Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Bí ẩn đời tư của bá tước khát máu Dracula

Bá tước ma cà rồng Dracula được lấy từ nguyên mẫu đời thực dựa trên câu chuyện của Hoàng thân Vlad III xứ Wallachia.

Vlad III sinh năm 1431 tại Transylvania - khu vực vùng núi hiện nay là lãnh thổ của Romania. Vlad Tepes III còn được biết đến với tên gọi Vlad Impaler (Vlad Tepes), là con trai của lãnh chúa Vlad II Basarab - một vị tướng oai hùng của Romania. Ông đã lãnh đạo quân Romania chống lại sự xâm lược của quân Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm. 

Với những chiến công hiển hách trên chiến trường, hoàng đế Romania đã ban tặng cho Vlad II Basarab danh hiệu Dracul nghĩa là “đứa con của rồng”. Do đó, sau khi Vlad Tepes III lên nắm quyền, người dân trong vùng thường gọi ông là Dracula, nghĩa là con trai của Dracul.



Bức chân dung vẽ Hoàng thân Vlad III xứ Wallachia hồi đầu thế kỷ 16, được treo trong bảo tàng ở Lâu đài Ambras.

Nằm giữa vùng đất Kitô giáo châu Âu và vùng đất Hồi giáo của Đế quốc Ottoman, Transylvania và Wallachia thường xuyên là nơi diễn ra những trận chiến đẫm máu khi quân đội đế chế Ottoman cố gắng tiến vào vùng lãnh thổ châu Âu.

Khi Vlad II tham gia một cuộc họp ngoại giao năm 1442 với Sultan Murad II. Khi đó, Vlad II đã mang theo hai người con trai nhỏ là Vlad III và Radu. Tuy nhiên, cuộc họp trên thật ra là một cái bẫy: cả ba cha con bị bắt và giữ làm con tin. Vlad II chỉ được thả ra với điều kiện sẽ để hai con trai bé nhỏ ở lại làm con tin.

Trong những năm bị đế chế Ottoman giam cầm, Vlad và em trai được dạy về khoa học, triết học và nghệ thuật. Vlad cũng trở thành một chiến binh xuất sắc. Theo một số tài liệu, trong thời gian bị cầm tù, Vlad III có thể từng bị tra tấn cũng như phải chứng kiến cảnh tượng rùng rợn đế chế Ottoman đóng cọc xuyên người đối với kẻ thù của họ.


Bức tranh vẽ Hoàng thân Vlad III và các phái viên Thổ Nhĩ Kỳ của Theodor Aman (1831-1891). 

Sau khi được thả, Vlad II đã bị lãnh chúa địa phương hợp sức lật đổ sự cai trị của ông ở Wallachia. Chưa dừng lại ở đó, ông còn bị giết chết ở đầm lầy gần Balteni, Wallachia năm 1447. Bi kịch tiếp tục ập đến Vlad III khi anh trai của ông là Mircea bị tra tấn dẫn đến mù lòa rồi bị chôn sống.

Sau khi gia đình bị giết hại, Vlad III được đế chế Ottoman trả tự do. Kể từ đây, thời kỳ đẫm máu do vị hoàng thân này gây ra chính thức bắt đầu.

Năm 1453, thành phố Constantinople rơi vào tay đế chế Ottoman, đe dọa tất cả lãnh thổ châu Âu bị cuốn vào một cuộc xâm lược lớn. Chính vì vậy, Vlad III đã dẫn đầu một lực lượng để bảo vệ Wallachia. Năm 1456, trận chiến bảo vệ quê hương của Vlad III giành thắng lợi. Một số tài liệu kể rằng, Vlad III đã chặt đầu kẻ thù của mình là Vladislav II trong trận đấu 1 chọi 1.


Cảnh tượng hãi hùng Hoàng thân Vlad III xứ Wallachia thoải mái ăn uống khi ra lệnh cho người dưới đóng cọc xuyên người vô số người vô tội trước mặt mình.

Sau đó, Vlad III trở thành người cai trị xứ Wallachia - vùng đất đang chìm trong chiến tranh triền miên và những cuộc xung đột của các lãnh chúa địa phương. Để củng cố quyền lực, Vlad III đã mời hàng trăm lãnh chúa đến một bữa tiệc. Biết quyền lực của mình sẽ được thử thách. Tại đây, ông đã đâm chết cũng như đóng cọc xuyên người toàn bộ các lãnh chúa để trả thù cho người cha quá cố.

Vlad III được cho là đã giết hại khoảng 80.000 người dân bằng những cách thức khác nhau. Trong đó, ông đã đóng cọc xuyên người khoảng 20.000 người ở bên ngoài thành phố Targoviste. Sau khi chứng kiến cảnh tượng rùng rợn đó, đế chế Ottoman do Sultan Mehmed II lãnh đạo đã run sợ, chùn bước và từ bỏ cuộc xâm lược.

Đến năm 1476, trong khi hành quân tham gia trận chiến với Đế quốc Ottoman, Vlad III và đội quân tiên phong của ông bị phục kích. Do ở thế yếu thế hơn, bá tước Vlad III đã bị giết và chặt đầu. Sau đó, đầu của bá tước khát máu này được đưa đến Mehmed II ở Constantinople như một chiến lợi phẩm và treo trước cổng thành để người dân tận mắt chứng kiến.

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Vụ cướp 14 tấn vàng chấn động lịch sử những năm 1800

Vào giữa những năm 1800, lợi dụng sự tin tưởng của các linh mục, 4 người đàn ông đã "cuỗm" 14 tấn vàng.

Vào giữa những năm 1800, 4 binh lính đến từ Peru đã phát hiện số tài sản khổng lồ của Nhà thờ Pisco và lên kế hoạch đánh lừa các linh mục của nhà thờ để cướp số vàng bạc, châu báu quý giá.


Bốn binh sĩ trên lần lượt là Luke Barrett, Arthur Brown, Jack Killorain và Diego Alvarez. Họ đều được Nhà thờ Pisco tin tưởng và giao trọng trách quản lý, bảo vệ kho báu. Lợi dụng sự tin tưởng của Nhà thờ Pisco, 4 người lính Peru đã cướp hơn 14 tấn vàng cùng nhiều vật giá trị và bỏ trốn trên một chiếc thuyền sau khi giết hại các linh mục.

Trên đường chạy trốn sang Australia, chúng lạc đường nên đành phải bỏ lại chiến lợi phẩm trên một hòn đảo. Những tên cướp đã vẽ bản đồ ghi lại vị trí cất giấu kho báu với hy vọng một ngày nào đó sẽ quay trở lại lấy kho báu.


4 người lính đã lấy trộm 14 tấn vàng của nhà thờ Pisco hồi giữa những năm 1800.

Tuy nhiên, thật không may là trước khi thực hiện việc quay lại lấy kho báu,quân đội Peru phát hiện tung tích của 4 tên cướp. Điều này khiến 2 trong số 4 tên lính trên thiệt mạng. Hai người còn lại bị bắt giữ. Cuối cùng, Killorain là người duy nhất sống sót sau khi ngồi bóc lịch trong tù.
Trước khi qua đời, Killorain đã tiết lộ bí mật về vụ cướp kho báu ở Nhà thờ Pisco và nơi cất giấu kho báu với một người tên Charles Howe. Sau đó, Howe đã tìm thấy số kho báu trên nhưng không có khả năng mang số của cải giá trị đó đi. Vì vậy, Howe đã rời đi và hy vọng sẽ sớm quay trở lại lấy kho báu sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc vận chuyển số tài sản đó.

Khi quay trở về, Howe kể lại mọi chuyện với George Hamilton và tiết lộ vị trí kho báu. Tuy nhiên, Hamilton không bao giờ tìm thấy kho báu chứa 14 tấn vàng mà 4 người lính Peru đã giấu do ông không hiểu được tấm bản đồ chỉ dẫn đến kho tàng giá trị trên.

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Những giai thoại kỳ lạ về thế giới dưới lòng đất

Một số người tin rằng, quân đội Hitler đã xây dựng một căn cứ ngầm dưới lòng đất. Thậm chí, Hitler vẫn sống ở thế giới dưới lòng đất.

Thế giới ngầm của Đức quốc xã




Các chuyên gia phát hiện những tấm bản đồ có từ thời Chiến tranh thế giới 2 hé lộ về một cuộc thám hiểm của Đức quốc xã đến trung tâm trái đất tại khu vực Nam Cực. 

Theo một số tài liệu, tàu ngầm U-boat của quân đội Hitler đã thực hiện chuyến đi trên và mang theo kế hoạch xây dựng căn cứ trong lòng Trái đất. Chính vì vậy, một số người hoài nghi rằng, hiện một số thành viên của Đức quốc xã, thậm chí là cả Hitler vẫn sống dưới lòng đất.


Người khổng lồ Agartha



Một giả thuyết khác về sự sống ở thế giới trong lòng đất đó là truyền thuyết về người khổng lồ Agartha. Những người tin vào truyền thuyết trên cho rằng thực sự tồn tại một thế giới của người khổng lồ và những thành phố hang động ở bên dưới bề mặt Trái đất. 

Nhà văn Willis George Emerson đã viết về thế giới bí ẩn trên trong cuốn tiểu thuyết "The Smoky God". Trong đó, ông miêu tả những người khổng lồ Agartha cao khoảng 3,6m và sống ở tâm trái đất. Để đến thế giới của người Agartha, con người phải đi qua hang động Mammoth ở Kentucky, Mỹ, khu vực Mato Grosso ở Brazil hoặc các hang động, đường nứt vỏ trái đất nằm rải rác trên địa cầu.
Mỹ phát hiện ra thế giới trong lòng đất có liên quan đến người ngoài hành tinh




Bên cạnh giả thuyết Đức quốc xã tìm thấy thế giới bí ẩn trong lòng đất ở Nam Cực, thế giới cũng từng lan truyền câu chuyện ly kỳ về việc người Mỹ phát hiện ra thế giới ngầm tại Bắc Cực. 

Những người ủng hộ giả thuyết này cho hay, Phó đô đốc Mỹ Richard Byrd từng tìm thấy lối vào một nền văn minh của người ngoài hành tinh thông qua một vết nứt lớn ở Bắc Cực. Khi gặp Byrd, người ngoài hành tinh thậm chí nói rằng họ sẽ giúp con người có nguồn thực phẩm vô hạn khi nhân loại bị diệt vong.

Người Mỹ bản địa từng sống dưới lòng đất



Chưa dừng lại ở đó, một số bộ lạc bản địa ở châu Mỹ như Oneida, Wichita, Creek cho hay, tổ tiên của họ từng là thành viên của bộ tộc sống trong lòng Trái đất. Tổ tiên xa xưa của những bộ lạc trên từng sống trong các hang sâu hun hút, vách núi cheo leo hoặc vết nứt của vỏ Trái đất. 

Tuy nhiên, khi được hỏi về lý do tại sao các bộ lạc bản địa trên chuyển lên mặt đất sống, mỗi bộ lạc đều có một cách giải thích khác nhau.

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Tiết lộ sốc về ngoại hình thật của vua Tutankhamun

Theo các nhà nghiên cứu ở Anh, pharaoh Tutankhamun có răng hô, chân khoèo, hông to và phải sử dụng gậy để đi lại trong suốt thời gian cầm quyền.

Mới đây, các chuyên gia công tác tại trường Cao đẳng Imperial London tại Anh đã mô phỏng khắc họa chân dung của pharaoh huyền thoại Tutankhamun.


Theo đó, dáng vẻ thực sự của pharaoh Tutankhamun không "long lanh" giống như mọi người vẫn tưởng. Thay vì là vị vua trẻ có vẻ ngoài tuấn tú, có niềm đam mê lớn đối với đua ngựa, pharaoh Tutankhamun đã phải chống gậy để đi lại trong suốt thời gian cai trị vào thế kỷ 14 trước công nguyên.

Để đưa ra được kết luận này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khám nghiệm hài cốt của vị vua huyền thoại song song với việc phân tích những mã di truyền của gia đình vua Tutankhamun, cụ thể là cha mẹ của ông chính là anh chị em.

Các nhà khoa học tin rằng, sự khuyết tật về thể chất của pharaoh Tutankhamun có liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố. Điều đó đã khiến cho bàn chân của vua Tutankhamun bị biến dạng và ông phải sử dụng gậy chống để đi lại.


Các nhà nghiên cứu Anh mới tiết lộ vua Tutankhamun có răng hô, chân khoèo, hông to và phải chống gậy để di chuyển. 

Một vài giả thuyết khác về vị vua huyền thoại trên đã được đưa ra cho thấy, vua Tutankhamun đã bị ám sát hoặc qua đời do tai nạn xe ngựa. Điều này được chỉ ra khi một vài nhà nghiên cứu tìm thấy những mảnh xương bị gãy và chấn thương hộp sọ.


Tuy nhiên, hiện các chuyên gia đã khẳng định vua Tutankhamun qua đời vì một căn bệnh di truyền chứ không phải mất do tai nạn đua ngựa. Bởi lẽ, với dáng vẻ bề ngoài như trên, pharaoh Tutankhamun khó có thể tham gia môn đua ngựa. Tiết lộ mới về pharaoh Tutankhamun được giới thiệu trong bộ phim tài liệu của BBC có tên "One documentary Tutankhamun: The Truth Uncovered".

Giảng viên phẫu thuật Hutan Ashrafian thuộc trường Cao đẳng Imperial London tại Anh cho biết: "Một số thành viên khác trong gia đình của vua Tutankhamun cũng đã mắc một số bệnh liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố. Rất nhiều người trong gia đình vị vua huyền thoại trên đều chết trẻ".


Nhà nghiên cứu chẩn đoán hình ảnh Ai Cập Ashraf Selim chia sẻ: "Kết quả của bản khám nghiệm hài cốt chỉ ra, các ngón chân của vua Tut bị biến dạng và điều này khiến vị vua trẻ đi khập khiễng. Các chuyên gia chỉ tìm thấy một vết nứt ở đầu gối - tai nạn mà vua Tutankhamun gặp phải trước khi qua đời. Thêm vào đó,nhiều chuyên gia còn củng cố lập luận này khi phát hiện ra khoảng 130 chiếc gậy chống đi bộ trong ngôi mộ của vua Tutankhamun".

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

9 sai lầm khó tin trong chiến tranh (1)

Một phi công Mỹ dẫn đồng đội hạ cánh xuống lãnh thổ của đối phương vì tính toán sai thời tiết... là sai lầm khó tin thời chiến.

Chuốc họa vì đánh giá thấp đối thủ


Chiến dịch Gallipoli, hay Trận Gallipoli, kéo dài từ tháng 4 tới tháng 12 năm 1915, do liên minh Anh - Pháp phát động nhằm chiếm thủ đô của Đế chế Ottoman là Constantinopolis (nay là Istanbul). Là chiến dịch đổ bộ lớn nhất và tham vọng nhất trong Thế chiến thứ nhất, cuộc tấn công thất bại với thiệt hại nặng nề cho cả hai phía. Với lực lượng Đồng minh, thảm kịch đã bắt đầu từ vài tháng trước khi chiến dịch diễn ra.

Một trận đánh trong chiến dịch Gallipoli. Ảnh: gallipoliexperience.com.

Thứ nhất, các kịch bản chiến tranh mà Anh và Pháp soạn thảo đều đề cập tới việc đổ bộ lê neo biển Dardanelles (ở phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Để thực hiện cuộc đổ bộ, binh sĩ phải tập luyện kỹ và sử dụng những khí tài hiện đại nhất thời bấy giờ. Thế nhưng giới lãnh đạo quân sự Anh lại muốn điều động những tàu chiến cũ tham gia chiến dịch. Chúng chẳng những có trục trặc kỹ thuật, mà nhiều vũ khí chúng mang theo không hoạt động. Ngoài ra các kế hoạch chiến tranh cũng cho rằng chiến dịch phải diễn ra trước khi quân Ottoman chuẩn bị. Người Hy Lạp liên tục nhắc nhở người Anh rằng London không nên quá tự tin. Theo phía Hy Lạp, quân liên minh cần khoảng 150.000 người để đổ bộ thành công. Thế nhưng các nhà hoạch định chiến tranh của Anh phớt lờ những lời nhắc nhở từ Hy Lạp. Họ tin rằng họ chỉ cần khoảng 75.000 người. Mặc dù người Anh có nhiều bản đồ về eo biển Dardanelles, nhưng họ lại không bức không ảnh nào. Thậm chí một tướng Anh bình luận rằng lính Ottoman sẽ chạy ngay sau khi binh sĩ Đồng minh đặt chân lên lãnh thổ Ottoman nên quân Đồng minh chẳng cần máy bay. Tất nhiên, vị tướng đó đã nhận định sai lầm và lực lượng Đồng minh hứng chịu thất bại thảm hại trước người Thổ.

Sai lầm khó hiểu của quân đội Pakistan

Vào năm 1965, những thành phần hiếu chiến trong chính phủ Pakistan và quân đội tin rằng Ấn Độ không còn khả năng bảo vệ vùng Jammu và Kashmir. Pakistan cũng hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ ủng hộ họ, bởi Mỹ từng bán cho họ những khí tài hiện đại nhất, còn Trung Quốc cũng từng giao chiến với Ấn Độ ở biên giới vào năm 1962, The Guardian đưa tin. Giới lãnh đạo quân sự soạn thảo Chiến dịch Gibraltar để điều động vài nghìn binh sĩ ở phía tây Pakistan xâm nhập vào vùng Kashmir. Nhiệm vụ của họ là gây bất ổn định và xúi giục người dân chống Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ ước tính gần 30.000 người tham gia chiến dịch Gibraltar, trong khi Pakistan khẳng định con số đó chỉ là 7.000.

Những ngôi nhà thuộc khu vực Kashmir. Ảnh: blogspot.com. 


Vào tháng 8/1965, chiến dịch Gibraltar diễn ra. Dường như mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch cho tới khi mọi người nhận ra rằng giới chức Pakistan chưa hề liên lạc với người dân ở Kashmir. Thậm chí họ còn không cho giới lãnh đạo địa phương biết cách thức mà chiến dịch sẽ diễn ra. Vì thế người dân không nổi dậy để chống chính quyền Ấn Độ. Ngược lại, người dân địa phương còn coi binh sĩ Pakistan là những kẻ xâm nhập nên họ hợp tác với cơ quan tình báo Ấn Độ để xua đuổi. Ấn Độ công bố cuộc tấn công và kế hoạch chiến tranh của Pakistan trên các phương tiện truyền thông. Mặc dù biết rằng Chiến dịch Gibraltar đã thất bại, yếu tố bất ngờ không còn và các cường quốc bên ngoài cũng không ủng hộ, Pakistan vẫn quyết định phát động cuộc tấn công toàn diện vào Kashmir. Chiến dịch của họ rơi vào thế bế tắc và Liên Hiệp Quốc đã dàn xếp để hai nước ký hiệp định ngừng bắn vào ngày 22/9/1965.

Phi đội Mỹ đáp xuống lãnh thổ đối phương

Vào ngày 10/7/1918, thiếu tá Harry Brown – sĩ quan thuộc phi đội số 96 của Không quân Mỹ - biết rằng các thành viên của phi đội rất muốn chiến đấu. Mặc dù các phi cơ của họ chưa nhận nhiên liệu và vũ khí, Brown vẫn quyết định thực hiện một vụ ném bom khi mây trở nên thưa thớt trên bầu trời vào lúc chiều muộn. Anh ta dẫn đầu 6 phi cơ bay lên bầu trời.


Một phi đội máy bay chiến đấu trong Thế chiến thứ nhất. Ảnh: History.


Nhưng một lát sau mây lại giăng kín bầu trời nên các phi công không thể nhìn thấy mặt đất. Gió bắt đầu thổi mạnh khiến các máy bay chệch khỏi lộ trình. Brown thông báo với đồng đội rằng họ đã mất phương hướng. Do nhóm phi công không mang theo dù, họ chẳng còn cách nào khác ngoài việc đáp xuống. Khi tiếp đất, họ bàng hoàng khi nhận ra nơi họ đáp xuống là Koblenz, Đức. Ngay lập tức binh sĩ Đức xuất hiện và bắt họ.

Một lát sau, máy bay Đức thả thông điệp xuống một sân bay của phe Đồng minh với nội dung mang tính chế giễu: “Chúng tôi cảm ơn các máy bay và thiết bị của các ngài, nhưng chúng tôi sẽ làm gì với ngài thiếu tá?”. Tướng Billy Mitchel, “cha đẻ” của lực lượng Không quân Mỹ, viết trong nhật ký như sau: “Đây là một trong những màn trình diễn vô ích nhất mà chúng tôi từng gặp trên chiến trường. Dĩ nhiên, chúng tôi không hồi đáp về viên thiếu tá. Anh ta nên ở cùng người Đức, chứ không nên về với chúng tôi”.

Tiết lộ sốc về xác tàu “ăn thịt người” tại Bắc Cực

Sau 168 năm mất tích, tàu HMS Erebus bị mắc kẹt năm 1846 được phát hiện với dấu hiệu một số thủy thủ phải ăn thịt người để tồn tại.

Tàu HMS Erebus do thuyền trưởng John Franklin dẫn đầu thám hiểm Bắc Cực và mắc kẹt năm 1846. Sau 168 năm mất tích, con tàu được phát hiện với dấu hiệu một số thủy thủ phải ăn thịt người để tồn tại.

Giữa thế kỷ 19, những bộ xương người đầu tiên được phát hiện tại vùng biển Bắc Cực thuộc Canada, nghi là thủy thủ đoàn trên con tàu xấu số HMS Erebus. 2 bộ xương đầu tiên được tìm thấy trên bờ biển đảo King William năm 1859, thuộc về 2 người đàn ông chết ngồi từ lâu. Mười năm sau, một bộ xương khác cũng được tìm thấy trên bãi biển này.

Đến năm 1879, người ta phát hiện thêm 6 bộ xương trắng và chúng lần lượt xuất hiện thêm vào các năm 1932, 1987 và 1992, tất cả đều không được chôn cất. Một số bộ hài cốt còn có vết răng của những loài động vật gặm nhấm. Đáng sợ hơn, một vài bộ xương có dấu hiệu của các vết lóc thịt, chủ yếu trên cổ tay.

Tàu HMS Erebus mất tích năm 1846 tại Bắc Cực. Ảnh: Wikipedia.

Một nhóm nghiên cứu của Canada khẳng định đây chính là các thành viên thủy thủ đoàn trên con tàu HMS Erebus do thuyền trưởng John Franklin dẫn đầu, bị mắc kẹt trong băng gần đảo King Wiliam cách thành phố Toronto – Canada khoảng 1.200 hải lý về phía Tây Bắc vào năm 1846 kéo theo cái chết của 129 người đàn ông.

Tháng 9/2014, các nhà thám hiểm phát hiện một xác tàu ở khu vực trên và hôm 2/10, Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Canada xác nhận xác tàu chính là HMS Erebus.

Ông John Geiger, thành viên nhóm nghiên cứu, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Canada, cho biết: “Con tàu ở trong tình trạng đáng kinh ngạc. Như thể chúng tôi đang ở trên mặt trăng vậy”.

Một con tàu khác song hành với tàu Erebus là HMS Terror hiện vẫn chưa được tìm thấy. Cả hai con tàu đều biến mất trong cuộc thám hiểm “hành lang Tây Bắc”, chỉ con đường biển nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương qua ngõ Bắc Cực.

Hình ảnh siêu âm chụp tàu HMS Erebus dưới đáy biển. Ảnh: AP. 



Ảnh: Canadian Press. 

Theo một bản ghi được tìm thấy trên một ụ đá, sau 2 năm kẹt ở Bắc Cực, thủy thủ đoàn giảm từ 129 xuống còn 105 người, trong đó cả thuyền trưởng Franklin cũng thiệt mạng. Những người còn lại rời bỏ con tàu vì hết thực phẩm dự trữ, lang thang trên băng và khiến cái chết đến với họ càng mau chóng hơn.

Theo thông tin của nhóm dân tộc bản địa Inuit từ thế kỷ 19 được lưu trữ, các thành viên thủy thủ đoàn người chết vì bệnh tật, người qua đời vì ngộ độc chì gây ra bởi thức ăn đóng hộp. Còn một nguyên nhân nữa chưa được xác minh, đó là thủy thủ đoàn phải ăn thịt lẫn nhau để tồn tại chờ cứu hộ. Bằng chứng là các vết cắt trên xương, đặc biệt ở phần cổ tay, được tìm thấy trên nhiều bộ hài cốt.

Một nhà nghiên cứu xem xét xác tàu HMS Erebus. Ảnh: Parks Canada.


Thêm một bí ẩn nữa: Thi thể thuyền trưởng Franklin không được tìm thấy. Có ý kiến suy đoán ông có thể được chôn cất trên bờ, bị chôn vùi dưới đáy biển hoặc cũng có khi vẫn còn nằm lại trên tàu.

Việc xác định xác tàu HMS Erebus có thể sẽ trả lời được nhiều bí ẩn xoay quanh thời đại ăn thịt người Victoria.

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Giai thoại về những cao thủ luyện thành nội công thượng thừa

Trong các câu chuyện về võ thuật, có lẽ không có gì hấp dẫn và cũng gây tranh cãi nhiều như chuyện về khí công, nội công.

Trong giới võ thuật luôn truyền tụng câu: “Luyện quyền chẳng luyện công, về già cũng như không”. Đại khái thì câu này có nghĩa là người luyện võ mà không luyện nội công thì đến già cũng không còn gì, không hơn gì người không luyện.

Câu chuyện về nội công luôn là một chủ đề gây hứng thú và tranh cãi trong giới luyện võ. Bởi lẽ môn nào phái nào cũng có những bài bản nhất định để rèn tập nội công. Tuy vậy, sự giống nhau là ở bất kỳ môn nào, đồ đệ chỉ được rèn luyện nội công khi đã luyện tập đến một trình độ nhất định. Đó là chưa kể dù có được luyện tập cũng chưa chắc đã thành tựu được. Chính bởi vậy mà các cuộc tranh luận về nội công thường rất sôi nổi thậm chí không có hồi kết.



Võ sư Hàng Thanh biểu diễn nội công để cho xe cán qua lưng qua bụng mà không cần ván gỗ lót bên trên. Ảnh in trên bìa cuốn sách "Tự luyện nội công Thiếu lâm Sơn Đông" của võ sư Hàng Thanh, xuất bản năm 1974.

Nguyên do của nó, như võ sư Hàng Thanh từng viết trong cuốn “Tự luyện nội công Thiếu lâm tự” là: “ Nhiều bậc sư phụ tân thời đã bày vẽ cho môn đồ của họ những nguyên tắc luyện nội công một cách quá đơn giản, để rồi những môn đồ yêu quý có gia công hàng nhiều năm tháng cũng chẳng đến đâu. Cũng theo chiều hướng nhằm giản dị hóa những bài giảng về phép tu luyện nội công, nhiều tác giả chỉ trình bày sơ lược vài phép tập luyện đơn sơ, rồi những người tự luyện tưởng chừng như mình lãnh hội được chân truyền… mà thật ra mọi người đã hàm hồ không ai nắm được yếu quyết về cách tu luyện… Con số quá lớn những người không thành tựu công phu lần lần đi vào đường mất tin tưởng những bí quyết”.

Vì nội công là võ học thượng thừa mà đến nay phần nhiều vẫn còn được truyền thụ theo dạng “khẩu truyền tâm ấn”, chỉ người dạy và người học ấn chứng được. Bởi thế ở đây chúng tôi không dám mạn đàm mà chỉ xin nêu ra một vài câu chuyện, sự tích về các khả năng của những bậc danh sư võ học được cho là thành tựu về nội công.

Âm kình đánh chết thú dữ


Theo Phương Thái Không đại sư viết trong cuốn “Tự luyện Thiết sa chưởng”: Vào năm Dân quốc thứ 17 (1929), một danh sư võ học tên Cố Mi Chương, một hôm dạo chơi xứ Quảng Đông gặp một lực sĩ người Nga to lớn đang bày trò mãi võ tại đất Quảng với một con ngựa.

Người Nga đại lực sĩ rất tự đắc dẫn con thần mã giới thiệu với quần chúng đây là con thựa thần rất hung dữ, không ai có thể hàng phục nó được mà chỉ có đại lực sĩ Nga là khống chế nó dễ dàng dù là ngay trong lúc nó nổi điên. Thật ra thì ngựa nào chủ nấy, hắn đã huấn luyện con ngựa dữ này theo ý mình. Con ngựa biết tránh né và phản kích với đối thủ của nó và luôn tỏ ra hung hăng ngoại trừ chủ nó.

Cho tới buổi trưa hôm đó tại đất Hồ Quảng đã có rất nhiều võ sư bị ngựa đá trọng thương. Cố Mi Chương mang mối bất bình vì tự ái quê hương nên đã vào đấu với con ngựa dữ.

Con ngựa quả tinh khôn và kiêu dũng đã quần thảo với Cố Mi Chương đến vài ba phút. Nhưng trong một thoáng nhanh như điện, vị võ sư đã phát vào lưng ngựa một chưởng làm nó hí lên một tiếng khủng khiếp rồi ngã khụy xuống đất. Chẳng bao lâu sau nó sùi bọt mép và chết hẳn.

Người Nga biết mình không địch lại vị võ sư này nên nhân lúc nhốn nháo đã thu gọn hành trang lẩn đi mất dạng.

Người ta xem xét xác ngựa thì bên ngoài chẳng thấy thương tích gì nhưng khi mổ phanh ra mới hay là gan ruột con ngựa đã bị nát bấy vì phát chưởng của Cố Mi Chương. Bấy giờ người ta mới biết vị võ sư đã dùng môn võ học âm kình thượng thừa để giết con ngựa, bảo vệ danh dự xứ Quảng. Trong trường hợp này, nếu dùng Dương kình đả thương ngựa thì bên ngoài tất có dấu vết dập bể mà bên trong xương cốt ngựa cũng bể nát. Xem thế mới biết âm kình rất đỗi lợi hại khó đo lường.

Những chứng nghiệm nội công ở Việt Nam


Cũng tài liệu nói trên có kể chuyện võ sư Hàng Thanh từng để mềm cánh tay mà 6, 7 người có sức lực cũng không bẻ gập lại được: “Một ví dụ là Giáo sư Hàng Thanh, đệ nhị đại đồ đệ của Thiện Tâm Thiền sư, hiện mang đẳng cấp đệ thất đẳng huyền đai, lúc gặp chân sư thì đã gần 30 tuổi, thế mà sau 6 năm tu tập môn khí công đã chứng nghiệm được kết quả đáng kinh ngạc: cánh tay của Giáo sư đưa ra mềm mại không dẫn lực thế mà 6, 7 người có trình độ vẫn không thể làm cho cánh tay gập lại. Chúng tôi đã được Giáo sư biểu diễn cho xem trong kỳ đại hội của Tổng hội Dịch Lý Việt Nam năm 1972”.

Một câu chuyện khác do võ sư Lý Băng Sơn kể đã được đăng lên báo. Đó là câu chuyện ông đến thử cố võ sư Trần Công. Nghe tiếng cụ Trần Công là người có nội công thâm hậu, có thể phóng khí chữa bệnh, võ sư Băng Sơn chủ tâm đến thử xem sao.

Vào một ngày, ông lấy côn tự đập vào tay trái mình cho bầm tím rồi đến nhờ cụ Trần Công chữa trị cho. Nhìn vết thương, cụ Trần Công cũng đoán được ý nên bảo: “Ông muốn ta phóng khí chữa vết thương phải không, được rồi, ông cứ ngồi nguyên đó, ta sẽ chữa cho”.

Sau khi vận khí, lão võ sư Trần Công đặt tay cách chỗ sưng của võ sư Băng Sơn khoảng 1 gang tay và bắt đầu phóng khí chữa bệnh. Chỉ sau 3 phút, võ sư Băng Sơn thấy tay mình không còn đau đớn nữa như thể chưa hề có cú đập. Ông hết sức kinh ngạc về điều đó.


Võ sư Trần Công. 


Ngoài ra, ở Việt Nam còn có một huyền thoại nội công nữa là cố võ sư Hà Châu với khả năng nằm cho xe lu gần 20 tấn cán qua. Với khả năng ấy, võ sư Hà Châu được xếp vào 1 trong 3 kỳ nhân võ thuật thế giới. Trong những năm của thập kỷ 70, võ sư Hà Châu đã nhiều lần biểu diễn khả năng đặc dị của mình ở miền Nam Việt Nam.

Những câu chuyện kể trên, nhất là các câu chuyện ở Việt Nam, thời gian không xa xôi gì và cũng còn cả ảnh, video hoặc các nhân chứng vẫn còn. Do vậy, có thể thấy là chuyện nội công hoàn toàn là một năng lực của con người chứ không phải chỉ có trong phim ảnh. Dĩ nhiên để luyện thành tựu nội công thì còn cả một quá trình gian khổ trần ai.

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Những hòn đảo bí ẩn đáng sợ nhất thế giới

Dù ẩn chứa nhiều câu chuyện bí ẩn đáng sợ nhưng đảo chết chóc, đảo tàu đắm hay đảo búp bê... đều thu hút được nhiều khách du lịch. 

Đảo búp bê (La Isla de las Munecas)


Đảo La Isla de las Munecas nằm trên kênh Xochimico, gần thành phố Mexico nổi tiếng là hòn đảo của những con búp bê rùng rợn nhất thế giới.


Đảo La Isla de las Munecas là hòn đảo của những con búp bê rùng rợn nhất thế giới.

Người khai sinh cho đảo búp bê là ông Don Julian, chủ sở hữu hòn đảo và cũng là người đi rao giảng “Lời của Chúa” trên đường phố Mexico.

Năm 1950, sau khi cô con gái nhỏ tuổi bị chết đuối tại một con kênh ở gần đảo, ông đã treo búp bê lên các cành cây nhằm xua đuổi ma quỷ.

Sau đó không lâu, chính Julian cũng chết đuối tại chính con kênh ấy. Kể từ đó, cậu con trai của ông đã duy trì việc treo búp bê.

Đảo rắn (Ilha de Queimada Grande)

Người ta ước tính có khoảng 2.000 - 5.000 con rắn sống trên đảo Ilha de Queimada Grande, trong đó loài rắn độc nhất thế giới Golden Lancehead Viper (rắn hổ lục đầu vàng) cũng có mặt.

Nọc độc loài rắn hổ lục đầu vàng có khả năng làm tan xác thịt con người.

Nọc độc của chúng có khả năng làm tan xác thịt con người. Hải quân Brazil đã ra lệnh cấm tuyệt đối, trừ các nhà khoa học, không ai được phép đặt chân đến đảo để đảm bảo an toàn.

Hòn đảo chết chóc Isola La Gaiola

Đảo Gaiola (tên tiếng Ý: Isola La Gaiola) nằm ở ngoài khơi thành phố Naples (Italia) bao gồm 2 hòn đảo nhỏ nối với nhau bằng một cây cầu ngắn và hẹp.

Hòn đảo chết chóc Isola La Gaiola.

Vốn nổi tiếng với cảnh sắc tuyệt đẹp nhưng Gaiola lại biến thành nỗi ám ảnh của nhiều người sau những cái chết bí ẩn của chủ sở hữu hòn đảo.

Theo người dân kể lại, lời nguyền bắt đầu từ những năm 1920. Chủ sở hữu hòn đảo khi đó là ông Hans Braun được tìm thấy đã chết, thi thể ông bọc trong một tấm thảm. Vài tháng sau, vợ ông cũng chết đuối ngoài biển.

Người chủ tiếp theo là ông Otto Grunback (Đức) qua đời vì một cơn đau tim trong ngôi biệt thự riêng.

Lời nguyền chết chóc của hòn đảo tiếp tục ám lên những chủ nhân sau đó, như doanh nhân dược phẩm Maurice-Yves Sandoz, ông trùm thép người Đức Baron Karl Paul Langheim...

Sau nhiều cái chết “bất đắc kỳ tử”, hòn đảo bị bỏ hoang và không một ai dám bén mảng tới ngoại trừ các nhà thám hiểm.

Đảo tàu đắm và ngựa hoang (Đảo Sable)

Hòn đảo nằm cách bờ biển Nova Scotia hơn 160km được mệnh danh là “Nghĩa địa của Đại Tây Dương”.

Mặc dù chỉ có kích thước 42km x 1,5km nhưng đảo Sable lại có tới 475 xác tàu đắm.


Mặc dù chỉ có kích thước 42km x 1,5km nhưng nơi đây lại có tới 475 xác tàu đắm. Sable cũng là địa bàn của hơn 400 con ngựa hoang sống sót từ những vụ đắm tàu.

Trên đảo không hề có cây cối, chỉ có tảo biển và nước mưa là nguồn lương thực chính của lũ ngựa.

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Những vũ khí đáng sợ nhất trong Chiến tranh thế giới I

Chúng là những thứ vũ khí khủng khiếp, có tính sát thương cao nhất trong Chiến tranh thế giới thứ I.
Có thể nói, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, chiến tranh ngày nay đã khác xa chiến tranh thông thường trước kia. Chiến tranh hiện đại là cuộc chiến cơ giới hóa, điện tử, mạng… - những hình thức chiến tranh mà hành động của con người có vai trò ít quan trọng nhất. Điều đó hoàn toàn trái ngược trong cách thức tiến hành và diễn biến của Chiến tranh thế giới thứ I năm 1914. Những người châu Âu đã mộng mị bước vào cuộc chiến với những đoàn kỵ binh và bộ binh được trang bị những lưỡi lê gắn trên nòng súng. Họ đã phải thức tỉnh khi đương đầu với súng máy, tàu ngầm, xe tăng và máy bay của Đức. Chúng là những thứ vũ khí khủng khiếp, có tính sát thương cao nhất trong Chiến tranh thế giới thứ I. Dưới đây là một số loại vũ khí đó:

Súng máy MG 08

Súng máy từng có vai trò rất quan trọng trong việc chống lại các lực lượng nổi dậy ở châu Âu, và những binh lính ở lục địa này tỏ ra vô cùng phấn kích khi có được loại vũ khí mạnh mẽ đó. Nhưng niềm vui, sự phấn khích đó nhanh chóng tan biến khi những khẩu súng máy này được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ I.

Súng máy MG 08. 

Hình ảnh đáng nhớ nhất trong cuộc chiến này có lẽ là sự xuất hiện của súng máy, đặc biệt là súng của Đức. Đức đã trang bị rất nhiều súng máy cho binh lính của mình, số lượng luôn vượt trội so với đối phương. Trong Chiến tranh thế giới I thì súng máy của Đức thường chiếm ưu thế hơn so với đối thủ.

MG 08 là súng máy tiêu chuẩn của Đức. Một phiên bản của súng liên thanh Hiram được thiết kế từ năm 1894, nó là một vũ khí cồng kềnh theo tiêu chuẩn hiện đại. Phiên bản đầu tiên nặng khoảng 27kg cộng thêm 45kg giá đỡ và phụ tùng đi kèm. Kể cả khi sau này được đặt trên một cái giá tiện dụng hơn thì nó cũng không phải là một loại vũ khí cơ động.

Tuy nhiên, nó có khả năng bắn 500 phát/phút, có thể ngăn chặn những cuộc tấn công ồ ạt của quân đồng minh. Loại này vẫn được sử dụng trong quân đội Trung Quốc và Triều Tiên đến năm 1964.

Xe tăng Mark V

Bất kỳ một loại vũ khí nào đều có đối thủ chống lại nó. Đối thủ của súng máy là xe tăng. Súng máy có thể trụ vững trong một khoảng thời gian trước những cuộc pháo kích của đối phương, nhưng việc thay đổi cục diện trên chiến trường là rất khó khăn. Nhưng một chiếc xe bánh xích được bọc thép tốt là đủ để chống lại hỏa lực của súng máy và có thể xuyên qua hàng rào dây thép gai, mở cửa mở, tạo điều kiện cho những đợt tấn công của bộ binh xuyên qua vùng giới tuyến mà không gặp phải sự chống trả hiệu quả nào.

Xe tăng Mark V. 


Loại xe tăng Mark V là loại xe tăng nặng nhất của Anh quốc trong Chiến tranh thế giới thứ I, 29 tấn. Mark V dài và rộng thích hợp cho việc vượt qua các hầm, hào. Nó được bọc một lớp giáp có độ dày 1,27 cm có tác dụng chống đạn súng trường và được trang bị một khẩu pháo 57mm có khả năng tiêu diệt ụ súng máy và công sự bê tông ngầm.

Những xe tăng đầu tiên loại này rất nóng, độ ồn cao và không đáng tin cậy. Ngồi trong xe tăng loại này rất nóng và rất dễ bị hỏa lực pháo binh của Đức tiêu diệt. Tuy nhiên, nó có đủ sức mạnh để chấm dứt sự bế tắc trên những chiến hào đẫm máu trong Chiến tranh thế giới thứ I.

Tàu ngầm Type 93

Tàu ngầm là một loại vũ khí đáng sợ nữa trong Chiến tranh thế giới thứ I, nó đánh dấu sự ra đời của một hình thức tác chiến dưới nước và chiến tranh cơ giới hóa. Một phiên bản tàu ngầm đầy uy lực của Đức là Type 93.

Tàu ngầm Type U-boat.

Loại tàu ngầm này có tốc độ không cao, ở dưới nước là 9 hải lý/giờ và trên mặt nước là 17 hải lý/giờ. Khả năng hoạt động của nó khá hạn chế (tàu ngầm đầu tiên sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ I có khả năng hoạt động dưới nước trong vòng 1 giờ), nhưng được trang bị súng trên boong loại 88mm hoặc 105mm và 6 ống phóng ngư lôi, 16 loạt. Đã có 24 chiếc Type 93 được đóng ở Đức và loại tàu ngầm này từng đánh chìm tàu chở hàng nặng 411.000 tấn của quân Đồng minh.

Đại bác Big Bertha và Paris Gun

Big Bertha là một khẩu đại bác khổng lồ của Đức với cỡ nòng khoảng 40cm, lớn hơn so với hầu hết các khẩu pháo trên các chiến hạm vào thời điểm đó. Với khả năng bắn một quả đạn pháo gần 1 tấn ở cự ly khoảng 12km, Big Bertha đã phá hủy các công sự của Bỉ vào năm 1914, cho phép quân đội Đức tiến quân qua Bỉ và gần như chiếm được Paris của Pháp.

Đại bác Big Bertha.


Ngược lại, đại bác Paris Gun lại dài và hẹp, bắn đạn nặng khoảng 90kg với tầm bắn khoảng 130km. Điều này cho phép quân Đức tiến hành oanh tạc tầm xa nhằm vào Paris của Pháp.


Paris Gun.

Giống như nhiều loại vũ khí khác, những khẩu pháo này rất đắt đỏ và dễ hỏng (Paris Gun chỉ có thể bắn được 20 viên đạn thì nòng đã bị mòn). Nhưng khả năng phá hủy công sự, hầm hào hoặc oanh tạc một thành phố từ một khoảng cách xa hơn 100km đã làm nên tiếng tăm của những loại vũ khí trên.

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Những sự thật khó tin khiến con người kinh ngạc

Người Mỹ làm mất một quả bom nguyên tử tại bang Georgia, heroin từng là thuốc chữa ho và cảm lạnh cho trẻ em...

Bangladesh tí hon nhiều dân hơn nước Nga khổng lồ



Bangladesh (màu xanh) và nước Nga (màu cam). 

Nước Nga trải rộng trên 9 múi giờ và là quốc gia rộng lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, dân số nước Nga không nhiều bằng Bangladesh, quốc gia rộng tương đương bang New York của Mỹ. Dân số Bangladesh là 156,6 triệu người, trong khi dân số nước Nga là 143,5 triệu người.

Một tên trộm lừa bán tháp Eiffel hai lần


Chân dung tên trộm hai lần lừa bán tháp Eiffel. 

Victor Lustig, tên trộm người Czech hai lần lừa bán thành công tháp Eiffel, một trong những biểu tượng của nước Pháp. Năm 1925, y đóng giả làm một bộ trưởng Pháp để mời các nhà tư bản tới đấu thầu dự án bán sắt vụn tháp Eiffel sau khi nó rỉ sét vì phơi mưa nắng suốt 20 năm. Một trong những nhà tư bản luyện kim chấp nhận bỏ 50.000 USD để mua tháp Eiffel vì cho rằng nó sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, khi tới tháo dỡ tháp, ông này phát hiện mình bị lừa. Cuối những năm 1930, Lustig tiếp tục lừa bán thành công tháp Eiffel với giá 75.000 USD.

Não người nhiều khớp thần kinh hơn số sao trong dải Ngân Hà

Các nhà thiên văn học cho biết có hơn 200 tỷ ngôi sao trong dải Ngân Hà, nhưng các nhà thần kinh học ước đoán trong não một đứa trẻ 3 tuổi có khoảng 1 triệu tỷ khớp thần kinh. Con số này giảm xuống còn 500 nghìn tỷ trong não một người trưởng thành.

Mỹ đánh mất một quả bom nguyên tử ngoài khơi bang Georgia


Vị trí Mỹ thất lạc quả bom nguyên tử.

Ngày 5/2/1958, một chiếc máy bay ném bom B-47 của Mỹ gặp sự cố khi đang mang một quả bom hạt nhân nặng 3.175 kg. Phi công sợ quả bom nổ nên đã thả nó xuống vùng biển Savannah, ngoài khơi bang Georgia, Mỹ. Tuy nhiên, hải quân không thể tìm ra tung tích quả bom sau nhiều tháng lục tung đáy biển. Phi công cho biết đây là quả bom hạt nhân hoàn chỉnh, với đầy đủ vật liệu nổ. Tuy nhiên, nếu lớp vỏ bom không bị tổn hại, nó không gây ra hiện tượng rò rỉ phóng xạ.

Kim tự tháp Ai Cập xây trước thời voi ma mút tuyệt chủng

Các nhà nghiên cứu cho biết, kim tự tháp lớn nhất ở Ai Cập được xây từ năm 2550 tới năm 2490 trước công nguyên. Trong khi đó, voi ma mút tuyệt chủng năm 1650 trước công nguyên trên đảo Wrangle, Nga. Như vậy, con voi ma mút cuối cùng chết gần 1.000 năm sau khi kim tự tháp Ai Cập được hoàn thành.

Triều Tiên và Phần Lan bị một quốc gia ngăn cách



Nga ngăn cách Phần Lan và Triều Tiên.

Nga là quốc gia duy nhất ngăn cách Triều Tiên và Phần Lan. Quốc gia rộng lớn nhất thế giới có chung đường biên giới dài 17 km với Triều Tiên và dài 1.300 km với Phần Lan. Nếu tính theo đường chim bay, khoảng cách từ Triều Tiên tới Phần Lan là 6.700 km. Máy bay Boeing 777 cần gần 8 giờ để đưa một người từ quốc gia này tới quốc gia kia.

Bóng bay làm hai người Mỹ tử nạn
Người ta tổ chức lễ hội bóng bay lớn để gây quỹ ở Cleveland, bang Ohio, Mỹ. 1,5 triệu bóng bay được thả lên bầu trời đã phá vỡ kỷ lục thế giới xác lập trước đó. Tuy nhiên, gió đưa những trái bóng bay khắp nơi, gây cản trở cuộc sống của người dân và ảnh hưởng tới sân bay Burke Lakefront. Tồi tệ hơn, bóng bay bao phủ mặt biển nơi lực lượng tuần duyên Mỹ đang tìm kiếm hai người mất tích. Họ chết đuối vì không nhận được sự giúp đỡ kịp thời.

Heroin từng là thuốc chữa ho


Quảng cáo thuốc chữa ho heroin của Bayer.


Bayer, công ty dược phẩm sản xuất aspirin của Đức, từng sử dụng heroin để chữa ho, cảm lạnh và giảm đau trong những năm 1890 của thế kỷ trước. Cuối năm 1912, Bayer sử dụng chất gây nghiện này làm thuốc cho trẻ em dù xuất hiện nhiều cảnh báo về tác hại của nó. Năm 1914, người Mỹ hạn chế sử dụng các loại thuốc chứa chất này trước khi nó bị cấm hoàn toàn trong năm 1924.