Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Thiên tài có phát minh ác độc nhất hành tinh

Tình cờ phát minh ra LSD - loại ma túy khiến con người chìm trong ảo giác, thiên tài Albert Hofmann đã phải chịu không ít điều tiếng.

Albert Hofmann (11/1/1906-29/4/2008) được biết đến như một nhà khoa học người Thụy Sĩ nổi tiếng nhất thế giới. Albert là người đầu tiên nghiên cứu và tìm hiểu về tác động ảo giác của lysergic axit diethylamide (LSD). Ông cũng là người tiên phong trong việc tổng hợp, đặt tên hiện tượng ảo giác hợp chất nấm psilocybin và psilocin.

Albert Hofmann - nhà hóa học đứng đầu danh sách 100 thiên tài vĩ đại nhất thế giới. 

Không chỉ thế, Albert Hofmann còn là tác giả của hơn 100 bài báo khoa học và nhiều cuốn sách, trong đó nổi bật nhất phải kể đến LSD: My Problem Child. Năm 2007, cùng với Tim Berners-Lee, ông đứng đầu danh sách 100 thiên tài vĩ đại nhất được công bố bởi tờ báo danh tiếng nước Anh - Telegraph. Bên cạnh đó, với quãng đời hơn 102 năm, ngoài là người tài giỏi, thông minh bậc nhất, Albert còn là thiên tài sống lâu nhất thế giới (tính đến thời điểm này). Bên cạnh đó, Viện Công nghệ Liên bang (ETH Zurich) Thụy Sĩ cũng từng tôn vinh Albert Hofmann vào năm 1969 cùng với Gustav Guanella - anh rể của ông.

Năm 1971, Hiệp hội dược phẩm của Thụy Điển (Sveriges Farmacevtförbund) trao cho Albert giải thưởng Scheele nhằm ca ngợi các thành tựu, nghiên cứu mà ông thực hiện được. Không gì thú vị hơn một nhà hóa học Albert Hofmann sinh ra và lớn lên tại Baden, Thụy Sĩ. Albert là anh cả trong một gia đình gồm 4 người con, với bố làm công nhân nhà máy - Adolf Hofmann và mẹ là Elisabeth Schenk. Do hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nên cha đỡ đầu phải nhận trả toàn bộ chi phí cho việc học hành của Albert. Khi cha bị bệnh, ông đã làm thêm không ít công việc, bên cạnh niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình. 20 tuổi, thiên tài người Thụy Sĩ mới bắt đầu học chuyên ngành hóa học tại đại học Zurich và nhanh chóng hoàn thành vào năm 1929, sau ba năm. Thời điểm đó, mối quan tâm chính của ông là các thành phần hóa học có trong động vật và thực vật. Vì vậy, ông đã tiến hành nhiều nghiên cứu quan trọng về cấu trúc hóa học trong động vật có chứa chất chitin - nhờ đó, ông xuất sắc được đặc cách nhận bằng tiến sĩ vào mùa xuân năm 1929.

Trong hội nghị nhận thức thế giới diễn ra ở Heidelberg (Đức) năm 1996, Albert Hofmann đã có bài phát biểu hết sức sâu sắc và thể hiện rõ quyết tâm muốn theo đuổi sự nghiệp của một nhà hóa học. "Người ta thường hỏi chính mình cái gì là quan trọng nhất trong cuộc đời và lên kế hoạch cho nó. Quả thực, mọi quyết định đều không dễ dàng đối với tôi. Nghệ thuật cũng là thứ gì đó rất hấp dẫn. Song tôi lại đặc biệt thấy thiên nhiên kỳ diệu và cần được khám phá. Các câu hỏi có liên quan đến bản chất của bên ngoài, thế giới vật chất... đòi hỏi nhiều kiến thức, hiểu biết sâu sắc cũng như kinh nghiệm nghiên cứu... đã thôi thúc tôi. Tôi yêu khoa học và không thể không trở thành người đi khai phá thế giới ấy" - ông nói.

Vô tình phát minh ra ma túy

Sau khi học xong, Albert Hofmann trở thành nhân viên bộ phận dược phẩm hóa học của hãng dược Sandoz (hiện là một công ty con của Novartis) ở Basel (Thụy Sĩ) nhằm thỏa mãn sở thích khám phá những bí ẩn trong tự nhiên. Tại đây, Albert tiến hành nghiên cứu thuốc làm từ thực vật và nấm. Ngày 16/4/1943, khi quyết định xem xét lại một vài thí nghiệm từng làm trước đó 5 năm và thực hiện bóc tách một loại nấm trên cây lúa mì, đột nhiên thiên tài hóa học cảm thấy đầu óc chao đảo và tinh thần rơi vào trạng thái mơ màng. Tâm trí ông ngay lập tức xuất hiện những hình ảnh kỳ diệu, nhiều hình dạng màu sắc rực rỡ. Albert cho biết, ông nghi ngờ rằng mình đã hít phải hoặc tiếp xúc qua đầu ngón tay chất liên quan đến LSD-25. Nhờ đó, ông tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời một chất mới mang tên LSD. Không những thế, ông đã thử nghiệm LSD trên chính mình (cố ý ăn 250 microgram) và nhanh chóng rơi vào trạng thái điên rồ, mất kiểm soát và không biết mình đang làm gì.

Thiên tài sinh năm 1906 nhận ra LSD chính là một chất có tác dụng hủy hoại thần kinh. Tuy nhiên, ông vẫn phát triển nó với hy vọng loại chất này sẽ có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực y học, đặc biệt là lĩnh vực tâm thần học. Ngày nay, LSD được biết đến như một loại thuốc có tác dụng cực mạnh, gây ảo giác và làm thay đổi tâm trạng của con người. LSD không mùi, không vị và không màu. Trái với niềm mong mỏi của Albert Hofmann, LSD chủ yếu bị lạm dụng như ma túy, gây ảnh hướng xấu đến toàn xã hội và bị cấm sử dụng tại nhiều quốc gia. Cũng chính vì vậy, ngoài việc được ca ngợi như một thiên tài, Albert còn được gọi là tác giả của phát minh ác độc nhất thế giới. Chuyên nghiên cứu các loại thuốc gây ảo giác Sau LSD, Albert Hofmann phát hiện ra 4-axetoxy-DET - cũng là một loại thuốc gây ảo giác. Ông lần đầu tiên tổng hợp 4-axetoxy-DET vào năm 1958 tại phòng thí nghiệm Sandoz. Nhờ đó, thiên tài hóa học trở thành giám đốc bộ phận dược phẩm tại đây và tiếp tục nghiên cứu các chất gây ảo giác từ nấm Mexico. Ngay sau đó, psilocybin được biết đến như một loại "nấm ma thuật" ra đời. Ngoài ra, Albert cũng bắt đầu quan tâm đến hạt giống của các loài rau muống Mexico (hay người bản xứ vẫn thường gọi là ololiuhqui). Ông đã từng rất ngạc nhiên khi tìm thấy những hợp chất lysergic axit amide (LSA) hoạt động trong ololiuhqui có liên quan chặt chẽ đến LSD.

Phát minh vĩ đại nhất của Albert Hofmann là LSD, tuy nhiên cũng vì nó mà ông bị không ít điều tiếng. 

Năm 1962, ông và vợ Anita Hofmann née Guanella đi du lịch đến miền nam Mexico để tìm kiếm cây Ska Maria Pastora. Mặc dù đã lấy mẫu song ông vẫn chưa bao giờ thành công trong việc xác định các hợp chất hoạt động của nó. Năm 1963, Albert Hofmann tham dự hội nghị hàng năm Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học (WAAS) tại Stockholm (Thụy Điển).

Thất vọng vì LSD bị cấm trên toàn thế giới Những năm cuối đời, trong bài phỏng vấn báo chí, Albert Hofmann từng tỏ ra rất thất vọng khi LSD - loại thuốc được ông gọi là "thuốc dành cho tâm hồn" bị cấm sử dụng trên toàn thế giới. Thiên tài thông minh bậc nhất thế giới cho biết, nếu ai đó dùng LSD với liều lượng quá cao (trên 500 microgram) mà không có sự giám sát của bác sĩ, đương nhiên sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thần kinh, gây nguy hiểm.

Mặc dù vậy, "LSD đã có thể thành công trong lĩnh vực tâm thần học nhưng tiếc rằng mọi người lại lạm dụng nó" - ông nói. Năm 2007, các cơ quan y tế tại Thụy Sĩ đã cho phép bác sĩ tâm lý Peter Gasser thực hiện các thí nghiệm với những bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối và các bệnh nguy hiểm khác sử dụng LSD. Qua nhiều nghiên cứu, đến năm 2011, các nhà khoa học đều thấy rằng LSD đặc biệt có hiệu quả đối với ý thức và cơ thể của bệnh nhân. Đầu năm 2008, Albert đã viết thư cho Steve Jobs, yêu cầu ông hỗ trợ nghiên cứu này. Từ đó, Hiệp hội Nghiên cứu Psychedelic (MAPS) bắt đầu sử dụng LSD trong điều trị tâm lý cũng như thiêt lập nền tảng tiến hành các nghiên cứu khác trong tương lai.

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Vụ trộm thánh giá rúng động lịch sử thế giới

Năm 1975, cây thánh giá Tucker nặng 22 carat vàng đã "bốc hơi" không để lại dấu vết trên đường vận chuyển đến Bảo tàng Nghệ thuật Bermuda.

Người tìm ra cây thánh giá Tucker cực giá trị trên là Edward Bolton Tucker. Chính vì vậy, tên của ông được đặt cho cây thánh giá nặng 22 carat vàng và gắn ngọc lục bảo. Ông Edward là thợ lặn biển nổi tiếng, thường thám hiểm những con tàu đắm dưới biển từ cuối năm 1940.


Ông Edward đã phát hiện hơn 100 xác tàu đắm ​​xung quanh Bermuda. Trong đó, ông phát hiện con tàu đắm chở châu báu San Pedro có chứa nhiều tài sản hết sức giá trị như vàng bạc, châu báu, đặc biệt là cây thánh giá trên hồi năm 1955. Con tàu này bị đắm năm 1594 ở ngoài bờ biển San Pedro, Mỹ.


Vụ trộm cây thánh giá Tucker cho đến nay vẫn nằm trong màn đen bí ẩn.

Sau đó, ông Edward đã đem bán cây thánh giá Tucker cho chính phủ Bermuda với số tiền mà cho đến nay chưa từng được tiết lộ với công chúng.

Năm 1975, thánh giá Tucker được chuyển tới Bảo tàng Nghệ thuật Bermuda để triển lãm vào đúng dịp Nữ hoàng Elizabeth II ghé thăm nơi đây. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển đến bảo tàng Nghệ thuật Bermuda, cây thánh giá cực giá trị trên đã biến mất không để lại một dấu vết nào.


Cơ quan chức năng không điều tra được kẻ nào đã ăn trộm báu vật, thời điểm xảy ra vụ trộm cũng như làm cách nào mà hung thủ có thể đánh tráo cây thánh giá thật bằng thánh giá giả. Một số người suy đoán rằng, cây thánh giá Tucker đã bị tên trộm tháo hết ngọc lục bảo và đem bán ở thị trường chợ đen. Cho đến nay, vụ trộm cây thánh giá Tucker vẫn chưa được làm sáng tỏ và vụ án trở thành một trong những vụ trộm nổi tiếng thế giới.

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Chuyện kỳ bí của tứ đại mỹ nhân Sài Gòn xưa

Số là trong cơn cuồng phong của chuyện bùa tình, một hôm bỗng xảy ra chuyện lạ lùng mà cả lão Franchini và cô Tư Nhị đều là nạn nhân.

Những đồng tiền mà các con thiêu thân kia càng đổ vào bay theo bụi mù của vó ngựa trường đua nhiều chừng nào thì cái giờ phút lão Franchini thoát cơn hoạn nạn nhanh chừng nấy. Đó là lý do khiến cho lão bỏ qua cái tánh ghen động trời của lão để mặc sức cho Tư Nhị tung hoành. Nhưng bên cạnh các chiêu trò đấu đá giữa Tư Nhị và Franchini qua bàn tay của các thầy bùa đã đến hồi khiến cho họ mất kiểm soát. Số là trong cơn cuồng phong của chuyện bùa tình, một hôm bỗng xảy ra một chuyện lạ lùng mà cả hai nhân vật chính là lão Franchini và cô Tư Nhị đều là nạn nhân!


Hình ảnh mỹ nhân Sài Gòn xưa. 

Đầu tiên là Franchini. Hôm đó là ngày giữa tuần lão ta đích thân lái xe hơi lên Bà Điểm là nơi lão lập chuồng nuôi ngựa để quan sát những chú ngựa chiến của mình thì bỗng lão phát hiện ra bốn trong số mười hai con chiến mã mà vào cuối tuần đó sẽ dẫn đầu các độ đua như dự tính, bỗng dưng bỏ ăn và nguy hiểm hơn nữa là có hai con chẳng những bỏ ăn thôi, chúng còn có biểu hiện què cả hai chân! Điều này chưa từng xảy ra trong bầy ngựa của lão Franchini. Bởi vậy lão gọi những nài ngựa và hai chuyên gia nuôi ngựa của mình tới để hỏi nguyên do thì những người này kể là chẳng hiểu sao đêm hôm trước đó lúc bầy ngựa đang ngủ trong chuồng thì bỗng chúng phát lên những tiếng hí lạ lùng như có ai đó đang siết cổ chúng vậy.

Những người nuôi ngựa chạy ra xem thì thấy bốn con ngựa đứng phía bên ngoài gần cửa ra vào mắt long lanh, cất cao vó như muốn nhảy ra khỏi chuồng và hầu hết đều tỏ ra như sợ hãi trước một đe dọa nào đó. Khó khăn lắm họ mới khiến cho lũ ngựa an tâm trở lại, nhưng lập tức sau đó thì cả bốn con ngựa đều ngã quỵ tại chỗ, để rồi chúng như bị ngất đi đến cả buổi trời.

Nghe kể thì lão Franchini hoang mang vô cùng, lão liên lạc với một vài người quen của lão ở nước ngoài, những người có kinh nghiệm về nuôi ngựa giống thì những người này cũng vô cùng hoang mang, bảo phải chờ họ sang tận nơi xem lại mới có thể kết luận được. Nhưng làm sao chờ cho được, vì cuối tuần đó cả bốn con ngựa này đều phải có mặt tại trường đua để tham dự bốn độ đua gọi là "độ hội", có nghĩa là bốn cuộc đua quan trọng nhất trong tuần nên không thể nào thay thế ngựa khác được.

Bởi vậy lão Franchini lo lắng vô cùng nên đích thân lão chạy về Sài Gòn để rước hai bác sĩ thú y thuộc loại giỏi nhất lên để chữa trị cho bốn con ngựa chiến. Cũng may là chỉ sau một ngày thì cả bốn con ngựa đều khỏi bệnh. Lão Franchini mừng lắm nên dặn các người làm công cho mình phải đặc biệt theo dõi và chăm sóc kỹ bầy ngựa với sự cố vấn của hai bác sĩ thú ý. Cuối cùng thì mọi việc cũng êm xuôi, tuy nhiên hai người thợ chăm sóc ngựa có gốc gác ở xứ chùa tháp phát hiện ra có một điều bất thường, mà chỉ riêng họ mới nhận thấy nên dè dặt chưa báo cho chủ mình biết. Mãi cho tới chiều trước buổi đua ngày hôm sau thì họ mới đích thân chạy về Sài Gòn báo cho lão Franchini điều bất thường mà họ phát hiện ra.


Theo hai người này thì những con ngựa hầu như khỏe mạnh bình thường nhưng chỉ riêng những con mắt của chúng thì có cái gì đó hơi lạ lùng, mà theo họ thì cứ thỉnh thoảng cách năm mười phút thì từ trong những con mắt của bốn con ngựa như phát ra những tia sáng kỳ lạ, mà theo họ thì điều ấy như nói lên sự bất thường nào đó! Nghe vậy thì ngay đêm đó dẫu đang có cái hẹn với Tư Nhị trong một cuộc mây mưa ở một khách sạn loại sang trọng, nhưng lão Franchini cũng ngồi xe cùng với hai tay đàn em để lên tận chuồng ngựa ở Bà Điểm xem xét tình hình. Lạ lùng là khi những con ngựa ấy nhìn thấy lão thì chúng vội nhắm nghiền đôi mắt lại, rồi quay nhanh đi nơi khác như muốn tránh không nhìn lão. Nhận ra điều bất thường ấy nên lão Franchini ở lại đó cho đến sáng ngày hôm sau để theo dõi xem có điều gì bất thường khác nữa xảy ra hay không.

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Bí ẩn đáng sợ về những chiếc quan tài... ăn thịt người

Những thi thể bị bỏ vào quách sẽ phân hủy hoàn toàn chỉ trong vòng 40 ngày, mặc dù thông thường phải mất đến hàng năm.

Assos là một trong những thị trấn cổ xưa nhất tại tỉnh Çanakkale, phía Tây Bắc của Thổ Nhĩ kỳ. Thị trấn này được thành lập vào khoảng thế kỷ 10 trước Công nguyên (TCN) do những người di cư Aeolian từ Lesbos.

Thế nhưng người ta biết nhiều về Assos không phải bởi những câu chuyện lịch sử hơn 3.000 năm của nó, mà là vì một bí ẩn đáng sợ: những chiếc quách “ăn thịt người” hiện vẫn còn nằm nguyên trong khu nghĩa địa cổ nơi đây.

Nghĩa địa cổ nằm vắt ngang qua thị trấn, kéo dài từ Đông sang Tây. Hiện nay mới chỉ có khu vực nằm bên ngoài cổng thành cổ phía Tây là đã được khai quật và nghiên cứu, mà đã hé lộ ra rất nhiều điều kỳ bí.

Những chiếc quách đá được khai quật tại khu nghĩa địa cổ ở Assos có niên đại từ khoảng thể kỷ 5 TCN. 


Dấu tích mai táng lâu đời nhất được tìm thấy trong nghĩa địa là những chiếc “quan tài” bằng đất sét có niên đại từ giữa thế kỷ 7 TCN. Chúng được đặt trong các huyệt mộ với phần miệng hướng về phía Đông và được đậy kín bằng một hòn đá lớn.

Những chiếc quách có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 5 TCN là những hiện vật bí ẩn và gây nhiều tranh cãi nhất. Ban đầu chúng chỉ là những cỗ quan tài đơn giản được tạc từ đá mắc-ma (andesite) với các bề mặt phẳng phiu.

Kích thước phổ biến của những chiếc quách này vào khoảng 2 mét chiều dài, chiều rộng và chiều cao tương đương nhau chừng 80-90 cm. Trọng lượng của mỗi chiếc đạt 3 tấn.


Hiện thị trấn cổ nhỏ bé này thu hút rất nhiều khách tham quan nhờ danh tiếng của những chiếc quách “ăn thịt” đầy bí ẩn. 


Bắt đầu từ thời kỳ La Mã, những chiếc quách được trang trí công phu hơn với nhiều hình chạm khắc ở xung quanh, đặc biệt là có thêm một hàng chữ được tạc dọc theo thân quách để viết tên và một số thông tin về vị chủ nhân bên trong.

Đáng chú ý và cũng là đặc điểm kỳ lạ nhất, đó là những chiếc quách này có khả năng phân hủy bất cứ thi hài nào được đặt vào bên trong chúng với một khoảng thời gian kỷ lục. Người ta đã ghi nhận rằng một cơ thể người trưởng thành chỉ mất chừng 40 ngày để biến mất hoàn toàn, mặc dù bình thường sẽ cần đến nhiều tháng, thậm chí hàng năm.

Cư dân Assos cũng đã biết đến điều kỳ lạ của những chiếc quách này từ rất sớm, bằng chứng là họ gọi chúng với cái tên đáng sợ “Sarko fagos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là quách “ăn thịt”, đúng như những gì diễn ra với cái xác được an táng bên trong.

Những nhà khoa học thì đã bỏ rất nhiều thời gian công sức để cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng đáng sợ bên trong quách đá.

Người ta cho rằng xác chết được táng vào trong quách chỉ mất 40 ngày để biến mất hoàn toàn. 


Một số nghiên cứu cho rằng trong các ngôi mộ có chứa nhiều vật liệu nhôm, và đó chính là nguyên nhân làm đẩy nhanh quá trình phân hủy xác. Họ đoán rằng có thể những cư dân Assos cổ đại thấy rằng nhôm có thể đốt cháy da nên bỏ thêm vật liệu này vào bên trong quách để giúp cho xác nhanh phân hủy.

Tuy nhiên hiện tất cả vẫn chỉ là đồn đoán, giới khoa học vẫn gần như mù tịt về nguyên nhân của hiện tượng bí ẩn có một không hai này. Rất nhiều người hiện đang tiếp tục bỏ công sức ra nghiên cứu nhằm đưa ra lời giải đáp.

Giới chức địa phương thì nhanh chóng nhận ra cơ hội để biến thị trấn nhỏ bé của mình thành một địa điểm tham quan thu hút những người tò mò từ khắp nơi trên thế giới. Còn những chiếc quách đáng sợ, chúng vẫn im lìm như thách thức trí tuệ của con người.

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Bí mật nguồn gốc gia tộc lừng danh nhất Trung Quốc

Trong lịch sử cận đại, không gia đình nào có thể khuynh đảo lịch sử quốc gia và đời sống của hàng trăm triệu người như gia đình họ Tống.

Trên một nửa thế kỷ, những người trong gia đình này đã dùng mọi thủ đoạn để độc chiếm quyền lực chính trị và tài chính của Trung Hoa và đã thu thập được những tài sản khổng lồ, lớn nhất thời đại. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà sử học cho rằng, Tống Khánh Linh cũng như những chị em còn lại của bà thực chất không phải mang họ Tống.

Gia tộc họ Tống không phải... họ Tống!


Nếu Tống Gia Thụ - cha của Tống Khánh Linh không có ba cô con gái thì cuối cùng gia đình nhà họ Tống sẽ không được giàu sang quyền quý đến thế. Nhưng Tống Gia Thụ sinh được ba cô con gái rất quý tướng. Đúng ra Tống Gia Thụ có sáu người con, ba trai và ba gái. Nhưng chính ba cô con gái này đã trở thành những nhân vật xuất chúng trên chính trường Trung Hoa, vì kết hôn với những lãnh tụ lớn của Trung Hoa. Ba chị em nhà họ Tống đã tạo được một sự nghiệp chính trị hiển hách và những sản nghiệp vĩ đại cho nhà họ Tống.


Ba chị em nhà họ Tống cùng với Tưởng Giới Thạch: Ngoài cùng bên trái là Tống Khánh Linh, Tống Ái Linh và bên phải là Tống Mỹ Linh. 

Trong số ba người con gái của Tống Gia Thụ, chỉ có bà Tống Khánh Linh tạo được một địa vị cao quý trong lịch sử và tâm hồn người Trung Hoa. Bà được cả những người cộng sản và Quốc dân đảng kính trọng. Tống Khánh Linh kết hôn với Tôn Dật Tiên - nhà đại cách mạng Trung Hoa của đầu thế kỷ 20. Trong lịch sử Trung Hoa có hai cuộc cách mạng quan trọng nhất, đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu của xã hội và nhà nước. Cuộc cách mạng thứ nhất là của Tần Thủy Hoàng năm 221 trước Công nguyên, đã chấm dứt kỷ nguyên phong kiến, và thiết lập chế độ quân chủ tập quyền chuyên chế. Cuộc cách mạng thứ hai chính là của Tôn Dật Tiên năm 1911, còn được gọi là cuộc Cách Mạng Tân Hợi. Cuộc Cách Mạng Tân Hợi đã lật đổ sự thống trị của vua chúa, và dẫn tới việc thành lập chế độ dân chủ.

Tuy nhiên, theo lịch sử ghi lại thì Tống Gia Thụ- cha của Tống Khánh Linh thực chất không mang họ Tống. Khi còn niên thiếu, Tống Gia Thụ qua được Hoa Kỳ, sống dưới sự che chở của giáo hội Methodist vào khoảng cuối thế kỷ 19. Thực chất ông vốn mang họ Hàn, được sinh trưởng trong một gia đình trung lưu tại đảo Hải Nam- Trung Quốc. Nhưng khi sang Hoa Kỳ, ông đã đổi tên thành Tống Charlie (Charlie Jones Soong) cho hợp với cách gọi của Hoa kiều khi đó. Trở về Trung Quốc khi đã trưởng thành, Tống Charlie lấy tên là Tống Gia Thụ, và tạo được một sản nghiệp bề thế bằng nghề in và bán sách Thánh kinh. Tống Gia Thụ khi đó cũng đã bí mật tham gia phong trào cách mạng của Tôn Dật Tiên, chống lại triều đình Mãn Thanh.

Tháng 4/1987, tại huyện Văn Xương, tỉnh Quảng Đông đã xuất bản một cuốn sách mang tên: Những kỷ niệm với đồng chí Tống Khánh Linh có ghi: "Người cha của đồng chí Tống Khánh Linh thực chất mang họ Hàn, tên gốc là Hàn Giáo Chuẩn, tên tiếng Anh là Charlie Jones Soong, còn có tên khác là Tống Gia Thụ và Tống Diệu Như. Ông Hàn Giáo Chuẩn là con trai thứ hai của gia đình Hàn Hồng Vũ, người thôn Cổ Lộ Viên, thuộc huyện Văn Xương, tỉnh Hải Nam".

Trong cuốn sách này đã nói rõ thân thế và nguồn gốc của ông Tống Gia Thụ- cha của Tống Khánh Linh. Quả thực Tống Gia Thụ không phải mang họ Tống mà là họ Hàn. Ngoài ra tư liệu này còn ghi rõ: "Gia đình họ Hàn tại huyện Văn Xương cũng chỉ là người di cư từ nơi khác đến, không có gốc gác chính tại nơi đây. Theo gia phả ghi chép lại, tổ tiên của họ Hàn đến từ huyện Tương Châu, tỉnh Hà Nam. Vào đời Nam Tống (1126 - 1279) một số bộ lạc vùng Trung Á đã xâm lược và lấn chiếm đất đai tại vùng này, khi đó một người họ Hàn tên Hàn Hiển Liễu được bổ nhiệm làm thái thú tại huyện Văn Xương nên đã đưa cả gia đình và họ hàng đến vùng đất này. Gia tộc họ Hàn bắt đầu định cư lâu dài tại Văn Xương từ đó".

Cũng theo ghi chép, cụ của Tống Khánh Linh làm quan cho triều đình. Cụ nội của bà tên Hàn Cẩm Di, sinh được 2 người con trai. Con trai cả tên Hàn Hồng Vũ (tức ông nội của Tống Khánh Linh) và người con thứ hai tên Hàn Bằng Vũ. Hàn Hồng Vũ sau này cũng sinh được 3 người con trai lần lượt là: Chính Chuẩn, Giáo Chuẩn (tức cha của Tống Khánh Linh) và Chi Chuẩn.

Trong ghi chép của một người em họ tên là Hàn Tục Phong, con chú của Tống Khánh Linh cho biết: "Tất cả phần mộ của gia đình họ Hàn hiện nay đều nằm ở Văn Xương, khu mộ này có một tên chung là "Hàn gia chi mộ". Phía tay phải của khu mộ là một loạt những cái tên: Chính Chuẩn, Giáo Chuẩn và Chi Chuẩn. Nằm phía trước của ba ngôi mộ này là ông nội Hàn Hồng Vũ. Vì thế ngôi mộ mang tên Giáo Chuẩn chính là nơi yên nghỉ cuối cùng của Tống Gia Thụ- cha của Tống Khánh Linh".

Vì sao Tống Gia Thụ phải đổi họ?

Theo hồi ức của những người họ Hàn đang sinh sống tại huyện Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Hàn Giáo Chuẩn đổi tên thành Tống Gia Thụ cũng có nguyên nhân sâu xa.


Ba chị em họ Tống.

Người cha của Tống Gia Thụ là một nông dân chăm chỉ, vào những lúc nông nhàn, ông thường đi làm phu khuân vác tại các bến cảng kiếm thêm để nuôi vợ con. Tuy nhiên, cuộc sống khi đó lại vô cùng vất vả và gian khổ. Năm 1871, khi Hàn Giáo Chuẩn vừa tròn 13 tuổi, ông đã cùng người anh trai Chính Chuẩn phiêu bạt đến phía đông của Ấn Độ để học về truyền giáo. Sau đó, do có cơ may nên Tống Gia Thụ đã tiếp tục phiêu bạt đến Mỹ cũng để tiếp tục theo học truyền giáo. Tuy nhiên, ở một môi trường mới lại được tiếp xúc với những tôn giáo mới, ông đã từ bỏ Phật giáo để đến với Thiên chúa giáo. Sống dưới sự che chở của giáo hội Methodist vào khoảng cuối thế kỷ 19, Tống Gia Thụ đã theo học khoa thần học tại đại học Stewart thuộc bang Tennessee khi đó. Năm 1880, Tống Gia Thụ chính thức gia nhập Cơ đốc giáo, sau khi tốt nghiệp ông đã trở về nước với nhiệm vụ truyền giáo cho người dân Trung Quốc.

Còn nguyên nhân vì sao Tống Gia Thụ phải đổi họ thì nhiều nhà sử học cho rằng đó là một nước đi đặc biệt khôn ngoan. Trong thời gian còn ở độ tuổi thiếu niên Giáo Chuẩn vẫn đang theo học truyền giáo ở Ấn Độ, nhiều lần trở về quê hương nhưng ông đều không thấy vui vẻ. Một phần là do thấy hoàn cảnh gia đình vẫn nghèo nàn, người cha vẫn phải lao động cật lực nhưng vẫn không đủ ăn. Một lần về thăm gia đình, Giáo Chuẩn được gặp một ông cậu họ xa đã sinh sống lâu năm ở Mỹ cũng về thăm quê. Ông cậu này đang theo học tiến sỹ tại một trường Đại học bang thuộc Massachusett, đồng thời còn mở một nhà hàng buôn bán rất phát đạt bên đó. Sau khi tiếp xúc với Giáo Chuẩn, nhận thấy đây là một chàng trai nhanh nhẹn, thông minh, ông đã ngỏ ý mời Giáo Chuẩn sang cùng làm nhà hàng với ông.


Đây quả là một cơ may "có một không hai" đối với chàng trai trẻ. Giáo Chuẩn lập tức nhận lời và cùng sang Mỹ với người cậu họ xa này. Khi đến Mỹ, để tỏ lòng biết ơn, Giáo Chuẩn đã đổi họ Hàn của mình sang họ Tống- họ của người cậu và cũng là ân nhân nâng đỡ cuộc đời ông sau này.

Nhiều nhà sử học đánh giá, có thể vì chính sự "cải họ" của Tống Gia Thụ mà cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông đã có một bước rẽ hoàn toàn mới. Nếu như Hàn Giáo Chuẩn không đổi họ và theo chân người cậu sang Mỹ rất có thể lịch sử Trung Quốc đã rẽ sang một trang khác.



Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì ba chị em nhà họ Tống là ba người phụ nữ có chồng là những nhân vật chính trị nổi bật của Trung Quốc đầu thế kỷ 20.

Tống Ái Linh (1890-1973) là chị cả, kết hôn với Bộ trưởng tài chính và cũng là người giàu nhất Trung Quốc, Khổng Tường Hi.

Tống Khánh Linh (1893-1981) kết hôn với Tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc - Tôn Dật Tiên. Sau này bà trở thành Phó Chủ tịch nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa. Ngày 16 tháng 5 năm 1981, hai tuần trước khi mất, bà đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và đã được ban danh hiệu Chủ tịch danh dự nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa. Bà là người duy nhất được ban danh hiệu này.

Tống Mỹ Linh (1897-2003) trẻ nhất trong ba chị em, bà đã kết hôn với Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch. Các con trai của gia đình họ Tống đều là các quan chức cao cấp trong chính phủ Trung Hoa Dân quốc, một trong ba người nổi tiếng là Tống Tử Văn.

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Giải mật dự án của FBI đối phó với Liên Xô

Giám đốc đầu tiên của FBI đã đề xuất thực hiện một chương trình có mật mã “chậu giặt” nhằm đối phó với Liên Xô.

Một tài liệu mật mới được phát hiện gần đây cho thấy trong thập niên 50, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã đầu tư tuyển dụng và đào tạo nhiều công dân bang Alaska trở trành đặc vụ mật tại địa phương nhằm đối phó với viễn cảnh Liên Xô đưa quân đội tới đây.

Trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ luôn lo lắng về khả năng Liên Xô đưa quân đội đến Alaska. Vì vậy vào năm 1951, John Edgar Hoover, Giám đốc đầu tiên của FBI đã đề xuất thực hiện một chương trình có mật mã “chậu giặt”, đây là dự án tuyển lựa và đào tạo một hệ thống đặc vụ mật là công dân Alaska.

Một góc Alaska. Ảnh: Reuters. 


Theo tài liệu bị rò rỉ, các đặc vụ mật Alaska được tuyển chọn từ nhiều ngành nghề đa dạng như ngư dân, thợ săn, phi công... Điều kỳ lạ là những người thổ dân bản địa như người Eskimo và Aleut, lại không được tuyển dụng bởi theo các quan chức FBI họ là "những người không được trung thành". Bên cạnh đó, trong tài liệu cũng đề cập đến việc không tuyển dụng phụ nữ, tuy nhiên không hề đưa ra lý do chi tiết.

Sau khi được tuyển dụng, các đặc vụ mật người Alaska sẽ được nhận khoản tiền lương hậu hĩnh 3.000 USD/năm (tương đương 30.000 USD hiện nay) và được hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi nếu chiến tranh xảy ra.

Tiếp đó, các đặc vụ mới được tuyển sẽ tham gia các khóa học nhảy dù, kỹ năng đánh giáp lá cà, du kích, thẩm vấn, trinh sát, kỹ năng sinh tồn và giải mật mã. Tuy nhiên việc học tất cả các kỹ năng trong thời gian ngắn dường như không đem lại nhiều kết quả, việc này đã được ghi nhận trong tài liệu.

John Edgar Hoover. Ảnh: AFP. 

Ngoài ra, các đặc vụ được đào tạo riêng biệt, sau đó hoạt động trong tổ chức được gọi là “tế bào” bao gồm một lãnh đạo, một nhóm đặc vụ được lãnh đạo tuyển dụng và các đặc vụ cấp dưới chưa từng được tiếp xúc với lãnh đạo.


Các đặc vụ mật được giao nhiệm vụ hoạt động trong những các boongke với thực phẩm, quần áo ấm, radio và phương tiện giải mật mã để báo cáo lại các động thái của “quân thù”.

Tuy được khởi xướng bởi FBI tuy nhiên vào tháng 9/1951 chương trình sau này lại thuộc điều hành của Cơ quan điều tra đặc biệt của không quân Mỹ (OSI) và trở thành dự án lâu dài nhất trong chiến tranh lạnh của cơ quan này. Lý do của việc chuyển giao này do Hoover lo lắng FBI sẽ đảm nhận khiển trách khi chiến tranh xảy ra.

Hãng tin AP dẫn nguồn từ Deborah Kidwell, nhà sử học của OSI cho biết chương trình "chậu giặt" này kéo dài từ năm 1951 đến 1959, trong thời gian này, đã có 89 đặc vụ Alaska mật được đào tạo. Tuy nhiên chương trình được hình thành từ sự lo sợ này dường như đã trở thành một "sản phẩm phí phạm" của Mỹ bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh bởi Liên Xô không hề đưa quân đội đến Alaska.

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Sự thật gây sốc nhà tiên tri “đoán mệnh qua chỉ tay”

Louis Hamon có biệt hiệu Cheiro, nổi tiếng với việc đoán mệnh qua chỉ tay cho nhiều nhân vật quyền lực thế giới, trong đó có Sa hoàng Nicholas II.

Louis Hamon sinh ở Ireland vào năm 1866. Cha của ông là người Anh, mẹ là người Pháp. Khi chưa đến 20 tuổi, Louis Hamon bỏ quê hương sang thành phố Mumbai (Ấn Độ). Tại đây, ông học thêm khoa chỉ tay của đạo sĩ Bà La Môn và được huấn luyện học tập 3 năm với một đạo sĩ Guru. Sau đó, ông rời Ấn Độ rồi đến Ai Cập.

Vào năm 24 tuổi, Louis Hamon trở về London, ông bắt đầu hành nghề xem chỉ tay, tiên tri tương lai và được nhiều người biết đến. Tới năm 27 tuổi, ông đã nghiên cứu được hơn 6.000 bàn tay và tiên đoán tương lai cho nhiều nhân vật nổi tiếng, có "máu mặt" trong xã hội.


Louis Hamon nổi tiếng với biệt tài xem bói chỉ tay vô cùng chính xác.

Vào những năm 1890, danh tiếng của Louis Hamon nổi như cồn. Ông đã xuất bản một cuốn sách về xem chỉ tay thành công. Một trong những lần xem bói, dự đoán chính xác nổi tiếng của Louis Hamon đó là xem chỉ tay cho Bộ trưởng Quốc phòng Lord Kitchener. Khi xem chỉ tay cho nhà lãnh đạo này, Louis Hamon tiên đoán 20 năm sau (tức năm 1916), Bộ trưởng Quốc phòng Kitchener sẽ qua đời khi đi lại bằng đường thủy.
Thực tế đã chứng minh tiên đoán của Louis Hamon hoàn toàn chính xác. Mặc dù đã được khuyến cáo không nên đi tàu thuyền vào năm 1916 nhưng do có chuyến hành trình gặp Sa Hoàng Nicholas II trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới 1 nên Bộ trưởng Quốc phòng Kitchener đã lên chiến hạm Hampshire để sang Nga. Tai nạn ập đến khi chiến hạm chở ông Kitchener trúng mìn của Đức và bị chìm xuống đáy biển. Bộ trưởng Quốc phòng Kitchener đã qua đời trùng hợp với tiên đoán của Louis Hamon.

Nhà văn Mark Twain cũng được Louis Hamon xem chỉ tay và tiên đoán về tương lai của ông. Cụ thể, vào năm 1895, Chiero nói với Mark Twain (khi đó 60 tuổi) rằng nhà văn sẽ bất ngờ kiếm được rất nhiều tiền vào năm 68 tuổi. Tại thời điểm ấy, Mark Twain đang bị phá sản và nợ nần chồng chất. Ông đã nợ hơn 90.000 USD. Chính vì vậy, khi nghe Chiero tiên đoán về tương lai tươi sáng của mình, ông không mấy tin tưởng. Tuy nhiên, đến tháng 11/1903, Mark Twain đã ký được hợp đồng lớn với nhà xuất bản Harper. Với bản hợp đồng này, nhà văn đã trả được các khoản nợ và kiếm được hơn 100.000 USD/năm.

Năm 1900, Chiero đã xem chỉ tay của vua Iran (Ba Tư) và tiên đoán ông hoàng này sẽ bị ám sát. Nhờ vậy, ông được tặng thưởng huân chương cao quý của Iran (Ba Tư) vì đã tiên đoán trước là sẽ có kẻ ám sát nhà vua tại Hội chợ quốc tế Paris.


Năm 1911, Chiero cũng tiên đoán về số phận của nhà văn, nhà xuất bản nổi tiếng William Stead. Theo đó, ông khuyên nhà văn William không nên đi lại bằng tàu thủy vào tháng 4/1912. Mặc dù đã được cảnh báo nhưng ông William không tin điều đó nên đã quyết định đặt vé lên tàu Titanic. Kết quả là tàu Titanic chìm do đâm vào tảng băng trôi ngày 14/4/1912.

Cheiro còn có cơ hội diện kiến Sa hoàng Nicholas II và xem chỉ tay cho nhà vua. Khi đó, ông đã tiên đoán năm 1917 là năm đại họa cho sa hoàng Nga và cả gia tộc hoàng gia.

Năm 1904, Cheiro được Sa hoàng Nicholas II tiếp đón trọng thị tại lâu đài Mùa Hạ ở thành phố St.Petersburg và có cơ hội gặp Grigori Rasputin - kẻ được cho là đã buông lời nguyền khiến hoàng gia Nga diệt vong. Tại đây, ông tiên đoán Rasputin sẽ bị hạ độc, bị đâm và bị bắn trước khi bị ném xuống dòng sông băng lạnh lẽo Neva.

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Bí mật hàng hải lớn nhất của Australia

Người Australia nói đây là bí mật hàng hải lớn nhất của họ và hải quân Australia đã đặt nhiệm vụ phải tìm ra lời giải.

AE1 - chiếc tàu ngầm đầu tiên của Australia - đã biến mất một cách bí ẩn ngoài khơi New Guinea khoảng 100 năm trước. Ngay cả nhà thám hiểm huyền thoại Jacques Cousteau cũng phải “bó tay” với ca khó này. Chiếc tàu ngầm là một phần trong hoạt động quân sự lần đầu tiên của Australia khi New Guinea Đức (vùng phía Bắc rơi vào tay Đức năm 1884) bị thâu tóm.

AE1 và AE2 đều là niềm tự hào của Hải quân Australia. Với công nghệ tối tân, chúng được đặt làm tại Portsmouth ở Anh và sau đó được đưa về Sydney qua kênh đào Suez, với hành trình dài 42.000km, một kỷ lục thế giới cho tàu ngầm lúc bấy giờ.

Hai chiếc tàu ngầm về tới Sydney vào tháng 5/1914, sau đó nhập vào Lực lượng viễn chinh quân đội và hải quân Australia. Trong khi việc chiếm đóng được phần đất do Đức nắm giữ ở New Guinea và Nam Thái Bình Dương là một thành công thì việc AE1 cùng 3 sỹ quan và 32 thủy thủ mất tích lại là một thảm kịch chiến tranh đầu tiên của Australia.

Tàu ngầm AE1 neo đậu tại Balmain sau khi đi từ Portsmouth, năm 1914.

AE1 được tàu HMAS Parramatta nhìn thấy lần cuối cùng ở vị trí cách khoảng 1,5 hải lý về phía Đông Nam Berard Point trên đảo Duke of York. Một vài con tàu đã được điều động đến tìm kiếm AE1, song không phát hiện ra bất kỳ dấu vết nào. Tất nhiên, một loạt giả thuyết về nguyên nhân tàu ngầm AE1 mất tích đã được nêu ra, trong đó có khả năng tàu này bị một tàu chạy bằng hơi nước của Đức va phải.



Hiện các sử gia Australia đang muốn tìm ra lời giải cho bí mật này. Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm lần thứ 100 trận chiến đầu tiên của Australia trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, người ta đã đến hòn đảo xa xôi Duke of York, nơi tàu ngầm EA1 lần cuối cùng được nhìn thấy, để tìm kiếm dấu vết của con tàu. Nhưng tất cả vẫn chìm trong yên lặng.

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Bí ẩn công phu đi ngàn dặm của thiền sư Nhật Bản

Nhà sư tiến hành chuyến đi kéo dài trong 7 năm, vượt quãng đường lớn hơn một vòng quanh trái đất, chỉ bằng đôi chân mang giầy cỏ.

Dưới chân ngọn núi Hiei hiểm trở phía Đông Bắc cố đô Kyoto, ngày nay vẫn còn tồn tại một ngôi đền thiêng 1.200 tuổi được gọi là Enryakuji. Các vị thiền sư theo trường phái Tendai-shu (Phái Thiên Thai - một dòng tu thuộc Phật Giáo Đại Thừa), từ xa xưa đã nổi tiếng là những bậc “thần hành” với khả năng đi bộ đến hàng ngàn dặm.

Những kỳ tích công phu của họ không phải chỉ là lời đồn mà đã từng nhiều lần được kiểm chứng và ghi chép trong lịch sử. Nó khiến cho ngay cả những vận động viên marathon Olymlic hàng đầu ngày nay cũng phải ngả mũ chào thua.

Tendai-shu vừa là một trường phái tu hành, lại vừa giống như là một “công phu” huyền bí được các bậc cao tăng nơi đây lưu truyền đời này sang đời khác.

Không phải mọi nhà sư tại đền Enryakuji đều có thể tu tập Tendai-shu, chỉ một số ít người sau khi lựa chọn cẩn thận mới được cho phép tham gia vào “khóa học” gọi là Sennichi Kaihogyo, hay “Thử thách một ngàn ngày” kỳ bí.

Ngôi đền thiêng Enryakuji 1.200 tuổi trên đỉnh núi Hiei. 

Sennichi Kaihogyo xứng danh là một trong những thử thách nghiêm ngặt và khó khăn nhất thế giới, về cả thể chất lẫn tinh thần.

Những thử thách khắc nghiệt kéo dài liên tục trong vòng 7 năm. Người tham gia sẽ phải vượt qua quãng đường lớn hơn một vòng quanh trái đất, chỉ nhờ đôi chân cùng với đức tin.

Các nhà sư thực hiện cuộc hành trình cam go này với ý nghĩa là để tôn kính Fudo-myo-o, vị thần quan trọng nhất của trường phái Tendai (Thiên Thai). Nó giống như một cuộc hành hương với các điểm đến là những di tích linh thiêng rải rác khắp ngọn núi Hiei hùng vĩ.

Hành trình của các “Gyoja” (tên gọi những nhà sư tham gia thử thách) bao gồm hơn 250 điểm đến, phần lớn nằm giữa những vùng rừng núi thâm u. Tổng cộng quãng đường mà họ phải trải qua được ước tính dài gấp 1.000 lần cự li marathon tiêu chuẩn (cự li marathon tương đương 26 dặm hay 42 km).

Gyoja thường duy trì một tốc độ rất ổn định suốt cả chuyến đi. Họ không chạy, nhưng một người đi bộ bình thường sẽ không thể nào theo kịp. Đối với những nhà sư kỳ lạ này, đi bộ cũng chính là một phương pháp thiền định, chủ yếu dựa vào sự tập trung và sức mạnh tinh thần.

Tư thế khi đi cũng là một điều rất quan trọng. Nhà sư phải giữ cho lưng và hông của mình luôn luôn thẳng đứng. Họ di chuyển rất nhanh trong khi chiếc mũ trên đầu gần như bất động, ngay cả trên những đường dốc hoặc mấp mô.

Trong 3 năm đầu của cuộc hành trình, những nhà sư thường đi bộ khoảng 30-40km một ngày trong 100 ngày liên tục, bất kể thời tiết ra sao.

Đến năm thứ tư và thứ năm, quãng đường phải đi trong ngày dần tăng lên. Đồng thời mỗi khi gặp các địa điểm linh thiêng, họ đều phải dừng lại để tiến hành tụng niệm đầy đủ theo lễ nghi quy định.

Hình ảnh tái hiện một vị Gyoja đang trong cuộc hành trình

Có hơn 250 địa điểm linh thiêng trên đường đi mà các nhà sư bắt buộc phải tìm đến để làm lễ, trong đó bao gồm các thác nước, dòng suối, những cây cổ thụ, giếng thiêng, đền miếu hay đôi khi chỉ đơn giản là những tự tích trên vách đá.

Trang phục hành hương của các Gyoja cũng hết sức giản dị. Họ mặc một bộ đồ bằng vải thô, khoác bên ngoài chiếc áo choàng màu trắng, đầu đội mũ rơm truyền thống có tên gọi là renge-gasa, mang vớ tách ngón chân và một đôi giầy cỏ.

Mỗi Gyoja có thể đem theo một tiểu đồng, chủ yếu là để cầm đèn soi đường cho nhà sư khi di chuyển vào ban đêm. Vào những ngày mưa gió, họ có thể đi cho đến rách nát một đôi hài cỏ chỉ trong vòng một ngày.

Cuộc hành hương của các Gyoja quả thực là một thử thách hết sức đáng sợ, đến nỗi nó được mệnh danh là “chuyến đi địa ngục”.

Các nhà sư thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn, những vết thương mưng mủ không được chữa trị, hai bàn chân phồng rộp lở loét, thậm chí có thể bị nhiễm trùng thành các vết thương rất nặng…

Thế nhưng, không gì có thể ngăn cản được những bậc chân tu kỳ lạ này tiếp tục cất bước về phía mục tiêu cuộc đời của họ.

Vào năm thứ năm của cuộc hành trình, các Gyoja còn phải tiến hành một nghi thức chay tịnh đặc biệt, gọi là “do-iri”. Trong chín ngày liên tiếp, họ sẽ không ăn, không uống và không ngủ. Chỉ miệt mài tụng niệm một câu thần chú suốt ngày đêm.

Hai giờ sáng hàng đêm, họ sẽ ra ngoài lấy nước để dâng cúng. Khi đó nhà sư được phép hớp một ngụm nước, nhưng lại không được uống mà chỉ súc miệng rồi lại… nhổ ra! Lượng nước nhổ ra phải đảm bảo giống như lượng đã hớp vào(?!).


Bức ảnh hiếm hoi về một Gyoja thực thụ đang trên đường chinh phục “Thử thách một ngàn ngày”. 

Cho đến ngày thứ chín, Gyoja đã trở nên quá yếu nhưng phải dựa vào sự trợ giúp của người khác để tiếp tục lên đường. Quá trình nhịn ăn lâu ngày khiến cho cơ thể họ dường như đã cận kề cái chết.

Đây có thể coi là thử thách khổ hạnh nhất, mà người ta thường gọi là “đám tang sống” trong cuộc hành trình. Cách duy nhất để có thể vượt qua là hoàn toàn tin tưởng vào Fudo-myo-o hiển linh phù trợ!

Năm thứ sáu, các Gyoja thực hiện những chuyến đi 60km mỗi ngày, trong 100 ngày liên tiếp. Năm thứ bảy cũng tương tự, nhưng quãng đường đi tăng lên thành 84km mỗi ngày.


Giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình vẫn là thử thách đi bộ 100 ngày liên tiếp, nhưng quãng đường được rút ngắn xuống còn 30-40km mỗi ngày, cho đến khi về tới đích.

Cho đến ngày nay, chỉ có 50 nhà sư đã hoàn thành trọn vẹn “Thử thách một ngàn ngày”, kể từ khi truyền thống này được bắt đầu vào năm 1585. Rất nhiều người thậm chí đã chết trong cuộc hành trình đi tìm giác ngộ.

Một khi đã bắt đầu chuyến đi, nhà sư sẽ không được phép dừng lại vì bất cứ lý do gì. Các Gyoja thực sự mang theo một sợi dây thừng và một con dao nhỏ, chỉ có những thứ đó mới giúp họ kết thúc cuộc hành trình khi chưa tới được cái đích đặt ra.

Nhưng khi một Gyoja hoàn tất “Thử thách một ngàn ngày”, ngay lập tức ông sẽ trở thành “Dai-ajari”, một vị Bồ tát sống.

Một trong những Dai-ajari nổi tiếng nhất là Yusai Sakai, vị thiền sư sinh năm 1926 và mới chỉ viên tịch vào năm 2013. Yusai Sakai thậm chí còn thực hiện thành công “Thử thách một ngàn ngày” đến hai lần trong cuộc đời mình.

Trước khi trở thành tu sỹ, Sakai từng là một phi công phục vụ quân đội Nhật trong Thế Chiến II. Chính những ám ảnh về chiến tranh đã khiến ông quyết định đi tu và sau đó trở thành một Gyoja. Câu chuyện cuộc đời của ông đã trở thành cảm hứng cho rất nhiều cuốn sách.

“Thông điệp tôi muốn truyền đạt là, hãy sống mỗi ngày như thể đó là toàn bộ cuộc đời của bạn. Nếu bạn bắt đầu một điều gì đó hôm nay, thì hãy hoàn thành nó hôm nay. Ngày mai là một thế giới khác. Hãy sống một cách tích cực!”, ông răn dạy.

Các nhà sư “thần hành” trên đỉnh núi Hiei được coi là những anh hùng vĩ đại ở Nhật Bản. Rất nhiều người xem họ như là nhà lãnh đạo tinh thần.

Chỉ có điều là đã mấy chục năm nay vẫn chưa có một Gyoja thế hệ mới nào dám dấn thân vào con đường thử thách, để tiếp bước những vị chân tu tiền bối. Hy vọng rằng một trong những truyền thống tôn giáo kỳ bí và ấn tượng nhất trên thế giới này, rồi sẽ không bị lãng quên!

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Giải mật vụ đối đầu “nảy lửa” Liên Xô - Mỹ năm 1988

Vào 26 năm trước, Hải quân Mỹ đã cho tàu chiến xâm nhập hải phận Liên Xô ở biển Đen và đã phải nhận bài học đắt giá.

Vào ngày 12/2/1988, Hải quân Mỹ đã có hành động khiêu khích Liên Xô khi đi vào biển Đen và xâm nhập hải phận Liên Xô. Cụ thể, tàu tuần dương Yorktown và tàu khu trục Caron của Mỹ đã nhằm hướng bờ biển tiến sát vào vùng lãnh hải của Liên Xô. Khi đó, tàu tuần dương Yorktown có 387 sĩ quan và thủy thủ tàu, có 2 máy bay lên thẳng và được trang bị ngư lôi…


Trước khi đến hải phận Liên Xô, hai tàu trên của Mỹ đã dừng lại khoảng 30 phút, cách hải phận Liên Xô khoảng 100m. Liên Xô đã gửi cảnh báo cho hai tàu của Mỹ phía trước là hải phận của Liên Xô. Tuy nhiên, phía Mỹ trả lời rằng: "Chúng tôi sẽ không đổi hướng vì không vi phạm gì cả".

Tuy nhiên, sau đó, hai tàu của Mỹ đã xâm nhập hải phận của Liên Xô. Khi đã tiến vào hải phận, 2 tàu nhỏ của Liên Xô là SKR-6 và Bezzavetny đã được điều ra để ngăn chặn tàu Mỹ. Lực lượng Liên Xô làm nhiệm vụ tại vùng biển đó đã báo cáo về trụ sở chính rằng "Tàu tuần dương Yorktown và tàu khu trục Caron của Mỹ đã tiến vào hải phận của Liên Xô 2 dặm".


Tàu tuần dương Yorktown của Hải quân Mỹ xâm nhập hải phận Liên Xô năm 1988 và đã phải nhận bài học thích đáng.

Khi đó, phía Liên Xô và Mỹ đã có cuộc trao đổi với nhau. Liên Xô đã gửi đi cảnh báo tàu Mỹ đã xâm nhập hải phận nước này và phải rời đi. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn kiên quyết cho rằng không vi phạm hải phận và ở lại vùng biển đó.Sau đó, Liên Xô lại phát hiện các máy bay trực thăng chiến đấu của Mỹ chuẩn bị cất cánh nên đã gửi một bức điện khác tới chỉ huy tàu chiến Mỹ với nội dung Liên Xô sẽ bắn hạ máy bay của Mỹ vì xâm phạm không phận nước này. Khi đó, phía Mỹ không phản hồi lại.


Trước tình hình đó, chỉ huy tàu Bezzavetny là Vladimir Bogdashin đã ra quyết định cho tàu chiến của hải quân Mỹ một bài học. Tàu Bezzavetnyy được giao nhiệm vụ tiếp cận tàu tuần dương Yorktown, trong khi tàu SKR-86 tiếp cận tàu khu trục Caron. Sau đó, chỉ huy Bogdashin ra lệnh cho hai tàu Bezzavetny và SKR-86 lần lượt đâm mạnh vào hai tàu quân sự của Mỹ. Với hành động đó, tàu Bezzavetnyy đã leo lên boong chiếc tuần dương hạm của Mỹ một vài giây, gây cháy bên trong tàu, khiến phương tiện này hư hại nặng. Trong khi đó, tàu Caron của Mỹ cũng bị ảnh hưởng nhẹ hơn sau khi bị tàu SKR-86 "dạy cho một bài học".


Cuối cùng, tàu tuần dương Yorktown và tàu khu trục Caron của Mỹ đã phải rời khỏi hải phận của Liên Xô. Sau đó, Bộ Chỉ huy Hải quân Mỹ ở Washington đã ra lệnh cho hai tàu chiến của Mỹ rời khỏi biển Đen, kết thúc cuộc xung đột với Liên Xô.

Lời nguyền khủng khiếp của viên kim cương Orlov

Viên kim cương Orlov nổi tiếng mang theo lời nguyền khủng khiếp, gây ra những vụ tự sát bí ẩn.

Viên kim cương Orlov còn được biết đến với tên gọi “Đôi mắt của Brahma”, nặng tới 67,5 carat. Nó từng thuộc sở hữu của Catherine Đại đế.

Ban đầu, viên kim cương trên có trọng lượng 400 carat nhưng giảm xuống còn 189,62 carat sau khi được cắt bớt. Cuối cùng, nó chỉ còn 67,5 carat.


Viên kim cương Orlov được cho là mang theo lời nguyền khủng khiếp khi các chủ nhân đều tự sát.
Theo một số nguồn tin, Bá tước Grigory Orlov đã mua viên đá quý tại Amsterdam từ một thương gia Armenia (hoặc Ba Tư) để tặng cho Hoàng hậu Nga Catherine II vào ngày sinh nhật của bà.

Sau đó, Catherine Đại đế đã tặng cho Bá tước Grigory Orlov một cung điện tại St Petersburg. Đến cuối đời, bá tước Orlov chết trong sự cô độc và bị mất trí.

Tuy nhiên, một số người khác lại tin rằng, chính Catherine Đại đế đã mua viên kim cương Orlov bằng ngân sách quốc gia. Để tránh bị mọi người chỉ trích, vị hoàng hậu quyền lực của nước Nga đã dựng lên câu chuyện về Bá bước Grigory Orlov và đặt tên cho viên đá quý là Orlov.

Viên kim cương được tìm thấy tại một khu khai thác ở Ấn Độ vào đầu thế kỷ 19. Theo một số truyền thuyết, một tên trộm đã lấy cắp viên kim cương trên từ mắt của bức tượng thần Hindu. Kể từ đó, viên kim cương này bị vị thần Hindu buông lời nguyền khủng khiếp, khiến những chủ nhân sở hữu viên đá quý lần lượt gặp tai ương.

Truyền thuyết kể rằng, 3 người từng là chủ sở hữu viên kim cương Orlov đã tự tử.

Năm 1932, "Con mắt của Brahma" được một thương gia châu Âu tên là J.W. Paris mang đến Mỹ rồi đem bán.
Không lâu sau đó, tai họa ập đến với thương nhân đến từ châu Âu trên. Ngày 7/4/1932, người ta nhìn thấy ông J.W. Paris trèo lên nóc một tòa nhà chọc trời ở Mahattan rồi nhảy xuống tự sát, kết liễu cuộc đời.
Trước đó, công chúa Nga Nadia Vygin - Orlov đã sở hữu viên kim cương đen Orlov. Công chúa này cũng qua đời tại một tòa nhà ở Rome. Người ta cho rằng, công chúa Nadia đã tự sát.