Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Những hiều lầm ngớ ngẩn về thời tiền sử

Người tiền sử có bộ não nhỏ nên kém thông minh hay gầy gò, ốm yếu do thức ăn ít dinh dưỡng… là những hiểu lầm ngớ ngẩn về thời tiền sử.

Người tiền sử có bộ óc nhỏ, kém thông minh

Hầu hết mọi người đều lầm tưởng, người tiền sử chỉ tiến hóa hơn các loài linh trưởng một chút và có bộ não nhỏ nên không có những suy nghĩ phức tạp. Chính vì vậy, người tiền sử sớm bị đào thải trong quá trình tiến hóa. Tuy nhiên, nếu như những đứa trẻ tiền sử được sống trong môi trường có đủ điều kiện vật chất và tinh thần như chúng ta ngày nay thì sẽ có thể phát triển không thua kém gì so với người hiện đại.
Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, bộ não của con người ngày nay giống hệt người tiền sử sống cách đây 100.000 năm. Một số nhà khoa học còn cho rằng, con người đột ngột xuất hiện cách đây khoảng 40.000 – 50.000 năm trong một giai đoạn khá ngắn được gọi là quá trình tiến hóa của con người. Trong thời gian đó, người tiền sử săn bắt và chinh phục được nhiều động vật to lớn như gấu túi to, kangaroo khổng lồ, tê giác, voi… Điều này cho thấy người tiền sử khá thông minh mới có thể hạ gục được những quái thú to lớn như vậy.

Não của người tiền sử khá nhỏ nhưng không vì thế mà kém thông minh. 

Ngoài ra, sọ của người Neanderthal cho thấy thùy trán của họ rất phát triển. Nó có liên quan đến việc bảo vệ vùng tư duy cao cấp. Hốc mắt của người Neanderthal cũng to hơn người Homo sapiens nhiều lần. Điều này cho thấy họ có suy nghĩ và khả năng phán đoán vô cùng nhanh nhạy và tốt. Tuy nhiên, người Neanderthal sinh sống ở vùng đất lạnh giá, cỏ cây không phát triển nên có thể là nguyên nhân khiến họ dần bị xóa sổ khỏi thế giới.
Thêm vào đó, con người hiện đại không đột nhiên mà có những khả năng về ngôn ngữ và các chức năng đặc biệt khác. Chúng được hình thành trong suốt một thời gian dài.
Gần đây, một số người đưa ra giả thuyết, con người hiện đại thực ra là những người tiền sử thích nghi dần với những thay đổi của môi trường sống. Do đó, con người ngày càng phát triển những kỹ năng cần thiết để thích nghi với điều kiện sống luôn thay đổi. Thậm chí, người tiền sử còn có phần vượt trội về mặt thể chất so với người hiện đại.
Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu của giáo sư khảo cổ học McAllister, người tiền sử bình thường có thể chạy bằng đôi chân trần trên địa hình gồ ghề với tốc độ 37 km/h và những người xuất sắc hơn có khả năng đạt vận tốc 45km/h. Vận tốc này nhanh hơn rất nhiều so với người hiện đại. Thậm chí, phụ nữ thời tiền sử cũng sở hữu vóc dáng và cân nặng lớn hơn nam giới thời hiện đại.

Người tiền sử luôn bị đói khát, cơ thể thiếu chất dinh dưỡng

Hầu hết mọi người đều tin rằng, người tiền sử có cuộc sống khá khó khăn khi chỉ săn bắt, hái lượm những thức ăn có sẵn trong thiên nhiên để sinh tồn. Vào thời kỳ đó, con người vẫn chưa biết trồng trọt, chăn nuôi mà chỉ sống dựa vào thiên nhiên nên nguồn thức ăn không đa dạng, thiếu chất dinh dưỡng và thường xuyên đau yếu.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không phải thế. Thức ăn mà người tiền sử săn bắt hái lượm được khá đầy đủ chất dinh dưỡng. Họ dễ dàng tìm thấy nhiều loại hoa quả có hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Cũng trong thời kỳ này, thảm thực vật vô cùng phong phú và cho trái thơm suốt 4 mùa. Thêm vào đó, người tiền sử sở hữu cơ thể khá to lớn và thường đi săn bắn thú rừng thành từng nhóm nên có thể bắt được những con vật to lớn, đủ ăn trong một thời gian dài.

Quá trình săn bắt, hái lượm khá đơn giản và không mất nhiều công sức nên người tiền sử phát triển cơ thể khá tốt với thân hình to lớn. Trong khi đó, những người dân làm nông nghiệp lại có vóc dáng nhỏ bé, gầy gò.

Chưa tìm được hết “mắt xích còn thiếu” trong quá trình tiến hóa từ vượn thành người

Người Homo habilis là một trong những "mắt xích còn thiếu" của quá trình tiến hóa từ vượn thành người.

Các nhà khoa học vẫn chưa giải mã được hết những bí ẩn liên quan đến quá trình tiến hóa của loài người. Quá trình tiến hóa là tiến trình phức tạp, diễn ra trong thời gian dài nên nó có nhiều giai đoạn trung gian và trải qua nhiều hình thái khác nhau. Người ta vẫn chưa tìm được lời giải chính xác về một loài linh trưởng nằm giữa quá trình tiến hóa giữa khỉ và người. Từ lâu, nó đã trở thành chủ đề tranh luận của giới khoa học. Trong đó, có người đưa ra giả thuyết khá điên rồ rằng, quái vật chân to Bigfoot hay Người tuyết Yeti chính là “mắt xích còn thiếu” trên. Bởi lẽ, những sinh vật bí ẩn này có hình dáng và một số đặc điểm khá giống con người.

Hình ảnh phác họa người vượn Australopithecus.

Thực tế, các nhà khoa học đã tìm thấy một mắt xích trung gian là một giống nằm giữa người vượn Australopithecus và người Homo habilis vào năm 2010. Đầu năm 2013, các nhà khoa học cũng phát hiện thêm một nhánh khác. Kể từ đó, con người tìm được rất nhiều hóa thạch của các giống loài có những đặc điểm tương tự như loài vượn tay dài, chân ngắn, không còn đuôi, hộp sọ lớn…. Con người ngày càng tìm được nhiều giống loài trung gian có liên quan đến quá trình tiến hóa từ vượn thành người và đều gọi chúng là "mắt xích còn thiếu".

Số phận kỳ lạ của 10 người trong vụ ám sát Lincoln

Những người liên quan, dù chỉ một chút tới vụ ám sát Tổng thống Mỹ Lincohn đều có kết cục lạ lùng, thậm chí là thê thảm...

1. Bóng ma Tổng thống Lincoln


Một số nhân chứng từng tuyên bố đã nhìn thấy bóng ma của Tổng thống Lincoln trong đó có Đệ nhất phu nhân Grace Coolidge, Theodore Roosevelt và Nữ hoàng Hà Lan Wilhemina. Rất nhiều văn viên ở Nhà trắng đã nhìn thấy hồn ma của vị Tổng thống quá cố trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến tranh dưới thời Tổng thống Franklin Delano Roosevelt cầm quyền.
Đệ nhất phu nhân Eleanor của Tổng thống Roosevelt cho hay, bà chưa bao giờ nhìn thấy cố Tổng thống Lincoln nhưng lại nhiều lần cảm nhận được sự hiện diện của ông tại Nhà trắng.

Trong thời gian ở trong Nhà Trắng, Thủ tướng Winston Churchill đã đi tắm nước nóng. Khi trở về phòng, ông đã nhìn thấy bóng ma cố Tổng thống Lincoln ngồi bên cạnh lò sưởi. Hai người đã trò chuyện với nhau bằng ánh mắt. Khi đó, Thủ tướng Churchill nói rằng: "Xin chào ngài Tổng thống. Có vẻ như chúng ta đã gặp nhau trong một hoàn cảnh không thích hợp". Sau đó, cố Tổng thống Lincoln mỉm cười và biến mất.

2. Clara Harris


Trong vụ ám sát Tổng thống Lincoln ở Nhà hát Ford, khuôn mặt và trang phục của Harris bị dính đầy máu của ông chủ Nhà Trắng. Cô đã cầu nguyện cho vị Tống thống tai qua nạn khỏi trong mấy tiếng đồng hồ sau khi xảy ra vụ ám sát.
Trang phục mà cô mặc đã không thể tẩy sạch vết máu đó. Vì vậy, cô đã cất nó trong tủ quần áo ở nhà riêng tại Albany. Harris tiết lộ rằng, kể từ đó, bóng ma của Tổng thống Lincoln thường xuyên ám ảnh và xuất hiện trong nhà mình. Những người khác sống trong nhà cũng bắt đầu nhìn thấy ma quỷ. Năm 1910, con trai của Harris đã đốt chiếc váy đẫm máu của vị Tổng thống quá cố vì cho rằng nó là vật mang lại tai ương cho gia đình họ.

3. Thiếu tá Henry Rathbone

Khi Tổng thống Lincoln đến Nhà hát Ford xem vở "Cậu em họ người Mỹ của chúng ta", Thiếu tá Henry Rathbone và Clara Harris đã đi cùng. Khi Booth bắn Tổng thống Lincoln, Rathbone đã đối mặt với tên sát nhân. Sau đó, Booth cầm con dao và đâm nhiều nhát vào người Rathbone khiến vị thiếu tá này suýt chết vì mất nhiều máu.

Một thời gian sau vụ ám sát , Rathbone cưới Harris nhưng luôn bị ám ảnh bởi thảm kịch những tên sát nhân ám sát Tổng thống Mỹ. Vào đêm Giáng sinh năm 1883, khi đang ở Đức, Rathbone đã giết người vợ Harris. Sau đó, ông ta dùng dao tự đâm mình 6 nhát nhưng không chết. Kể từ đó, ông sống trong bệnh viện tâm thần suốt đời vì bị cho là mắc chứng điên loạn khi gây án.

4. Boston Corbett


Thomas "Boston" Corbett là một người lính thuộc Liên minh và từng là thợ làm mũ cũng như có thời gian tiếp xúc và sử dụng thủy ngân.
Corbett còn là một thành viên của Sư đoàn kỵ binh số 16, được phân công bắt sống John Wilkes Booth. Đơn vị này được lệnh phải bắt sống kẻ chủ mưu ám sát Tổng thống Lincoln nhưng đã rơi vào tình thế bế tắc khi hắn lẩn trốn trong một ngôi nhà ở Virginia. Khi đó, Corbett đã bắn vào đầu Booth – vị trí gần giống như tên sát nhân đã làm với Tống thống Lincoln.

Sau khi triệt hạ được tên tội phạm khét tiếng này, Corbett gây ra hai sự cố liên quan đến việc sử dụng súng và bị đưa đến trại giam. Tuy nhiên, Corbett đã trốn thoát. Sau khi ở cùng một người bạn, ông tuyên bố sẽ đến Mexico nhưng kể từ đó không còn ai nhìn thấy Corbett.


Một số người cho rằng, Corbett đã xây một ngôi nhà gần Hinckley, Minnesota và đã chết trong một vụ cháy rừng lớn vào ngày 1/9/1894. Đây chỉ là suy đoán của một số người và số phận của Boston Corbett cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn.

5. John Wilkes Booth


John Wilkes Booth sinh ra trong một gia đình khá giả, khá thông minh và sở hữu diện mạo bảnh bao. Hắn đã lên kế hoạch bắt cóc Tổng thống Lincoln và sau đó đòi tiền chuộc bằng cách ép chính phủ liên bang phải thả tự do cho các tù nhân miền Nam. Nhưng khi biết Robert E. Lee đã đầu hàng và kế hoạch trên đã sụp đổ thì hắn cho rằng, Tổng thống Lincoln phải chết.

Sáu ngày sau khi Lee đầu hàng tại Appomattox, Tổng thống Lincoln bị ám sát. Sau khi giết Tổng thống Mỹ, Booth tẩu thoát bằng một chú ngựa và chạy đến vùng xa xôi hẻo lánh tại bang Virginia. Hắn trốn ở đó cùng với David Herold. Khi bị cơ quan chức năng bao vây, hắn từ chối đầu hàng. Sau cùng, binh sĩ Thomas " Boston " Corbett đã nổ súng bắn Booth. Y bị trọng thương và 3 giờ sau thì tắt thở.

6. Mary Surratt



Mary Surratt sở hữu ngôi nhà trọ mà những kẻ chủ mưu trong vụ ám sát Tổng thống Lincoln thường xuyên gặp gỡ. Thêm vào đó, Mary còn là mẹ của John Surratt - người đã từng cùng John Wilkes Booth lên kế hoạch bắt cóc Tổng thống Lincoln. Mary được xếp vào loại tội phạm đã cố gắng che đậy cho hành vị phạm tội của con trai trong suốt cuộc điều tra của cơ quan chức năng. Trong khi George Atzerodt lên án Mary thì Lewis Powell lại khai bà vô tội. Cuối cùng, bà cũng bị tòa phán tội chết như những kẻ khác đã tham gia kế hoạch ám sát cố Tổng thống Mỹ. Cho đến nay, Mary là người phụ nữ đầu tiên bị phán tội tử hình do đích thân chính phủ liên bang Mỹ xử lý.

7. George Atzerodt

Kẻ đồng mưu George Atzerodt bị buộc tội ám sát Phó Tổng thống Andrew Johnson. Atzerodt đã đặt một phòng trong khách sạn mà Phó Tổng thống Johnson đang ở. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, nhân viên khách sạn đã phát hiện ra và báo cáo hành vi đáng ngờ của Atzerodt với cấp trên, bao gồm việc y liên tục hỏi về nơi ở của Phó Tổng thống Johnson. Sau đó, người ta khám xét phòng y và phát hiện những bằng chứng liên quan đến John Wilkes Booth cùng với một con dao, một khẩu súng đã được nạp đầy đạn. Vì vậy, Atzerodt bị kết tội tham gia vụ ám sát và xử tử bằng hình thức treo cổ.

8. Lewis Powell


Vụ ám sát Tổng thống Lincoln chỉ là một phần âm mưu của tên sát nhân John Wilkes Booth. Bởi lẽ, y có ý định giết toàn bộ quan chức liên bang. Cựu chiến binh miền Nam Lewis Powell đã được chỉ định để ám sát Ngoại trưởng William H. Seward. Y sẽ làm điều đó cùng với David Herold.
Vào thời điểm đó, Powell đã được cho phép vào nhà của Ngoại trưởng Seward với lý do mang thuốc cho vị quan chức cấp cao này sau khi ông Seward bị thương nghiêm trọng trong một tai nạn xe ngựa. Sau khi trà trộn vào nhà, Powell dùng dao tấn công ông Seward. Nhưng may mắn là ông Seward không bị sát hại và những người có mặt tại đó đã tham gia vào việc khống chế tên ám sát Powell.
Trong quá trình hai bên đánh nhau, Powell đã khiến nhiều người bị thương rồi trốn mất khỏi hiện trường. Y đã bị bắt khi cố gắng trở về ngôi nhà của Surratts - nơi mà những kẻ chủ mưu trong vụ ám sát chọn làm hang ổ. Sau khi bị bắt, Powell và Herold bị phán tội chết và phải thi hành án bằng hình thức treo cổ.

9. Tad Lincoln

Thomas "Tad" Lincoln sinh ra đã có những dị tật khi bị hở môi hàm ếch. Điều này ảnh hưởng đến khả năng diễn thuyết của cậu. Chỉ có cha và những người gần gũi nhất với Tad mới có thể hiểu được những gì cậu đang nói. Vì con không có cơ thể lành lặn như bình thường nên Tổng thống Lincoln đã đối xử với Tad vô cùng khoan dung. Cụ thể, những người trong cuộc đã mô tả Tad và anh trai của ông có tên Willie là "những đứa trẻ tinh nghịch khét tiếng" ở Nhà Trắng. Hai anh em thường làm gián đoạn các cuộc họp của các quan chức ở Nhà Trắng, nghịch ngợm trong phòng làm việc của cha mình…
Tháng 2/1862, Tad và Willie đồng loạt bị thương hàn. Trong trận bạo bệnh đó, chỉ có Tad sống sót. Sau đó, cha mẹ Tad sẵn sàng làm mọi thứ cho con miễn là cậu thích. Kể từ đó, Tad sống như đứa trẻ có tính cách “hoang dã” - không đi học và gia sư cũng không thể làm gì để thuyết phục cậu học.

Khi Tổng thống Lincoln bị ám sát, Tad đang chơi với những trẻ em gần một nhà hát ở Grover. Người phụ trách đã thông báo với đám đông về thảm kịch xảy ra với tổng thống Mỹ. Khi đó, Tad bị tổn thương ghê gớm. Cậu la hét và chạy ra khỏi phòng. Về sau, Tad dành nhiều thời gian sống ở châu Âu và Chicago cùng mẹ. Cuối cùng, cậu qua đời khi mới 18 tuổi do những căn bệnh được mọi người biết đến là viêm phổi, lao phổi, viêm màng phổi hay một cơn đau tim dẫn đến tử vong.

10. Mary Todd Lincoln


Nhiều sử gia cho rằng, Mary Lincoln bị rối loạn lưỡng cực hay rối loạn nhân cách và có một chấn thương ở đầu. Đó là tai nạn xe ngựa khiến bà phải chịu đựng chứng đau nửa đầu thường xuyên. Khi chồng còn sống, bà được cho là người cẩu thả trong vấn đề tiền bạc. Sau khi cố Tổng thống Lincoln qua đời, bà Mary đã chi tiêu thoải mái và có phần quá đà. Cụ thể, Đệ nhất phu nhân mua rất nhiều thứ với số lượng lớn, có lần, bà mua 10 đôi găng tay trong một lúc. Thêm vào đó, bà còn nói với con trai Robert rằng, có ai đó cố gắng đầu độc mình.

Năm 1875, Robert đã đưa mẹ đến bệnh viện tâm thần. Sau khi điều trị, bà Mary đã viết rất nhiều thư cho bạn bè và báo chí nhằm gây áp lực cho con trai đưa bà ra khỏi viện. Sau khi xuất viện, bà đã cố gắng mua thuốc để tự sát. Khi đó, dược sĩ đã nhận ra ý định mà Mary sắp làm nên đã bán cho bà thuốc giả. Cuối cùng, Mary sống những năm cuối đời với người chị gái Elizabeth. Mary bị đục thủy tinh thể và tổn thương cột sống rồi qua đời ở tuổi 63. Bà được chôn cất bên cạnh mộ của chồng.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Giải mật vụ Thiệu mang 16 tấn vàng ra nước ngoài

Có tin nói Nguyễn Văn Thiệu khi trốn ra nước ngoài năm 1975 đã lấy 16 tấn vàng dự trữ trong ngân khố làm của riêng.

Những luồng dư luận
Cuối tháng 4/1975, khi quân Giải phóng đã áp sát Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình từ chức. Sau đó vài ngày ông ta lên máy bay chạy sang Đài Loan - nơi người anh trai là Nguyễn Văn Kiểu đang sinh sống.

Chuyến ra đi của ông Thiệu có lẽ sẽ chìm vào quên lãng nếu như nó không liên quan đến một câu chuyện về 16 tấn vàng của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Vào thời điểm tháng 4/1975, dư luận Sài Gòn và cả một số hãng tin phương Tây đã ồn ào về vụ này.

Báo Độc Lập ngày 28/4 đã dẫn nguồn tin UPI và Reuters nói rằng: “Theo tin UPI, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm đã đến Đài Bắc bằng phi cơ quân sự Mỹ vào lúc 4 giờ sáng thứ bảy 26/4 với 16 viên chức Việt Nam cộng hòa cùng thân nhân tháp tùng. Tin Reuters ghi nhận liền sau khi đoàn người xuống phi cơ và được đưa vào phòng khách danh dự, một số hàng hơn 10 tấn cũng đã được cất xuống theo”. Dĩ nhiên, người ta nghĩ ngay 10 tấn hàng ấy là vàng.

Nguyễn Văn Thiệu. Ảnh: Internet. 

Trong một tin khác, câu chuyện được diễn tả chi tiết hơn về việc gia đình ông Thiệu đã làm thế nào để đưa vàng ra nước ngoài làm của riêng. Câu chuyện đồn đại đó đại khái nói rằng: “Martin giúp gia đình Thiệu ra đi, nhưng chỉ cho mang theo đồ vật cá nhân nhỏ. Thế là tay cựu tổng thống và bà vợ phải tính đến cách khác. Mai Anh (vợ Thiệu) đã xoay xở lấy được 16 tấn vàng ra khỏi ngân hàng quốc gia bằng cách ép dọa thuộc cấp. Bà ta cho chuyển phần lớn số vàng thỏi ấy lên một chiếc máy bay thuê của Hãng hàng không Thụy Sĩ. Nhưng các phi công, sau khi khám phá ra đó là vàng, đã hỏi sứ quán Thụy Sĩ và cuối cùng từ chối không chở nữa. Lý Long Thân (chồng em nuôi vợ Thiệu) nhảy vào cứu nguy. Thân ra lệnh chở vàng bằng tàu Trương Tinh đi Pháp, để sau này Thiệu nhận lại ở đó”.

Tất nhiên câu chuyện Nguyễn Văn Thiệu mang vàng ra nước ngoài còn nhiều dị bản khác. Nhưng tất cả đều cùng giống nhau ở nội dung là vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu đã lấy 16 tấn vàng là tài sản của đất nước mang ra nước ngoài để làm của riêng.

Chỉ là tin đồn

Sự thực vụ việc hoàn toàn khác. Theo ông Lý Nhân – một nhân chứng sống và làm báo trong xã hội Sài Gòn trước 1975 thì 16 tấn vàng đó vẫn ở lại trong nước. Trong cuốn sách Thiệu-Kỳ một thời hãnh tiến – một thời suy vong, Lý Nhân đã tham cứu nhiều tài liệu khác nhau và trình bày câu chuyện một cách khá tỉ mỉ.

Theo đó, nguồn gốc tin đồn Thiệu mang vàng ra nước ngoài xuất hiện từ cuộc họp ngày 1/4/1975, tại Dinh Độc Lập. Trong cuộc họp này, Thiệu cùng các phụ tá có bàn đến việc mang vàng đi thế chấp để vay Mỹ 3 tỉ USD hòng dùng tiền mua vũ khí quân trang để tổ chức "cuộc phòng thủ cuối cùng".

Trong cuốn Khi đồng minh tháo chạy, ông Nguyễn Tiến Hưng – cựu Tổng trưởng Kế hoạch nói rằng, Thiệu muốn vay Mỹ 3 tỉ USD trong thời hạn 3 năm. Mỗi năm vay 1 tỉ và vật thế chấp để vay gồm tiềm năng dầu khí, tiềm năng xuất khẩu gạo và 16 tấn vàng dự trữ trong Ngân hàng Quốc gia.

Lo sợ quân Giải phóng xâm nhập vào Sài Gòn để phong tỏa Ngân hàng, buổi họp Nội các thường kỳ ngày 2/4, Nguyễn Văn Thiệu cùng các phụ tá quyết định chuyển vàng ra nước ngoài và đã bắt đầu cho người liên lạc với các tổ chức vận chuyển cùng các đối tác. Nhưng cũng từ đây tin tức rò rỉ. Lý Nhân viết: “Văn phòng thủ tướng gọi điện thoại cho Giám đốc Ngân hàng Quốc gia và chỉ thị cho ông thực hiện quyết định của Chính phủ. Ngay lập tức ông gọi điện cho TWA Pan America và Lloyd’s của Luân Đôn. Hai ngày sau đó, tin đó đã lọt ra đến “Radio Catinat” trên đường Lê Lợi – Tự Do, nơi có những quán cà phê là trung tâm của các tin đồn. Giới trí thức Sài Gòn la cà ở quán cà phê Brodard và Givral nghe đồn rằng sau khi thất thủ Thiệu đã chuyển toàn bộ số vàng của quốc gia ra nước ngoài làm giàu cho chính mình”.

Ngân hàng Quốc gia (nay là Ngân hàng NN Việt Nam tại TP HCM) nơi cất giữ 16 tấn vàng năm 1975. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Sau khi tin tức bị rò rỉ, dư luận xôn xao khiến con đường đưa vàng đi bằng máy bay thương mại không thể làm được. Đến ngày 26/4/1975, Bộ Ngoại giao của Chính quyền Sài Gòn đánh điện cho sứ quán báo rằng giá hợp đồng bảo hiểm để di chuyển số vàng này là 60.240.000 USD – trị giá gấp 2 lần giá trị thực. Vàng sẽ phải di chuyển ra khỏi Sài Gòn vào 7h ngày 27/4 để hợp đồng bảo hiểm còn có hiệu lực. Một máy bay ở căn cứ không quân Clark tại Phi Luật Tân đã sẵn sàng chuyên chở số vàng đã được đóng kiện ở nhà băng.

Điều đó có nghĩa là cho đến 26/4, vàng vẫn còn ở trong nước. Trong khi đó ông Thiệu đã bay qua Đài Loan từ tối 25/4. Vậy số vàng đó đã đi đâu?

Vẫn theo tác giả Lý Nhân, vào phút chót, phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo đã không đồng ý cho chuyển vàng. Ông Hảo đã nói với tân Tổng thống Trần Văn Hương rằng: nếu cho phép chuyển vàng khỏi Sài Gòn, khi Dương Văn Minh lên thay thì Hương sẽ bị kết tội phản bội tổ quốc. Hương buộc phải đồng ý và Hảo đã gọi điện thoại cho cố vấn kinh tế của tòa đại sứ là Daniel Ellerman để báo rằng Tổng thống đã quyết định không chuyển vàng nữa.

Về kết cục số vàng dự trữ này, theo loạt bài của báo Tuổi Trẻ năm 2006, nó đã được chính quyền mới tiếp quản. Trong bài của Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Bửu Sơn – một nhân viên làm việc trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam của Chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 và cũng là người chứng kiến đơn vị tiếp quản kiểm kê tài sản trong Ngân hàng cho biết: Số vàng chứa trong hầm của Ngân hàng đến thời điểm đó còn 1.234 thoi. Mỗi thoi vàng nặng từ 12 đến 14 kg được chứa trong các tủ sắt có 2 lớp khóa. Ngoài ra còn có các đồng tiền vàng đựng trong các hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Các đồng tiền này đều được phát hành từ thế kỷ 18, 19. Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó...

6 “tuyệt chiêu” chống đào mộ trộm xác thời xưa

Quan tài nổ, cổ áo bằng sắt… là những biện pháp chống nạn đào mộ trộm xác ở Anh hay Bắc Mỹ trong suốt thế kỷ XVIII–XIX.

Vào thế kỷ XVIII–XIX, thi thể những người quá cố dễ có nguy cơ bị kẻ gian đào trộm mộ lấy xác bán cho sinh viên y khoa tiến hành giải phẫu cơ thể người.
Năm 1752, Quốc hội Anh thông qua Đạo luật về tội phạm giết người, trong đó cho phép các cơ sở y tế mổ xẻ thi thể của những tên sát nhân sau khi bị tử hình để giải phẫu, nghiên cứu. Tuy nhiên, do ngành giải phẫu cơ thể người quá phát triển trong khi số lượng tử tù không đủ để đáp ứng nên dẫn đến tình trạng những người quá cố bị mộ tặc ăn trộm xác rồi đem bán cho sinh viên y khoa. Từ đó, ở Anh và Bắc Mỹ xuất hiện loại tội phạm trên. Tuy nhiên, đây chỉ là một tội khá nhẹ, miễn là những người đó chỉ ăn cắp thi thể người chết mà không lấy bất kỳ thứ gì có giá trị trong mộ như trang sức… Đứng trước tình hình đó, một số người đã tìm ra những biện pháp để bảo vệ thi hài người thân một cách an toàn, không bị kẻ gian đào bới, đem bán.
1. Thuê người trông mộ

Đây là phương pháp đơn giản, rẻ tiền nhất và cũng nguy hiểm nhất. Những gì gia đình quý tộc này phải làm là thuê một người canh giữ mộ cho đến khi xác phân hủy hết. Do đó, người ta sẽ không còn lo người thân đã chết của họ sẽ bị mộ tặc trộm xác đem bán.
Tuy nhiên, trong suốt thế kỷ XIX, trộm xác là một nghề kiếm được bộn tiền. Đối với mỗi xác chết vẫn còn nguyên vẹn, mộ tặc sẽ bán được với giá khoảng 25 bảng Anh (khoảng 840.000 VND tính theo tỷ giá hiện tại). Do đó, những tên tội phạm này có thể hối lộ người trông xác để trộm mộ thành công.

Một cách khác được người dân thời đó sử dụng là chính người trong gia đình người quá cố làm nhiệm vụ trông mộ. Tuy nhiên, kết quả cũng không mấy khả quan bởi lẽ trong một số trường hợp, kẻ trộm đã đào đường hầm bí mật đến vị trí của ngôi mộ và lấy xác đi. Gia đình người quá cố mãi sau đó mới biết thi hài người thân của họ đã không còn trong mộ.

2. Quan tài sắt

Một phương pháp chống trộm xác khác được con người nghĩ ra đó là chôn cất người chết trong quan tài làm từ chất liệu tốt hơn, khiến kẻ gian không thể làm gì được. Những gia đình giàu có sẽ chôn cất người thân của họ trong lăng mộ hay quan tài sắt. Năm 1818, Edward Bridgman đã cho ra đời một sáng chế hữu ích để chống lại nạn mộ tặc, đó là quan tài sắt.

Quan tài sắt có hệ thống chốt đàn hồi bên trong. Nó có khả năng quay lại vị trí ban đầu ngay sau khi mộ tặc cậy nắp quan tài, khiến kẻ trộm khó có thể ăn trộm xác chết, ngay cả khi dùng xà beng để cậy nắp quan tài.

3. Lồng an toàn


Cho đến nay, nếu bạn đi qua các nghĩa địa ở Scotland thì có thể nhìn thấy những hình ảnh “lồng zombie”, với lời giải thích dùng để ngăn chặn nạn mộ tặc hoành hành.
Phát minh này được giới thiệu tới công chúng vào năm 1816. Chiếc quan tài sắt giống như một hộp kim loại, được làm hoàn toàn từ khung sắt và dùng để bao bọc lấy quan tài. Một quan tài có thể được bao bọc bởi nhiều lồng an toàn, trên đỉnh lồng sẽ có những miếng sắt to để giữ tảng đá nặng.
Lồng an toàn khá hiệu quả để ngăn những tên trộm mở nắp quan tài từ phía trên nhưng lại không thể cản chúng ăn trộm từ hai bên sườn. Sau một thời gian, người nhà sẽ đào mộ lên kiểm tra, bỏ các lồng sắt này đi và chúng sẽ được dùng cho những xác chết khác.

4. Cổ áo bằng sắt

So với phát minh quan tài sắt và lồng an toàn thì cổ áo bằng sắt là biện pháp chống trộm mộ khá đơn giản. Những tên trộm mộ thường muốn có được xác chết nguyên vẹn. Nếu người quá cố đeo cổ áo đặc biệt này thì bọn tội phạm sẽ không dễ dàng đạt được mục đích.

Thông thường, những tên trộm xác sẽ đào một đường hầm đến tận mộ và kéo xác chết thông qua một chiếc lỗ ở quan tài. Nhưng vì cổ áo bằng sắt đã được bắt vít thẳng xuống đáy quan tài, giữ cho xác chết cố định tại phần cổ nên việc kéo xác chết ra vô cùng khó khăn. Nếu quá mạnh tay, xác chết có thể bị đứt và không bán được giá cao. Cách giải quyết mà mộ tặc nghĩ ra là phá bỏ gỗ ở điểm nối tiếp giữa xác với quan tài, nhưng điều này rất khó thực hiện.

5. Quan tài nổ

Năm 1878, Phil Clover đã giới thiệu sáng chế quan tài nổ của mình để chống nạn trộm mộ hoành hành. Cơ chế hoạt động của quan tài này khá đơn giản. Nó gồm một quan tài bình thường gắn kèm thuốc súng và kíp nổ xung quanh. Mọi người sẽ nhìn thấy nó khá giống mìn bởi bất kỳ ai dẫm lên, thuốc nổ ngay lập tức sẽ bị kích hoạt, khiến cho lũ trộm mộ phải trả giá đắt. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Thêm vào đó, một số quả bom còn được đặt ngay dưới nắp quan tài với tâm lý thà để thi hài người quá cố tan thành trăm mảnh còn hơn là bị người khác mổ xẻ, nghiên cứu. Mặc dù phương pháp này khá hiệu quả nhưng vô cùng nguy hiểm. Bởi lẽ, nó giống như con dao hai lưỡi, có thể gây thương tổn đến chính người thân của họ sau này nếu như muốn cải táng hay di chuyển mộ phần tổ tiên.

6. Nhà phân hủy xác

Xác chết sẽ được cất giữ trong một ngôi nhà bình thường do những người trong làng cùng nhau xây dựng. Họ sẽ chờ thi hài người quá cố phân hủy trước khi đem đi chôn cất.

Xác chết sẽ được giữ trong tòa nhà trong khoảng vài tuần, khiến những kẻ trộm xác không còn cơ hội làm ăn. Ưu điểm của nhà xác kiểu này là thuận tiện trong việc trông coi. Mọi người trong làng có thể thay phiên nhau trông nom xác chết.

Trong tác phẩm “Sau khi chết: Cuộc đời và thời gian của của tử thi”, Norman L. Cantor lưu ý rằng, mùa hè là thời gian tốt nhất để ngăn tình trạng đào trộm mộ. Bởi lẽ, không có lớp học y khoa về giải phẫu nào mở trong thời gian đó cũng như thi thể người quá cố sẽ phân hủy nhanh hơn do nhiệt độ vào mùa hè khá cao.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Vụ mất tích tàu ngầm Đức trong Chiến tranh TG I

Việc tìm được 41 tàu ngầm U-boat của Đức và 3 chiếc của Anh có thể hé lộ những bí mật còn vùi lấp về Chiến tranh thế giới I.

Nhà khảo cổ học Mark Dunkley cùng với nhóm cộng sự đã phát hiện ra 41 chiếc tàu ngầm U-boat của Đức cùng với 3 chiếc tàu ngầm khác của Anh nằm sâu dưới đáy biển 15,2m. Họ phát hiện ra “kho báu” khổng lồ này tại bờ biển phía Đông và phía Nam nước Anh.
Thông qua những phát hiện mới này, các nhà khoa học hy vọng sẽ giải mã được những bí ẩn về số phận của những tàu ngầm bị đánh chìm trong các cuộc chiến tranh ác liệt.

Ông Dunkley và cộng sự tìm được 41 tàu ngầm U-boat của Đức ở ngoài khơi bờ biển nước Anh. Trong ảnh là một chiếc tàu ngầm U-boat bị mắc cạn ở bờ biển phía Nam nước Anh năm 1917.

Ông Dunkley làm việc cho cơ quan di sản Anh cho biết: "Chúng tôi sẽ khám phá ra bí mật liên quan đến số tàu ngầm trên. Chúng tôi chỉ dẫn thợ lặn phải tiếp cận với tàu ngầm một cách thận trọng. Nếu như mạo hiểm đi vào bên trong tàu ngầm chắc chắn sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, nhóm nghiên cứu của chúng tôi sẽ dùng robot để đi vào bên trong tìm hiểu những bí ẩn đã ngủ yên dưới đáy đại dương gần 100 năm".
Cho đến ngày nay, Đức vẫn chưa tìm được hết những tàu ngầm bị mất tích từ thời Chiến tranh thế giới I. Danh sách chi tiết về những tàu ngầm U-boat của hải quân Đức đã bị mất tích trong thời gian đó đã kết thúc vào tháng 11/1918. Tuy nhiên, số phận của nhiều chiếc trong số đó vẫn còn là một điều bí ẩn.

Một trong những tàu ngầm của Đức mất tích một cách bí ẩn là tàu ngầm mang số hiệu UB 17. Nó đã biến mất cùng với 21 thành viên thủy thủ đoàn. Chiếc tàu ngầm khác là UC 21 do Thượng úy Hải quân Werner von Zerboni di Sposetti chỉ huy. Vị chỉ huy này đã mất tích cùng với 27 thành viên thủy thủ đoàn tác chiến trên tàu. Ông Dunkley tin rằng, nhóm thám hiểm của ông đã tìm thấy hai chiếc tàu ngầm UB 17 và UC 21.


Hai tàu ngầm Đức U35 và U42 nổi trên mặt biển Địa Trung Hải. 

Ông Dunkley hy vọng sẽ tìm thấy những kỷ vật có thể giúp họ tìm ra manh mối để nhận dạng danh tính người đã chết trong hoàn cảnh vô cùng khủng khiếp và đáng sợ.

Đức sử dụng các tàu ngầm nhằm gây ra tổn thất nặng nề cho các tàu buôn trong Chiến tranh thế giới I. Vào đầu thời điểm cuộc chiến, người Đức chỉ trang bị thêm 28 tàu ngầm U-boat mới nhưng lại sở hữu công nghệ sản xuất và khả năng bắn trúng mục tiêu khá hiệu quả. Hạm đội tàu ngầm của Đức đã bắn chìm 395 tàu thuyền trong đó có 3 thiết giáp hạm, 17 hàng không mẫu hạm, 32 tuần dương hạm, 122 tàu khu trục và hơn 30 tàu ngầm. Ngoài ra, nó còn đánh đắm hơn 5.000 tàu vận tải, nhấn chìm hơn 20 triệu tấn hàng hóa xuống đáy biển.

Tuy nhiên, thành viên thủy thủ đoàn U-boat phải đối mặt với những rủi ro tương đối lớn. Cụ thể, ngư lôi thường tịt ngòi, có khả năng giết chết toàn bộ thủy thủ đoàn và việc xác định mục tiêu là một quá trình khá khó khăn. Trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới I, gần một nửa trong tổng số 380 tàu ngầm U-boat của hải quân Đức bị mất tích không một dấu vết.
U-boat là tên được dùng để chỉ một loại tàu ngầm của Hải quân Đức sử dụng trong Chiến tranh thế giới I và II. Trong Chiến tranh thế giới I, hơn 640 chiếc tàu ngầm của các nước trên thế giới đã được triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các đại dương.

Tàu ngầm U-Boat U-118 thu hút sự chú ý của người dân địa phương sau khi dừng chân ở bãi biển thuộc Hastings năm 1919.
Thông qua việc phát hiện số tàu ngầm bị đắm trên, người Anh tin rằng, chúng chắc chắn sẽ là một di sản lịch sử tuyệt vời cho nhân loại. Đồng thời, nó sẽ là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử đẫm máu nhưng vô cùng huy hoàng của Chiến tranh thế giới I.
Theo các nhà khoa học, việc nghiên cứu số tàu ngầm của Anh và của Đức còn có thể giúp các nhà quân sự tìm hiểu, khám phá thành công chiến lược sử dụng tàu ngầm trong tác chiến và chi tiết về Chiến tranh thế giới I.

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Điểm danh tướng cướp nổi tiếng Sài Gòn trước 1975

Những tên tướng cướp này có số phận rất khác nhau, người thì được kính nể vì sự nghĩa hiệp, kẻ thì bị ghê sợ vì những tội ác khủng khiếp…

Sơn Vương – tướng cướp hào hiệp

Sơn Vương tên thật là Trương Văn Thoại, sinh năm 1909 ở Gò Công (Tiền Giang ngày nay), lớn lên ông tham gia phong trào yêu nước của chí sĩ Nguyễn An Ninh. Năm 1926, Sơn Vương bị Pháp bắt khi đi nghe chí sĩ Nguyễn An Ninh diễn thuyết. Sau đó, ông học và theo nghề báo.
Trong sự nghiệp văn chương của mình, Sơn Vương đã viết hàng chục đầu sách, phần nhiều là những quyển truyện nhỏ loại bỏ túi, mỗi cuốn vài chục trang.
Không chỉ viết sách, trong những năm 1931-1933, một mình Sơn Vương gây ra hàng chục vụ cướp mà đối tượng là những phú hộ, địa chủ mang tiếng gian ác ở các vùng Đồng Nai, Sài Gòn, Long An và lấy chiến lợi phẩm chia cho dân nghèo.
Tính khí mạnh mẽ, không né tránh trong hoạt động chống Pháp đã làm cho Sơn Vương liên tục vào tù ra khám. Để rồi ông bị thực dân Pháp dành cho mức án cao nhất ở Sài Gòn với tổng số năm tù là… 79 năm.
Cuối tháng 8/1945, phái đoàn của Chính quyền Cách mạng Nam Bộ ra Côn Đảo rước tù chính trị về đất liền. Do trong hồ sơ Sơn Vương là "thường phạm” (cướp giật) chứ không phải là "chính trị phạm” nên ông chưa được về đất liền đợt đầu, tiếp tục phải ở lại đảo.
Nhờ vậy sau đó ông được tín nhiệm bầu vào chức danh Chủ tịch Ủy ban hành chính Côn Đảo. Sau khi giặc Pháp tái chiếm Nam Bộ, rồi đánh chiếm Côn Đảo, chúng đã bắt Sơn Vương giam lại án tù chung thân. Năm 1953, vì khử một tên đại ác trong tù, Sơn Vương nhận thêm một án chung thân nữa. Ông tiếp tục ở tù đến ngày 18/11/1968 thì được Nguyễn Văn Thiệu trả tự do.
Sau khi ra tù năm 1968, Sơn Vương đã viết hồi ký, được đăng tải trên báo chí gây xôn xao dư luận một thời.
Là người sớm có lòng yêu nước từ thời niên thiếu, lại thêm tính cách hiệp sĩ phiêu lưu nên Sơn Vương hoạt động mang đặc điểm của tay giang hồ hảo hán. Khi trở thành tướng cướp, ông cũng thể hiện tính nghĩa hiệp, chuyên cướp của bọn cường hào, địa chủ, quan lại, đem chia lại cho dân nghèo. Tính khí ấy được Sơn Vương thể hiên trong các tác phẩm văn học của mình. Thật hiếm có người vừa là nhà văn lại vừa là tướng cướp.

Lệ Hải – tướng cướp đội lốt mỹ nhân

Khét tiếng trong giới giang hồ nhưng Lệ Hải (tên thật là Vũ Thị Bảo) lại xuất thân trong một gia đình gia giáo, trâm anh thế phiệt. Từ nhỏ Vũ Thị Bảo đã được cha mẹ gửi vào học chương trình Pháp tại những ngôi trường nổi tiếng thời đó

Thế nhưng, lấy xong bằng tú tài I (cấp 2 hiện nay), cô bỏ học và kết thân với các công tử ăn chơi khét tiếng. Khi 17 tuổi, Lệ Hải đã tiếp cận Đại Cathay và trở thành tình nhân của trùm giang hồ này. Những năm sau đó, cô ả trở thành một bà trùm khét tiếng trong giới bảo kê vũ trường, ổ điếm ở Sài Gòn.

Không dừng lại ở việc bảo kê, Lệ Hải còn dùng sắc đẹp hợp tác những tên cướp lì lợm như Minh Đen, Bình Toyota… để tiến hành những vụ cướp chấn động Sài thành. Điển hình là vụ bắt tay với Minh Đen cướp tiền, vàng trong đền Sòng Sơn, chiếm đoạt gần 4 triệu đồng (tương đương 200 cây vàng thời đó) và hơn 50 nhẫn hột xoàn, có cái lên tới 8 carat.

Khi Minh và đồng bọn bị sa lưới, nữ quái lại liên minh với Bình Toyota thực hiện hàng chục vụ cướp xe hơi táo tợn. Trong vai thiếu nữ con nhà lành, Lệ Hải đã quyến rũ được vô số đại gia chạy xe đến các con đường vắng để đồng bọn dùng súng cướp xe. Ả khôn khéo đến mức kể cả khi bị bọn du đãng cướp mất xe hơi vẫn không bị các đại gia nghi ngờ.

Sau năm 1975, Lệ Hãi “mất tích” trên giang hồ. Có nhiều đồn đại khác nhau về số phận nữ quái này. Người thì nói Lệ Hải bị đưa vào trại cải tạo, người khác thì nói rằng cô ả này sang Anh định cư và sống một cuộc sống cô độc.

Điềm Khắc Kim – cơn ác mộng của người Mỹ

Điềm Khắc Kim (báo chí Sài Gòn trước thường nhầm thành Điền Khắc Kim) tên thật là Lê Văn Minh, sinh năm 1947 tại Sài Gòn trong một gia đình nghèo, đông con. Lúc đầu, Minh cũng là một thanh niên bình thường với vẻ ngoài thư sinh, hiền lành. Nhưng sự kiện cô gái bán bar Helen Diễm, người mà Điềm yêu thầm bị lính Mỹ hiếp chết, quăng xác ra đường đã biến Minh đau đớn tột độ.

Trở nên hận đời và căm thù lính Mỹ, Minh bắt đầu bước vào bóng tối với cái tên Điềm Khắc Kim lừng lẫy giang hồ.

Khác với đại ca khác quy tụ nhiều đàn em, lập thành băng nhóm, Điềm Khắc Kim chỉ đơn thương độc mã nhưng lại nổi tiếng với những phi vụ xuất quỷ nhập thần. Hắn thực hiện một loạt vụ đột nhập cướp của, hiếp dâm vợ các quan chức Mỹ thời đó. Đặc biệt, Kim không làm bậy với tất cả phụ nữ mà chỉ nhắm vào những cô vợ của sĩ quan Mỹ.


Tướng cướp Điềm Khắc Kim.

Sau mỗi vụ cướp, hiếp chấn động, gã đều viết tên mình bằng ba chữ ĐKK như để chứng minh tài năng xuất quỷ nhập thần của mình. Điều đó khiến hắn nhanh chóng nổi tiếng trong giới giang hồ đất Sài Gòn.


Từ khi bắt đầu “sự nghiệp” cho đến sau năm 1975, Điềm Khắc Kim nhiều lần bị bắt nhưng cũng không ít lần trốn trại thành công. Vào tháng 9/1985, hắn bị tóm ngay tại trận.khi dùng súng cướp hàng tại chân cầu chữ Y. Sau nhiều vụ vượt ngục không thành, cùng sự tái phát của những vết thương cũ, hắn trở nên suy sụp

Điềm Khắc Kim trút hơi thở cuối cùng vào một đêm mưa tại trại giam Chí Hòa trong thi thể gầy còm, co rút vì bệnh tật hành hạ. Cuộc đời tướng cướp vĩnh viễn khép lại từ ngày ấy.
Lâm Chín ngón – tên tướng cướp “tốc độ”
Lâm Chín ngón tên thật là Lê Ngọc Lâm. Sinh năm 1945 tại Hà Tây, trong một gia đình Công giáo, Lâm đã cùng gia đình di cư vào Nam lúc mới 9 tuổi. Tại Hố Nai (Biên Hòa), gia đình Lâm đã gặp nhiều biến cố, suy sụp, nên mới 12 tuổi Lâm đã bị xô ra xã hội, rồi được đưa vào làng cô nhi Thủ Đức
Khi trưởng thành, nhờ có chút học thức, đánh đấm giỏi, lại lỳ đòn, Lâm nhanh chóng được Đại Cathay tin dùng trong các trận thư hùng nhằm tranh giành lãnh địa. Không bao lâu, Lâm trở thành trợ thủ đắc lực của Đại.
Trong một lần liều chết để cứu “chủ tướng”, Lâm đã bị đối phương chém đứt 1 ngón tay, hai bàn tay chỉ còn lại 9 ngón, vì vậy mà có biệt danh “Lâm Chín ngón”.

Cuối năm 1966, hàng loạt du đãng cộm cán ở Sài Gòn bị bắt, trong đó có Đại Cathay và Lâm Chín ngón. Cả bọn bị chở ra “Trung tâm cải huấn” trên đảo Phú Quốc, nơi được giới tội phạm đặt lại tên là Trại Cửu Sừng, lấy tên một quân bài trong bộ bài mạt chược.

Sau khi Đại Cathay bị bắn chết ở Phú Quốc, Lâm Chín ngón ở tù thêm một thời gian, cuối năm 1969 được thả ra. Trở về đất liền, hắn trở lại thế giới du đãng bằng nghề đi cướp đường bằng xe gắn máy. Chẳng bao lâu, đường phố Sài Gòn đã bị ám ảnh bởi một tên cướp chạy xe như bay, thách thức lực lượng cảnh sát.

Vào cuối năm 1970, Lâm Chín Ngón bị bắt trong một vụ cướp bất thành. Khi vào tù, án của hắn tăng nạng thêm do giết chết hai tù nhân do các vụ mâu thuẫn giữa giới giang hồ. Sau 18 năm ở tù, đến năm 1988, Lâm Chín ngón được trả tự do.
Ngựa quen đường cũ, hắn tiếp tục giao du với giới giang hồ, và điều này đã đem lại một kết cục bi thảm. Do mâu thuẫn với Năm Cam, Lâm Chín ngón đã bị ông trùm khét tiếng này sai đàn em tạt axit, trở thành kẻ thân tàn ma dại…

Bạch Hải Đường – tướng cướp huyền thoại

Bạch Hải Đường tên thật là Nguyễn Ngọc Truyện, sinh năm 1950 trong một ngôi nhà lụp xụp của thị xã Long Xuyên. Truyện bỏ học khi mới đọc thông, viết thạo. Rồi hoàn cảnh xô đẩy, hắn bỏ nhà đi tìm một cuộc sống riêng.

19 tuổi, Truyện lập gia đình có thêm hai đứa con trai. Truyện làm nghề chạy xe lôi chở khách và chở hàng thuê để kiếm tiền nuôi vợ con. Đến lúc này hắn vẫn là một người lương thiện, sống bằng chính sức lao động. Nhưng rồi cuộc sống cơ cực cùng với việc phải chứng kiến nhiều trái ngang, hắn đã bị đẩy vào con đường tội phạm.
Chuyến ăn trộm đầu tiên của Truyện là vào khoảng năm 1971, khi con đầu lòng ốm đau không có tiền thuốc men, với chiến lợi phẩm là một chiếc xe máy. Từ đó, hắn phát triển băng nhóm để thực hiện hàng loạt vụ cướp và nên nổi danh với cái tên Bạch Hải Đường.

Diễn viên Thương Tín - người nổi tiếng với vai tướng cướp Bạch Hải Đường. 

Chỉ trong 2 năm, với gần 50 lần đột nhập vào nhà của cảnh sát, bác sĩ, sĩ quan pháo binh, thiết giáp, nhà của phi công, dân biểu hạ viện, căn cứ quân sự, kho xăng... những nơi mà điều kiện về an ninh vô cùng nghiêm ngặt, Bạch Hải Đường đã làm đau đầu hệ thống cảnh sát, chính quyền Sài Gòn.

Tên tướng cướp này được “đồng nghiệp” đặc biệt nể phục vì những vụ đột nhập vào dinh thự của các quan chức Mỹ và sĩ quan chế độ cũ. Thậm chí, sau khi thực hiện những vụ trộm táo bạo, đang lúc cháy túi, hắn còn đột nhập vào nhà nạn nhân thêm lần nữa.
Thế rồi, những giai thoại lại được thêu dệt về hành tung bí ẩn của Bạch Hải Đường khiến tên tuổi của hắn trở thành một “huyền thoại”, đi vào những cuốn sách, kịch bản điện ảnh, sân khấu cải lương.
Sau năm 1975, Bạch Hải Đường vẫn tác oai tác quái. Hắn chỉ sa lưới sau khi bị thương trong một cuộc đọ súng với các chiến sĩ công an năm 1980.
Những vết đạn đã làm sức khỏe Bạch Hải Đường suy giảm nhanh chóng. Cộng vào đó các căn bệnh trước đây như đau dạ dày, viêm gan nay bùng phát khiến hắn không thể nào gượng nổi. Ngày 13/7/1983, tại bệnh xá của trại giam, Bạch Hải Đường đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi vào tuổi 33.

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

8 khám phá khảo cổ học rùng rợn trên TG

Nghệ sĩ biểu diễn leo dây trở thành vật hiến tế, những người mắc bệnh phong vẫn có thể trở thành chiến binh... là những khám phá khảo cổ học rùng rợn.

1. Hiến tế nghệ sĩ biểu diễn leo dây


Bằng chứng về tục hiến tế con người cho thần linh được tìm thấy khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, một địa điểm hiến tế được phát hiện năm 2008 dường như rất đặc biệt.
Theo báo cáo của tạp chí Antiquity năm 2008, người ta tìm được bằng chứng về một khu vực ẩn chứa những thi thể của nhóm người biểu diễn leo dây có vẻ kỳ lạ. Trong một tòa nhà cổ mà bây giờ là lãnh thổ Syria, các nhà khảo cổ phát hiện sự sắp xếp kỳ lạ những bộ xương người và động vật. Ba bộ xương người nằm cạnh nhau và đều không có đầu. Qua nghiên cứu, phân tích, các chuyên gia nhận định họ bị chấn thương bộ xương bất thường và các tổn thương khác ở dây chằng… Từ đó, các nhà nghiên cứu xác định một trong những người đó có thể được đem làm vật hiến tế.

Tòa nhà đó bây giờ phủ đầy bụi và bị bỏ hoang sau khi những thi thể không đầu bị vứt bỏ nơi đây. Người ta cũng nghi ngờ rằng, một số loài động vật và các nghệ sĩ thời cổ đại có thể bị đem làm vật hiến tế sau khi nơi đây xảy ra một số thảm họa thiên nhiên. Có lẽ, tổ tiên người Syria tin rằng những nghệ sĩ biểu diễn leo dây có thể giải trừ những tai họa đó.

2. Chiến binh mắc bệnh phong

Trong thời Trung cổ ở Italy, những người mắc bệnh phong vẫn có thể gia nhập quân ngũ và giành được những vị trí tốt trong thời gian họ phục vụ đất nước. Gần đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện một bộ xương có dấu hiệu mắc bệnh phong cũng như một vết thương do gươm gây ra. Đó là bộ xương của một người đàn ông có thể đã hy sinh trong trận chiến và được chôn cất cùng với đồng đội.

Người ta còn tìm thấy những bộ xương khủng khiếp trong các ngôi mộ ở nghĩa địa Italy thời trung cổ. Ít nhất hai trong số đó chứa thi thể của người đàn ông đã may mắn sống sót sau chấn thương lớn ở vùng đầu. Vết thương đó dường như do một chiếc rìu chiến gây ra. Một bộ xương nam giới khác bị một chiếc chùy đánh trọng thương. Người này có vẻ đã trải qua cuộc phẫu thuật não sau khi bị thương.
3. Người mắc bệnh phong đầu tiên

Bệnh phong còn có tên gọi khác là bệnh Hansen. Căn bệnh này không dễ lây lan nhưng những người mắc bệnh phong hủi thường bị trục xuất và bị người đời đối xử lạnh nhạt trong suốt chiều dài lịch sử. Những người mắc bệnh này thường xuất hiện các biến dạng cơ thể.

Một phát hiện khảo cổ học đã cho thấy những người mắc bệnh phong bị mọi người kỳ thị khi trên đường trở về nhà. Một bộ xương 4.000 năm tuổi được phát hiện ở Ấn Độ là bằng chứng khảo cổ học nổi tiếng nhất về trường hợp đầu tiên mắc bệnh phong. Qua nghiên cứu bộ xương, các chuyên gia cho hay người này bị bỏ rơi. Theo truyền thống của đạo Hindu, những người chết sẽ được hỏa táng và chỉ những đối tượng được coi là không thích hợp mới đem đi chôn cất. Bộ xương này được chôn trong khoảnh đất có hàng rào đá rải đầy tro đốt từ phân xúc vật. Đây là loại tro thể hiện sự long trọng và gột rửa theo truyền thống tôn giáo Ấn Độ cổ.

4. Chiến tranh hóa học thời cổ đại

Chiến tranh thời cổ đại thường liên quan tới vũ khí cầm tay. Tuy nhiên, cách đây khoảng 2.000 năm, một nhóm chiến binh gồm ít nhất 20 lính La Mã đã chết cực kỳ khủng khiếp. Trong một cuộc vây hãm của quân đội La Mã ở TP. Dura, Syria, lính Ba Tư đã đào một số đường hầm dưới tường thành để chống kẻ thù. Quân La Mã cũng đào hệ thống đường hầm riêng để trả đũa. Nhưng khi người Ba Tư biết quân La Mã sắp tới, họ đã chuẩn bị trước cái bẫy vô cùng lợi hại: phun đám khói chứa hỗn hợp chất độc biến phổi của lính La Mã thành axit.
Những đường hầm đó đã được các chuyên gia khai quật trong những năm 1920-1930 và sau đó được lấp lại. Nhà khảo cổ học Simon James đến từ ĐH Leicester cho hay những bộ xương và chất sulfur kèm nhựa đường là bằng chứng còn sót lại của một cuộc chiến tranh hoá học.
5. Cuộc thám hiểm của những con người xấu số

Chuyến thám hiểm tới Northwest Passage huyền thoại (tuyến đường biển xuyên qua Đại tây dương) khiến rất nhiều người thiệt mạng, bao gồm cả 129 người tìm kiếm một tuyến đường biển qua Bắc Cực năm 1845. Cuộc thám hiểm đó do Chuẩn Đô đốc Anh Sir John Franklin dẫn đầu. Tuy nhiên, những thành viên trong đoàn đã phải đương đầu với thời tiết băng giá, nơi mà tất cả đều chết vì đói, hạ thân nhiệt...
Chưa dừng lại ở đó, người ta còn phát hiện nhiều hài cốt của những người đàn ông bị nhiễm độc chì. Nó có thể xuất phát từ các loại thực phẩm đóng hộp mà đoàn thám hiểm đã ăn. Hàm lượng chì cao trong cơ thể có thể gây ra tình trạng nôn mửa, đau ốm và co giật.
Lúc đầu, những người chết được chôn cất khá nông. Sau này, ngày càng có nhiều người chết và người còn sống không còn thức ăn nên đã buộc phải ăn thịt người xấu số.

6. Ngôi mộ bí ẩn

Một ngôi mộ hoàng gia ở Hy Lạp có chứa bộ xương của một người đàn ông và một phụ nữ trẻ. Đây có thể là thi hài của vua Philip III và hoàng hậu Eurydice. Hai người này đã lần lượt bị giết chết và buộc phải tự tử do mẹ kế của vua Philip III đồng thời là mẹ của Alexander Đại đế có tên Olympias gây ra.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng thi hài người đàn ông đó là vua Philip II. Ông là cha của Alexander Đại đế. Điều đó dẫn đến suy đoán người phụ nữ còn lại trong mộ là Cleopatra, người vợ cuối cùng của vua Philip II.
Các cuộc tranh luận đã diễn ra gay gắt để đưa ra kết luận đó là nơi an nghỉ của Philip II hay Philip III.
7. Một em bé 3 tuổi người Alaska bị thiêu sống
Khoảng 11.500 năm trước, một đứa trẻ 3 tuổi bị thiêu sống và bỏ lại trong một lò sưởi ở miền trung Alaska. Sau đó, ngôi nhà bị lấp và bỏ hoang.
Bộ xương cô đơn đó được tìm thấy trong tình trạng được sắp xếp giống như hồi bị đốt trong lò sưởi khiến nhà khảo cổ học Ben Potter và Joel Irish ở ĐH Alaska không thể cầm lòng khi nhìn thấy cảnh tượng đau thương trên. Bởi lẽ, họ cũng có con tầm tuổi em bé khi bị thiêu sống trong lò.
"Đó là cảm xúc không thể nào quên khiến chúng tôi phải suy nghĩ. Nó vượt ra ngoài khía cạnh khoa học. Nó khiến chúng ta mường tượng ra cảnh một con người đang sống, đang thở trước khi bị thiêu", ông Potter cho hay.
8. Người Neanderthal ăn thịt đồng loại

Năm 2010, các nhà nghiên cứu cho biết, họ tìm thấy bộ xương của các thành viên trong một gia đình người Neanderthals trong hang động ở Tây Ban Nha. Điều rùng rợn là những bộ xương này mang dấu hiệu họ đã bị đồng loại ăn thịt.
Ba phụ nữ, 3 nam giới, 3 thiếu niên, 2 đứa trẻ và một em bé sơ sinh có thể đã trở thành bữa ăn của một nhóm người Neanderthal.

Theo các nhà khảo cổ học, gia đình này không phải là bằng chứng duy nhất cho tục lệ kinh hoàng ăn thịt đồng loại của người Neanderthal. Điều này có vẻ xảy ra khi điều kiện sống của họ trở nên khắc nghiệt. Do đó, người Neanderthal không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ăn thịt chính đồng loại của mình để có thể sinh tồn.

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Sự thật rùng mình về búp bê bị ma ám

Câu chuyện có thật sau đây là về những con búp bê và những đồ chơi bị ma ám nổi tiếng trong lịch sử.

Huyền thoại về búp bê Robert


Khi nói đến những con búp bê ma ám, búp bê Robert của Mỹ được cho là nổi tiếng nhất. Búp bê Robert là điểm nhấn không thể thiếu tại những chuyến tham quan về hồn ma tại vùng Key West và thậm chí nó còn là nguồn cảm hứng xây dựng lên nhân vật búp bê đáng sợ Chucky trong bộ phim nổi tiếng "Ma búp bê".

Robert thuộc về chủ sở hữu là Robert Eugene Otto. Năm 1906, cô hầu gái Bahamas đã đưa con búp bê cho cậu bé Robert và người ta cho rằng chính cô đã nguyền rủa món đồ chơi này sau khi cha mẹ của Robert tỏ thái độ không hài lòng với mình. Ngay sau khi cô hầu gái này bỏ đi, các sự việc bí ẩn bắt đầu xảy ra gây rắc rối cho gia đình Otto.

Búp bê ma Robert. 

Robert đã đặt tên cho búp bê bằng chính tên của mình và rất thích nói chuyện với nó, những người hầu khác khẳng định là con búp bê có cất giọng đáp lại. Họ cũng kể lại rằng món đồ chơi này có thể thay đổi biểu cảm theo ý thích và có thể tự di chuyển về nhà riêng của mình. Hàng xóm cũng thuật lại là đã nhìn thấy con búp bê di chuyển từ cửa sổ này đến cửa sổ khác khi gia đình Otto đi vắng. Các thành viên trong gia đình cũng nghe thấy tiếng cười khanh khách lạnh lẽo phát ra từ món đồ chơi này.

Búp bê Robert gây ra nhiều câu chuyện dị thường vào ban ngày, nhưng vào ban đêm nó chỉ tập trung vào cậu bé Robert Otto. Cậu bé thường thức dậy vào giữa đêm, la hét trong sợ hãi, cũng như các đồ đạc nặng trong phòng cậu đột ngột rơi xuống sàn nhà. Khi cha mẹ yêu cầu được biết chuyện gì xảy ra, cậu bé Otto luôn luôn nói rằng: "Robert làm đấy! Nó là Robert".

Robert Otto qua đời vào năm 1974, và con búp bê nổi tiếng của ông bây giờ được trưng bày tại Bảo tàng Fort East Martello ở Key West. Truyền thuyết kể rằng con búp bê sẽ nguyền rủa bất cứ ai chụp ảnh nó mà không xin phép, nếu búp bê Robert đồng ý, nó sẽ nghiêng nhẹ đầu bày tỏ sự cho phép. Du khách quên không thực hiện điều này phải quay lại để xin tha thứ, nếu không, những chiếc camera của họ luôn bị hỏng một cách bí ẩn sau đó.

Con mắt theo bạn

Búp bê Robert không hề đơn độc. Hàng trăm câu chuyện con búp bê ma được đăng lên các blog và diễn đàn về hồn ma trên Internet trong đó có một chuyện từ một người phụ nữ trung niên tại Moundsville, WV.

Những năm trước đây, người phụ nữ này có một người bạn học cùng lớp tên là Emily và cả hai thường dành rất nhiều thời gian ở nhà của Emily. Toàn bộ ngôi nhà toát lên vẻ kỳ lạ và nơi đáng sợ nhất chính là tầng áp mái.

"Các tầng áp mái đã được tu sửa hoàn thiện, nhưng nó có mùi của tử khí, giống như trong một tòa nhà bỏ hoang"- người phụ nữ viết - "Nơi đó luôn luôn lạnh, mặc dù lẽ ra không khí nóng từ tầng dưới luôn bốc lên. Tầng áp mái có bốn phòng nhỏ, một trong số đó được dành để chứa những con búp bê mà tôi luôn luôn thấy cực kì đáng sợ".

Búp bê bị ma ám. Ảnh minh họa. 


Một buổi chiều, các cô gái ngồi chơi với một vài trong số những con búp bê cho đến khi bà ngoại của Emily gọi họ đi ăn trưa. Họ đặt những con búp bê vải cũ kĩ trở lại trên kệ, nhưng một con đột ngột rơi xuống khi họ chuẩn bị rời đi. Điều này rất kỳ lạ vì hầu như không thể có trường hợp búp bê tự ngã. Cực kì bối rối, người phụ nữ nhặt con búp bê lên rồi đi xuống cầu thang để ăn. Tuy nhiên, đó không phải là sự kết thúc của câu chuyện.

Người phụ nữ viết tiếp: "Sau ngày hôm đó, khi Emily và tôi đang chơi trong rừng liền kề với ngôi nhà của mình, và tôi cúi xuống nhặt một hòn đá đẹp, khi tôi đi xuống, tôi cảm thấy một cái gì đó trong túi đang chọc chọc tôi. Lúc tôi cho tay vào túi, tôi đã thấy hai mắt con búp bê... đôi mắt của con búp bê tôi đã nhặt lên vào hôm đó. Sau sự kiện đó, tôi thật sự kinh hãi".

Những trang web búp bê ma ám
Mặc dù hầu hết mọi người đều cố tránh những con búp bê ma ám, một số người lại có một niềm đam mê mãnh liệt đối với những đồ chơi ma ám này, họ chia sẻ kiến thức và sự quan tâm trực tuyến.

The Doll House Cam chia sẻ hàng loạt video về búp bê ma ám, cung cấp cơ hội cho các thợ săn ma phát hiện hành động của một con búp bê ma ám. Tại trang chủ của DollHouseCam.com viết rằng: "Nằm tại một trang trại ở vùng nông thôn bang Pennsylvania (Mỹ), được bao quanh bởi các ngọn núi và dòng sông, có một bí mật ít ai biết đến. Bảy con búp bê từng được yêu thương bởi một bé gái hiện giờ chúng được bày trang trí trong ngôi nhà của một gia đình năm người. Chúng không chỉ ngồi trên chiếc kệ xinh đẹp, mà những con búp bê sứ đẹp đẽ này lại có cả linh hồn riêng."



Trang web David's Haunted Dolls viết: "Một con búp bê ma ám không đơn giản là những con búp bê. Những con búp bê bị ám là những linh hồn thực trong hình hài búp bê. Không ai thực sự biết liệu con búp bê đó có bị một linh hồn chiếm hữu hay không, hoặc linh hồn đó đã thoát ra khỏi đó chưa, nhưng chúng ta thật sự biết rằng chuyện đó có thể xảy ra. Bạn thậm chí có thể có một con búp bê ma trong nhà của bạn mà không hề hay biết".

Người ta nói rằng nếu muốn mua một con búp bê ma ám thì không đâu hơn "Những con búp bê ma ám của AJ". Trang web AJ’s Haunted Dolls cung cấp một loạt các loại đồ chơi đáng sợ, từ ngây thơ, ngọt ngào đến xấu xa và phá hoại.

AJ viết rằng: "Trong mỗi con búp bê có linh hồn trẻ em trong đó và những món đồ chơi siêu nhiên này độc đáo theo cách riêng của chúng. Chúng không chỉ đặc biệt bởi chứa những linh hồn mà còn do chúng rất xinh đẹp. Tôi luôn nỗ lực sưu tập hàng loạt những món đồ chơi có linh hồn và những món đồ ma thuật kì lạ nhất".

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Bí mật “nghĩa địa” dưới biển của hạm đội Nhật

Người Anh đã có những thước phim đầu tiên về khu nghĩa địa tàu thuyền dưới nước "có 1-0-2" của thế giới với đủ loại, từ tàu mặt nước tới tàu ngầm.

Ngày 7/12/1941, không quân Nhật Bản với nòng cốt là một đội phi công cảm tử đã bất ngờ tấn công vào Trân Châu Cảng (Hawaii), không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho những chiếc tàu chiến thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, mà còn khiến sĩ khí của những người Mỹ ở nội địa tụt xuống mức thấp nhất. Nhằm lấy lại niềm tin từ dân chúng, người đứng đầu Nhà Trắng lúc bấy giờ, Franklin D. Roosevelt, đã hạ lệnh đánh bom thủ đô Tôkyô của Nhật Bản.

Tàu chiến Nhật Bản ở đảo Chuuk bị oanh tạc.

Ngoài ra, theo một số tài liệu vừa mới giải mật, ngày 17/2/1944, quân Mỹ còn ra đòn báo thù nhằm vào đảo Chuuk (Truk), nơi được mệnh danh là "Trân Châu Cảng" của Nhật Bản. Nhằm chứng thực điều này, hãng BBC của Anh đã huy động một đội ngũ nhân lực, gồm hơn 30 thợ lặn, nhà quay phim dưới nước và nhà nghiên cứu sinh học biển sâu tiến hành tìm kiếm tại khu vực biển gần đảo Chuuk, ở độ sâu hơn 300 m. Kết quả, họ đã có những thước phim đầu tiên về khu nghĩa địa tàu thuyền dưới nước có một không hai của thế giới với đủ loại, từ tàu mặt nước tới tàu ngầm. Hiện tất cả các tàu của Nhật Bản chìm ở đây đã bị rỉ sét nghiêm trọng, trở thành nơi trú ngụ của các sinh vật biển.

Phần còn lại của một khẩu pháo lắp trên tầu chiến Nhật Bản bị đánh chìm.

Trở lại với sự kiện Trân Châu Cảng. Đòn tấn công của không quân cảm tử Nhật Bản đã làm hải quân Mỹ mất 4 tàu chủ lực, 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục, 188 máy bay, khiến 2.450 người chết và bị thương. Lầu Năm Góc khát khao có một ngày được ra đòn trả miếng. Chiến dịch oanh tạc thủ đô Tôkyô theo sự bật đèn xanh của Tổng thống Roosevelt vẫn chưa đủ để làm dịu bớt nỗi hận Trân Châu Cảng. Những đòn báo thù vẫn tiếp tục và lần này mục tiêu nhắm tới là đảo Chuuk của Nhật Bản. Bởi việc tiêu hao binh lực của Nhật Bản ở đảo Chuuk còn giúp quân Mỹ đảm bảo ưu thế về không quân và hải quân so với Nhật Bản, đặt nền tảng chiến thắng cho cuộc tấn công Eniwetok.

Xe tăng Nhật Bản bị đánh chìm cùng tầu chiến ở dưới đáy biển. 

Sau khi tiến hành trinh sát mọi mặt, ngày 17/2/1944, Đô đốc Raymond Spruance đã ra lệnh mở màn Chiến dịch Hailstone, tấn công đảo Chuuk. Lực lượng tác chiến đặc biệt số 58, dưới sự chỉ huy của Phó Đô đốc Marc A. Mitscher, gồm 5 tàu sân bay cỡ lớn (Enterprise, Yorktown, Essex, Intrepid, Bunker Hill) và 4 tàu sân bạy hạng nhẹ (Belleau Wood, Cabot, Monterey, Cowpens), mang theo hơn 500 máy bay và một đội ngũ tàu mặt nước, tàu ngầm hùng hậu đã giáng những đòn mạnh mẽ vào quân Nhật đồn trú ở đảo Chuuk. Cuộc tấn công kéo dài hai ngày, đánh chìm 3 tàu tuần dương (Agano, Katori, Naka), 4 tàu khu trục (Oite, Fumizuki, Maikaze, Tachikaze), 2 tàu ngầm (Heian Maru, Rio de Janeiro Maru), 3 tàu chiến cỡ nhỏ (Akagi Maru, Aikoku Maru, Kiyosumi Maru), 32 tầu buôn và làm bị thương hàng chục tàu khác của Nhật Bản. Cuộc tấn công cũng phá hủy 270 máy bay và khiến hơn 3.000 quan quân Nhật Bản làm mồi cho cá biển.

Trong hành động tác chiến này, quân Mỹ chỉ mất có 25 máy bay và 16 phi hành đoàn trong số đó đã được tàu ngầm và thủy phi cơ của Mỹ cứu sống. Chiến dịch Hailstone thành công mĩ mãn. Điều quan trọng là nó đã khiến quân Nhật ở Eniwetok không thể nhận được sự chi viện theo yêu cầu, tạo thuận lợi cho việc đánh chiếm Eniwetok của quân Mỹ, bắt đầu một ngày sau khi Chiến dịch Hailstone được mở màn.
Đảo Chuuk, nằm ở phía tây nam quần đảo Marshall, phía bắc quần đảo Solomon, sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất đã trở thành vùng đất ủy trị của Nhật Bản. Trong Chiến tranh Thái Bình Dương, đảo Chuuk là căn cứ hải quân, không quân quan trọng nhất của Nhật Bản ở Thái Bình Dương, được mệnh danh là "Eo Gibraltar trên Thái Bình Dương" và "Trân Châu Cảng của Nhật Bản". Từ đây, quân đội Nhật Bản đã mở nhiều chiến dịch chống lại quân Đồng minh ở Niu Ghinê và quần đảo Solomon.

Người Do Thái duy nhất Hitler muốn cứu sống

Bằng sự can thiệp cá nhân, trùm phát xít Hitler đã giúp Ernst Moritz Hess - một người Do Thái thoát khỏi nạn diệt chủng của Đức quốc xã.

Để thoát khỏi cuộc tàn sát của chính quyền Đức quốc xã, một bộ phận người Do Thái tìm cách chạy trốn khỏi đất nước, số khác lại gắng gượng sống trong các trại tập trung để chờ thời cơ được trả tự do. Chỉ duy nhất Ernst Moritz Hess - một người Do Thái được đích thân trùm phát xít Hitler dùng quyền lực của mình cứu sống.

Hitler đã dùng ảnh hưởng của mình để cứu Ernst Moritz Hess khỏi nạn diệt chủng người Do Thái. 

Cụ thể, Hitler đã ra lệnh cho tổ chức vũ trang SS không được động đến vị thẩm phán người Do Thái này vì Ernst Moritz Hess từng là chỉ huy quan trọng trong Chiến tranh thế giới I.
Trùm phát xít rất tự hào về Hess vì cả hai từng có thời gian cùng chiến đấu tại Mặt trận phía Tây. Do đó, trong khi gần 6 triệu người Do Thái bị tàn sát trong cuộc diệt chủng Holocaust của chính quyền Hitler thì Hess lại có được lá chắn thép cho sinh mệnh mình.

Sự thực bất ngờ này được chính con gái của Hess là Ursule tiết lộ. Những tình tiết cụ thể trong câu chuyện chỉ được hé mở sau khi một tờ báo phát hiện ra bức thư của Heinrich Himmler - người đứng đầu lực lượng SS và Gestapo gửi cho cấp dưới với nội dung yêu cầu không “hành hạ hay trục xuất” Hess.
Hồ sơ của lực lượng mật vụ Gestapo ở thành phố Dusseldorf có ghi chép thông tin về Hess, trong đó có cả một bức của Heinrich Himmler vào ngày 27/8/1940. Nội dung bức thư nêu rõ, Hess phải được “cứu trợ và bảo vệ an toàn theo ý nguyện của Quốc trưởng”.


Bức thư mà Himmler gửi cho cơ quan mật vụ có nội dung: "Không được phép bắt bớ, giết hại Hess theo ý nguyện của Hitler".

Himmler đã quán triệt quan điểm của Hitler và gửi thông báo cho tất cả cơ quan và nhân viên có liên quan.

Hess đã nói với cô con gái Ursule rằng, ông và các đồng chí cũ của mình trong thời Chiến tranh thế giới I không mấy ấn tượng với Hitler khi họ tái ngộ vào những năm 1920 – 1930. Đây cũng là lúc Hitler đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trong chính trường Đức. Hess cho hay, nhà độc tài tương lai rất hiếm khi mở lời nói chuyện và chỉ có vài người bạn trong quân ngũ thời đó.

Chân dung người Do Thái duy nhất mà Hitler muốn cứu sống. 

Người Do Thái duy nhất mà Hitler muốn cứu sống sinh năm 1890. Ông đã gia nhập Trung đoàn Bộ binh dự bị Bavaria số 2 vào thời điểm bắt đầu Chiến tranh thế giới I - cùng đơn vị mà trùm phát xít Hitler tình nguyện gia nhập.
Hitler và Hess đều được cử đến mặt trận Flanders vào mùa thu năm 1914 và phục vụ trong Trung đoàn List cho đến năm 1918.
Sau đó, Hess hai lần bị thương nặng vào tháng 10/1914 và tháng 10/1916. Trong mùa hè năm đó, Hess tạm thời đảm nhận vai trò chỉ huy đại đội mà Hitler đang phục vụ.

Hitler (phải) cùng Hess phục vụ trong đơn vị mang tên Trung đoàn List từ năm 1914 - 1918. 

Mặc dù được rửa tội theo đạo Tin lành nhưng mẹ của Hess lại là một người Do Thái. Theo Luật Chủng tộc Nuremberg của Đức quốc xã, Hess vẫn bị xếp vào nhóm người mang trong mình dòng máu của người Do Thái.

Theo pháp luật hiện hành của Đức thời đó, Hess bị buộc rời ghế thẩm phán vào năm 1936. Người thân từng chứng kiến cảnh ông bị những kẻ côn đồ Đức quốc xã đánh đập ngay bên ngoài nhà họ vào năm 1936.
Cũng vào năm đó, Hess đã gửi đơn kiến nghị đến Hitler xin được miễn áp dụng luật chủng tộc cho ông và con gái.
Ông từng đưa gia đình đến thành phố Bolzano, Italy vào tháng 10/1937 song bị buộc trở về nước vào năm 1939. Với hy vọng mối quan hệ thời chiến với Hitler sẽ bảo vệ được tính mạng mình, Hess đã chuyển gia đình đến một ngôi làng hẻo lánh ở bang Bavaria, miền Đông Nam nước Đức vào giữa năm 1940.
Một bản sao bức thư Himmler gửi cho lực lượng mật vụ Gestapo ở thành phố Dusseldorf đã được trao cho Hess.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 6/1941, Hess bị lực lượng SS ở thành phố Munich triệu tập. Khi bức thư được Hess trưng ra, thật bất ngờ, nó đã bị tịch thu và ông được thông báo rằng chỉ thị đã được hủy bỏ vào tháng 5/1941. Do đó, ông cũng chỉ là “một người Do Thái như những người khác”.
Hess qua đời ở thành phố Frankfurt vào ngày 14/9/1983 sau khi có một sự nghiệp thành công thời hậu chiến ở Tây Đức.

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Người đẹp bí ẩn khiến Đức quốc xã lung lay

Christine Granville là điệp viên được Thủ tướng Anh Churchill yêu thích nhất. Với tài năng đặc biệt của mình, cô đã làm suy yếu chính quyền Đức quốc xã.

Granville là điệp viên gan dạ đã xông vào vùng lãnh thổ của Pháp đang bị Đức quốc xã chiếm đóng để đấu tranh, mở đường giải phóng quốc gia này. Mới đây, Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia Anh mới công bố một số hình ảnh trong kho lưu trữ về nữ điệp viên xuất sắc này. Thông qua các bức hình, công chúng sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về nữ điệp viên xinh đẹp tài ba Granville.

Từng giành vương miện trong một cuộc thi sắc đẹp tại Ba Lan, Granville hoàn toàn không giống với hầu hết các hoa hậu kiều diễm, liễu yếu đào tơ khác. Sau khi Ba Lan rơi vào tay quân Đức, cô di cư sang Anh và bắt đầu tham gia vào các hoạt động bí mật dưới nhiều thân phận khác nhau. Sau đó, cô phục vụ tại Cục Hành động đặc biệt (SOE) của Anh.
Nhờ diện mạo xinh đẹp, đặc biệt là tinh thần quả cảm, trí tuệ vượt trội, Granville đã thu thập được vô số tin tình báo giá trị, trong đó có cả thông tin dự báo về việc quân Đức sẽ xâm lược Liên Xô. Chính vì vậy, cô nhanh chóng trở thành một trong những nữ điệp viên nổi tiếng nhất trong Chiến tranh thế giới II và được Thủ tướng Anh Churchill yêu thích nhất trong số các điệp viên thời ấy.



Hình ảnh chưa từng công bố về nữ điệp viên xinh đẹp Granville. 

Sau khi kết thúc chiến tranh, Granville nhận được rất nhiều huân huy chương nhờ những điệp vụ xuất sắc của mình. Cô rất tự hào vì những chiến tích đã đạt được.

Tuy nhiên, những hình ảnh trong bộ ảnh mới được công bố lại cho thấy góc khuất trong công việc và cuộc đời của nữ điệp viên. Cuộc sống hàng ngày của Granville luôn trong vòng nguy hiểm vì cái chết rình rập.


Một bức ảnh chụp Granville ngồi cạnh hai thanh chống bằng gỗ - tất cả những gì còn lại của một cây cầu bị quân Đồng minh cho nổ tung khi tiến vào giải phóng nước Pháp. Trong ảnh, cô nở nụ cười ngọt ngào.

Nhiệm vụ của Granville trong thời chiến không phải là phá hủy và nó cũng chưa bao giờ xuất hiện trong ý nghĩ của cô. Granville luôn mang theo một con dao bên người và giấu ở đùi để sẵn sàng hành động.

Nữ điệp viên xuất sắc làm việc cho Cục Hành động đặc biệt (SOE) sinh ở Krystyna Skarbek, Ba Lan. Cô đã tham gia hoạt động tình báo kể từ năm 1939 - sau khi quê hương của cô bị chính quyền Đức quốc xã chiếm đóng.
Trong thời gian đó, Granville theo học khóa huấn luyện gọi là “'Section D”. Sau đó, cô gia nhập Cục Hành động đặc biệt (SOE) – cơ quan chuyên thực hiện các điệp vụ thu thập tin tình báo, trinh sát và phá hoại trong lãnh thổ bị chiếm đóng.


Một trong số những vũ khí mà cựu nữ hoàng sắc đẹp Granville luôn mang theo bên mình để thực hiện các điệp vụ.

Những điệp vụ đầu tiên của Granville là ở khu vực giữa Hungary và những địa điểm tại Ba Lan bị phát xít Đức chiếm đóng. Tại đây, cô đã chứng minh được sự gan dạ, quả cảm của mình khi làm nhiệm vụ chuyển tin vô cùng thông minh. Cô thường di chuyển bằng cách trượt tuyết vào ban đêm trong cái giá rét -30 độ C để tránh các cuộc tuần tra biên giới của kẻ kịch.

Không chỉ gan dạ, táo bạo, nữ điệp viên Granville còn vô cùng thông minh và đầy bản lĩnh khi đối mặt với kẻ thù và thoát thân thành công. Cụ thể, có lần cô đã đánh lừa thành công một sĩ quan Gestapo khi mang theo những gói hàng chứa truyền đơn tuyên truyền từ Anh vào lãnh thổ Ban Lan. Cô nói với viên sĩ quan này rằng, đó là những gói trà mua ở chợ đen về chữa bệnh cho mẹ. Sau đó, cô nở nụ cười "chết người" khiến viên sĩ quan cho cô mang gói hàng qua chốt kiểm tra một cách dễ dàng.

Lại có lần, cô và sĩ quan quân đội Ba Lan Andrzej Kowerski bị lực lượng cảnh sát mật của Đức quốc xã Gestapo bắt và tra tấn. Granville và cộng sự có thể phải chết nếu như đối phương chứng minh được hai người là điệp viên của phía bên kia. Nhờ tài trí của mình, Granville đã tìm ra cách thoát nạn trong gang tấc bằng cách cắn chảy máu lưỡi. Sau đó, cô giả vờ ho ra máu và thuyết phục nhân viên Gestapo rằng, cô và cộng sự mắc bệnh lao phổi. Các sĩ quan Gestapo đã vô cùng sợ hãi và cuối cùng quyết định thả nữ điệp viên tài ba cùng sĩ quan Kowerski. Họ lo sẽ bị lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm trên.


Những huân, huy chương mà Granville được trao tặng trong thời gian làm điệp viên.

Do tinh thông tiếng Pháp, nữ điệp viên Granville được cử đến khu vực miền Nam nước Pháp để phối hợp với các lực lượng tiến bộ trong nước đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. Sau đó, cô được thăng cấp vì lập được nhiều thành tích khi làm việc ở SOE. Cô trở thành người phụ trách liên lạc giữa Anh với các đồng nghiệp trong khu vực.
Sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp và vô cùng thông minh, Granville có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với phái mạnh. Trong số những người theo đuổi, cô đã yêu đồng nghiệp Francis Cammaerts khi cả hai kề vai sát cánh tác chiến chống lại chế độ cầm quyền của Đức quốc xã. Trong một báo cáo mật có liên quan đến nữ điệp viên tài ba này có chi tiết cô đã tìm mọi cách để cứu người yêu khỏi ngục tù của kẻ địch.
Cụ thể, Cammaerts đã bị bắt cùng với hai đồng nghiệp tại một trạm kiểm soát. Khi nghe hung tin, Granville đã “khẩn cầu” các thành viên thuộc lực lượng kháng chiến địa phương lên kế hoạch cướp ngục để cứu Cammaerts.
Cô đã thuyết phục được quan chức địa phương và đích thân tham gia kế hoạch giải cứu người yêu. May mắn là kế hoạch của cô thành công trót lọt.

Thi hài Granville được chôn cất tại nghĩa trang Công giáo La Mã St Mary's ở Kensal Green, London, Anh.

Nữ điệp viên tài ba này đã qua đời tại một khách sạn ở West London năm 1952. Sự ra đi của cô nhanh chóng trở thành sự kiện mang tầm cỡ thế giới. Khi đó, Granville bị chính người yêu sát hại bằng một nhát dao chí mạng. Kẻ giết cô chính là George Muldowney. Sau khi bị bắt về quy án, cơ quan chức năng đã treo cổ Muldowney vì tội ác đã gây ra.
Một năm sau đó, cha đẻ của loạt tiểu thuyết trinh thám James Bond là Ian Flemming đã không cưỡng lại được sức cuốn hút của nữ điệp viên Granville nên lấy cô làm nguồn cảm hứng cho nhân vật nữ điệp viên hai mang Vesper Lynd trong tác phẩm đầu tay về James Bond mang tên "Sòng bạc Hoàng gia" (Casino Royal).

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

6 nữ tướng cướp nổi tiếng chấn động mặt biển

Mặc dù sở hữu diện mạo xinh đẹp, gia thế tốt nhưng Sayyida al Hurra, Teuta vùng Illyria… đã chọn hành nghề cướp biển.

1. Sayyida al Hurra


Sayyida al Hurra sinh khoảng năm 1485 trong một gia đình Hồi giáo nổi tiếng ở Vương quốc Granada. Gia đình cô đã buộc phải rời bỏ ngôi nhà bao năm sinh sống vào năm 1492, sau cuộc thanh trừng của tòa án dị giáo Tây Ban Nha. Sau đó, gia đình cô định cư tại Chaouen, Morocco. Năm 1515, người chồng doanh nhân của Hurra qua đời. Khi đó, cô trở thành thống đốc Tetouan. Khi ở vị trí này, cô đã gặp và kết hôn với vua Morocco Ahmed al- Wattasi. Mặc dù cô ấy sẽ có cuộc sống giàu sang hơn khi kết hôn với người đứng đầu đất nước nhưng Hurra đã quyết định rời khỏi nhà và rong ruổi trên đường. Năm 1542, con riêng của chồng đã lật đổ Hurra. Số phận của cô không ai biết rõ.

2. Nữ hoàng cướp biển Teuta vùng Illyria


Rất ít người có đủ dũng khí để đối đầu với La Mã. Nhưng nữ hoàng cướp biển như Teuta lại có thể trực tiếp đối đầu với họ. Sau khi chồng của bà là vua Ardiaei qua đời, Teuta thừa kế điều hành Vương Quốc Ardiaean kể từ năm 231 trước công nguyên. Trong nỗ lực giải quyết những bất đồng với các nước láng giềng, Teuta đã hỗ trợ nhóm cướp biển hoạt động ở vương quốc mình cai trị. Do đó, cô đã đánh chiếm được các thành phố Dyrrachium và Phoenice. Không dừng lại ở đó, nhóm cướp biển mà Illyria đỡ đầu còn tấn công các thuyền buôn của Rome và Hy Lạp. Hai đại sứ gửi người La Mã được cử đến gặp Teuta đều bị cướp biển bắt giữ. Trong đó, một người bị giết và người còn lại bị giam cầm. Năm 229 trước công nguyên, La Mã đã tuyên chiến với nữ hoàng cướp biển. La Mã điều lực lượng gồm 20.000 quân và một hạm đội 200 tàu đến vùng chiến sự khiến Teuta phải đầu hàng năm 227 trước công nguyên. Mặc dù vương triều của Teuta vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng người La Mã cấm Teuta không bao giờ được ra khơi nữa.

3. Anne Bonny


Nữ tướng cướp Anne Bonney sinh ra vào khoảng năm 1697 - 1700 ở County Cork, Ireland. Bà là con ngoài giá thú của luật sư William Cormac. Ông đã có quan hệ bất chính với cô hầu gái của vợ cũ. Khi bị mọi người phát hiện, William đã đem con gái và nhân tình đến vùng đất khác ẩn náu để tránh tai tiếng của người đời.
Ngay từ khi còn nhỏ, cô thường đóng giả con trai và có khả năng đánh nhau vượt trội. Năm 16 tuổi, với tính cách mạnh mẽ, Anne bỏ trốn theo tên cướp biển James Bonney, lấy hắn làm chồng bất chấp sự phản đối của cha. Kể từ đó, cô bắt đầu dấn thân vào con đường tội lỗi.
James đã đưa cô đến hang ổ của hải tặc ở New Providence, Bahamas. Trong thời gian sống cùng, Anne nhận ra hắn là kẻ hèn nhát, không có chí tiến thủ nên dần nhạt phai tình cảm. Cùng thời gian đó, cô đã gặp và đem lòng yêu thuyền trưởng cướp biển ngang tàng Jack Rackham.
Biết vợ có quan hệ bất chính, James bắt cóc và hành hạ Anne trước mặt nhiều người. Để cứu nhân tình của mình, Rackham đưa ra đề nghị nhường lại cho James một phần trong số tài sản khổng lồ của mình và yêu cầu hắn để yên cho Anne. Cô đã mang thai với Rackham và chỉ tạm nghỉ công việc của nữ tướng cướp trong thời gian rất ngắn đủ để sinh con. Sau đó, cô đã gửi con cho một người bạn ở Cuba trông nom giúp để lại được bôn ba với những tháng ngày trên mặt biển.
Vào một đêm cuối tháng 10/1720, tàu của hải tặc Rackham đang neo đậu ngoài khơi bờ biển Point Negril, Jamaica để ăn mừng phi vụ mới hoàn thành thì bị một chiếc tàu Hải quân Anh do thuyền trưởng Jonathan Barnet tấn công bất ngờ. Do đang trong tình trạng say rượu, nên đội quân cướp biển chống cự yếu ớt và nhanh chóng bị thu phục. Tất cả bọn cướp biển bị bắt về quy án, trong đó có cả Anne. Thủ lĩnh băng đảng Jack và các thành viên còn lại bị kết án treo cổ vào tháng 11/1720. Còn Anne may mắn thoát tội vì được cha hối lộ tòa án.

4. Ching Shih


Ching Shih sinh năm 1775, là nữ tướng ướp gây chấn động mặt biển khu vực gần Trung Quốc hồi thế kỉ XIX. Mặc dù người ta tìm được rất ít thông tin về thời thơ ấu và trưởng thành của Ching Shih nhưng họ cũng biết được rằng, cô từng là gái lầu xanh hành nghề ở thành phố Canton. Năm 1801, cô bị một nhóm cướp biển. Sau đó, cô kết hôn với thuyền trưởng nhóm cướp biển đã bắt cóc mình là Zheng Yi.
Zheng thành lập một liên minh cướp biển với tên gọi là Hạm đội cờ đỏ. Sau khi Zheng Yi qua đời năm 1807, Ching trở thành thủ lĩnh hạm đội cướp biển trên. Với quân số gồm hơn 300 tàu cùng 40.000 cướp biển, họ từng là nỗi kinh hoàng cho cả bộ chỉ huy hạm đội Anh. Không những vậy, Hải quân Trung Quốc cũng mất 63 tàu trong cuộc chiến với hạm đội cướp biển đó, buộc triều đình phải ban lệnh ân xá vào năm 1810. Khi đó, hạm đội cướp biển chấp nhận lời thỏa hiệp của chính phủ.

5. Anne Dieu-Le-Vuet


Anne Dieu-Le-Vuet sinh vào khoảng năm 1650. Cô từng là một tên tội phạm bị đày từ Pháp tới Tortuga giữa năm 1665 - 1675. Khi ở Tortuga, Anna đã kết hôn với cướp biển Pierre Length.
Năm 1683, Pierre bị giết trong một cuộc ẩu đả với tên cướp khác là Laurens de Graaf. Khi đó, Anna đã đòi thách đấu với Laurens nhưng bị từ chối. Sau đó, tên này vì ấn tượng bởi vẻ nóng tính của Anna nên đã cầu hôn cô và được cô nhận lời.
Kể từ đó, Anne cùng chồng ra khơi tấn công các tàu buôn và thậm chí đã tiến hành cướp bóc Jamaica năm 1693. Đến năm 1694, người Anh tấn công Tortuga và bắt được Anne cùng 2 cô con gái. Mặc dù bị bắt nhưng 3 mẹ con nữ cướp biển được đối xử tử tế. Không những vậy, họ còn gặp lại Laurens vào năm 1698. Tuy nhiên, kể từ đó, không ai nhìn thấy hay biết tin tức gì về gia đình cướp biển này.

6. Christina Anne Skytte



Nữ cướp biển Christina Anne Skytte sinh năm 1643. Cô là con của Baron Jacob Skytte sống ở vùng Dudehof, Thụy Điển. Anh trai của cô là Baron Gustav Skytte. Khi đó, Baron vẫn không thỏa mãn với khối tài sản khổng lồ của mình và sống cuộc đời bí mật khác khi trở thành cướp biển kể từ năm 1657. Nhóm cướp biển của hắn chuyên tấn công và cướp bóc các tàu trên vùng biển Baltic.
Cùng với chồng chưa cưới là Gustaf Drake, Christina đã trở thành một đối tác trong "công việc" với anh trai mình. Năm 1663, cô tham gia phi vụ tấn công một tàu buôn Hà Lan, giết chết thủy thủ đoàn và cướp toàn bộ hàng hóa. Cuộc tấn công kinh hoàng trên đã khiến giới chức trách lao vào cuộc truy bắt hung thủ. Cuối cùng, họ bắt và xử tử hôn phu Gustaf của Christina. Trong khi đó, cô buộc phải bỏ trốn khỏi Thụy Điển và sống lưu vong nay đây mai đó.