maugham đã công bố phát hiện của mình trong bài viết “The Mystery Joyita”. Maugham đồng ý rằng sự cố bắt đầu khi nước tràn vào tàu từ đường ống làm mát bị hỏng mà máy bơm không thể khắc phục được.

Vì biết Joyita không dễ chìm và cũng chẳng muốn tăng thêm khoản nợ, Miller đã lệnh cho con tàu tiếp tục đi. Tuy nhiên, thuyền phó Simpson và có khi là cả các thành viên khác thì yêu cầu ông quay trở lại. Sự không đồng nhất đã dẫn đến một cuộc nổi loạn khiến Miller bị thương nặng. Lúc này, điều kiện thời tiết ngày càng xấu đi, con tàu lại chỉ hoạt động với một động cơ trong khi đáy tàu bị ngập nước buộc Simpson phải đưa ra quyết định tất cả rời khỏi tàu cùng các thiết bị định vị, nhật ký hàng hải, đồ dự trữ và cả thuyền trưởng Miller đang bị thương.

Maugham cũng đề xuất giả định rằng họ đã nhìn thấy một hòn đảo và cố gắng đi đi đến nhưng những cơn gió lớn khiến họ không thể làm được. Kể từ đó, cả 25 người này đều chưa một lần trở lại và tất nhiên, số phận của họ ra sao có lẽ sẽ mãi là câu hỏi không có lời giải đáp.

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Giải mã giá trị thật của đồng đen

Vì đồn thổi đồng đen có giá trị đắt hơn vàng và có thể chữa được bệnh nan y, nên người ta lừa đảo, tranh giành, thậm chí chém giết để có được thứ vàng đen đó. Thực hư chuyện này là gì?

Truyền thuyết về đồng đen


Truyền thuyết kể rằng: Nguyễn Minh Không - Không lộ Thiền sư, vị cao tăng đắc đạo ở Tây Trúc, được Phật truyền cho lục trí thần thông, có thể biến hóa khôn lường. Vị Thiền sư này giỏi chữa bệnh và các nghề luyện kim. Tiếng tăm của thần y Minh Không vang sang Bắc quốc. Con vua Tống Thái Tông khi đó bị bệnh nan y, nhà vua cho mời Minh Không sang chữa bệnh, ông đã nhận lệnh lên đường.

Tương truyền khi về nước, ông dùng đồng đen lấy được đúc thành chuông Phả Lại. Số đồng đen còn lại hòa thượng đúc tượng An Nam Đại Tứ Khí (tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm). Chuông Phả Lại đúc xong, khi gióng lên tiếng kêu xa khắp thiên hạ. Lúc đó, tại cung điện Trung Hoa có tượng một con trâu đúc bằng vàng rất lớn. Theo truyền thuyết thì đồng đen chính là mẹ của vàng, nghe tiếng chuông của mẹ đồng đen gọi, con Trâu Vàng cựa mình và phóng sang Đại Việt đi tìm mẹ. Ngài Minh Không lo lắng, cho rằng nếu tiếp tục gióng chuông thì vàng từ các nước lân bang sẽ tụ về Đại Việt. Ngài bèn ném chuông xuống Hồ Tây. Tiếng chuông âm vang lần cuối, con Trâu Vàng theo mẹ nhảy xuống hồ. Từ đó Hồ Tây còn có tên gọi là hồ Kim Ngưu (Trâu Vàng).

Ông Trương Tín Hồi, Phó ban Ban di tích phủ Tây Hồ cho biết, truyền thuyết dân gian biến hóa theo dòng chảy của cuộc đời, từ xa xưa trâu được coi là một con vật thiêng có khả năng trừ ma quái, bảo vệ dân làng. Tín ngưỡng thờ Trâu Vàng là một tín ngưỡng tích cực, phù hợp với nguyện vọng cầu mong một cuộc sống yên ổn của nhân dân xưa. Đây là truyền thuyết rất linh thiêng về đồng đen và Trâu Vàng.

Bức tượng đồng đen Thánh Trấn Vũ, đền Quán Thánh, Hà Nội. 

"Vua" đồ cổ cũng bị lừa

Ông Bùi Xuân Hải (cầu Rào, phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) rất am hiểu về đồ cổ nhưng cũng từng bị một quả lừa liên quan tới đồng đen.

Thời đó, biết ông là người sành đồ cổ, buôn bán và xuất khẩu đồ cổ sang cả Trung Quốc, nhiều người đã đến giới thiệu cho ông về thứ đồ cổ lưu truyền trong dân gian còn quý hơn vàng. Một nhóm người từ Vũ Thư, Thái Bình đã tìm về Hải Phòng gặp ông để nói về mặt hàng này. Nhóm người này khoe với ông Hải rằng, thứ đồng đen mà họ tìm được mối có từ thời nhà Lý, cách đây vài trăm năm. Đó là một báu vật đối với nhiều người.

Họ còn nói rằng, loại đồng đen này có thể trừ tà ma, chữa bệnh, ai bị trúng gió dùng áp vào trán có thể khỏi. Vốn là người yêu thích đồ cổ, trong dân gian ông cũng đã nghe huyền thoại về đồng đen, nhưng để tận mắt thấy, tay sờ thì chưa. Nghe nhóm người nói vậy ông Hải mừng rỡ trong lòng. Ông nóng lòng muốn về mua ngay.

Về Thái Bình, ông Hải đem theo số tiền lớn, với ý nghĩ sẽ mua cổ vật với bất cứ giá nào. "Bọn chúng dẫn tôi đến một gia đình có một cụ già chừng 70 tuổi. Thấy tôi đến gia chủ mời nước tiếp tôi. Ông ta nói rằng cha ông để lại một số đồ cổ, trong đó có một số đồ đồng đen như đĩa, bát hương thờ. Gia đình có việc cần tiền gấp nên phải bán đi", ông Hải kể. Nghe gia chủ nói vậy, ông Hải không chút nghi ngờ. Xem các đồ đồng đen với màu sắc, hoa văn cổ ông hoàn toàn tin tưởng. Nhưng khi ông vừa thanh toán tiền cho chủ nhà thì đã bị lực lượng công an ập vào, tịch thu toàn bộ tiền và tang vật.

Sau này ông mới biết mình đã bị những kẻ chuyên lừa đảo bịp bợm. Bọn chúng đã thuê một ông già đóng vai chủ nhà, một số đồ cổ làm mồi. Hôm đó khi công an ập vào thì bọn chúng đã tháo chạy, ông Hải bị lừa mất số tiền lớn.

Chiếc ấm đầu gà của ông Hùng có giá nghìn đô la Mỹ. 

Đồng đen dễ bị làm giả

Nghệ nhân Nguyễn Văn Dũng (81 tuổi ở phố Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) có 60 năm đúc đồng cho biết: "Nói về đồng đen thì Ấn Độ, Trung Quốc là cái nôi sản sinh ra nhiều bức tượng đồng đen lớn nhất thế giới. Đồng đen là một hợp kim, có chứa chất phóng xạ. Nhiều người vẫn đồn đại rằng giá trị của nó còn như bố, mẹ của vàng. Nhưng thực ra nó là giá trị ảo. Hơn nữa, để xác định được đồng đen thật rất khó, đến người làm nghề cũng có thể bị lừa".

Cụ Dũng đúc hàng nghìn bức tượng đồng, nhưng cụ cũng chưa biết cụ thể hợp chất tạo nên đồng đen là gì. Xưa nay cụ chỉ biết bức tượng thờ ông Trấn Vũ trong đền Quán Thánh là tượng đồng đen. Còn cũng chỉ nghe dân gian truyền tụng. Cụ Dũng bảo, làm giả đồng đen không khó. Để làm một đồ vật nào như đồng đen thật, chỉ cần đúc đồng xong, pha chế nước mạ bên ngoài sao cho thật tinh xảo, những người sành chơi đồ cổ cũng khó phát hiện là đồ giả.

TS Vũ Thế Khanh, Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA) cho hay, ông không biết những lời đồn thổi, lừa bịp về đồng đen như thế nào, nhưng thực tế hiện nay bức tượng Trấn Vũ là đồng đen. Ông cho rằng, tượng đồng đen có thể chữa được một số bệnh như cảm gió, thương hàn. Để xác định đồng đen rất khó, nhưng theo kinh nghiệm của ông thì có thể thử bằng cách mài đồ đồng xuống nền xi măng hoặc lấy dao cắt nếu vết cắt đó đen trở lại thì là đồng đen.

Cụ Dũng cho biết, có thể mạ tượng đồng bình thường thành đồng đen. 

Đồng đen không còn công thức để đúc?

Ông Vũ Tá Hùng (62 tuổi ở số 134 phố Tân Ấp, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Tôi có hơn 40 năm kinh nghiệm chơi đồ cổ, dù được nghe nói nhiều về đồng đen nhưng thực sự để cầm một đồ vật bằng đồng đen thì chưa".

Trước đây, ông Hùng lang thang khắp nơi để đi tìm thứ đồ cổ này, thậm chí hao tiền, tốn của truy tìm nhưng bất thành. Hơn 10 năm trước ông được nghe anh bạn giới thiệu ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa người dân đi làm nương đào được đồng đen. Anh tức tốc lên đường vào tận nơi để mua. Để xem bức tượng đó anh phải trả cho gia chủ 10 triệu đồng. Nhưng khi xem xong bức tượng, anh thất vọng ra về vì nó là dạng đồng cổ chứ không phải đồng đen.

Ông Hùng cho hay, có lẽ đồng đen đắt giá vì nó hiếm, công thức chế tác và khuôn mẫu đúc đồng đen đã mất từ xưa. Chất để chế tác đồng đen là hợp kim rất quý, chịu được nhiệt rất tốt.

Trong kho đồ cổ của mình, ông Hùng thích nhất là chiếc ấm đầu gà cổ của Trung Quốc khoảng 3.000 nghìn năm tuổi. Ông Hùng bảo, chiếc ấm này có thể là dạng đồng đen. Nó được đúc bằng đồng với kỹ thuật tinh xảo, hơ lửa đốt vào chiếc ấm, đồng sẽ đỏ một thời gian, sau đó lại đen trở lại. Cách đây vài năm, có đại gia đến ngả giá vài trăm nghìn đô la Mỹ nhưng ông Hùng không bán.

"Theo các câu chuyện mà nhiều người kể về sự huyền bí của đồng đen, tôi đã đi săn lùng rất nhiều nơi. Tôi đi sang cả Ấn Độ, Trung Quốc để tìm hiểu, nhưng vẫn không tìm được bức tượng nào là đồng đen thật. Đồng đen hiện nay chỉ là những câu chuyện kể trong dân gian".

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

“Giải mật” thành phố vàng trong huyền thoại châu Âu

Hàng trăm năm qua, nhiều kẻ tham lam đến từ châu Âu đã bỏ mạng trong cánh rừng đầy cạm bẫy ở Nam Mỹ với hy vọng tìm ra thành phố vàng El Dorado.

Việc Columbus đặt chân đến châu Mỹ năm 1492 là chương đầu tiên trong cuộc đụng độ văn hóa góp phần thay đổi thế giới. Đó là một cuộc chiến tàn bạo của 2 phong cách sống và hệ thống tín ngưỡng hoàn toàn đối lập.

Huyền thoại của người châu Âu cho rằng, El Dorado là một thành phố vàng mất tích và đang chờ sự khám phá của các nhà thám hiểm. Điều đó phản ánh khát vọng vô tận của người châu Âu với vàng và động cơ khai thác những vùng đất mới để tận thu của cải.

Trong khi đó, truyền thuyết của người Nam Mỹ về El Dorado lại cho thấy bản chất thực sự của thành phố này và những người sống ở đó. Với người Nam Mỹ, El Dorado chưa bao giờ là một địa điểm, mà là một nhà lãnh đạo giàu có. Người này được cho là có thói quen phủ vàng khắp cơ thể từ đầu tới chân mỗi buổi sáng và rửa sạch chúng trong một hồ nước thiêng liêng vào buổi tối.

El Dorado thực chất là một nhà lãnh đạo của người Muisca thích phủ vàng, chứ không phải thành phố vàng như truyền thuyết.

Sự thật đằng sau truyền thuyết đang dần sáng tỏ trong những năm gần dây, khi các nhà khoa học kết hợp các tư liệu lịch sử có từ lâu và nghiên cứu khảo cổ mới. Ở tâm điểm của truyền thuyết thành phố vàng là câu chuyện có thực về một nghi lễ thực hiện bởi người Muisca, vốn sống ở miền Trung Colombia từ năm 800 sau Công nguyên đến ngày nay.

Nhiều sử gia Tây Ban Nha khác nhau đã đến lục địa xa lạ này vào đầu thế kỷ 16 để ghi chép về nghi lễ này của El Dorado và một trong những tư liệu tốt nhất là của Juan Rodriguez Freyle. Trong cuốn sách của Freyle có tên Cuộc chinh phục và thám hiểm tân vương quốc Granada được phát hành năm 1636, nhà sử học này cho biết, khi một nhà lãnh đạo trong cộng đồng người Muisca qua đời, một “nhân vật vàng” sẽ được chọn lựa và diễn ra quá trình thừa kế.

Lãnh đạo mới được lựa chọn thường là cháu của người vừa từ trần, sẽ tham dự một nghi lễ kế thừa kéo dài và đỉnh điểm là việc chèo một con thuyền trên hồ nước linh thiêng, tương tự như hồ Guatavita ở miền Trung Colombia.

Vây quanh bởi 4 thầy tế có địa vị cao nhất mặc đồ gắn lông chim, đội vương miện vàng và người đầy trang sức, tân lãnh đạo trong tình trạng khỏa thân nhưng phủ bụi vàng sẽ tiến hành nghi lễ hiến tế vàng bạc châu báu cho các vị thần bằng cách ném chúng xuống hồ.

Trên bờ hồ, nhiều người dân đứng theo dõi buổi lễ, chơi nhạc cụ và đốt lửa nghi ngút từ những chiếc chậu. Trên bè cũng có 4 ngọn lửa tỏa khói hương trầm lên bầu trời. Khi bè trôi đến giữa hồ, thầy tế sẽ phất một lá cờ yêu cầu đám đông im lặng. Thời điểm này là lúc đám đông thể hiện sự trung thành với lãnh đạo mới bằng cách hô vang sự ủng hộ từ trên bờ hồ.

Qua một số nghiên cứu khảo cổ, nhiều khía cạnh nói về sự kiện trên được xác nhận là có thật. Có nghiên cứu cũng cho thấy kỹ năng tuyệt vời và quy mô sản xuất vàng ở Colombia vào thời điểm người châu Âu đặt chân đến châu Mỹ năm 1537.

Với người Muisca, vàng hay cụ thể hơn là hợp chất vàng, bạc và đồng đều được gọi là tumbaga. Những kim loại này được đánh giá cao không phải vì giá trị về mặt vật chất mà là phương diện tinh thần. Chúng được cho là có khả năng kết nối với các vị thần và mang đến sự cân bằng, hòa hợp trong xã hội Muisca.

Một món đồ bằng vàng của người Muisca.

Một hậu duệ của người Muisca là Enrique Gonzalez giải thích, với họ vàng không biểu tượng cho sự thịnh vượng. “Với người Muisca ngày nay, cũng như tổ tiên của chúng tôi trước đây, vàng chỉ có giá trị như một lễ vật và không đại diện cho sự giàu có”.

Những nghiên cứu gần đây của Maria Alicia Uribe Villegas ở Viện Khảo cổ UCL cho thấy rằng, người Muisca tạo ra vật phẩm bằng vàng là để làm đồ hiến tế cho các vị thần, nhằm cầu mong họ tạo ra sự cân bằng trong vũ trụ và đảm bảo sự ổn định với môi trường.

Theo nhà khảo cổ Roberto Lleras Perez, một chuyên gia về vàng và hệ thống tín ngưỡng của người Muisca, sự chế tác và sử dụng vàng của người Muisca là rất khác biệt ở Nam Mỹ. “Theo tôi biết, cho đến nay chưa có xã hội nào khác lại dùng đến 50% lượng vàng sản xuất được để dùng làm đồ hiến tế. Tôi nghĩ điều đó thật đặc biệt”, ông Perez nói.

Vì tất cả đồ bằng vàng trong mỗi lần hiến tế có những đặc điểm hóa chất giống nhau và nét riêng biệt, điều đó cho thấy những đồ vật này được làm riêng cho một đợt hiến tế và chỉ tồn tại trong vài giờ hoặc vài ngày trước khi bị vứt đi.

Đặc biệt, hình vẽ một chiếc bè vàng đúng như miêu tả trong sách của Juan Rodriguez Freyle, được 3 người dân tìm thấy trong một hang động nhỏ ở phía nam Bogota năm 1969. Hình vẽ cho thấy một người đàn ông phủ vàng đi ra một hồ thiêng. Điều đó càng khẳng định câu chuyện thực về El Dorado.

Mô tả về thành phố vàng El Dorado theo truyền thuyết của người châu Âu.

Việc El Dorado bị biến thành một thành phố vàng huyền thoại cho thấy sự thèm khát nguồn kim loại quý giá của những kẻ chinh phục đến từ châu Âu. Họ biết rất ít về giá trị thực sự của xã hội Muisca. Tâm trí của người châu Âu chỉ đơn giản là cảm thấy choáng ngợp trước cảnh tượng rất nhiều vàng được ném xuống nước hồ và được chôn trong những địa điểm linh thiêng ở Colombia.

Năm 1537, câu chuyện đồn thổi về El Dorado đã thu hút nhà chinh phạt người Tây Ban Nha, Jimenez de Quesada và đội quân gồm 800 người của ông ta, với sứ mệnh tìm ra đường đi trên bộ đến Peru và quê hương Andean của người Muisca lần đầu tiên.

Quesada và binh sĩ của ông ta bị dụ sâu vào trong những vùng đất xa lạ, khắc nghiệt và cướp đi tính mạng của nhiều người. Tuy nhiên, thứ mà đội quân của Quesada tìm thấy lại khiến họ kinh ngạc, vì những món vàng của người Muisca không giống như những thứ họ từng thấy trước đó. Các món đồ bằng vàng tinh tế được chế tác bằng kỹ thuật độc đáo chưa từng xuất hiện ở châu Âu.

Đáng tiếc là các cuộc săn vàng trong vô vọng vẫn tồn tại đến ngày nay. Các nhà khảo cổ trên thế giới đang đấu tranh để ngăn nạn cướp phá đang tăng lên. Giống những kẻ chinh phạt châu Âu trong thế kỷ 16, bản sao của họ lại tiếp tục cướp phá quá khứ của Nam Mỹ và lấy đi những câu chuyện tuyệt vời đằng sau món đồ bằng vàng của người Muisca.

Số lượng vàng do những tên cướp hiện đại tìm ra thật đáng kinh ngạc. Trong những năm 1970 khi các địa điểm mới được bọn trộm phát hiện ở phía bắc Colombia, đã khiến thị trường vàng thế giới chao đảo.

Nạn cướp bóc kim loại quý của người Muisca đồng nghĩa với một số lượng lớn đồ bằng vàng trước thời Columbia bị nấu chảy và khiến giá trị khảo cổ của chúng về nền văn hóa cổ đại cũng biến mất vĩnh viễn.

Thật may mắn là một số bộ sưu tập đồ bằng vàng khác đang được cất giữ ở bảo tàng Museo del Oro tại Bogota, Colombia và Bảo tàng Anh ở London, Anh. Chúng góp phần cung cấp cái nhìn rõ nét quan niệm khác biệt của người Muisca về giá trị vật chất, sự nhận thức con người và quan trọng nhất là kể cho chúng ta câu chuyện thực sự về truyền thuyết El Dorado.

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Những thành phố cổ vĩ đại nhất lịch sử nhân loại

Trong quá khứ, có nhiều thành phố đạt đến đỉnh cao của sự phát triển, từ kinh tế đến quân sự, văn hóa.
Nhưng nhiều trong số đó đến nay chỉ còn lại một số dấu vết của thời kỳ phát triển hoàng kim do những biến động của lịch sử.

Jericho, thành phố lớn nhất thế giới năm 7000 TCN

Nép mình giữa biển Chết và núi Nebo, thành phố Jericho có một hệ thống thủy lợi tự nhiên từ sông Jordan, và một ốc đảo nổi tiếng nhất khu vực. Trong kinh Cựu ước, Jericho được ví là thành phố của những cây cọ. Những dòng suối nhỏ chảy trong thành phố khiến nó trở thành một nơi cư trú tuyệt vời cho người cổ đại. Các nhà khảo cổ đã khám phá được nhiều hài cốt trong hơn 20 khu định cư ở đây, cổ nhất có niên đại khoảng 11.000 năm trước, tức năm 9.000 TCN.

Thành phố Jericho của danh họa Michael Godfrey.

Uruk, thành phố dẫn đầu thế giới năm 3.500 TCN
Uruk là một thành phố nổi tiếng trong sử thi Gilgamesh. Do vị trí địa lý ở gần sông Euphrates, nên cư dân Uruk cổ đại có những vụ mùa bội thu, tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, cũng như đạt được những bước tiến trong lĩnh vực chữ viết và thủ công mỹ nghệ. Thành phố bắt đầu lụi tàn vào những năm 2.000 TCN do các cuộc xung đột trong khu vực.

Thành phố Uruk được tái hiện.

Mari, dẫn đầu thế giới năm 2.400 TCN
Rami là thành phố thương mại sầm uất ở khu vực Lưỡng Hà, là trung tâm vận chuyển đá, gỗ, nông sản và đồ gốm trong toàn khu vực. Mari là quê hương đầu tiên của các vua Sumerite, sau đó là các vua Amorite.

Bức họa thành phố Mari.

Babylon, thành phố số 1 thế giới năm 700 TCN
Thành phố Babylon nổi tiếng được xây dựng khoảng 2500 trước Công Nguyên và trở thành một trung tâm lớn của nền văn minh Lưỡng Hà trong 500 năm sau, khi Hammurabi - vị vua đầu tiên của đế quốc Babylon tạo dựng nên Thủ đô của ông. Thành phố này bị người Assyria phá hủy trong thế kỷ thứ 6 TCN, sau đó lại bị phá hủy vào thế kỷ thứ 2 TCN sau cái chết của Alexander Đại đế.

Trung tâm lớn của nền văn minh Lưỡng Hà.

Carthage, thành phố đứng đầu năm 300 TCN
Carthage chỉ duy trì vị thế thành phố vỹ đại nhất thế giới trong một thời gian ngắn trước khi trở thành tro tàn năm 146 TCN bởi người Roman.

Giống như các tiền đồn hay thành phố khác thời La Mã cổ đại, phế tích Carthage của Tunisia vùng Bắc phi này phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển để đạt đến sự thịnh vượng mà nó đã từng có. Ban đầu nơi đây chỉ là một thị trấn nhỏ được xây dựng trên đống đổ nát tạo ra bởi các cuộc chiến tranh và khi trở về thuộc địa của người La Mã nơi đây thật sự huy hoàng nhất. Các công trình dân sinh như đường sá, cầu cống, hệ thống dẫn nước, các tòa nhà công cộng…được xây dựng lên thì cả thị trấn nhỏ bé ấy phình to ra thành một thành phố lớn như thể là một quy luật của sự sống.

Bức phác họa thành phố cổ Carthege.

Rome, giữ vị trí quán quân năm 200 sau CN
Từ vị thế khiêm tốn của một ngôi làng nhỏ ở Italy 1.100 năm trước đó, nhưng bước sang thế kỷ thứ 2 TCN cho đến vài trăm năm sau, thành Rome đã trở thành Thủ đô của Đế chế La Mã hùng mạnh nhất thế giới, và là trung tâm cai quản một miền đất rộng lớn kéo dài từ Bắc Âu qua Địa Trung Hải, đến Ai Cập. Hai thế kỷ sau của đế quốc La Mã được coi là thời kỳ vững vàng và thịnh vượng nhất của lịch sử nhân loại từ trước đó tới lúc bấy giờ, ảnh hưởng của La Mã ăn sâu vào Tây Âu.

Thủ đô của Đế chế La Mã.

Damascus
Damascus là Thủ đô của Syria. Nơi huyền diệu này đã được biết đến từ thời cổ đại, hiện là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới. Người ta tin rằng các khu định cư hiện nay đã có con người lần đầu tiên đến sinh sống cách đây 12.000 năm.

Vô cùng sầm uất thời cổ đại.

Jerusalem
Đây là một trong những nơi có một tầm quan trọng bậc nhất trên toàn thế giới, là thành phố quan trọng nhất đối với Kitô giáo, Hồi giáo và cả Do thái giáo. Vẻ đẹp của thành phố là sự đa dạng của văn hóa và tôn giáo cũng như được biết đến là nơi có lịch sử vô cùng phức tạp. Là nơi tuyệt vời để khám phá, thành phố đã có 6.000 năm lịch sử.

Thành phố quan trọng nhất đối với Kitô giáo, Hồi giáo và cả Do Thái giáo.

Athens

Đây là một thành phố khá lừng danh, có những câu chuyện đầy bí ẩn về lịch sử, văn hóa nếu có kể trong nhiều đêm cũng khó mà hết được.

Thành phố lừng danh với những câu chuyện kỳ bí

Thành phố tuyệt vời này đã được hình thành từ 3.500 năm trước đây, nhưng có thể nó còn lâu đời hơn thế. Nơi ra đời của một mô hình dân chủ đầu tiên, văn minh và kiến trúc của hiện đại, Athens không thể không đến một lần trong đời.

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Sự thực bất ngờ về con số 13

“Con số 13, đó là sự khởi đầu của một chu kỳ mới mà cái mới thì luôn ẩn chứa những sự chưa tường minh nên có vẻ như là nguy hiểm"...

Theo tạp chí Nga Itogi, nếu tới Vương quốc Anh, Canada hay Australia, ta sẽ không thể tìm thấy một ngôi nhà có địa chỉ số 13. Ở trên máy bay của tất cả các hãng hàng không Đức đều thiếu hàng ghế thứ 13. Trên các đường phố Mỹ, ta cũng không bao giờ nhìn thấy những cỗ xe buýt mang con số 13, không bao giờ được ở trên tầng thứ 13, cũng không phải tá túc trong những căn phòng có ghi số 13. Để loại trừ con số này, người ta đã phải nghĩ ra đủ mọi cách.

Ví dụ, trong một số tòa nhà, ta có thể tìm thấy những tấm biển ghi các ký hiệu “12-A”, “B-12” hoặc “12 +1”. Tại các bệnh viện tâm thần, người ta đã phải “chế” ra hẳn một thuật ngữ đặc biệt để chỉ những người mắc chứng dị ứng với con số đó - “Triskaidekaphobia”. Xuất phát từ đâu mà lại có nỗi ám ảnh kinh hoàng đó đối với con số 13 và liệu sau đó có cái gì hữu lý hay không?

Con số của Judas

Con số 13 có tội tình gì mà người ta gọi nó là “một tá quỷ sứ”? Đôi khi nỗi sợ hãi đối với nó được người ta liên hệ với sự tích Tiệc Ly trong sách Phúc Âm, tức là bữa ăn sau cùng của chúa Jesus với các môn đồ trước khi ngài bị chết… Đã có 13 môn đồ ngồi với chúa hôm đó, trong số này, như chúng ta đều biết, có Judas. Chúng ta đọc trong Phúc Âm John rằng, chúa Jesus đã hướng về phía các môn đồ nói: “Không phải Ta đã chọn 12 người các con ư? Nhưng một trong số các con là quỷ”. Và cũng chính trong chương thứ 13 của Phúc Âm John đã kể về sự phản bội của Judas. Và trong chương thứ 13 cuốn sách cuối cùng của Tân Ước - Khải Huyền - đã mô tả con số đáng sợ của con thú 666…

Ngay từ thời xa xưa, loài người đã bắt đầu tin rằng, tập trung quanh bàn 13 vị khách là một điềm xấu. Dị đoan này đặc biệt phổ biến trong giai đoạn xảy ra vụ dịch hạch khủng khiếp trong thế kỷ XVII. Chính ở thời điểm đó, người ta đã không hề hoài nghi vào việc người tập hợp quanh bàn “một tá quỷ sứ” đang tạo ra một nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng, bởi vì thể nào cũng có một trong những khách sẽ bị chết bất đắc kỳ tử.


Thật ra mà nói, ở giai đoạn đó, trong nguy cơ của đại dịch chết người, dù ta có tập hợp bao nhiêu khách quanh bàn thì tất cả đều mạo hiểm như nhau và xác suất phải rời sang thế giới bên kia đối với mọi người đều lớn như nhau. Thế nhưng, nỗi sợ hãi dị đoan đối với con số 13 cứ càng ngày càng được củng cố và phát triển đến đỉnh điểm vào giữa thế kỷ XIX.

Mọi người đã sợ hãi và tin vào sự xui xẻo của con số 13 tới mức đã nghĩ ra cái nghề làm vị khách thứ 14. Tại Pháp, người đóng vai vị khách thứ 14 được mời tới khi không may gia chủ chỉ có 13 khách tới dự tiệc. Và cho đến nay trong khách sạn Statler ở Chicago vẫn có lệ: nếu tình cờ quanh bàn chỉ có 13 vị khách thì những người phục vụ ở đây sẽ đặt thêm một cái ghế thứ 14 và xếp vào đó một hình nộm trong y phục thực khách rất đàng hoàng cho “đẹp cỗ”. Hình nộm này cũng được phục vụ ăn uống chu đáo như những vị khách khác và được gọi đùa bằng cái tên ngài Louis XIV.

Nhân đây có lẽ không thể nào không đề cập tới cái gọi là hiện tượng “thứ sáu ngày 13”. Để đánh dấu nỗi sợ hãi về hiện tượng này, các bác sĩ tâm thần cũng đã phát minh ra một thuật ngữ đặc biệt - paraskavidekatriafobiya (sợ thứ sáu ngày 13). Góp phần vào sự ra đời của thói mê tín dị đoan này có bàn tay của các thành viên tổ chức Hiệp sĩ dòng Đền (Templar) ở thế kỷ XIV. Số là, ngày 13/10/1307, vua Philip IV đã ra sắc lệnh buộc tội và bắt giữ kể cả đội ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của tổ chức này.

Các thành viên Hiệp sĩ dòng Đền đã bị buộc tội dị giáo và báng bổ, nhiều người trong số họ đã phải chịu tra tấn và tử hình. Vị huynh trưởng vĩ đại cuối cùng của tổ chức Hiệp sĩ dòng Đền là Jacques de Molay đã lên tiếng nguyền rủa cái ngày định mệnh đó (13/10/1307). Kể từ thời điểm ấy, những người theo tư tưởng Templar đã luôn làm lễ kỷ niệm Thứ Sáu ngày 13/10 như một ngày không may mắn và bi thảm. Cũng từ đó các ngày thứ sáu 13 thuộc bất cứ tháng nào cũng bị coi là xui xẻo.

Con số vĩ đại

Nỗi sợ hãi con số 13 thực chất chỉ là một sự mê tín dị đoan. Và theo cách nhìn của giáo hội thì nó xuất phát chính từ những nỗi sợ hãi và định kiến sai lầm. Theo nhận định của cha Pavel Ostrovsky, Trưởng tu viện Uspensky tại thành phố Krasnogorsk gần thủ đô Moskva, trong cuộc trò chuyện với phóng viên tạp chí Nga Itogi: “Chúng ta phải nhớ rằng, chính chúng ta mới là thợ rèn cho hạnh phúc hay bất hạnh của mình - chúng tôi đã được toàn quyền quyết định việc này. Và không có số hoặc điềm báo nào có thể tước đi cái quyền đó, tất nhiên, nếu như chính bản thân con người không coi trọng một cái gì khác lớn hơn thế”…

Bất kỳ nhà tâm lý học nào cũng sẽ nói rằng, những sự mê tín dị đoan được nhiều người sử dụng như một công cụ để kiểm soát cuộc sống của mình. Nhà tâm lý học Irina Jakovich lý giải: “Đây là một phương pháp đặc biệt của trò vờn dứ nỗi sợ hãi, được gọi là sự bù trì lại. Khi tiếp cận trò vờn dứ với một năng lượng khủng khiếp nào đó, con người bằng cách ấy muốn thử phá hủy nó đi. Tất nhiên, chúng ta chẳng thể kiểm soát được cái gì hết, nhưng một sự tương tác với định mệnh ác nghiệt cũng là một phương thức tự động rèn giũa để trấn an bản thân mình, làm tức cười hoặc tự cổ vũ cho mình trở nên lạc quan hơn”.

Con người không thể sống trong thế giới bất tường minh và không có hệ thống; thiên nhiên đã đặt vào trong chúng ta nhu cầu tìm kiếm các liên kết và các quy luật. Con người cần phải tin vào một cái gì đó, phải có một cái gì đó để mà sợ hãi hoặc phải có một cái gì đó để lảng tránh. Nhà tâm lý học lý giải tiếp: “Chúng ta cần phải biết các khu vực nguy hiểm để đi vòng tránh chúng, nên bộ não con người luôn luôn cố gắng phát hiện ra những khu vực này. Và tìm thấy chúng rồi, chúng ta hiểu rằng, cần phải học cách đối phó với số phận tàn khốc, thuần hóa nó, vượt lên trên nó…”.

Không phải tất cả đều đủ sức làm được việc này; nỗi sợ hãi thái quá có thể dẫn ai đó tới trạng thái mang bệnh. Nhà tâm lý học Anna Portnova, TS Y học, lãnh đạo Khoa Hỗ trợ tâm thần cấp thiết trong tình trạng khẩn cấp, thuộc Trung tâm Khoa học Quốc gia về Tâm lý học Xã hội; và Pháp y mang tên Serbsky, cho biết: “Những nỗi sợ hãi đến mức độ ám ảnh, trong đó bao gồm các nỗi sợ hãi ám ảnh đối với con số 13, là nét đặc trưng của những người có dạng nhân cách nhất định. Đó là những người lúc nào cũng lo lắng không đâu một cách thái quá. Một người mang tâm lý lo lắng thái quá luôn luôn có cảm giác như có chuyện gì đó rất nguy hiểm chuẩn bị xảy ra. Do đó, anh ta lúc nào cũng tự tìm kiếm trong thực tế xung quanh một số dấu hiệu nào đó có thể khẳng định những nỗi sợ hãi của anh ta là đúng và xác nhận rằng quả thực đang có những nguy cơ. Trong bối cảnh rối loạn lo âu và ám ảnh phát sinh như thế thì con người ta sẽ bị biến thái về mặt xã hội. làm biến đổi nếp sống bình thường quen thuộc. Cũng giống như tất cả các nỗi ám ảnh khác, nỗi sợ hãi con số 13 cũng đòi hỏi phải được điều trị, chủ yếu nhằm vào việc giảm mức độ lo lắng”.

Để tránh bị phụ thuộc vào nỗi sợ hãi con số 13 và vượt lên trên những định kiến cổ hủ, 13 người Mỹ trong thế kỷ XIX đã thành lập câu lạc bộ “13” ở thành phố New York. Mục đích của việc này là để chế nhạo thói mê tín dị đoan và kiêng kị phi lý đối với con số không may này. Lễ khai trương hoành tráng của câu lạc bộ đã được tiến hành vào thứ sáu ngày 13 trong căn phòng số 13 và tiền phí hội viên suốt đời có giá 13 USD. Ngoài ra, tại cuộc họp của câu lạc bộ, người ta thường cố tình đập vỡ gương và rắc muối. Người ta kể rằng, ý tưởng này đã khiến vị Tổng thống thứ 26 Theodore Roosevelt thích thú đến mức chính ông cũng gia nhập câu lạc bộ “13”. Hiện nay, các cuộc họp kiểu như thế đã trở nên phổ biến trên thế giới và nhiều chi nhánh câu lạc bộ “13” đã được phát triển cả ở những thành phố khác. Các thành viên trong câu lạc bộ khẳng định: Không có gì khủng khiếp xảy ra với họ cả và con số 13 là con số đẹp nhất trên thế giới.

Thuần túy toán học

Có ý kiến cho rằng, cơ sở của những mối ngờ vực đối với con số 13 là lý giải bằng toán học. Thật vậy, con số 12 đại diện cho sự hài hòa và trọn vẹn. Mỗi năm có 12 tháng, có 12 ký tự trong cung hoàng đạo; ngày và đêm đều kéo dài trong 12 giờ… Con số 13 đứng sau số 12, lại phá đi sự hòa hợp và trật tự đó, như thể bắt đầu một chu trình khác.

Các nhà số học nghĩ thế nào về vấn đề này? Nhà số học Alice Moskvina trong cuộc trao đổi với phóng viên Itogi đã cho biết: “Con số 13, đó là sự khởi đầu của một chu kỳ mới mà cái mới thì luôn ẩn chứa những sự chưa tường minh nên có vẻ như là nguy hiểm. Thói mê tín dị đoan và nỗi sợ hãi trước con số 13 tồn tại dai dẳng được còn do có một thực tế là người ta thường hay sống theo quán tính và bị chi phối bởi những nguyên tắc cũ kỹ mà không phải lúc nào cũng áp dụng được trong hoàn cảnh mới…”.

Trong cách nhìn của môn số học, con số 13 tượng trưng cho không chỉ sự khởi đầu của một chu kỳ mới và phá vỡ mối liên hệ với quá khứ, mà còn là sự tàn phá các ảo tưởng, cái nhìn thẳng thắn vào sự thật. Tự bản thân nó không là may mắn, cũng không là bất hạnh…

Con người không có lý do gì để e ngại năm 2013. Cũng theo nhà số học Alice Moskvina: “Năm nay không phải là năm định mệnh hay ẩn chứa nhiều thảm họa thiên tai khủng khiếp. Năm nay là năm lựa chọn con đường đi cho sáu năm tới. Nhiều người sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khắc nghiệt theo nguyên tắc “chọn một dòng hay để nước trôi”.

Vì không còn con đường thứ ba nào khác. Phải bộc lộ ý chí và chọn cách giải quyết này hay cách giải quyết khác. Thực trạng năm 2013 sẽ trở thành cơ sở cho việc tạo ra các khái niệm đa năng mới, các dự án và lý thuyết phổ quát. Có thể rồi đây năm 2013 sẽ được các sử gia tương lai gọi là cái mốc đánh dấu việc chuyển đổi từ một giai đoạn lịch sử này sang một giai đoạn lịch sử khác của nhân loại”.

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Sử Việt và những điều chưa hẳn ai cũng biết

Lịch sử bao giờ cũng ẩn chứa những bí mật, những sự thật mà không phải ai cũng có thể hiểu hết được.
Đó có thể chỉ là sự sùng bái chủ nghĩa cá nhân, dòng tộc hay cũng có thể là một chiến lược chính trị bí mật… có điều tất cả đã làm cho sử Việt hiện tại có rất nhiều “bí ẩn” mà chúng ta cần khám phá.

Tại sao có tên Thanh Hóa, chợ Đông Ba, cầu Bông?
Vào triều đại nhà Nguyễn năm 1806, Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm đã cưới bà Hồ Thị Hoa làm vợ. Đây là một người vợ rất tận tình với chồng, con, và dòng tộc, tính tình hòa thuận được lòng vua cha, hoàng tử và cả hoàng hậu.

Khi bà mất, vua Gia Long (cha Nguyễn Phúc Đảm) thương xót cho tấm lòng của con dâu, vua đã ban chiếu dụ: cấm triều đình, bá tánh từ nay không được nhắc đến tên Hoa nữa.

Từ đó về sau, tên húy của bà Hồ Thị Hoa đã được các vua nhà Nguyễn kiêng kỵ mãi về sau.
Tỉnh Thanh Hóa với câu cầu Hàm Rồng nổi tiếng

Chính vì vậy: những từ có tên “Hoa” đều phải thay đổi. Tỉnh Thanh Hoa = Thanh Hóa, chợ Đông Hoa = Chợ Đông Ba (vua Đồng Khánh đổi), cầu Hoa = cầu Bông (cây cầu trên rạch Thị Nghè)…
Chợ Đông Ba thời Gia Long có tên là: “Đông Hoa”, “Quy giả bị”… sau đó được vua Đồng Khánh đổi thành Đông Ba như ngày nay.

Vua Tự Đức có nhiều vợ nhất, nhưng không có dù chỉ một người con
Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (1829 - 1883), làm vua hiệu Tự Đức, có lẽ là ông vua kỳ lạ nhất sử Việt.
Chân dung vua Tự Đức

Ông đã lấy đến hơn ba trăm vợ nhưng không có một người con ruột nào (Mặc dù đã dùng nhiều phương pháp: thuốc quý, cưới vợ đã có chồng…)

Điều này chính là nỗi nhục gia thế, dòng tộc của họ Nguyễn khi đến thời Tự Đức.
Những bà vợ của Tự Đức còn sống đến đầu thế kỷ XX

Nhà Nguyễn đã trả thù nhà Tây Sơn như thế nào?
Sự thất thế trước nghĩa quân áo vải cờ đào do Quang Trung lãnh đạo đã làm nhà Nguyễn bị gián đoạn thời gian cai trị trên lãnh thổ nước Việt. Sự căm thù của các dòng tộc nhà Nguyễn đối với Nguyễn Huệ càng lớn hơn cùng với dòng chảy của lịch sử.

Năm 1802 sau khi đã đánh thắng được Quang Toản, Nguyễn Ánh bắt đầu chính sách trả thù độc đoán và tàn bạo đối với nhà Tây Sơn. Nguyễn Ánh tuyên bố: “Trẫm vì chín đời mà trả thù”.
Vua Gia Long (Nguyễn Ánh) người có chính sách trả thù nhà Tây Sơn rất độc ác.

Nguyễn Ánh đã xử tội lăng trì với 31 người có quan hệ huyết thống với Nguyễn Huệ. Quang Toản (con trai thứ 2 của Nguyễn Huệ), Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn (những người con của 3 anh em nhà Tây Sơn) bị 5 voi xé xác, đầu bị bỏ vào trong vò và giam trong ngục.

Lăng mộ của Quang Trung và Thái Đức mặc dù được ngụy tạo, nhưng nhà Nguyễn cũng cố tìm kiếm và quật lên, giã nát hài cốt…
Một ngôi mộ cổ ở Hàm Thắng (Bình Thuận). Có giả thuyết cho rằng mộ Quang Trung tại Bình Thuận. Một số chuyên gia cho rằng mộ Quang Trung ở ngay tại kinh đô Phú Xuân (Huế)…

Đây được coi là một cuộc trả thù dòng tộc tàn bạo, độc ác nhất lịch sử Việt Nam. Đến giờ các chuyên gia cũng chưa tìm kiếm được chính xác lăng mộ của Quang Trung ở đâu.
Vua Quang Trung có rất nhiều mộ giả được hoàng tộc lập để né tránh sự trả thù từ nhà Nguyễn

Tiền giấy đã ra đời từ thời nhà Trần chứ không phải nhà Hồ
Tiền giấy do Hồ Quý Ly nghiên cứu và ban hành ra vào năm 1396, nhưng đó là vào thời nhà Trần, Hồ Quý Ly lúc đó là một quan chức của triều Trần.
Tượng đài tưởng niệm Hồ Quý Ly.

Thời nhà Hồ (1400 - 1407) , tiêu biểu là Hồ Quý Ly có rất nhiều sáng kiến quan trọng. Trong đó tiền giấy được coi là quan trọng nhất; có nhiều ý kiến cho rằng Hồ Quý Ly ban hành tiền giấy để đổi lấy kim loại rèn vũ khí. Hay cũng có người nghĩ rằng Hồ Quý Ly đã nhìn thấy được tác dụng của tiền giấy rất sớm…
Một số mẫu tiền giấy tại Việt Nam.

Dù sao đi nữa thì điều đó cũng có tác dụng rất lớn về một hình thức thanh toán và trao đổi tiên tiến cho xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

5 bí ẩn chưa lời giải gây chấn động thế giới

Con tàu ma vùng Bắc Cực, cô gái bị quỷ ám, bóng ma Barber... là những bí ẩn còn bỏ ngỏ với nhân loại.
Những câu chuyện bí ẩn luôn là một đề tài thú vị mê hoặc trí tưởng tượng của con người. Dưới đây là một số bí ẩn mà có thể các bạn chưa từng nghe đến bao giờ, nhưng chúng là có thật và đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

1. Baychimo - Con tàu ma vùng Bắc cực
Baychimo là một con tàu chạy bằng hơi nước thuộc sở hữu của công ty thương mại Hudson Bay, thường xuyên di chuyển đến vùng Alaska và British Columbia để vận chuyển hàng hóa, buôn bán da động vật.


Vào ngày 1/10/1931, khi Baychimo đang trên hành trình trở về Vancouver, con tàu đã gặp một trận bão tuyết và bị mắc kẹt giữa những tảng băng trôi. Vài ngày sau, khi băng trôi, con thuyền thoát được nhưng thật không may, ngay sau đó con tàu lại bị mắc kẹt lần nữa và phải gọi cầu cứu.


Ngày 25/11/1931, khi đội cứu hộ đến nơi, con tàu Baychimo đã biến mất. Một thợ săn hải cẩu cho biết, anh phát hiện tàu trôi dạt khoảng 71km về phía Tây Nam.

Thời gian trôi qua, công ty tiếp tục nhận được báo cáo về địa điểm con tàu xuất hiện từ các nhân chứng khác nhưng không ai có thể “bắt kịp” với Baychimo. Lần cuối cùng con tàu xuất hiện là năm 1969 và từ đó đến nay, số phận của con tàu vẫn là một bí ẩn.

2. Bóng ma Barber
Tháng 6/1942, công dân của Pascagoula, Mississippi (Mỹ) đã chìm trong sợ hãi bởi sự xuất hiện của... một tên trộm, được mô tả giống như... bóng ma, đặt tên là Barber.

Bóng ma này chỉ xuất hiện vào ban đêm, khi toàn bộ thành phố phải tắt điện theo quy định của quân đội thời bấy giờ. Barber đột nhập vào các căn nhà, len lỏi vào phòng ngủ với mục đích duy nhất là cắt hết tóc của các cô gái tóc vàng.


Barber xuất hiện đã mang đến sự hỗn loạn, cảnh sát trao thưởng 300USD (khoảng 6 triệu VND theo tỷ giá hiện tại) cho bất kỳ một thông tin có ích nào liên quan đối tượng này.

Nam giới được cấp giấy phép sử dụng súng lục. Phụ nữ tránh ra khỏi nhà vào ban đêm, nhưng những nỗ lực đó đều không thành công. Barber vẫn tiếp tục công việc của mình…

3. Eleanore Zugun - Cô gái bị quỷ ám
Mọi chuyện bắt đầu khi Eleanore Zugun (12 tuổi) đến nhà bà ngoại ở Rumani. Tại đó, những điều không thể lý giải nổi như đinh ghim và kim tự bay giữa căn phòng và găm vào tay cô, sau đó là bát, đĩa cũng như bị một thế lực vô hình ném vào cô vậy. Bà ngoại của cô tin rằng, cô bị quỷ ám.


Một tháng sau, Eleanore đã được gửi đến một tu viện để trừ tà nhưng vô ích. Người ta còn nhìn thấy những cái bóng đen vô định chuyển động quanh cơ thể cô ngay trước khi những hiện tượng lạ xảy ra.


Eleanore đã được đưa tới Phòng Nghiên cứu Tâm lý Quốc gia ở London (Anh) để thử nghiệm, nhưng cuối cùng vẫn không có ai tìm được lời giải đáp. Tuy nhiên, đến năm cô 14 tuổi, tất cả các hiện tượng kết thúc và cuộc sống của cô trở lại bình thường.

4. Angelo Faticoni - "người nước"
Đây là câu chuyện về Angelo Faticoni - một người được cho là có những khả năng liên quan tới nước mà ít ai có thể làm được ở thế kỷ XX.


Ông có thể ngủ trên mặt nước, tồn tại trong nước nhiều giờ liền với một khối chì nặng 20 pounds (khoảng 9kg) ở chân, tới bất kỳ nơi nào dưới lòng nước mà không gặp nguy hiểm.

Để kiểm chứng lại khả năng của ông, người ta đã nhét ông vào một bao tải kín cùng nhiều vật nặng ở trong, nhưng kỳ lạ là ông lại không hề bị chìm xuống. Ông cũng đã vượt qua sông Hudson trong khi cơ thể đang bị gắn chặt vào một chiếc ghế rất nặng.


Dù ông bị điều tra nhiều lần nhưng mọi người không hề tìm được bất kỳ bằng chứng gian lận nào. Mặc dù ông hứa sẽ tiết lộ bí mật của tài năng của mình nhưng đáng tiếc là vào năm 1931, Faticoni bị tai nạn và qua đời. Khả năng của ông vẫn là một bí ẩn cho tới ngày nay.

5. Larry - Cậu bé mất tích
Ngày 7/8/1973, những người nghe đài ở Mexico đã nhận được một lời cầu cứu từ một cậu bé có tên là Larry. Cậu bé đã bị mắc kẹt trong một chiếc xe tải nhỏ màu đỏ và trắng với cha mình, người được xác định là có thể đã chết.

Theo Larry, trên đường đi săn, hai cha con cậu đã gặp tai nạn và chiếc xe bị mắc kẹt. Cậu nói mình không thể ra ngoài, không có thức ăn, nước uống và cũng không ai ở gần nơi xảy ra tai nạn. Cậu bé bị hoảng loạn, cầu cứu bằng cách chuyển giữa các kênh liên tục.


Lời cầu cứu của cậu còn lạc đến với người nghe đài ở khắp California, Wyoming và các nơi khác. Nhà chức trách liên lạc và tìm kiếm Larry từ khắp nơi mà họ cho rằng tín hiệu bắt đầu ở đó.

Sau gần 1 tuần, các nhà chức trách, tình nguyện viên tham gia tìm kiếm vẫn không thể tìm được dấu vết của chiếc xe tải cũng như sự tồn tại của cậu bé Larry.

Ảnh minh họa. 

Đến ngày 12/8, tín hiệu của Larry biến mất và chính quyền tuyên bố đây là một trò lừa bịp. Tuy nhiên, họ lại không thể đưa ra nghi phạm của trò đùa này là ai và câu chuyện đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Huyền bí nguồn gốc của bùa chú và phép thuật

Ở những nơi mà người ta tin vào bùa chú và phù thuỷ thì vẫn còn có những cái chết đầy bí ẩn chưa lời giải đáp…

Bùa chú chỉ tồn tại khi…


Từ thời cổ Ai Cập đến nay, các truyền thuyết về những người đang khoẻ mạnh bỗng dưng đổ bệnh rồi chết do mắc phải những bùa chú độc hại hoặc phép phù thuỷ ở khắp các vùng thuộc Haiti, châu Úc, châu Phi…

Trong các tư liệu cổ có ghi lại một phương pháp ám thị để giết người mà thổ dân châu Úc thường dùng là “thuật cốt chỉ”. Đó là phương pháp mà thổ dân phù thuỷ dùng xương giết người mà cái xương không cần phải tiếp xúc với người bị hại. Xương chỉ vào ai thì người đó giống như bị cái mác nhọn xuyên tim, chắc chắn không thoát khỏi số kiếp.

Xương giết người có thể được chế tạo bằng xương, bằng gỗ, hoặc đá nhưng điều quan trọng nhất là đương sự và những người trong cộng đồng phải tin tuyệt đối vào phép màu của nó. Trong cuốn sách “Thổ dân châu Úc” của tiến sĩ Bruce năm 1925 có miêu tả rất sinh động về hậu quả một người bị xương giết người chỉ vào.

Tiến sĩ Bruce kể chi tiết, một người khi phát hiện đã bị xương giết người chỉ vào mình thì tình cảnh thật đáng thương. Anh ta đứng đờ người ra ở đó, mặt đăm đăm nhìn cái xương giết người. Hai tay đưa lên, dường như muốn ngăn chặn luồng sát khí đang tràn tới. Mắt anh ta hết cả thần khí, mặt thì đờ ra lộ rõ vẻ đau khổ và sợ hãi khủng khiếp. Anh ta muốn kêu lên, nhưng cổ họng dường như bị tắc nghẽn, không thể kêu thành tiếng. Miệng anh ta chảy bọt rãi, run khắp người, cơ bắp co giật, không điều khiển được nữa. Tiếp đó anh ta loạng choạng lùi lại rồi ngã vật ra ngất xỉu.

Sau đó không lâu, anh ta cuộn người giãy giụa một cách đau khổ, hai bàn tay ôm mặt rên rỉ. Tiếp đó, anh ta trở nên yên ổn hơn, rồi tự bò về lều của mình. Bắt đầu từ đó anh ta sinh bệnh, bồi hồi, nóng nảy không yên, cự tuyệt ăn uống. Anh ta không nghe cũng không hỏi tới mọi việc trong bộ tộc. Chỉ có thầy phù thuỷ dùng phép thuật giải bùa, nếu không thì cái chết sẽ không xa nữa. Nếu thầy phù thuỷ kịp thời cứu giúp thì anh ta được cứu sống.

Ngoài “thuật cốt chỉ”, bùa chú và phép thuật còn rất nhiều kiểu, nhiều loại. Một số nơi thì dùng sáp, gỗ, bùn đất, mì hoặc rơm rạ làm thành hình nộm người bị hại, rồi dùng kim đâm vào khắp hình nộm, hoặc châm lửa thiêu cháy nó đi. Một số nơi lại lấy tóc hoặc những mảnh vụn của móng tay chân rồi tổ chức nghi thức bùa chú. Lại có những nơi bùa chú dùng hình thức ngâm nga hoặc ca hát để biểu hiện. Lại có nơi đem lửa đặt lên hòn đá hoặc vũ khí; hoặc dùng một lọ thuốc thảo dược; hoặc thuốc bột để làm phù phép và bùa chú.


Phương pháp có khác nhau, nhưng chỉ cần người hành động, người bị hại và những người xung quanh họ đều tin ma lực của phép thuật đó thì bùa chú sẽ phát huy tác dụng. Nếu tất cả những người trong một vùng sinh hoạt đều tin vào bùa chú, coi người bị bùa chú là người đã chết và đối xử với họ như đối với người chết, thì hậu quả sẽ rất nhiêm trọng. Tinh thần của người bị hại có thể vì thế mà bị tổn thương, từ đó không buồn ăn uống, và mau chóng tử vong.

Giải mã những cái chết từ bùa chú

Các nhà khoa học không ngừng khám phá, nghiên cứu bí ẩn của bùa chú và các phép thuật. Năm 1921 nhà nhân loại học nước Anh Macerliter Mary, khi nói về những hiểu biết liên quan đến phép phù thuỷ, thừa nhận, phép phù thuỷ từ thời xa xưa chẳng phải do người ta bịa ra, mà chính nó là ảnh hưởng của một tín ngưỡng dị giáo, bắt nguồn từ những người ở hang động thuộc thời kỳ đồ đá cũ.

Về phản ứng của người bị hại đối với xương giết người, đã từng có người giải thích theo sinh lý học, cho rằng phản ứng sinh lý xảy ra khi sự sợ hãi đến tột độ cũng tương tự như khi căm giận đến tột độ. Sợ hãi hay căm phẫn tột độ đều làm cho mạch ở vai tăng lên, đồng thời làm giảm máu ở các bộ phận không quan trọng khác. Như thế cơ thể đảm bảo cho cơ bắp được cung cấp đầy đủ máu, để tăng cường hiện năng cho nó, khiến người đó trong lúc cố sức vật lộn trước cơn nguy biến có thể thoát chết. Mạch tố ở vai có thể khiến cho những mạch máu nhỏ ở một phần cơ thể bị giảm một phần lượng máu và thu nhỏ đi một ít, để đạt được hiệu quả ấy.


Những phản ứng tự nhiên đó của cơ thể có lợi nhưng cũng có hại, bởi vì khi máu được cung cấp ít đi, thì lượng ôxy được hồng cầu đưa đến cũng giảm tương ứng. Nếu trong các mao mạch mà thiếu ôxy, huyết tương sẽ dễ xâm nhập vào các tổ chức xung quanh. Nếu như trạng thái sợ hãi và căm giận tột độ kéo dài quá lâu, thì sự lưu thông máu trên toàn bộ cơ thể sẽ giảm đi. Lượng máu lưu thông sẽ giảm khiến huyết áp bị giảm thấp, có thể dẫn đến sự tuần hoàn ác tính. Bởi vì áp huyết xuống thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới công năng của khí quản trong việc đảm bảo tuần hoàn máu, từ đó dẫn đến việc lưu thông máu tiếp tục giảm, rồi lại hạ huyết áp xuống nữa. Cứ tiếp tục như vậy, thì sự tuần hoàn ác tính ấy sẽ dẫn tới cái chết.

Thuật phù thuỷ và bùa chú có thể khiến cho cơ thể người ta xảy ra phản ứng sinh lý bất thường như vậy đã là điều huyền bí khó lường. Thế nhưng, cái khiến người ta khó hiểu nhất là, có một số người chết sau khi được xét nghiệm đã chứng thực huyết áp không hề tụt xuống, hồng cầu vẫn lưu thông bình thường. Trong đó, có một vài ví dụ được kiểm tra một người da đỏ Mỹ, và một thí dụ khác là một người thổ dân châu Úc thuộc tộc người Canac. Người thổ dân này nói là bị người ta dùng thuật phù thuỷ tất sẽ chết, bác sĩ khám không thấy bệnh gì, nhưng mấy hôm sau thì người thổ dân đó chết thật.

Như thế, ở những nơi mà người ta tin vào bùa chú và phù thuỷ, vẫn còn có những cái chết đầy bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Bí ẩn 5 tai nạn máy bay trong lịch sử hàng không

Sau hơn 50 năm mất tích bí ẩn, xác máy bay Flying Tiger 739 của quân đội Mỹ cũng như các quân nhân xấu số vẫn chưa được tìm thấy.

1. Vụ tai nạn chuyến bay số 7 của hãng hàng không Pan Am (Mỹ) năm 1957


Vào ngày 8/11/1957, chuyến bay số 7 của hãng hàng không Pan Am (Mỹ) chỉ vừa mới bắt đầu chuyến hành trình vòng quanh thế giới thì không may lao xuống biển Thái Bình Dương. Vụ tai nạn khủng khiếp này đã khiến 44 hành khách thiệt mạng. Các mảnh vỡ của máy bay chỉ được giới chức trách tìm thấy một tuần sau đó, khi tàu sân bay của hải quân Mỹ phát hiện một số xác chết trôi dạt ở vùng đông bắc đảo Honolulu.

Nhà chức trách không thể xác định nguyên nhân vụ tai nạn, tuy nhiên có vài điều đáng ngờ trong vụ việc này. Thứ nhất, không một cuộc gọi cứu trợ nào được thực hiện thành công, các mảnh vụn nằm ở rất xa đường bay. Một điểm đáng nghi nhất trong báo cáo chính là chất độc CO được tìm thấy trong cơ thể của các nạn nhân xấu số.

2. Chuyến bay Flying Tiger 739 gặp tai nạn năm 1962

Hơn 50 năm sau khi biến mất không một dấu vết, hiện chuyên cơ Flying Tiger 739 hay còn gọi là Super Constellation L-1049 của quân đội Mỹ vẫn mất tích.

Năm 1962, máy bay Flying Tiger 739 chở hàng hóa và quân nhân từ California (Mỹ) tới Sài Gòn, Việt Nam. Sau khi dừng chân để tiếp nhiên liệu tại căn cứ không quân ở đảo Guam, máy bay này đã cất cánh và mất tích ở vùng biển Philipines không lâu sau đó.

Khi đó, cơ quan chức năng không nhận được cuộc gọi khẩn cấp nào. Mặc dù đã cử 4 quân binh chủng đi tìm chiếc máy bay gặp nạn nhưng giới chức trách vẫn không tìm ra máy bay Flying Tiger 739. Do vậy, 107 người trên chuyến máy bay đó được coi như đã thiệt mạng. Cho đến nay, chính quyền Mỹ vẫn chưa tìm thấy xác của máy bay hay bất cứ hành khách nào. Các nhà điều tra không thể kết luận nguyên nhân chính xác gây ra tai nạn của chuyến bay 739.

3. Vụ tai nạn chuyến bay USAir 427 xảy ra năm 1994


Ngày 8/8/1994, chuyến bay nội địa số hiệu 427 của USAir cùng với 132 hành khách đang trên chuyến hành trình từ Chicago đến Pittsburgh thì 10 phút trước khi hạ cánh, máy bay xảy ra sự cố bất thường và rơi xuống mặt đất với vận tốc khoảng 500 km/h.

Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng. Đó là vụ tai nạn đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Thông thường, các nhà điều tra có thể xác định nguyên nhân vụ tai nạn trong một hoặc hai tuần, tuy nhiên đối với vụ tai nạn này, cơ quan chức năng phải mất đến 4 năm để xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Các chuyên gia nghiên cứu mọi giả thiết có thể xảy ra và xác định rằng, hệ thống lái gặp sự cố đã khiến các phi công trong chuyến bay USAir 427 mất kiểm soát máy bay.

4. Chuyến bay TWA 800 phát nổ trên không năm 1996

Chiếc máy bay mang số hiệu TWA 800 đã phát nổ trên không ngoài khơi bờ biển Long Island, New York, năm 1996.

Máy bay này đã phát nổ và rơi chỉ 12 phút sau khi cất cánh từ sân bay John F. Kennedy khiến 230 người thiệt mạng. Sau 4 năm điều tra, Cục an toàn vận tải quốc gia đưa ra kết luận, hệ thống điện trục trặc đã gây tia lửa làm cháy nhiên liệu dẫn đến thảm họa. Tuy nhiên, lời giải thích đó mâu thuẫn với hàng trăm nhân chứng của FBI bởi lẽ họ đã tận mắt trông thấy vệt sáng phía sau máy bay, khiến chiếc phi cơ bùng cháy như quả cầu lửa. Từ những báo cáo đó, nhiều người suy luận máy bay thực chất bị tên lửa bắn hạ.

5. Chuyến bay Air France 447 (2009)

Sau khi chiếc máy bay Airbus 330 của Air France mang số hiệu 447 biến mất trên bầu trời Đại Tây Dương trong chuyến hành trình xuất phát từ Rio de Janeiro tới Paris, Pháp vào năm 2009, trong suốt nhiều tháng, nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn không được sáng tỏ. 2 tuần sau sau vụ tai nạn, cơ quan chức năng tìm thấy một phần mảnh vỡ chiếc máy bay này đã được tìm thấy vào ngày 1/6 cùng với thi thể của 228 hành khách. Tuy nhiên, phải đến 2 năm sau, những phần chính của xác máy bay và hộp đen của nó mới được phát hiện.

Cuối tháng 7/2012, Cơ quan An toàn hàng không Pháp (BEA) mới công bố bản báo cáo cuối cùng về nguyên nhân vụ tai nạn sau 3 năm nỗ lực điều tra. Trong bản báo cáo đó, BEA cho hay nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do trục trặc kỹ thuật và lỗi giám sát của các phi công chưa được đào tạo. Đồng thời, máy bay này gặp nạn khi bay vào một cơn bão. Một trong những thiết bị cảm biến tốc độ cũng gặp trục trặc. Phi hành đoàn lúc đó đã không nhận ra được mức độ nghiêm trọng của tình hình nên đã dẫn đến vụ tai nạn máy bay thảm khốc.